Nhật ký hành trình đại lễ cầu nguyện Đức Pháp Vương trường thọ ở núi Druk Amitabha | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nhật ký hành trình đại lễ cầu nguyện Đức Pháp Vương trường thọ ở núi Druk Amitabha

50
26/09/2010 - 00:00

 

alt

Trong khoảng thời gian năm ngày từ 05 đến 09 tháng 09 vừa rồi, đoàn hành hương gồm trên một trăm Phật tử Drukpa Việt Nam đến từ khắp các miền đất nước có duyên lành cùng vân tập tại tự viện núi Druk Amitabha, trụ xứ chính của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII tại Kathmandu, Nepal để tham gia khóa Đại lễ cầu nguyện Đức Pháp Vương trường thọ.

Nghi thức thỉnh cầu chư Phật trụ thế hay còn gọi là thỉnh cầu bậc thầy trường thọ đã xuất phát từ thời Đức Phật Thích Ca. Năm Đức phật 80 tuổi, ma vương hiện xuống thỉnh Phật nhập niết bàn. Đức Phật im lặng chưa nhận lời. Đối với Ngài chuyện đi, ở hoàn toàn phụ thuộc vào phúc đức của chúng sinh. Một bậc Giác ngộ có thể tuỳ ý kéo dài tuổi thọ vô số kiếp nếu Ngài thấy vẫn còn những chúng sinh có duyên cần độ, hoặc có thể tự tại thị tịch nếu cảm thấy đã mãn duyên. Mỗi lần ma vương cung thỉnh Đức Phật đều nói với A Nan (thị giả cận kề của Ngài), thế nhưng do nghiệp chướng của chúng sinh, và lực của ma vương cố tình che lấp nên A Nan đã không nghe thấy gì, vì thế không cung thỉnh Đức Phật trụ thế để cứu độ chúng sinh. Sau ba lần ma vương cung thỉnh Đức Phật đã nhận lời nhập niết bàn. Khi nghe được tin này tất cả đệ tử của ngài vô cùng đau khổ, nhiều vị A la hán đã vội nhập Niết bàn vì không thể chứng kiến cảnh bậc Thầy của mình thị tịch. Trong số đại đệ tử có người khóc lóc đến trước Phật đỉnh lễ cầu thỉnh Ngài đừng nhập niết bàn. Đức Phật xót thương hứa khả trụ lại thế gian ba tháng nữa. Nghi thức thỉnh cầu các bậc Thầy trụ thế dài lâu bắt đầu từ đó. Đây cũng là một pháp tu quan trọng trong mười hạnh Phổ Hiền. Như vậy thỉnh cầu các bậc thầy trụ thế là pháp tu cần yếu mà tất cả chư Bồ tát đều thực hành. Ngay cả Bồ tát Phổ Hiền là một vị Pháp thân bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ hậu đắc cũng vẫn tinh tiến tu tập công hạnh này. Như vậy thì đối với những người sơ cơ như chúng ta thì pháp này lại vô cùng quan trọng và cần thiết. Đặc biệt đối với các hành giả thực hành Mật thừa - Kim Cương thừa, thì vai trò của Bậc Thượng sư lại càng quan trọng hơn.Vì vậy việc thỉnh cầu một vị Thầy giác ngộ trụ thế là một công hạnh tối cần thiết và không thể nghĩ bàn. Bởi vậy Đức Phật từng dậy rằng, trong tất cả những lời nguyện cầu, lời thỉnh cầu vị Thầy trường thọ là thù thắng nhất. Bởi vì trong thời đại này sự hiện diện của một Bậc Thầy giác ngộ là chỗ tựa nương đáng tin cậy duy nhất cho vô số chúng sinh.Chỉ nhờ sự hướng đạo của các Ngài chúng ta mới có thể tinh tấn tu tập thực hành mà không sợ lạc đường tà, cũng như nương vào tâm từ bi và trí tuệ của Ngài mà chúng ta có thể vững bước tìm về cội nguồn chân hạnh phúc, giác ngộ.

Tuy là một tổ chức non trẻ trong hệ thống hàng trăm tự viện và hàng chục trung tâm thuộc truyền thừa Drukpa trên thế giới, nhưng với tâm chí thành chân thật của những đệ tử Drukpa Việt Nam tha thiết hướng về bậc thầy Căn bản Thượng sư đã cảm tới tâm của Đức Pháp Vương. Ngài đã hoan hỷ chấp nhận lời thỉnh cầu tha thiết mà hiện diện trong đại lễ cầu nguyện các bậc thầy trường thọ do Drukpa Việt Nam tổ chức tại tự viện Druk Amitabha-Nepal.

Vậy là sau bao nguyện cầu và khao khát mong chờ, sau không ít những nỗ lực nhiệt thành trong công tác chuẩn bị, cuối cùng đoàn Phật tử Drukpa Việt Nam với sự góp mặt của chư Tăng ni và Phật tử đã lên đường về Đất Phật, đến với bậc Thượng sư tôn kính của mình để thực hiện một trong những thiện hạnh cao đẹp nhất mà người đệ tử có thể làm, đó là thể hiện tâm chí thành và tấm lòng tri ân kính ngưỡng tới bậc Thầy của mình qua việc thiết tha thỉnh cầu Ngài trụ thế dài lâu vì sự lợi ích của hết thảy chúng sinh. Vượt qua những khó khăn tổ chức, đối với một số người còn là cả các nghịch duyên thử thách, vào những ngày đầu tháng 9, các phái đoàn Drukpa Việt Nam từ các vùng miền khác nhau đã có thể lên đường. Tại Hà Nội, nơi có số Phật tử Truyền thừa đông đảo nhất, số lượng thành viên đăng ký tham gia lên tới 50 người mang theo cả những tấm lòng vọng hướng thiết tha của các Phật tử ở nhà, những người chưa đủ duyên lên đường lần này nhưng đều gửi gắm trọn tâm hồn tới Bậc Thầy của mình.

Và như thế, trưa ngày 4/9, đoàn Phật tử Hà Nội đã đặt chân xuống sân bay Kathmandu trong sự ngênh đón vẹn toàn chu đáo của các Chư ni tự viện Druk Amitabha. Hơn chục chiếc Land Cruiser đón khách và xe tải lớn chở đồ đã được các cô chuẩn bị trước để chuyên chở phái đoàn và các vật dụng đi kèm. Đoàn xe xuyên qua thủ đô Kathmandu náo nhiệt ồn ào đi xa ra vùng ngoại ô hướng về phía đỉnh núi Amitabha (A di Đà ).

Tự Viện Núi Druk Amitabha tọa lạc trên một đỉnh núi cao tuyệt đẹp có tầm mắt rộng nhìn toàn bộ thủ đô Kathmandu.
Từ đây, ta có thể đi bộ tới ngôi bảo tháp nổi tiếng Swayambhunath của Kathmandu. Tự viện được kiến lập cách đây quãng hai chục năm, khi Đức Pháp Vương trong cuộc tìm kiếm địa điểm lý tưởng để đặt bảo tượng A Di Đà theo sở nguyện của thân mẫu Ngài đã có linh kiến nhìn thấy hào quang màu đỏ cát tường phát lên từ rặng núi xa phía Tây thủ đô Kathmandu. Đây  là nơi tổ chức các Hội đồng thường niên của Truyền thừa Drukpa trong hai năm gần đây. Vào lúc thời tiết trong sáng, từ nơi này, người ta có thể thấy những rặng núi đầy tuyết phủ của dãy Himalaya đẹp lộng lẫy theo một đường dài hầu như bất tận.

Bước chân qua cánh cổng lớn của tự viện thâm nghiêm, đứng dưới bầu trời xanh ngắt ở độ cao ngang tầm mây mà phóng tầm mắt xuống thung lũng ngút ngàn đang giang trải ra dưới ánh trời óng ánh, cả đoàn chúng tôi không nén niềm cảm xúc đang trào dâng. Vâng, đây chính là Amitabha hay cõi Tịnh độ truyền thừa, nơi mỗi hành giả truyền thừa từng có duyên viếng thăm đều phát nguyện trở về và những du khách vãng lai lần đầu cũng dễ dàng  gột bỏ tất cả phiền não bụi trần để hân hưởng ân phúc gia trì nơi cảnh giới non thiêng thanh nhã hợp nhất với tâm nguyện cứu độ lợi tha của Bậc Thượng sư giác ngộ. Mọi thứ đều hoàn hảo, tráng lệ, trang nghiêm và thuần khiết. Phúc lành và sự gia trì đem lại từ những hoạt động tâm linh dưới sự dẫn dắt của Đức Pháp Vương thực sự đã giúp núi Druk Amitabha trở thành một vùng thánh địa thanh tịnh hòa nhập tuyệt vời với vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của cảnh quan sẵn có.

Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết sự tri ân sâu sắc của chúng tôi khi nương lòng từ của Đức Pháp Vương, chúng tôi đã được Ngài cho phép lưu lại Tự viện núi Druk Amitabha và được bố trí những điều kiện lưu trú, tu tập thực hành tốt nhất. Đích thân Đức Pháp Vương cùng các sư ni quản chúng nơi đây đã quan tâm sắp đặt chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho chúng tôi một cách vô cùng chu đáo. Đoàn Phật tử được bố trí nghỉ ngơi tại khu biệt thự Ngôi sao, nơi chư vị Thượng sư truyền thừa từng lưu gót sen trong Hội nghị thường niên Drukpa hai năm về trước.

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

Suốt bốn ngày đại lễ, chúng tôi được tắm mình trong không khí vô cùng linh thiêng. Âm thanh trầm ấm của Đức Pháp vương hoà quyện với bao pháp khí bổng trầm đã len lỏi vào tất cả mọi ngõ ngách vô minh trong tâm thức mỗi chúng tôi để tịnh hoá, nâng đỡ, thăng hoa, giúp chúng tôi bất chợt được trở lại với chính mình. Ôi kể làm sao niềm tri ân của những người con trên bước đường tìm về với sự nâng đỡ của bậc Từ phụ! Tình thương của bậc Thầy chính là đây, trong mọi trường hợp luôn khai ngộ cho chúng ta trở lại cội nguồn ân phúc từ vô thuỷ.Trong những ngày đại lễ, chúng tôi được tham dự rất nhiêu nghi thức linh thiêng,gồm cả những vũ điệu Kim cương được chư ni phô diễn để triệu thỉnh chư Hộ pháp tịnh trừ các chướng ngại. Nhiều điềm cát tường xuất hiện trong suốt đại lễ khiến tâm thức chúng tôi ai nấy đều vô cùng hoan hỷ. Trong đại lễ Drukpa Việt Nam được dâng cúng Mandala.  Trước khi dâng cúng Mandala thầy Bảo Tâm đại diện dâng lời tác bạch thiết tha  thỉnh cầu Đức Pháp Vương trụ thế. Trọn vẹn tâm chí thành được biểu lộ qua lời tác bạch đã khiến hàng trăm hàng lệ tuôn rơi vì xúc động. Vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, lòng chí thành đã cảm động đến toàn thể những ai hiện diện nơi đây,  bất kể đó là Phật tử Việt Nam, Butan hay Hồng Kong, Sinhgapore cho đến chư tăng ni tự viện Druk Amitabha...ai nấy đều ngẹn ngào rơi lệ. Toàn sảnh chính điện vang lên lời ca Việt Nam cúng dường tới bậc Thầy và những lời kính chúc Đức Pháp Vương: "Chúng con kính chúc Thầy: Vô lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô biên công đức!"

Nhờ sự thỉnh cầu của Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche và lòng từ ái của Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa, ngày 06-đoàn Drukpa Việt Nam được phước duyên chiêm ngưỡng xá lợi tim tự hiện thánh tượng Chakrasamvara của Bậc Toàn tri Tôn quý Đức Pháp vương đời thứ IV Kunkhyen Pema Karpo. Đây là một thắng duyên vô cùng hy hữu, vì trong quá khứ có những thời điểm phải sau hàng chục, thậm chí hàng trăm năm các hành giả truyền thừa mới có phúc duyên chiêm bái xá lợi tự chứng đắc Thắng Lạc Kim Cương của Đức Pháp Vương đời thứ IV.  Trước khi chiêm ngưỡng xá lợi, chúng tôi được Đức Nhiếp chính vương Khamtrul Rinpoche giảng ý nghĩa và lợi ích của việc chiêm bái xá lợi. Ngài giảng rằng: Xá  lợi  là phần tinh tuý của từ bi và trí tuệ và những tư tưởng thánh thiện thanh cao được kết tinh thành ngọc Xá lợi bất khả hoại. Ngọc Xá Lợi có thể tồn tại hàng ngàn năm để độ cho những người có duyên. Những ai có phúc duyên được chiêm ngưỡng Xá lợi của các bậc Giác ngộ sẽ  không bị đọa trong ba cõi thấp, tăng trưởng công đức và sự kết nối  với các Ngài trong vô số kiếp trong tương lai.

Vào những ngày này, dù rất bận rộn nhưng Đức Pháp Vương vẫn giành thời gian vàng ngọc giảng dạy giáo pháp tinh yếu cho các Phật tử Việt Nam. Trong phần giảng của mình, Ngài đã khái quát về lịch sử Tự viện núi Druk Amitabha, tiếp đến giảng về nền tảng tam thừa trong hệ thống Kim Cương thừa. Ngài cũng nhấn mạnh hành giả tu tập Kim Cương thừa cần sống tỉnh thức trong hiện tại, ý thức được sự trân quý của điều kiện hiện tại để thực hành tu tập và luôn phát bồ đề tâm trong các phép thực hành đến từng hành vi cá nhân cũng phải nguyện hồi hướng cho lợi ích hết thảy hữu tình.

Phái đoàn cũng được Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche từ ái gặp gỡ, khuyến tấn các Phật tử Việt Nam và ban tặng mỗi người một cuốn luận giải trước tác 37 Bồ tát hành của Đức Pháp Vương.

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

alt

Ngày thứ tư của Khóa đại lễ lần này đánh dấu một sự kiện Phật pháp đặc biệt với nghi thức do Đức Pháp Vương chủ trì thỉnh cầu Bản tôn hộ thần nhập Bảo Tháp Swayambhunath. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa thung lũng Kathmandu là một cái hồ, và ngọn đồi mà bảo tháp Swayambhunath tọa lạc nhô lên từ giữa hồ như chiếc lá sen. Sau đó, Đức Bồ Tát Văn Thù đã dùng thanh gươm của mình chém vào đáy hồ và nước đã rút đi để lại thung lũng Kathmandu màu mỡ ngày nay. Truyền thuyết cũng kể rằng Quốc vương Ấn độ vĩ đại Asoka cũng đã viếng bảo tháp này từ hơn 2.000 năm trước. Qua những thăng trầm lịch sử, Bảo tháp đã một vài lần được tôn tạo và Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ VII trước kia từng được thỉnh cầu thực hành nghi lễ thỉnh cầu bản tôn nhập Tháp trong một lần đại trùng tu như thế. Cách đây vài năm, Hội đồng Phục chế Tháp Swayambhunath tiếp tục thỉnh cầu Đức Pháp Vương hiện đời cử hành nghi quỹ  thỉnh cầu vị thần Bản tôn rời khỏi tòa tháp giúp công việc phục chế có thể được tiến hành mà không gây động niệm tới vị Bản tôn để tránh làm hao tổn ân phúc gia trì. Và bây giờ, sau khi việc tu tạo được hoàn thành, vào buổi sáng cát tường này, Đức Pháp Vương đã chủ trì khóa lễ cầu nguyện triệu thỉnh Bản tôn quay trở về. Trong khóa lễ đặc biệt này, mưa đã tuôn rơi ban gia trì giữa trời xanh nắng gắt cùng vô số điềm cát tường thị hiện. Những điềm cát tường tiếp tục xuất hiện khi đoàn Phật tử Drukpa Việt Nam quay trở về Tự viện Druk Amitabha. Vào buổi chiều ngày cuối cùng của đại đàn Trường thọ, toàn bộ Phật tử Việt Nam đã tận mắt chứng kiến ba lần cầu vồng kép rất lớn xuất hiện nơi chân trời như để viên mãn tâm nguyện của những đệ tử truyền thừa trong khóa lễ cầu nguyện Thượng sư trụ thế. Chứng kiến cảnh này mọi người ai nấy đều xúc động vô bờ! Trong biển khổ mông luân vô cùng tận này, có phúc duyên nào lớn hơn phúc duyên có được thân người, được hạnh ngộ Tam bảo, đặc biệt hơn nữa là được che chở dẫn đạo dưới ánh sáng tuệ giác của bậc Thầy tôn quý, hóa thân chân thật của Bồ Tát Quan Thế Âm. Có ước nguyện nào lớn hơn ước nguyện bậc Thầy trụ thế dài lâu nơi cõi Sa bà ngũ trược ác thế để các học trò được tu học trong ánh sáng trí tuệ toàn tri nơi Ngài và nguyện cầu Ngài tiếp tục che chở cứu độ cho hết thảy chúng sinh vượt thoát luân hồi đau khổ!

Buổi tối ngày thứ 4, ngày cuối cùng của Đại lễ, đoàn Drukpa Việt Nam lại có phúc duyên được sống một thời khắc thiêng liêng nữa với Đức Pháp Vương khi Ngài bố thí tổ chức khóa cúng đèn thắp 30.000 ngọn nến xung quanh bảo tháp Đức Pháp Vương đời thứ IV Pema Karpo trên đỉnh núi Amitabha và tiến hành nghi lễ Quy y theo lời thỉnh cầu của các Phật tử kết duyên và Phật tử mới đến từ Việt Nam. Trong buổi lễ quy y, Đức Pháp Vương có giảng cặn kễ về ý nghĩa nghi thức Quy y theo quan kiến của Kim Cương thừa. Ngài dạy rằng đây là lần đầu tiên có một lễ quy y  trước bảo tháp xá lợi linh thiêng này.Ngài nhấn mạnh rằng khi đă quy y, mỗi người hãy luôn giữ bậc thầy trong sâu thẳm tâm hồn mình và hãy tin chắc rằng từ nay cho đến khi thành Phật ,Thầy sẽ mãi mãi dõi theo che chở dẫn dắt chúng ta, giúp chúng ta trở lại với chính mình.

Đức Phật đã đản sinh và thành đạo từ cả trên ngàn năm trăm năm về trước. Ánh đạo vàng của ngài đã ban trải khắp muôn nơi giải thoát vô số hữu tình đau khổ khiến chứng đạt cội nguồn chân hạnh phúc. Tuy nhiên,đối với những chúng sinh vô minh như chúng ta vẫn còn ở đây, vẫn đảo điên trong muôn vàn thống khổ giưã biển luân hồi sinh tử - tử sinh này. Làm sao hiểu được chân giáo pháp nhiệm màu của Như Lai! Làm sao có thể thực hành đúng đắn nếu không có sự hướng đạo của một bậc Thầy giác ngộ trong hình tướng loài người! Quý giá thay sự hiện diện nhiệm mầu của bậc Thầy! Quý giá thay khi bậc Thầy trường thọ dài lâu để cứu độ muôn vạn chúng sinh thoát khổ!

Bao điềm cát tường thị hiện như một minh chứng cho tâm chí thành dâng hiến của các Phật tử lên bậc Thầy giác ngộ. Mọi tâm hồn đều ngập tràn hoan hỷ, ai ai cũng đoàn kết, trải rộng lòng mình, gắn bó, lục hòa nhất tâm tu tập, vì lợi ích không chỉ của riêng mình mà hồi hướng cho khắp chúng hữu tình!

alt

alt

alt

 alt

alt

alt

 alt

alt

alt

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,115,799
Số người trực tuyến: