Bạn đang ở đây
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Đời Thứ IV (1527 - 1592)
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Đời Thứ IV, Kunkhyen Pema Karpo)
Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV đản sinh tại chân núi Tsechen vùng Kongpo, Tây Tạng vào năm 1527. Phụ thân Ngài là Josey Luyi Wangpo thuộc dòng dõi bộ tộc Nub còn mẫu thân là Chokyong Dolma.
Năm lên chín tuổi, Ngài đã đón nhận toàn bộ giáo pháp của Truyền thừa Drukpa tôn quý và được đăng quang tại trường Đại học Phật Giáo Tashi Thongmon, Vương quốc Jayul. Tại đây, Ngài học cùng bậc Thầy thiền định trí tuệ Tashi Namgyal là em trai của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ III và cùng nhiều Thượng sư khác.
(Tự viện Tashi Thongmon)
Năm mười một tuổi, Ngài được Đức Kyabje Drukchen Ngawang Choegyal nhận về giáo dưỡng và cho thụ giới Bồ Tát. Sau đó, Ngài lần lượt thụ nhận các quán đỉnh hộ trì, các giáo pháp giải thoát và kinh điển hướng đạo của toàn bộ Truyền thừa Drukpa từ chính Đức Kyabje Drukchen.
Năm mười bảy tuổi, Ngài tới tự viện Palkhor Dewachen ở Gyantse, nơi vân tập mười sáu vị Thượng sư giác ngộ từ mười sáu ngôi tự viện khác nhau. Ngài thỉnh Đại Trụ trì Khenpo Rinpoche Tashi Nangyal làm Bậc Căn bản Thượng sư, được truyền giới Sa di và Tỳ kheo trong đại giới đàn với sự hiện diện của mười Chứng minh sư đến từ các tự viện Dewachen, Gyantse và Tsechen. Ngài cũng thụ nhận Luật Tông từ Đức Khenpo Rinpoche Tashi Namgyal. Ngài học ngữ pháp, Logic, Trung Đạo, Đại Bát Nhã cùng tất cả các kinh điển và các môn khoa học từ các bậc Thầy tôn quý như Đức Lodo Zangpo và Đức Drukpa Lotsawa Gyalwang Drakpa.
Sau đó, Ngài đón nhận toàn bộ giáo pháp Kim cương thừa từ Đức Yongzin Ngagkyi Wangchuk, Kunpang Sherab Gyatso, Je Yonten Yeshe, Dorje Zinpa Chokyi Goenpo và Ngagchang Tshedak Tashi, chủ yếu là thụ học giáo Pháp của Truyền thừa Drukpa từ các tân phái và cổ phái khác. Ngài đã viên mãn hết thảy sở học và thành tựu thực chứng bằng thiền quán và thiền định.
Các Bản tôn Yidam thường xuất hiện thông qua linh kiến để gia trì cho Ngài. Ngài đón nhận pháp Guru Drakpo Kilaya thông qua Linh kiến Thanh tịnh tại Tòa Kim Cương Palri, ngọn núi Đồng Vinh Quang, nơi Thượng sư Liên Hoa Sinh từng an trú. Tại ngôi chùa Rasa Thrulnang (Jokhang) ở Lhasa, xuất hiện một Thánh tượng Đức Phật Quán Âm Thập Nhất Diện đã bị nghiêng lệch sau nhiều năm tháng. Đức Pema Karpo liền nhập từ bi đại định tại đây. Trong lúc thiền định Ngài cung kính đỉnh lễ trước Đức Phật Quán Âm Đại Từ Bi - Ngài chắp tay cầu nguyện và cúi đầu xuống chạm vào tim của pho tượng rồi từ từ đứng thẳng dậy. Ngay lập tức Thánh tượng Đức Phật Quan Âm liền đứng thẳng trở lại. Thấy vậy, tất cả mọi người đều tin rằng Ngài chính là một hóa thân của Đức Phật Quán Âm.
(Chùa Jokhang – Lhasa)
Trong vô số thiện hạnh phi thường, Ngài đã xây dựng mười ba ngôi tự viện, đáng chú ý nhất là "Chốn Phật Pháp tôn nghiêm của các Chân ngôn" Sangag Choeling ở miền Nam Tây Tạng. Ngài đã chuyển trụ xứ chính của Truyền thừa Drukpa về đây cùng với bốn trung tâm nhập thất trong đó đáng kể nhất là Trúc Lâm. Nơi nào Ngài cũng thành lập Tăng đoàn làm nền tảng cho Phật pháp và khuyến khích thực hành đầy đủ tam vô lậu học (giới, định, tuệ) cũng như việc tu học Mật chú và thiền định.
Các đệ tử xuất chúng của Ngài có Mipham Choegyal, Mipham Tenpai Nyima, Lhatsewa Ngawang Zangpo, Yongdzin Rinpoche đời thứ I (1546 - 1615), Bồ tát Sempa Rinchen Palzang, Thành tựu giả Khedrub Lhawang Lodo, Tagtse Tulku Pekar Wangpo, Triết gia Rabjam Mawa Jampal Drakpa, Dorje Zinpa Kunga Nyingpo, Tingzin Sangpo - hậu thân của Drukpa Kunle và Đại học giả Khepay Wangpo Sangay Dorje. Tất cả các đệ tử này đều trở thành những Đại thành tựu giả vĩ đại.
Một minh chứng cho thấy Ngài đã thành tựu đại giải thoát và khai mở trọn vẹn luân xa đại hỷ lạc (luân xa họng, khẩu giác ngộ) là việc để lại di sản gồm hai mươi tư tập "Một Trăm Nghìn Từ". Đây là một bộ bách khoa toàn thư vĩ đại cho lợi ích của chúng đệ tử và hàng hậu học đời sau. Với học thức uyên thâm của mình, Ngài được tôn xưng là Kunkhyen – Bậc Toàn Tri.
Tộc trưởng Sonam Tobgyal vùng Chongye đã thỉnh cầu Ngài viếng thăm miền đất của ông. Đáp lại lời thỉnh cầu, Ngài dạy: "Bây giờ ta tới để kết duyên với tất cả chúng sinh ở đây. Ta sẽ tới và quay lại Chongye mười hai lần".
(Vua Songsten Gampo)
Sau đó, theo lời thỉnh cầu của thống xứ, Ngài đến thăm từng nhà không phân biệt sang hèn và thực hiện nghi lễ tại ngôi mộ của vua Songtsen Gampo, Ngài đến và dạy: "Hãy xây cho ta một ngôi nhà nhỏ tại đây vì không bao lâu nữa ta sẽ hoá thân trở lại làm người dân của xứ này".
Ngài tán thán người dân vùng Chongye rằng, họ vốn thuộc dòng dõi hoàng gia người Ấn tại Zahor và đều là hậu duệ cao quý một người cháu của Viện chủ Shantarakshita và Đức Atisha. Ngài cũng tới thăm thánh địa Tradruk ở gần đó và thực hành nghi lễ triệu thỉnh chư Bản tôn Hộ Pháp để tịnh hoá chướng ngại khi Ngài hóa thân trở lại tại Chongye.
Sau đó, Ngài quay trở lại Sangag Choeling và niêm phong tất cả các Kinh sách, Nghi quỹ thực hành, ngoại trừ Nghi quỹ hộ ma Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara. Ngài chuyển đến Tashi Lhateng, một mật thất làm bằng cành cây ở phía nam Sangag Choeling và dạy rằng: "Ta sẽ nhập thất suốt bảy ngày, những ngày này rất bất tường và ta không thể duy trì sắc thân này được nữa. Nhưng ta sẽ sớm hóa thân trở lại". Sau đó, Ngài thị hiện viên tịch nhằm ngày rằm tháng bảy năm 1592 theo lịch Tây Tạng, trụ thế 66 năm.
Nguồn: Biographies - 4th Drukpa- http://www.drukpa.org
Kunkhyen Pema Karpo - Trích trong cuốn: "The Wand That Opens The Eyes And DispelsThe Darkness of Mind"
Viết bình luận
- 354 reads