Đón Tết Losar ở Nepal | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đón Tết Losar ở Nepal

1530
10/02/2016 - 17:50

Nếu như người Việt Nam có Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền, thì người dân Nepal, một quốc gia thuộc vùng núi tuyết Himalaya cũng có ngày tết riêng của họ, đó là Tết Losar. Bài viết kể về kỷ niệm đón Tết Losar tại Nepal của một Phật tử ngày đầu xuân 2015.


1. Đến Nepal vào mùa xuân, chúng tôi tận mắt ngắm nhìn những rặng núi tuyết trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời tuyệt đẹp, thêm nữa là trải nghiệm tâm linh sống động khi cùng với người dân bản địa hòa mình vào những lễ hội văn hóa, nghệ thuật Phật giáo đầy màu sắc tại đây.

Giống như nước láng giềng Bhutan, Nepal là quốc gia Phật giáo vùng văn hóa Himalaya. Trong tiếng Tạng, Losar có nghĩa là “Năm mới”. Lịch Tạng gồm 12 tháng âm lịch và Tết Losar rơi vào ngày đầu tiên của tháng 1 âm lịch. Tết Losar có 3 ngày chính nhưng ở một số nơi các hoạt động lễ hội có thể kéo dài từ 10 đến 15 ngày tiếp theo. Đối với người dân Nepal, đây là ngày lễ quan trọng nhất trong năm thể hiện đầy đủ những nét văn hóa và tín ngưỡng độc đáo như: Lễ cúng dàng chư Phật Bồ tát, lễ hội Đèn Bơ và các màn múa hát mang đậm màu sắc, nghi lễ Phật giáo.

Trước Tết khoảng một tháng, người dân Nepal đã bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, may quần áo mới cho các thành viên trong gia đình và thay cờ cũ bằng những lá cờ mới nhiều màu sắc. Các gia đình ở đây đặc biệt coi trọng việc may những lá cờ cầu nguyện (cờ Lungtar)  bằng vải hình vuông nhiều màu sắc: trắng, xanh dương, xanh lá cây, vàng, đỏ, nền cờ được trang hoàng các biểu tượng linh thiêng cùng với lời cầu nguyện. Họ treo cờ cầu nguyện sặc sỡ trên đồi núi và nóc nhà, cúng hương hoa dâng lên chư Phật Bồ tát. Họ hát và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong năm mới. Người Nepal tin rằng, lời nguyện cầu và lời tụng chân ngôn sẽ được thổi tới các cung trời như là những phẩm vật cúng dâng tới chư Phật Bản tôn, đem lại thật nhiều lợi lạc cho những ai treo cờ, cho hàng xóm của họ và cho tất cả chúng sinh bao gồm cả muông thú và cây cỏ.

Người dân Nepal sống giản dị, hiền hòa và đặc biệc chú trọng thực hành tâm linh trong môi trường cuộc sống hàng ngày. Đất nước này cũng sở hữu hàng trăm thánh tích cổ kính cùng các ngôi tự viện linh thiêng là trụ xứ của các bậc giác ngộ và hành giả tu học Phật pháp.

2. Theo lịch trình, chúng tôi viếng thăm ngôi tự viện Núi Druk Amitabha là trụ xứ của những hành giả Truyền thừa Drukpa, truyền thống tu tập Phật giáo Đại thừa – Kim cương thừa tại vùng Ấn độ - Himalaya. Tọa lạc trên một đỉnh núi cao tuyệt đẹp có tầm mắt rộng bao quát toàn bộ khung cảnh thủ đô Kathmandu, ngôi tự viện được xây dựng theo kiến trúc nghệ thuật Mật giáo, đề cao kiến trúc tạo hình Mandala; kết hợp những bức bích họa mô tả hình ảnh các vị Phật, các biểu tượng Phật giáo với tông màu Ngũ trí thật ấn tượng. Các tôn tượng Phật, câu chân ngôn mật ngữ là một phần quan trọng của kiến trúc nơi đây. Theo người dân địa phương kể lại, trong cuộc tìm kiếm địa điểm lý tưởng để đặt bảo tượng Phật A Di Đà, khi đến đây Đức Pháp Vương (Bậc Thượng sư đứng đầu Truyền thừa Drukpa) đã có linh kiến nhìn thấy hào quang màu đỏ cát tường phát lên từ rặng núi xa phía Tây thủ đô Kathmandu.

Thật tuyệt vời khi chúng tôi là những khách du lịch may mắn đến đây vào đúng dịp diễn ra Đại lễ mừng sinh nhật Đức Pháp Vương. Cùng với nghi lễ Phật giáo, các màn múa hát mang đậm sắc màu văn hóa dân gian, là bánh gato và hàng trăm ánh nến lung linh, tất cả hòa quyện trong hương thơm tinh khiết của các loại trầm, của cảm xúc tri ân chí thành hướng đến bậc Thượng sư, đem đến sự rung động tâm linh mạnh mẽ cho những ai có phúc duyên tham dự.

Sau khi thăm quan ngôi bảo tháp nổi tiếng Swayambhunath, chúng tôi đến khu Đại bảo tháp Boutdhanath ở trung tâm thủ đô Kathmandu. Boutdhanath là ngôi tháp thiêng và là khu trung tâm mua sắm lý tưởng với nhiều loại vải được dệt thủ công, có họa tiết tinh xảo; các loại đá quý, san hô đỏ, mã não… Tôi thực sự bị hút vào những tôn tượng Phật bày trong các cửa tiệm. Trên thế giới, có lẽ không đất nước nào có kỹ năng tạo ra những bức tượng Phật đẹp như ở Nepal. Tôn tượng Phật được thể hiện tinh xảo, giàu biểu cảm từ thần thái đến chiều sâu tâm linh. Khách du lịch chủ yếu là người châu Á theo đạo Phật. Người Việt Nam đến đây được chào đón vì sự tương đồng tín ngưỡng và nét tính cách cởi mở thân thiện, một số tiệm hàng còn chào “Việt Nam, Việt Nam” khá rõ âm sắc...


Xung quanh ngôi Đại bảo tháp Boutdhanath có rất nhiều người dân bản địa thực hành lễ lạy, đọc tụng kinh pháp. Hòa vào không gian tâm linh nơi đây, theo lời hướng dẫn của những hành giả tu học Phật pháp, chúng tôi cũng đi nhiễu 13 vòng tháp vừa tĩnh tâm cầu nguyện vừa cảm nhận sự thư thái, an lạc đến từ nội tâm.

Chúng tôi về Việt Nam mang theo hơi thở mùa xuân đầy ắp đạo vị, năng lượng gia trì thiêng liêng từ miền đất Phật, cảm xúc thăng hoa của một chuyến du xuân đặc biệt, lòng thầm ước nguyện sẽ quay trở lại nơi này trong một dịp Losar tiếp theo…
Chúc mừng năm mới – Happy Losar!

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,115,994
Số người trực tuyến: