Bạn đang ở đây
NHIỄU QUANH NÚI KAILASH
Đệ tử của Đức Drogon Tsangpa Gyare là Ngài Gotsangpa Gonpo Dorje cũng đã tới nhập thiền tại Núi Kailash. Trước khi Ngài tới đây, chẳng hề có một con đường nào và những người hành hương triều bái luôn phải đi bất cứ lối nào họ tìm thấy. Đức Gyalwa Gotsangpa đã mở ra một con đường để nhiễu quanh Núi và các Hồ đồng thời khởi nguồn cho truyền thống nhiễu quanh các thánh địa này.
Chặng đường do Đức Gotsangpa mở ra để có thể nhiễu quanh toàn bộ Núi Kailash dài khoảng 52 cây số và đi mất 13 đến 15 tiếng đồng hồ. Người dân trên dãy Himalaya đi hành hương triều bái thường khởi hành từ sáng sớm và kết thúc vòng nhiễu vào lúc màn đêm buông xuống. Đa số người hành hương thường nhiễu từ ba tới mười ba vòng quanh núi Kailash, cũng có người còn nhiễu tới 108 vòng quanh Núi.
Chag Tshel Gang
Khởi hành từ Darchen để nhiễu quanh Núi Kailash, bạn sẽ tới Lhalung-do. Trong khi nhiễu quanh Núi Kailash, Đức Gyalwa Gotsangpa đã đừng chân bên bờ Hồ Manasarovar, gần Lhalung-do để dùng trà. Ngài đã đi tìm đá để nhóm lửa. Song trong một linh kiến thanh tịnh Ngài đã thấy tất cả các hòn đá hiện thành tượng Đức Phật và kinh sách. Thế là thay vì nhặt đá, Ngài đã quỳ xuống đỉnh lễ và cầu nguyện. Nơi này về sau được biết đến dưới tên gọi Chag Tshel Gang, nghĩa là “Nơi Đỉnh lễ”.
(Đức Drogon Tsangpa Gyare và hai Đại đệ tử)
Xuống thấp hơn một chút là nơi có dấu chân của Đức Phật. Thấp hơn chút nữa là dấu chân của Thượng Sư Liên Hoa Sinh. Bên dưới một hốc đá màu trắng có tên gọi Sengchen Do-zam là dấu chân của Đức Drogon Tsangpa Gyare.
(Chag Tshel Gang)
Dar Nyon
Tại Ser Shong, cách không xa Chag Tshel Gang là Dar Nyon, một ngọn cờ cầu nguyện rất lớn được thay đổi hàng năm trong dịp các khóa lễ và nghi quỹ tổ chức vào tháng thứ Tư theo lịch Tây Tạng. Vào ngày thứ mười ba của tháng, ngọn cờ cũ sẽ được hạ xuống và một cột cờ mới cao 108 bộ sẽ được dựng lên. Vào ngày thứ mười bốn ngọn cờ được kéo lên lưng chừng và sang ngày thứ mười lăm, vừa trùng ngày đản sinh, ngày chứng đạt giác ngộ và ngày thể nhập niết bàn của Đức Phật, ngọn cờ sẽ được kéo lên hết độ cao và nghi quỹ cúng dường sẽ được cử hành. Chư Tăng của Tự viện Choku Gompa thực hành nghi quỹ trong suốt thời gian ngọn cờ được kéo lên.
(Choku Gompa)
Rechen Plug
Trên hòn đá bên dưới dấu chân Đức Phật nằm ở phía Tây của Núi Kailash là Rechen Plug, nơi Đức Milarepa đã đứng khi Ngài tranh biện với Ngài Naro Bonchung của giáo phái Bon trong một buổi phô diễn thần thông. Có rất nhiều hang thiền định và động nhập thất của Truyền thừa Drukpa trong núi đá và những ngọn đồi quanh Rechen Plug
Nyenri hay Choku Gompa
(Choku Gompa)
Bên dưới nữa là Nyenpo Ri-dzong hay Nyenri Gompa. Một hành giả tên Nyenpo Drubchen và Đức Drogon Tsangpa Gyare đã dựng nên nơi này. Nơi đây còn được gọi là Choku Gompa (Choku có nghĩa là “Dharmakya”), vì đây là nơi bảo tồn pho tượng của Pháp thân Đức Phật A Di Đà. Tương truyền Đức Phật Quán Thế Âm đã từng đích thân thị hiện dưới hình tướng năm pho tượng – Garsha Phagpa, Tang Phagpa, Tadum Namlha Karpo, Khyunglung Amitabha và Tisi Dharmakya Amitabha - ở Hồ Woma tại Garsha (tức tỉnh Manali thuộc Ấn Độ ngày nay).
(Choku Gompa bên cạnh đỉnh Kailash)
Một hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã mang pho tượng Đức Phật A Di Đà Hộ Trì Giáo Pháp tới Ngari và cúng dường lên Đức vua Ngari. Về sau Đức Lhatsen, bản tôn hộ pháp của Đỉnh Kailash, đã mang pho tượng tới tự viện Nyenri. Ngôi tự viện này do Truyền thừa Drukpa tại Bhutan cai quản. Ngoài pho tượng Đức Phật A Di Đà, tự viện còn là nơi cất giữ kèn ốc của Đức Naropa, vạc của Đức Naropa, một pho tượng Đức Phật bằng đồng thếp vàng được mang từ Ralung tới và các bức tượng Đức Drogon Tsangpa Gyare, Thượng Sư Liên Hoa Sinh và Ngài Shabdrung Ngawang Namgyal.
Dri-ra Phug
Khi Đức Gyalwa Gotsangpa tới mở con đường nhiễu quanh núi Kailash, Ngài đã dừng chân ở Drong Lung. Ngài đã nhìn thấy những đỉnh núi phía sau hiện thành đại điện của 1,000 Đức Phật và muốn kiểm chứng rằng con đường nhiễu quanh Núi có đi qua những đỉnh núi này. Ngài liền đi về phía Bắc và bỗng nhiên Drong Dri (tiếng Tạng nghĩa là “một con trâu yak cái hoang dã”) hiện ra trước mặt Ngài. Vì vậy mà nơi này được gọi tên là Drong Lung. Đức Gyalwa Gotsangpa nhận ra rằng Drong Dri chính là hiện thân của Dakini Mặt-Sư-Tử và do chính Thượng sư của Ngài gửi tới để chỉ đường cho Ngài. Con trâu yak Dri đi về phía Tây và Ngài bước theo cho tới khi con trâu yak Dri biến mất trong một hang động vẫn còn lại cho tới ngày nay. Ngài nhìn xung quanh và nhìn thấy những dấu chân của con vật Dri in trên đá cùng với dấu vết sừng của nó in lại trên vách đá bên trong động để chỉ cho Ngài biết nó đã biến mất vào hòn đá ở trong hang. Ngài hiểu ra rằng đây chính là một ý chỉ dạy Ngài nên nhập thiền trong hang này. Vì vậy hang này được gọi tên là Dri Thim Dri-ra Plug, có nghĩa là “hang động nơi con trâu yak Dri biến mất và để lại vết sừng”.
(Động Dri-ra Phug , nơi Đức Gotsangpa từng thiền định trong nhiều năm, trong ảnh là tôn tượng Đức Gotsangpa - Đức Milarepa và Đức Phật Thích Ca)
Sau một thời gian dài nhập thiền trong hang động này, Đức Gyalwa Gotsangpa nghĩ đã tới lúc Ngài rời khỏi nơi này vì thời tiết giá lạnh và thực phẩm khan hiếm. Vậy là Ngài chạm đầu vào tảng đá và chú nguyện rằng bất cứ chúng sinh nào (cho dù là người, vật hay côn trùng) viếng thăm hang động của Ngài đều sẽ được tái sinh trong cảnh giới cao hơn. Ngài đã để lại dấu ấn chỏm mũ của Ngài in trên đá. Ngài cũng để lại dấu chân trên phiến đá trước cửa hang. Các hành giả vẫn còn tới nơi này nhập thất cho tới tận năm 1965. Một tự viện đã được xây dựng ở nơi có hang động này và đã bị phá hủy hoàn toàn trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Sau đó, ngôi tự viện đã được xây dựng lại. Tự viện Dri-ra Phug được trông coi bởi Đức Kyabje Chogdra Rinpoche từ Tự viện Dra Dingpoche Dhondup Thongmon của Truyền thừa Drukpa. Dri-ra Plug là thánh địa chính của Ngài Senge Dongma tức là Dakini Mặt-Sư-Tử.
Viết bình luận
- 1367 reads