Bạn đang ở đây
Tiểu Sử và Công Hạnh Của Đức H.E Drukpa Thuksey Rinpoche - Bậc Hóa Thân Bồ Tát
ĐỨC NHIẾP CHÍNH VƯƠNG THUKSEY RINPOCHE
Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ I
Bậc Hộ trì chúng sinh, Đức Kyabje Thuksey Rinpoche đời thứ nhất đản sinh năm 1916 tại thánh địa Tsari phía Nam Tây Tạng trong gia đình tôn quý dòng tộc Mukpo của bậc Từ Phụ, cũng chính là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X, và mẫu thân là Phurpa Lhamo, con gái của Đại Thành tựu giả Shakya Shri. Theo tiếng Tạng, Thuksey Rinpoche có nghĩa là “Trân Quý Tâm Tử”, trong đó “Tâm” chính là Tâm giác ngộ.
Tương truyền, thời gian mẫu thân Ngài hoài thai đã có vô số điềm cát tường thù thắng xuất hiện. Rất nhiều chư Thượng sư giác ngộ, đặc biệt là Đức Dalai Lama đời thứ XIII đã ấn chứng cậu bé chính là Hóa thân Khẩu giác ngộ của Đức Taklung Ma Rinpoche, bậc lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa Taklung. Bằng tuệ giác, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa biết rằng Pháp tử của mình sẽ trở thành bậc Hộ trì Phật pháp trên toàn thế giới, đặc biệt là giáo pháp Truyền Thừa Drukpa. Vì thế, sau khi được đăng quang tại Tự viện Thubten Chokhor Ling, cậu bé được trao cho ngài Ngawang Tendzin Pelsang, vị Zigar Choktrul Rinpoche đời thứ VII giáo dưỡng từ khi còn còn nhỏ tuổi. Phần lớn thời thơ ấu, Đức Thuksey Rinpoche an trú tại Zigar Gompa, miền Đông Tây Tạng.
(Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ I)
Đức Thuksey Rinpoche được giáo dưỡng và rèn luyện dưới sự dẫn dắt của chính Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Đức Zigar Choktrul Rinpoche, được Ngài cung kính nhận là “Bản sư”. Trên quá trình tu học, Ngài còn hạnh ngộ các Thượng sư trứ danh đương thời như Đức Phagchok Dorje, Đức Tripon Pema Chogyal, Đức Drukpa Yongzin, Đức Tokden Pagsam Gyatso và Đức Lopon Rinpoche Sonam Sangpo, bậc đã truyền trao cho Ngài pháp Mahamudra Đại Thủ Ấn tối thượng.
Năm 1954, Đức Kyabje Thuksey Rinpoche hỗ trợ trùng tu khôi phục Học viện nghiên cứu các bộ môn tâm linh và nghi thức tại Tự viện Thubten Chokhor Ling. Ngài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện bộ Đại Nghi quỹ Mandala và bảo tồn tinh hoa văn hóa trang phục và nghi lễ trình diễn Vũ điệu Mật thừa.
Sau đó, Đức Thuksey Rinpoche bước vào thời kỳ dài ẩn cư nhập thất miên mật tại những nơi thâm sơn cùng cốc và đã viên mãn ba kỳ nhập thất truyền thống, mỗi kỳ kéo dài ba năm ba tháng. Trong thời gian này, Ngài dành toàn bộ thời gian cho việc thiền định tu tập, rất ít khi ngủ nghỉ và làm những việc mà chúng ta thường dùng để lãng phí thời gian quý báu. Tương truyền, quanh năm Ngài khoác một mảnh vải bố mỏng. Ngay cả trong tiết trời cực lạnh của vùng Himalaya, Ngài cũng không bao giờ có ý định sưởi ấm cho am thất của mình hay mặc nhiều quần áo hơn. Mọi người ai cũng nhận thấy trong vòng bán kính hai mét xung quanh am thất của Ngài, tuyết và nước không bao giờ bị đóng băng. Thay vào đó có người thậm chí còn nhìn thấy hoa và cây xanh tự nhiên mọc lên, đây thực sự là dấu hiệu cát tường của sự thành tựu Tantra tối thượng. Thời kỳ chuyên tu miên mật này kết thúc vào cuối năm thứ mười, khi các đệ tử tha thiết khẩn cầu Ngài xả thất hướng đạo và tiếp tục công hạnh lợi ích hữu tình. Đồng thời, Ngài cũng được thỉnh cầu hỗ trợ việc tìm kiếm hóa thân chuyển thế của bậc Thượng sư mình là Đức Zigar Choktrul Rinpoche đời thứ VIII.
Đức Thuksey Rinpoche đã thực hành thiền định Đại Thủ Ấn và Sáu pháp Yoga của Naropa tại Tự viện Zigar trong nhiều năm. Sau đó Ngài tới Tự viện Sangag Choling ở miền Nam Tây Tạng, là trụ xứ chính của Truyền thừa Drukpa và cũng là nơi an trú của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Tại đây, Ngài đã hoàn thiện nghi quỹ thực hành bộ Đại Nghi quỹ mười ba Tantra Mahasukha Karuna. Ngài tập hợp rất nhiều tăng sinh xuất sắc từ các tự viện khác nhau của Truyền thừa Drukpa và thành lập Học viện nghiên cứu thực hành Phật pháp còn hoạt động đến ngày nay.
Từ năm 1960, khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XI lựa chọn thị hiện viên tịch tại Ấn độ, Đức Thuksey Rinpoche đảm nhận sứ mệnh cao cả của bậc Nhiếp chính Truyền thừa Drukpa. Trong truyền thống Kim cương thừa, danh vị Nhiếp Chính Vương để chỉ vai trò đại diện cho bậc Hóa thân chuyển thế lãnh đạo một Truyền thừa trong khoảng thời gian bậc Hóa thân đời trước thị tịch cho đến khi vị Hóa thân chuyển thế đời sau được tìm thấy, ấn chứng và đăng quang. Các Ngài có trách nhiệm bảo trì giáo pháp, quản lý lãnh đạo Truyền thừa trong khoảng thời gian này và đảm bảo việc ấn chứng thành công Hóa thân chuyển thế của Bậc Nắm giữ tối thượng Truyền thừa trong đời tiếp theo.
Sứ mệnh này được viên mãn 7 năm sau đó, khi sau những nỗ lực tìm kiếm và thiền định của Đức Thuksey Rinpoche cùng rất nhiều bậc Kim Cương Thượng sư giác ngộ, hóa thân chuyển thế đời thứ XII của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã được nhận ra, ấn chứng bởi các bậc Thượng sư trứ danh như Đức Dalai Lama đời thứ XIV, Đức Gyalwang Karmapa đời thứ XVI, Đức Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII,... Kể từ đó, Đức Thuksey Rinpoche trở thành bậc giáo dưỡng, dìu dắt Đức Pháp Vương trẻ tuổi. Ngài đã trao truyền lại cho Đức Pháp Vương hiện đời toàn bộ giáo pháp, quán đỉnh và khẩu truyền thù thắng của Truyền thừa Drukpa.
(Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ trước
và Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thủa nhỏ)
Vào năm 1971, với tâm nguyện trì giữ Pháp mạch Truyền thừa cũng như bảo tồn văn hóa truyền thống khu vực Himalaya, Đức Thuksey Rinpoche khởi công việc kiến lập Tự viện Druk Thubten Sangag Choling mới tại Dali, Darjeeling (Ấn Độ). Chẳng bao lâu, nơi đây trở thành một biểu tượng văn hóa Kim cương thừa và trụ xứ chính của Truyền thừa Drukpa.
Năm 1972, người dân Ladakh, tiểu vương quốc từ hơn bốn thế kỷ nay luôn duy trì dấu ấn và sự phát triển mạnh mẽ của Truyền thừa Drukpa, đã tha thiết thỉnh cầu Đức Thuksey Rinpoche cho khôi phục và duy trì các tự viện trong khu vực. Hoàn cảnh người dân Ladakh khi đó rất nguy khó vì khu vực này đã trải qua nạn hạn hán trong suốt 12 năm. Đức Thuksey Rinpoche đã từ bi nhận lời thỉnh cầu giải trừ thiên tai và cùng với sự quang lâm của Ngài, cả miền đất sa mạc khô cằn như được hồi sinh. Nương năng lực cầu nguyện và ân phúc gia trì của Ngài, cơn đại hạn hán 12 năm tại đây đã chấm dứt, mưa gia trì cát tường rơi xuống làm mát mẻ vùng đất này, nước lại chảy trong các dòng suối và sông hồ. Sự gia trì cát tường này luôn xuất hiện trở lại trong những chuyến viếng thăm Ladakh của Ngài về sau. Quyền năng tâm linh của Ngài được tất cả mọi người nơi đây kính ngưỡng, kể cả những người theo đạo Hồi ở Ladakh. Người ta thừa nhận ở Ngài có sự chứng ngộ sâu xa và năng lực huyền diệu.
(Vùng đất Ladakh, Ấn Độ qua tranh vẽ)
Đức Thuksey Rinpoche là bậc Thượng sư rất nghiêm từ và có tinh thần kỷ luật rất cao trong tu tập thực hành từ khi còn trẻ tuổi. Sinh thời, Ngài không bỏ qua dù chỉ một ngày hoàn thành trọn vẹn bốn thời yoga mặc dù phải bận rộn với những Phật sự khác nhau như kiến lập Tự viện, Học viện Phật pháp hay trách nhiệm giám luật cho Tăng đoàn. Song song với việc khôi phục các tự viện và hoằng dương Phật pháp, Ngài luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trì giữ giới luật như là nền tảng của mọi tiến bộ tâm linh.
Năm 1981, Đức Thuksey Rinpoche du hóa đến châu Âu và kiến lập trung tâm Phật giáo tại nước Pháp, đặt dấu ấn đầu tiên của Truyền thừa 1.000 năm Drukpa tại châu lục này. Năm sau đó, nhận lời mời của Hoàng gia Bhutan, Ngài viếng thăm và ban truyền giáo pháp quán đỉnh tại Vương quốc này trong nhiều tháng.
Vào ngày 8 tháng 3 năm 1983, sau khi hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho việc gìn giữ và hoằng truyền giáo pháp tôn quý của Đức Phật, Đức Thuksey Rinpoche đã xả bỏ huyễn thân, an nhiên thị hiện viên tịch Niết bàn.
Trong suốt cuộc đời, với tâm từ bi và tình yêu thương vô ngã vị tha, Đức Thuksey Rinpoche đã đem niềm cảm hứng giác ngộ và ân phúc gia trì tới vô số chúng sinh có nhân duyên hạnh ngộ. Ngài được kính ngưỡng rộng khắp là bậc Thánh giả tôn quý nhất đương thời.
Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ II
Đức Thuksey Rinpoche đời thứ II, pháp danh Jigme Mipham Shedrub, đản sinh tại Chushul, Ladakh năm 1986 vào ngày 10 tháng Giêng (ngày vía Đức Liên Hoa Sinh) lịch Tạng.
Khi thân mẫu Ngài hoài thai, các nhà tiên tri và các vị Rinpoche tới thăm đều tiên đoán ấu nhi sắp ra đời sẽ là một bậc thánh nhân. Họ căn dặn ngay khi đức trẻ ra đời, gia đình cần bạch lên thỉnh cầu sự gia trì của bậc hóa thân Quan Âm là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa.
Nhiều điềm cát tường hy hữu chưa từng có đã báo trước sự đản sinh của Ngài. Thời điểm Ngài đản sinh, người dân trong làng đã nhìn thấy từng đàn chim đại bàng không ngừng bay lượn vần vũ canh gác bên trên ngôi nhà của cha mẹ Ngài và mưa hoa cát tường rải rắc khắp làng trong tuần đó.
(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche thủa nhỏ)
Thân mẫu của Rinpoche qua đời ngay sau khi Ngài được hạ sinh. Tin về sự đản sinh của bậc ấu nhi đặc biệt đã thu hút hàng trăm người trong đó có các nhà tiên tri tới thăm. Tất cả đều ngợi khen hảo tướng của Ngài và hoan hỷ trước sự xuất hiện của những dấu hiệu cát tường thù thắng.
Trong thời gian này, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Đức Dalai Lama đã tham vấn với nhau và đều nhận thấy rằng Đức Thuksey Rinpoche đời thứ I sẽ lựa chọn Ladakh làm nơi hóa thân chuyển thế tiếp theo. Những giấc mơ, linh kiến và cầu nguyện đều khẳng định rằng Đức Thuksey Rinpoche đời thứ II đã đản sinh tại nơi đây giữa những điềm cát tường thù thắng.
Vào tháng 7 năm 1987, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng Đức Dalai Lama đã tới thiền định trong nhiều giờ nơi sơn động của Đức Gyalwa Gotsangpa tại Ladakh. Qua thiền định và linh kiến thanh tịnh, các Ngài đều xác nhận cậu bé ra đời tại Chushul chính là hóa thân chân thật của Đức Thuksey Rinpoche đời thứ nhất.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
và Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche)
Trong năm đó, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã thân chinh tới Chushul để bày tỏ lòng tôn kính đối với hóa thân bậc Thượng sư quan trọng nhất với Ngài, cúng dàng Mandala trường thọ lên Đức Thuksey Rinpoche trẻ tuổi và thỉnh cầu gia đình Rinpoche chăm sóc Ngài chu đáo. Đức Thuksey Rinpoche, lúc này chưa đầy hai tuổi, đã khiến mọi người có mặt ở buổi lễ vô cùng ngạc nhiên vì Ngài đã thực hiện đúng pháp các nghi thức thụ nhận cúng dường.
Tháng 6 năm 1988, khi được hai tuổi rưỡi, Đức Drukpa Thuksey Rinpoche đã rời Ladakh và theo Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về Tự viện Druk Thubten Sangag Choling trong niềm hạnh phúc ngập tràn của các đệ tử và Phật tử tín tâm đời trước. Ngày 31 tháng 10 năm 1988, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc lãnh đạo tối thượng của Truyền thừa Drukpa đã chính thức thực hiện nghi lễ tấn phong đăng quang cho Ngài tại Tự viện Druk Thubten Sangag Choling. Đông đảo chư Thượng sư giác ngộ, chư Tăng Ni Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đã tới tham dự buổi lễ trọng đại này.
Khi lên bốn tuổi, Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche bắt đầu chương trình tu học chính thức dưới sự dẫn dắt của các bậc Giáo thọ trứ danh của Truyền Thừa Drukpa tại ngôi tự viện ở Darjeeling cho tới năm 18 tuổi. Ngoài Phật pháp, Ngài cũng học cả tiếng Anh, văn học và những nghi lễ, nghi quỹ mà chư Tăng Truyền thừa Drukpa thực hiện cùng toàn bộ thứ lớp căn bản Kinh điển và Mật điển.
(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche)
Sau quá trình này, Đức Nhiếp Chính Vương đã được Đức Pháp Vương cử tới Bhutan để tiếp tục tu học những cấp bậc cao hơn tại ngôi tự viện – đại học Phật giáo Tango nổi tiếng. Mặc dù có rất nhiều trường đại học và tự viện ở Ấn Độ, nhưng Đức Pháp Vương hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập về truyền thống và lịch sử của chính dòng truyền thừa của mình, và Bhutan là nơi tốt nhất để học về lịch sử và truyền thống Truyền Thừa Drukpa vì Truyền thừa Drukpa cũng chính là quốc giáo của Vương quốc này. Tại Đại học Phật giáo Tango trứ danh, Đức Nhiếp Chính Vương đã tu học cùng với hàng trăm chư Tăng và các bậc hoá thân Tulku khác trong suốt 9 năm.
(Cảnh sắc tại vương quốc Bhutan)
Năm 2013, Đức Drukpa Thuksey Rinpoche trẻ tuổi đã hoàn tất quá trình tu học nghiêm cẩn của bậc Nhiếp Chính hóa thân chuyển thế và trở lại đảm lãnh trách nhiệm đứng đầu Tự viện Druk Thubten Sangag Choling do hóa thân đời trước của Ngài kiến lập. Ngài đồng thời chịu trách nhiệm hệ thống Tự viện tại Tiểu Vương quốc Ladakh.
Cũng trong năm này, Đức Nhiếp Chính Vương đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Thường niên Truyền thừa Drukpa, nơi vân tập của tất cả chư Thượng sư và hành giả thực hành của Truyền thừa Drukpa trên toàn thế giới. Với tâm nguyện hỗ trợ Đức Pháp Vương trong các thiện hạnh quốc tế, Ngài cũng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Trường Druk Bạch Liên Hoa, ngôi trường nổi tiếng thân thiện với môi trường được kiến lập trên dãy Himalaya.
(Đức Nhiếp Chính Vương với học sinh trường Druk Bạch Liên Hoa)
Đặc biệt, Đức Pháp Vương tin tưởng giao phó cho Ngài trách nhiệm phụ trách hệ thống Trung tâm Phật pháp và Tự viện tại các quốc gia Châu Âu, kế tiếp hạnh nguyện và di sản tâm linh do hóa thân đời trước của Ngài để lại vì lợi ích Phật pháp và sự giác ngộ của hữu tình pháp giới.
(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche
trong chuyến hoằng pháp tại Việt Nam năm 2014)
- 8516 reads