Bạn đang ở đây
Những tấm gương xuất chúng
Do chuyến bộ hành triều bái thánh địa Pad Yatra tới Sri Lanka được hoãn tới tháng Ba năm sau, nên tôi có thêm thời gian để hoàn thành một số việc và nhập thất. Dù tin rằng chúng ta cần nỗ lực nhập thế để thể hiện tình yêu thương và lòng từ bi thông qua những hoạt động thiện hạnh cụ thể, song tôi cho rằng cũng rất cần dành thời gian cho việc thực hành theo những nghi lễ truyền thống, đơn cử là nhập thất, trì tụng, lễ lạy, thiền định. Những sự thực hành này vô cùng quan trọng để giúp tâm chúng ta được tập trung và tỉnh thức.
Kể từ năm 17 tuổi đến nay, bác sỹ thường khuyên tôi nên bơi lội và tập thể dục, thế nhưng cuộc sống bận rộn chẳng bao giờ cho phép tôi có thời gian để làm theo lời bác sỹ. Mới đây bác sỹ lại bảo tôi, “Ngài đã nghe theo mọi lời khuyên của tôi trừ việc này. Nếu về sau gặp phải vấn đề gì về sức khỏe, Ngài không nên trách cứ tôi.đâu nhé!” Vậy nên giờ đây tôi đành phải tìm cách xuống bể bơi cho dù chỉ nhúng chân vào nước, vì tôi vốn dĩ rất ghét bơi, có lẽ tại cả ngàn năm nay tôi đâu từng tái sinh làm loài thủy tộc. Các bạn có tin rằng thậm chí tôi chẳng thấy thú vị gì đối với ngay cả việc ngâm mình trong bồn tắm? Cảm giác lạ lùng khó tả, thậm chí chóng mặt mỗi khi trầm mình trong nước cho dù không lâu, nhất là ngâm mình trong bọt nước bể sục. Phải nói là tôi cảm thấy rất không thoải mái. Tôi không thể hiểu được vì sao mọi người lại tiêu tốn rất nhiều tiền và hào hứng bàn luận về việc tắm bồn hay bể sục đến vậy. Tôi cảm thấy tức ngực khó thở khi ngâm mình trong những cái bồn như thế. Chỉ cần ba phút thôi là tôi phải nhảy vội ra ngoài. Thực tình là vừa tốn nước, tốn xà phòng đắt tiền và muối tắm.
Chúng ta cần được đào luyện để có thể quay trở về chiếu soi nội tâm mình, tìm ra giải pháp và sức mạnh để đối diện với thế giới bên ngoài. Bất cứ thiện hạnh nào chúng ta làm ở bên ngoài hay trong đời sống thế tục đều phải hỗ trợ để có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nội tâm. Nhờ những phương tiện tu tập thực hành khác nhau, chúng ta có thể hiểu sâu hơn trong tâm của chính mình. Sự hiểu biết có được nhờ trải nghiệm cần được trưởng dưỡng thông qua sự thực hành nghi quỹ hay thực hành bên trong. Chính sự thực hành này mới mang lại trí tuệ hiểu biết bí mật hay còn gọi là sự toàn hảo, nói cách khác chính là “giác ngộ”.
Buổi trưa hôm nay, một trong những sư ni thỉnh tôi xem một đoạn phim của Ngài Kyabje Lama Zopa Rinpoche. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bộ phim đó có nhan đề “Bộ phim về Tâm Thăng Hoa1”. Cô hỏi tôi, “Ngài có muốn xem một đoạn phim không ạ? Trên Youtube có một đoạn phim rất hay và giúp cho tâm thức có thể thăng hoa, Ngài rất nên xem. Nhưng đoạn phim này dài tới 2 giờ.” Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có đủ kiên nhẫn để xem một đoạn phim giảng pháp dài 2 tiếng đồng hồ, xong tôi vẫn thử. Tôi phải thừa nhận rằng quả thực đoạn phim này làm “tâm thăng hoa” vì giáo pháp của Ngài giảng về Đại Thủ Ấn và Trung Đạo nên hoàn toàn siêu việt mọi quan kiến thế gian thông thường. Là một người tu hành nên lẽ dĩ nhiên tôi cũng hiểu được thế nào là giáo pháp chân chính. Do vậy tôi vô cùng xúc động khi xem buổi giảng pháp của Ngài Kyabje Lama Zope Rinpoche trên Youtube. Tôi nghe kể rằng gần đây Ngài gặp một số vấn đề về sức khỏe, tự sâu thẳm đáy lòng tôi cầu nguyện rằng Ngài sẽ sớm bình phục hoàn toàn và tiếp tục tích cực hoằng dương giáo pháp rất nhiều rất nhiều năm nữa. Chúng ta rất cần có những bậc thượng sư chân chính như Ngài Lama Zope Rinpoche để đem lại lợi ích và trợ duyên cho vô số chúng hữu tình thông qua sự chứng ngộ và phương tiện từ bi thiện xảo của các Ngài.
Sau khi xem xong đoạn phim dài hai tiếng của Ngài Kyabje Zope Rinpoche, vij sư ni hỏi tôi có thêm thời gian để xem tiếp một đoạn phim nữa hay không. Đoạn phim tiếp theo cũng rất hay, của một bậc nữ thượng sư, thoạt đầu tôi không biết Ngài là ai. Nhưng được nhìn thấy và nghe Ngài giảng đối với tôi quả là nguồn cảm hứng lớn lao và ngay lập tức tôi phải hỏi ngay các đạo hữu và đệ tử của tôi xem Ngài là ai. Tôi được biết Ngài chính là Dakini Khandro Tseringma. Tôi được biết Ngài đã từng tới thăm tự viện Druk Amitabha Mountain để đỉnh lễ bậc thượng sư yêu kính đã tạ thế của tôi là Ngài Kyabje Trulshik Rinpoche. Điều này khiến tôi thấy vô cùng xúc động và hoan hỷ.
Tôi được biết về cuộc đời của Ngài qua các bài phỏng vấn và nhờ vậy tôi hiểu được về thân thế và động lực của Ngài. Với các bậc nữ hành giả, cho dù là xuất gia hay tại gia, các bạn cũng nên noi theo tấm gương của Ngài với động cơ, tâm chí thành và nỗ lực chân chính. Điều quan trọng nhất mà tôi được đọc là Ngài luôn trì giữ Bồ đề tâm kiên cố vì lợi ích của chúng sinh. Ngài từng nói, “Tôi luôn tin rằng ý nghĩa cốt tủy của cuộc sống chính là thành tựu Bồ đề tâm và thực chứng Tính không. Cho dù không dễ gì thành tựu, song tâm nguyện lớn nhất của tôi vẫn luôn là đạt tới niềm tin bất thoái vào hai sự thành tựu này trước khi từ giã cõi đời. Nếu không thể giúp được mọi người trưởng dưỡng những niềm tin như vậy thì sự gặp gỡ trong cõi đời này quả là lãng phí thời gian. Bằng không, tôi sẽ là người nghèo nàn nhất trên mọi phương diện bên ngoài, bên trong và bí mật. Đối với tôi điều tốt đẹp nhất là tôi đã gặp được giáo pháp trân quý nhất, thực hành những pháp tu quý giá nhất và hạnh ngộ những bậc thầy siêu việt nhất”. Có được động cơ và nguồn cảm hứng như của Ngài thật sự vô cùng quan trọng đối với mỗi hành giả. Đây là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn và mong nguyện rằng mọi nữ hành giả đều có thể trưởng dưỡng được động cơ thanh tịnh giống như Ngài. Nếu được như vậy, mọi nỗ lực thực hành của bạn đều sẽ thành tựu.
Ngài Khandro Tseringma là một hiện thân sứ giả của Đức Phật Bản tôn Tseringma. Đôi khi Ngài nhập định và đón nhận qua linh kiến những thông điệp từ Bản tôn Tseringma. Tôi vô cùng hoan hỷ vì Ngài đang tiếp tục sứ mệnh độ sinh trong thân tướng của một nữ nhân. Trong rất nhiều khóa lễ cúng dường Puja, Ngài an tọa ngay bên cạnh Ngài Kyabje Lama Zopa Rinpoche, một bậc thượng sư tôn quý của dòng Gelugpa, nói cách khác là Ngài có một vị trí còn cao hơn cả rất nhiều bậc tăng sĩ khác, Ngài cũng dùng trống damaru và thực hành cùng chư tăng. Ngài rất tự tin trong mọi việc. Công hạnh và hình tượng của Ngài có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khuyến giáo về bình đẳng giới.
Tôi tin tưởng vững chắc rằng mỗi người phụ nữ cho dù bình thường nhất đều có thể giống như Ngài, họ có thể làm được như Ngài, có thể thực hành các pháp tu mà không cần che giấu. Điều quan trọng nhất là họ cần thực hành với tâm thanh tịnh, thay vì chỉ đấu tranh cho nữ quyền hay nam quyền. Tôi không tin và cũng không cổ vũ mọi tư tưởng tranh đấu, chẳng hạn như đấu tranh vì nữ quyền, không phải vì tôi thuộc nam giới. Nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ các bậc nữ hành giả, tôi muốn sách tấn các vị hãy thực hành với động cơ thanh tịnh, cho dù thuộc về tôn giáo nào, cho dù thuộc dòng phái nào, dù là Gelugpa, Nyingmapa, hoặc bất cứ dòng truyền thừa hay bất cứ tín ngưỡng nào khác. Chẳng hạn, nếu các bạn đang tu tập theo truyền thừa Drukpa, hãy chân chính thực hành pháp tu Vajrayogini, thực hành các phương pháp thiền định và Sáu pháp Yoga của Naropa. Mỗi truyền thừa đều có những pháp thực hành cũng như giáo lý đặc trưng riêng của mình.
Khi tôi nói “thực hành”, điều đó có vẻ như chỉ dành riêng cho chư tăng ni, nhưng không phải vậy. Như các bạn biết, tôi vẫn luôn sách tấn mọi người cùng thực hành, nhất là đối với các bậc tại gia dù là nam hay nữ, các bạn đều nên thực hành tâm linh để có được trí tuệ và hiểu biết. Nhờ vậy các bạn sẽ có thể giúp đỡ rất nhiều người trong xã hội, còn tích cực hơn chư ni rất nhiều. Các nữ hành giả cần phải nắm giữ những vai trò quan trọng cả trong sự thực hành Phật Pháp lẫn trong các thiện hạnh Bồ đề tâm, cần rất nghiêm túc một khi đã là Phật tử.
Trên thế gian này có rất nhiều người nữ muốn được công nhận là Khandrola hay Dakini. Song được thừa nhận liệu có quan trọng nếu như trên thực tế họ không có được những phẩm hạnh và tâm nguyện Bồ đề? Tốt nhất là đừng nên tự lừa dối và ngộ nhận về chính mình. Hãy sống chân thật khi bạn đang bước đi trên con đường tâm linh, bởi lẽ đây là con đường CỦA BẠN, là sự giác ngộ CỦA BẠN. Nếu giả vờ và ngộ nhận thì bạn cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Hãy là một hành giả thực hành với tâm chân thật, bạn sẽ dần dần trưởng dưỡng đủ phẩm hạnh một cách nhậm vận tự nhiên mà không cần tạo tác.
Tôi cũng muốn chia sẻ điều tương tự tới những nam hành giả và chư tăng. Họ cũng không nên tự ngộ nhận mình là những bậc Rinpoche hay Thượng sư nếu như họ chưa có được đầy đủ phẩm hạnh và sự ấn chứng. Điều này sẽ chẳng giúp gì cho những người khác và cho chính bản thân họ, sẽ chẳng có chút ý nghĩa gì và rốt cục thậm chí còn gây nguy hại cho cuộc sống của họ.
Viết bình luận
- 478 reads