Nhật ký Lễ gia trì đúc tượng Phật A Di Đà | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nhật ký Lễ gia trì đúc tượng Phật A Di Đà

158
13/11/2012 - 00:00

NHẬT KÝ LỄ GIA TRÌ ĐÚC TƯỢNG PHẬT A DI ĐÀ

ĐẠI BẢO THÁP TÂY THIÊN, TAM ĐẢO, VĨNH PHÚC

Chủ nhật ngày 04 tháng 11 năm 2012

alt

Khoảng 5 giờ sáng, đoàn chúng tôi khởi hành tại 262 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội. Trên xe đầy kín người, có những người là Phật tử lâu năm, những Phật tử mới như tôi và cả những bạn kết duyên chưa biết đến Phật pháp. Trước lạ sau quen, thời gian chờ xe là lúc chúng tôi kịp chia sẻ với nhau về mục đích đến với lễ gia trì đúc tượng Phật A Di Đà ngày hôm nay tại Đại Bảo Tháp Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ai nấy đều háo hức hân hoan, nhiều người không giấu được sự sốt ruột dù lúc này trời hãy còn khá sớm. Chúng tôi hiểu rằng được có mặt trong ngày lễ linh thiêng và trọng đại này là một nhân duyên hy hữu vô cùng tốt lành. Nhiều người thốt lên “Thật may mắn, đây là lần đầu tiên trong đời mình được tham dự lễ gia trì đúc tượng Phật tại Đại Bảo Tháp! Chẳng biết sau này có còn cơ duyên nào như thế!…”

alt

Xe rời Hà Nội trong tiết trời đầu đông se lạnh. Một chị Phật tử đứng lên giải thích về ý nghĩa của Đại Bảo Tháp, về những lợi lạc khi đến chiêm bái và nhiễu quanh Bảo Tháp mười ba vòng, đặc biệt là về những phúc duyên tốt lành và những công đức to lớn khi được đóng góp công sức xây dựng Bảo Tháp và cúng dường đúc tượng Phật. Kiến thức ấy cùng sự chia sẻ của những người bạn đồng hành giúp chúng tôi thêm háo hức và hành trình Hà Nội - Tây Thiên trở thành quãng thời gian ấm áp đầy đạo vị.

alt

alt

Đường vào Tây Thiên không khí thoáng đãng, ngập tràn màu xanh tươi của thiên nhiên. Sương mờ vẫn còn che phủ trên những ngọn núi cao của cánh cung Tam Đảo, thoáng có tiếng chim rừng hót véo von từ phía rừng đại ngàn, không gian lúc này sao thật bình yên, trong lành.

Chúng tôi đến Bảo Tháp lúc 7 giờ sáng. Ngay từ đằng xa tôi đã thấy rõ không khí tưng bừng của Pháp hội. Bãi xe chật kín những ô tô, xe máy, xe đạp - nhìn qua biển số cũng biết các Phật tử đến từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Việt Trì, Tuyên Quang, Hà Giang… Ai cũng quần áo nghiêm trang và nét mặt hân hoan, rạng ngời. Lạ thật, dự báo thời tiết nói “trời trở lạnh và có mưa” nhưng tiết trời lúc này tuyệt nhiên không lạnh, không mưa. Mây trắng giăng giăng trên nền trời, những tia nắng ban mai trong veo làm sáng bừng cả không gian, xua tan hoàn toàn cái lạnh giá và u ám của cơn mưa dài đêm trước.

Bên ngoài Đại Bảo Tháp, cả mấy ngàn người hồ hởi chiêm bái hai bức tượng đã đúc xong. Tượng Đông Phương A-súc-bệ Phật (đã đúc ngày 14/10/12) sắc thân xanh dương, tượng Nam Phương Bảo Sinh Phật (đã đúc ngày 26/10/12) sắc thân màu vàng. Hôm nay sẽ đúc tượng Tây Phương A-Di-Đà Phật và đến ngày 18/11 tới đây sẽ đúc bức tượng Bắc Phương Bất Không Thành Tựu Phật. Các pho tượng đều có chiều cao 2 mét, được đúc bằng đồng vàng nguyên khối với những đường nét điêu khắc theo phong cách Phật giáo Kim Cương Thừa vô cùng tinh xảo, uy nghiêm và sống động. Bên trong Bảo Tháp cũng đông kín các Phật tử đang cầu nguyện và đi nhiễu vòng quanh với gương mặt trang nghiêm, thành kính.

alt

Rồi thì giờ phút mong chờ đã đến! Trước hết, Sư thầy trụ trì thay mặt nhà chùa cảm ơn các Phật tử khắp nơi cũng như các cơ quan chính quyền sở tại đã đến tham dự lễ đúc tượng Phật A-di-đà. Và ngay sau đó, buỗi lễ trang nghiêm được bắt đầu với thanh âm hào hùng, thúc giục của dàn pháp khí Kim Cương Thừa. Lễ nhạc này là một kỹ thuật thiền định Mật thừa độc đáo, giàu sức biểu đạt có tác dụng di chuyển những năng lượng tiêu cực, dễ dàng đưa thân tâm trở về sự quân bình an tịnh, siêu việt khái niệm.

Từ trước đến nay, chưa có giai điệu âm nhạc nào khiến thân tâm tôi rung động sâu xa như khi nghe âm thanh pháp khí hòa tấu cúng dàng, triệu thỉnh Phật, Bồ Tát theo truyền thống Kim Cương Thừa. Hơn hai mươi vị sư trẻ với hàng chục nhạc khí đặc trưng của Phật giáo vùng Himalaya như trống, kèn, tù và… tạo thành bản hòa tấu vang lừng cả đất trời, chấn động lòng người. Dường như khắp núi rừng Tây Thiên đều bừng dậy trong sự thanh tịnh, sống động lạ lùng bởi những âm thanh mạnh mẽ, linh thiêng và đầy thần lực ấy. Giai điệu Kim Cương thôi thúc sự trở về nội tại, dứt bặt mọi chấp trước vọng tưởng và đưa đại chúng tham dự an trú tự nhiên trong niềm an lạc, hoan hỷ.

alt

alt

Cùng với âm thanh vang lừng và mùi hương thơm đặc trưng của lửa hỏa tịnh là vũ điệu Mandala Ngũ Trí Phật được các Ni sư thể hiện theo đúng nghi lễ Mật pháp. Phật giáo Kim Cương Thừa dạy rằng tất cả những phẩm chất giác ngộ của chư Phật, Bồ tát vốn đều sẵn có đầy đủ trong mỗi chúng sinh, và mối liên hệ với tự tính Phật ấy có thể được hiển lộ nhờ vào những vũ điệu linh thiêng tự thân hóa Phật để khơi dậy niềm cảm hứng và hiển hiện những phẩm chất ẩn tàng. Vũ điệu Ngũ Trí Phật được cử hành để ban trải niềm hạnh phúc an lạc và ân đức gia trì cho khán chúng có phúc duyên đón xem, đồng thời cầu nguyện cho sự hòa bình thịnh vượng của quốc gia dân tộc cùng muôn loài chúng sinh. Mục đích của Vũ điệu là giác ngộ - để hợp nhất tất cả các phương diện của tâm, để chứng ngộ được chân lý ngay nơi vạn pháp; để trưởng dưỡng tâm Bồ đề hòa nhập vào trong cuộc sống đời thường với niềm cảm hứng sâu xa bất tận.

Theo truyền thống Kim Cương Thừa, đối với một số đệ tử xuất chúng, Đức Phật hoá thân thành những Phật Bản tôn, Bồ tát, Kim Cương hộ pháp để giúp chúng sinh tấn tốc thành tựu trên con đường giác ngộ. Ngài đã dạy đệ tử sử dụng những kỹ thuật thiền định thiện xảo. Khi ấy, Đức Phật hoá hiện thành những Phật Bản tôn mang Pháp tướng uy mãnh tượng trưng cho năng lực vô ngại của tâm đại từ đại bi. Những chư vị Phật Bản tôn đó nhảy múa theo hàng nghìn giai điệu oai nghiêm khác nhau, diễn tả vô số những hoạt động lợi tha của Đức Phật. Đây là nguồn gốc ra đời các vũ điệu Kim Cương thừa thiêng liêng ở Ấn Độ. Những vũ điệu này thường được phô diễn trong những buổi đại lễ Phật giáo Kim Cương thừa. Vào những buổi lễ trọng đại, các hành giả thường trình diễn các vũ điệu linh thiêng một cách tự nhiên, tự do không bó buộc, không ngần ngại hay ức chế. Theo thời gian, các vũ điệu Kim Cương thừa được hệ thống hoá, được cắt nghĩa chú giải và truyền dạy lại cho những người tài năng xuất chúng. Sự truyền thừa không gián đoạn từ Thượng sư xuống đệ tử cộng thêm sự trải nghiệm thực chứng từ những đại Thượng Sư đã làm cho pháp môn vũ điệu Kim Cương thừa này được bảo lưu gìn giữ và trở nên phong phú hơn .

alt

alt

Như vậy, vũ điệu Mandala Ngũ Trí Phật (gồm Đức Tây Phương Phật A Di Đà, Đức Bắc Phương Phật Bất Không Thành Tựu, Đức Đông Phương Phật A Súc Bệ cùng Đức Nam Phương Phật Bảo Sinh) và bốn Bồ tát Ba la mật (là Đức Trí Tuệ Văn Thù, Đức Quan Âm, Đức Bạch Độ Phật Mẫu và Lục Độ Phật Mẫu) được trình diễn ngày hôm nay được bắt nguồn từ Truyền thống Kim Cương thừa của dòng họ Thích Ca truyền từ thời Đức Phật Bản sư Thích Ca Mâu Ni tại thế cho đến ngày nay. Đây cũng là vũ điệu tương ứng với chư Phật Bồ tát sẽ được an vị tại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên. Ngũ Trí Phật có sự khác nhau quan trọng mang tính biểu tượng về y phục, sắc màu, tư thế, cử chỉ và công hạnh lợi sinh. Vũ điệu bắt đầu bằng quy y nương tựa Truyền thừa Thượng sư, chư Phật, giáo pháp và Tăng đoàn. Tiếp đến là phát nguyện thực hành nhằm thực chứng tâm giác ngộ vì lợi ích của hết thảy hữu tình. Bằng cách quán tưởng báo thân Ngũ Trí Như lai, kết các Mật ấn khế hợp với bước chân di chuyển, các vũ công múa thuận theo chiều kim đồng hồ tạo thành những vòng tròn đồng tâm Mandala để thực hiện nghi thức tịnh hóa những ác nghiệp và thiết lập nên cảnh giới tịnh độ Mandala của Ngũ Trí Phật. Thân thể vũ công chuyển động và Báo thân năm Đức Phật được thể hiện qua những chuyển động ấy. Tất cả năm vị Phật múa di chuyển trở về trung tâm Mandala, tạo thành hình Bảo tháp, nêu biểu rằng mặc dù các Ngài nhập thế cứu độ chúng sinh song vẫn không rời năm trí tuệ Phật. Các Bồ tát Ba la mật cũng nhập vào Mandala. Các Ngài hướng về năm vị Phật thực hiện các mật ấn cúng dàng lên Ngũ Trí Phật, nêu biểu rằng các Ngài luôn hướng nội an trụ trong Phật tính, không rời đạo tràng Mandala mà vẫn thực hiện viên mãn các công hạnh cứu độ chúng sinh.

Vũ điệu kết thúc bằng âm nhạc pháp khí cúng dàng chư Phật Bồ tát và tâm nguyện Bồ đề hướng về muôn loài hữu tình, để lại sự viên mãn an lạc vẹn toàn nơi toàn thể đại chúng.

Cũng trong giờ phút linh thiêng ấy, phía những nồi nấu đồng cháy bùng lên ngọn lửa xanh, lửa hồng rừng rực. Trái tim tôi chợt ngừng lại khi nhìn thấy những ống cắt tút đạn pháo, đạn cối bằng đồng vàng nguyên chất được đưa vào nồi đồng tan chảy. Thoáng qua trong đầu tôi hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh vừa mới qua đi chưa lâu trên mảnh đất hình chữ S này. Và giờ đây, biểu tượng của nghiệp tiêu cực, thống khổ đang bị nung chảy và sẽ được chuyển hóa thành biểu tượng của lòng từ bi trí tuệ. Một sự hoán đổi mang ý nghĩa vị nhân sinh vô cùng sâu sắc khiến chúng tôi ngập tràn xúc động. Giá như tất cả vũ khí trên hành tinh này đều được nung thành tượng Phật, giá như tất cả những người gây ra chiến tranh đều hóa thành Bồ Tát và các cuộc xung đột vũ trang đều biến thành Pháp hội… thì có lẽ hạnh phúc an bình sẽ nở hoa, tỏa ngát hương thơm khắp trái đất này. Giá như hết thảy những chướng nghiệp bất thiện trong cõi trần thế đều được nung chảy hết, tan biến hết và hóa thành ánh sáng rực rõ của tâm trí tuệ Giác ngộ thì tuyệt vời biết bao nhiêu!

Và những khối đồng đã tan ra thành nước vàng óng ánh. Trong tiếng nhạc âm vang, trong vũ điệu Kim Cương Thừa linh thiêng, đồng vào khuôn Đức tượng Phật A-Di-Đà. Thật diệu kỳ, ngay khi vũ điệu Kim Cương Thừa chuẩn bị chấm dứt - như một điều linh ứng thể hiện phép Phật nhiệm màu, ứng hiện với lòng tín tâm thanh tịnh của toàn thể ni chúng Tây Thiên và đại chúng tham dự Pháp hội - bầu trời đang nhiều mây bỗng nhiên trở nên rạng ngời nhờ ánh sáng Diệu Quan Sát Trí của Đức Phật A Di Đà tỏa chiếu khắp pháp giới, xuất hiện qua vầng ánh sáng chói lòa với những tia sáng đỏ rực làm lu mờ cả mặt trời, khiến mặt trời chỉ còn là bé nhỏ như một chiếc đĩa tròn khiêm tốn bên vầng hào quang chói rực khổng lồ ấy!

Ánh sáng tuệ nhật của Đức Phật A-Di-Đà liên tục xuất hiện đến hết vũ điệu Thiên Long (tiếp nối ngay sau vũ điệu Kim Cương Thừa). Vũ điệu Thiên Long được thể hiện hoành tráng và sống động ngay trên khoảng sân rộng, phía trước khuôn Đức tượng Phật A-di-đà. Với màu sắc Rồng đỏ thể hiện cho tâm nguyện và công hạnh nhiệt huyết cứu độ chúng sinh của đức Phật A-di-đà, các Ni sư trẻ tài hoa và nhiệt huyết đã có phần trình diễn ấn tượng và nghệ thuật như tạo hình hoa sen, hình chày Kim Cương, hình Bảo Tháp… khiến cả Pháp hội không ngớt reo hò, vỗ tay tán thán.

Kết thúc buổi lễ, sau phần hồi hướng công đức, Thầy trụ trì còn bố thí cho toàn thể Pháp hội cùng chư Ni tu trì một khóa nghi quỹ Phật A-di-đà ngắn gọn. Cả Pháp hội cùng nhau đồng thanh tụng niệm rất tha thiết, hào hùng và thành kính. Như vậy, lễ rót đồng đúc tượng Phật A-di-đà đã thành tựu viên mãn trong niềm hân hoan vô bờ của các Quý Thầy, của toàn Pháp hội và nhất là những người thợ đúc Tượng. Từ đáy lòng, với tất cả sự tín tâm chân thành, tôi xin được tri ân tất cả những Người đã vất vả xây đắp cây cầu nhân duyên Phật pháp để chúng tôi được đến nơi đây, được trải nghiệm những thời khắc an lạc tràn đầy đạo vị của niềm hạnh phúc chân thật.

.Nguyện cầu thiên tai dịch bệnh tiêu trừ, chiến tranh chấm dứt, thiên hạ thái bình, bốn mùa an lạc. Nguyện Phật pháp trải khắp muôn phương và trường tồn mãi mãi vì lợi ích hạnh phúc an vui của khắp pháp giới chúng sinh!

alt


CÔNG TRÌNH ĐẠI BẢO THÁP TÂY THIÊN

Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên nằm trong quần thể khu danh thắng Tây Thiên là tòa Bảo Tháp đầu tiên được thiết kế theo kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa tại Việt Nam. Bảo Tháp Mandala này là sự hoàn hảo thanh tịnh của Pháp giới vũ trụ và thân khẩu ý giác ngộ, là tâm điểm của công đức trí tuệ và thần lực gia trì của mười phương chư Phật, Bồ tát. BảoThápTây Thiên được dựng trên một chân đế uy nghi có đường kính rộng 60 m, chiều cao 37 m, tọa lạc trên vùng đất phong quang bằng phẳng, ba bề được các rặng núi Tam Đảo ôm bọc và phía trước xa xa có đồi Mắt Rồng làm án sơn.

Sư thầy Thích Thanh Tịnh, trụ trì chùa Tây Thiên Phù Nghì cho biết: Vị trí Đại Bảo Tháp Tây Thiên quay về phương Nam để nguồn ân phúc gia trì được ban trải tới từng địa phương, tỉnh thành và người dân trên khắp miền đất nước. Là biểu tượng Đại trí tuệ của Phật, công trình Đại Bảo tháp dự kiến sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2013.

alt

Bản vẽ thiết kế công trình Đại Bảo Tháp Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)

Xem thêm chùm ảnh buổi lễ

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,214
Số người trực tuyến: