Con đường hạnh phúc | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Con đường hạnh phúc

628
07/01/2023 - 15:46

 

Phóng viên (“PV”): Tuy cùng theo Phật Giáo song các truyền thống lại có những quan kiến khác nhau khi đề cập tới tiềm năng giác ngộ tâm linh của nữ giới. Kính bạch Đức Pháp Vương, Ngài vẫn luôn là người kiên trung bảo vệ sự bình đẳng giới, với những công hạnh như xây dựng tự viện cho ni chúng, khuyến  khích chư ni rèn luyện võ thuật, tạo cơ hội bình đẳng để chư ni có điều kiện tu học và tìm cầu giác ngộ như chư tăng. Xin Ngài chia sẻ về động cơ trong việc khuyến khích nữ giới nâng cao nhận thức về tiềm năng của bản thân và đặc biệt là tiềm năng giác ngộ nhờ thực hành Phật Pháp?


Đức Pháp Vương: Quả thật chúng ta có rất nhiều việc cần làm để cải thiện thế giới này, và chúng tôi đang cố gắng đóng góp công sức ít ỏi của mình vào một trong những mối quan tâm của cộng đồng là Bình đẳng giới. Khái niệm “bình đẳng giới” phù hợp trên cả quan kiến và góc độ thực hành của nhiều truyền thống tâm linh, điều này càng rõ nét trong thực hành Phật pháp và Kim cương thừa Phật pháp. chúng tôi rất coi trọng và cho rằng nữ giới có thể đóng góp nhiều điều ý nghĩa lớn lao cho cộng đồng, song thật không may, vai trò của phụ nữ thường bị xã hội lãng quên nếu không muốn nói là bị hạ thấp. cách hành xử này đã kéo dài quá lâu đời, trải qua vô số thế hệ đến mức nữ giới hầu như không còn năng lượng để đấu tranh, không còn dũng khí để bước ra ngoài, bởi họ đã quen với việc bị phân biệt đối  xử  và  cấm  đoán.  Như  vậy,  nhìn  chung không chỉ nữ giới phải chịu thiệt thòi mà tất cả chúng ta và cả thế giới cũng đang bỏ qua bao điều tốt đẹp, thiện lành và cơ hội tiến bộ mà nữ giới có thể mang lại. Khoảng 50% dân số trên thế giới là phụ nữ. Khi chúng ta cố tình chèn ép, hạ thấp một nửa dân số thế giới thì bạn có thể hình dung chúng ta đang mất mát nhiều thứ, bỏ qua biết bao cơ hội cho hạnh phúc và sự tiến bộ của cộng đồng. Do đó, xét trên tổng thể cũng như nhìn từ góc độ tâm linh,  chúng  ta  cần  tạo  điều  kiện  để  nữ  giới được phát triển mọi phẩm chất tích cực sẵn có thay vì áp đặt độc đoán và kiềm chế tiềm năng của nữ giới. Đây là lý do vì sao tôi muốn đề cao bình đẳng giới. các bạn cũng biết tôi thuộc về Tăng đoàn Phật  giáo  nên  tất  nhiên  tôi  cần  thực  hiện công  việc  và  bày  tỏ  sự  ủng  hộ  bình  đẳng giới  của  mình  trong  khuôn  khổ  thực  hành tâm  linh.  Như  vậy  trong  việc  này,  tôi  đang dùng  đúng  những  phương  tiện  và  kỹ  năng tâm linh của mình. Xét từ góc độ tâm linh, xã hội rất cần tới nữ giới. cũng giống như trong gia đình chúng ta cần người mẹ. Nếu thiếu đi sự hiện diện, tình yêu thương và vai trò quán xuyến của người phụ nữ, mái ấm gia đình sẽ mất cân bằng, trở nên hỗn loạn và thiếu tổ chức. Sự thực hành tâm linh cũng như vậy. Tất nhiên chúng ta rất cần tới năng lượng Phụ tính song nếu chỉ có năng lượng Phụ tính mà thiếu đi nguồn năng lượng Mẫu tính thì sẽ không hề tốt. Trong quan kiến Kim cương  thừa,  năng  lượng  Phụ  tính  chính  là tâm từ bi vô lượng và năng lượng Mẫu tính chính là trí tuệ toàn tri - cội nguồn của vạn pháp. Phụ nữ và phương diện Mẫu tính bên trong mọi chúng sinh bất kể nam hay nữ đều là biểu trưng cho đại trí tuệ siêu việt. Hai nguyên lý Mẫu tính và Phụ tính hay đại trí tuệ siêu việt và đại từ bi vô lượng là tương sinh tương hợp bất khả phân, chính vì thế mà mọi hữu tình đều bình đẳng, vốn sẵn đủ Phật tính và đều có khả năng giác ngộ thành Phật. Đây là lý do chúng tôi nói “Giác ngộ không phân biệt giới tính”, và điều này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao hạnh phúc và tiến bộ xã hội lại không thể dựa trên sự phân biệt giới tính.



 

PV: Kính bạch Đức Pháp Vương, Ngài đã đón nhận giải thưởng vinh danh của Liên Hiệp Quốc vì Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ vào tháng 9 năm 2010. Sau đó ba tháng, vào tháng 12 năm 2010, Ngài lại đón nhận giải thưởng Anh Hùng Xanh do Tổng thống Ấn Độ trao tặng. Mỗi năm, Ngài đều dẫn đầu “Eco Pad Yatra” (Bộ hành vì môi trường), cùng hàng trăm tình nguyện viên đi bộ hàng tháng trời trên khắp vùng Himalaya để nhặt rác thải và khuyến khích người dân bảo vệ môi trường. Phải chăng những chuyến bộ hành này là cách tiếp cận theo quan kiến Phật giáo để trưởng dưỡng ý thức tôn trọng và tri ân đối với thiên nhiên và môi trường? Làm thế nào để các bậc Thầy và hành giả Phật pháp cũng như mọi người có thể hiện thực hóa ý tưởng này?

 

Đức Pháp Vương: Cá nhân tôi cho rằng đây là sự thực hành Phật Pháp chân chính, tuy nhiên tôi lại không muốn nhấn mạnh tới từ “Phật Pháp”. Vì sao vậy? Bởi lẽ tôi muốn tất cả mọi người, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, khi tham gia thiện hạnh này đều thấy tự nguyện và thoải mái. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm giữ sạch môi trường vì lợi ích của bản thân và muôn loài. Do vậy, tôi cảm thấy không đúng nếu chỉ nhấn mạnh Eco Pad Yatra là sự thực hành Phật Pháp. Nhưng nếu bạn hỏi cụ thể hơn, tôi cho rằng Pad Yatra thực sự là một phần vô cùng quan trọng trong thực hành Phật Pháp. Tại sao như thế? Đơn giản vì quan kiến Phật Pháp không là gì khác ngoài giữ sạch môi trường. Ở đây cần nói rộng  ra,  khi  đề  cập  tới  môi  trường, ta  có  thể  nhắc  tới  ba  hay  bốn  cách hiểu về môi trường. Môi trường bên trong chính là tâm chúng ta, là quan niệm và cách chúng ta nhìn nhận mọi việc, cần phải rất tích cực, trong sáng và lạc quan. Môi trường bên ngoài là những gì chúng ta nhìn thấy ở ngoài kia:  không  khí,  nhà  cửa,  núi  rừng… đều  cần  được  giữ  gìn  sạch  sẽ,  lành mạnh.  Tất  cả  chúng  ta  đều  biết  rác thải không phân hủy đang ngập tràn khắp nơi, gây ô nhiễm từ nông thôn đến  đô  thị.  Những  rác  thải  nhựa  và rác không tự phân hủy này sẽ tổn hại đến  môi  trường  sống  bên  ngoài  và điều  này  được  khoa  học  công  nhận rộng  rãi  chứ  không  phải  thuần  túy một  quan  điểm  tín  ngưỡng  hay  duy tâm. Vậy, chúng ta phải làm gì để xứng danh hành giả Bồ đề, thực hành công hạnh Bồ Tát, trưởng dưỡng tình yêu thương  và  lòng  bi  mẫn?  Theo  quan kiến của tôi, chúng ta cần hành động không trì hoãn, không nên chờ tới khi vấn  nạn  này  trở  nên  nguy  hại  vượt quá tầm kiểm soát mà cần hành động ngay lúc này!
Qua các chuyến bộ hành vì  môi  trường,  tôi  chỉ  muốn  đưa  ra hình mẫu và hy vọng có khoảng 1.000 người  sẽ  làm  theo,  rồi  1.000  người đó sẽ trở thành hình mẫu để có thêm một triệu người khác làm theo. Phong trào này cần được lan tỏa và phát huy rộng rãi ở mọi nơi. Đây là động cơ chính của tôi. Tôi không dám nói mình sẽ có thể dọn sạch rác trên toàn thế giới và thực tế cũng không thể một mình làm được điều đó. Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, tôi có thể làm gương cho những người khác. Tất nhiên tôi không phải người duy nhất, còn rất nhiều người đang ngày đêm cống hiến tâm huyết và sức lực cho thiện hạnh bảo vệ môi trường. chẳng có lý do gì mà những người như tôi, với trọng trách là bậc Thầy tâm linh, lại không làm như vậy. Vậy nên, chúng tôi đã đề xuất các chuyến bộ hành Pad yatra bảo vệ môi trường và lấy đó làm sự thực hành Phật Pháp chân chính. Pad yatra như thế hướng tới mục tiêu làm sạch môi trường, dọn sạch dãy Himalaya, miền băng tuyết, làm sạch nguồn nước. Bạn có thể dùng bất cứ tên gọi nào, điều quan trọng là hành động đó sẽ góp phần giúp môi trường trở nên trong sạch. Nhiều tấn rác thải đã được thu gom trong các chuyên bộ hành Eco Pad Yatra



 

PV: Xin Ngài cho biết giữa tôn giáo và tâm linh có gì tương đồng và khác biệt? Tâm linhcó tách rời khỏi tôn giáo không ạ?



 

Đức Pháp Vương: Tâm linh chính là tâm của tôn giáo. Nếu tôn  giáo  không  có  tâm  linh  thì  chẳng  khác  nào người không có trái tim, khó có thể sống được. cho  dù  có  thể  duy  trì  sự  sống,  người  ấy  cũng không thể làm được gì, không thể giúp ích cho ai. cũng như vậy, tâm linh vô cùng quan trọng đối với tôn giáo. Theo tôi hiểu, tâm linh có nghĩa là hiểu biết trí tuệ, là sự hiểu biết chân thực về thế giới, về sự vận hành, những tác dụng và tác hại, lý do vì sao chúng ta và mọi loài hữu tình cần sống hòa hợp, nhận thức được thế giới và thiên nhiên có vai trò quan trọng như thế nào đối với con người, thấu hiểu tầm quan trọng của việc giữ gìn thiên nhiên không ô nhiễm để bảo tồn cho các thế hệ sau, cho đời con cháu chúng ta. Những hiểu biết này được gọi là tâm linh. Nếu hiểu được như vậy, tự nhiên bạn sẽ phát triển được tình yêu thương, lòng từ bi, ý thức trách nhiệm và quyền tự chủ, bởi lẽ bạn sẽ nhận thức rõ ràng: đây là thế giới của tôi, trái đất của tôi. cho dù bạn không thể đăng ký quyền sở hữu pháp lý với thế giới theo cách bạn làm để sở hữu một ngôi nhà, song cho dù phần đất phía bên ngoài hàng rào không phải là của bạn, bạn vẫn quan tâm chăm sóc bởi đó là một phần của môi trường. Bạn sẽ quan tâm tới mọi thứ, tình yêu thương của bạn cũng sẽ ban trải khắp nơi. Hiểu biết và cách hành xử đó gọi là tâm linh. Nếu trưởng dưỡng được hiểu biết đúng đắn về những giá trị tâm linh, cuộc sống của bạn sẽ sung túc, no ấm, phong phú và vô cùng năng động. Mọi thiện hạnh có thể được khởi xướng từ những truyền thống tôn giáo khác nhau, song khi xuất phát từ hiểu biết tâm linh này, các thiện hạnh chúng ta làm mỗi ngày không nhất thiết phải thuộc về phạm trù tôn giáo. Thực chất, hầu hết các tôn giáo đều có cùng tôn chỉ là hành động bắt nguồn từ trí tuệ hiểu biết. Thật đáng tiếc rằng ngày nay có nhiều người theo tôn giáo song lại không hề trưởng dưỡng được tâm linh. Họ quên mất ý nghĩa tình yêu thương hòa hợp và liên tục đấu tranh, sát hại lẫn nhau và tạo ra vô số vấn đề cho thế giới. các hành động tiêu cực này là do thiếu tâm linh hay trí tuệ hiểu biết. Vì thế, tôi đã nói tôn giáo thiếu tâm linh sẽ giống như một con người không có trái tim. cho dù không dán nhãn mác tôn giáo, tôi nghĩ vẫn có cách để đưa tâm linh đến với mọi người, nhờ sự chia sẻ chân tình và thông qua các phương tiện truyền đạt. Tôn giáo cũng là một phương tiện để truyền đạt tâm linh. Thông thường, có rất nhiều việc chúng ta làm theo thói quen, đó là “tôn giáo” của chúng ta. chẳng hạn như tôi ăn hai ngày một lần, ngủ mỗi ngày bốn tiếng, nghe nhạc và xuống phố hàng ngày. Tôi gọi tất cả những việc này là “tôn giáo”, cuộc sống hàng ngày có thể được coi là một hình thức “tôn giáo”. Đây là suy nghĩ của tôi. Như vậy, bạn không nhất thiết phải thay đổi màu sắc trang phục, không cần phải cắt tóc cạo đầu, không cần thay đổi tập quán hàng ngày, từ bỏ vợ chồng con cái, rời xa gia đình hay chối bỏ tiền nong tài sản để thực hành tôn giáo. Thời xa xưa, con người cần chứng tỏ mình có tôn giáo, biết phát triển tâm linh, vì mọi người không biết làm thế nào để nhận ra một người theo tôn giáo nên điều đó nhất thiết phải thể hiện ra bên ngoài. Khi phát nguyện xả ly, tôi xuống tóc, rời bỏ gia đình, tu tập thực hành để người khác có thể hiểu được tôi đang đi theo con đường tâm linh. Song ngày nay, có rất nhiều phương pháp khác có thể giúp khơi nguồn cảm hứng. Điều đó có được nhờ hiểu biết trí tuệ đúng đắn và đó chính là con đường tâm linh thời hiện đại.



 

PV: Kính bạch Pháp Vương, gần đây con đã đọc ấn phẩm mới của Ngài là cuốn “Giác ngộ mỗi ngày, Bước chân An lạc trong đời sống hiện đại”. Dường như chúng ta đang phải sống trong thời kỳ với rất nhiều khó khăn, khủng hoảng. Đạo đức xã hội suy đồi, băng hoại. Con người dường như mất đi sự kết nối với tâm linh. Giữa thời loạn lạc này, làm thế nào để Ngài có được giác ngộ mỗi ngày?



 

Đức Pháp Vương: Tôi vẫn cho rằng giác ngộ luôn thường trực nơi cuộc sống hàng ngày. Giác ngộ luôn sẵn đủ nơi chúng ta, mọi nơi mọi lúc. Đó là tâm linh trong cuộc sống thường ngày. Bạn nói đúng, con người ngày càng xa rời tâm linh, điều này vô cùng đáng tiếc. Nhưng đồng thời bạn không cần phải tìm kiếm giác ngộ ở đâu xa vì giác ngộ luôn sẵn đủ trong cuộc sống của bạn mỗi ngày. Mỗi  buổi  sáng  khi thức  dậy,  bước  vào  buồng  tắm, đánh răng rửa mặt rồi đi làm, ngày nào bạn cũng lặp lại như vậy. Thế nhưng nếu bạn biết nhìn vào tất cả những việc này theo một cách khác đi, dù chỉ một chút, thì đó là giác ngộ. Mỗi giây phút đều là giác ngộ. Mỗi khoảng khắc là một tiến trình học hỏi. Mỗi sát na là một trải nghiệm. Như vậy mọi trải nghiệm thực chất đều là giác ngộ. chúng ta gọi là “giác ngộ” bởi đó là một cách gọi mỹ miều, vui tai. Song nếu nói đơn giản thì giác ngộ chính là hiểu biết, là quá trình học hỏi của bạn có thể diễn ra ngay trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy từ trải nghiệm mỗi ngày cho tới thành tựu giác ngộ đối với tôi không có gì khó khăn. Bất kể bạn đang làm gì, nếu đã cần thì nhất định bạn vẫn phải làm, cho dù bạn có theo tôn giáo và có trưởng dưỡng tâm linh hay không. Dù bạn không trưởng dưỡng tâm linh, không tin vào chúa, không tin Phật cũng chẳng hề gì. Bạn vẫn tin vào trà, vào bữa ăn sáng. Vậy thì hãy dùng một bữa sáng ngon lành! Hãy ăn một bữa sáng điều độ! Bạn muốn sống mạnh khỏe. Đó chính là giác ngộ! Bạn muốn có những người bạn tốt, sẵn sàng giúp bạn. Bạn muốn sống trường thọ, vậy bạn phải uống nước nhiều; bạn phải uống nước có lợi cho sức khỏe; bạn phải ăn những món sạch và lành; bạn cần phải sinh hoạt điều độ, hãy đồng thời biết nghĩ về hạnh phúc cá nhân và của mọi người quanh mình. có thể bạn không coi đó là tôn giáo song đó vẫn là tôn giáo. Bạn không nhất thiết phải gọi đó là giác ngộ song đó vẫn là cấp độ giác ngộ của riêng bạn, vì bạn biết thức uống nào nên hay không nên dùng. Hiểu biết và cách hành xử đúng đắn chính là giác ngộ mỗi ngày.



 

PV: Vật chất và Hạnh phúc. Hàng triệu người đang bị mắc kẹt trong sự căng thẳng tinh thần vì áp lực công việc, bế tắc và trầm cảm trong khi lẽ ra những thành tựu vật chất phải mang lại cho họ niềm hạnh phúc. Phải chăng chúng ta đã tìm kiếm sai lầm?

 

Đức Pháp Vương: Đúng vậy. cách tiếp cận này hoàn toàn sai lệch. lẽ ra chúng ta không nên tìm kiếm hạnh phúc. Khi tìm kiếm hạnh phúc, chúng  ta  đã  đặt  ra  một  mục  tiêu  gọi  là “hạnh phúc”. Như vậy không tốt. Bạn không cần phải tìm kiếm hạnh phúc bởi hạnh phúc vốn  tiềm  ẩn  trong  chính  bạn.  Nếu  hiểu được  điều  này  thì  bạn  sẽ  chẳng  gặp  vấn đề gì. Tất cả chúng ta đều cảm thấy bế tắc, rối bời. Tại sao vậy? Bởi chúng ta tìm kiếm quá nhiều, lúc nào chúng ta cũng mải mê tìm kiếm “hạnh phúc” mà hầu như không bao giờ thấy. Đôi khi chúng ta có được chút “hạnh phúc” hay thỏa mãn song điều này cũng chỉ có tác dụng nhất thời, giống như khi bạn cho một đứa trẻ cái bánh quy để nó đừng khóc nữa. Suy cho cùng, đó không phải là hạnh phúc chân thật và vững bền. Hạnh phúc đích thực chắc chắn tiềm ẩn bên trong bạn và đó là điều bạn cần khám phá nơi chính mình. chẳng hạn, tôi có đôi chân, cho dù đôi chân đôi khi khiến tôi đau nhức khó chịu nhưng tôi vẫn có đủ hai chân để đi. Tôi cũng có đủ hai tay để cầm cốc và cầm thìa. Tôi có thể dùng cả hai tay để ăn. Tôi có tay để tự chải tóc cho mình và có cả hai tay để có thể tự mặc áo khoác. Tất cả những điều này cũng như việc có một thân hình toàn vẹn đã đủ để tôi thấy hạnh phúc. Nhưng vì bạn không trân trọng điều đó nên bạn không hạnh phúc. cho dù bạn có đầy đủ nhân hạnh phúc song bản thân hạnh phúc vẫn còn đang tiềm ẩn, có khi còn ẩn giấu ở rất sâu bên trong khiến bạn không thể cảm nhận được. Do vậy, thay vì cảm nhận hạnh phúc, bạn lại thấy rất đau khổ, thấy vô số vấn đề. chẳng hạn, bạn gặp trục trặc với vợ con, gặp khó khăn về tài chính hoặc một vấn đề gì khác. Bạn có hàng núi vấn đề, những vấn đề này rất nổi trội, trong khi hạnh phúc sẵn có trong bạn, hạnh phúc chân thực, nhân của hạnh phúc cũng như chính niềm hạnh phúc thật sự, không hiểu vì lẽ gì bạn lại chẳng tìm thấy. Tất cả đều nằm ẩn sâu bên dưới đến mức gần như không thể nhìn thấy được. Vì sao? Bởi vì bạn đã tìm kiếm nhầm chỗ và nhầm người nên hạnh phúc đã không thể hiển lộ. Đấy là lý do tôi nói “Hạnh phúc hiện diện trong mỗi phút giây của cuộc sống. Đó là món quà từ nguyên thủy, vẫn luôn sẵn có!” Bạn không biết trân trọng điều này nên đau khổ là lẽ tự nhiên. Vì thế, nếu đặt hạnh phúc như một mục tiêu để tìm kiếm bên ngoài thì bạn đã sai lầm.


 

PV: Xin Ngài chỉ dạy, điều gì giúp chúng con trở thành Phật tử chân chính? Chúng con cần có phẩm hạnh gì ạ?

 

Đức Pháp Vương: Tôi không rõ “Phật tử chân chính” có phải là một cách gọi phù hợp, có lẽ nên nói về một “Phật tử thuần thành”. Để trở thành Phật  tử  thuần  thành,  chúng  ta  cần  hai điều. Thứ nhất là trí tuệ hiểu biết, bạn cần  có  hiểu  biết  đúng  đắn  về  thực  tại vạn pháp. Hiểu biết ở đây nếu chỉ nằm trong đầu bạn mà không được chuyển hóa  thành  hành  động  thì  cũng  không ý  nghĩa.  Bạn  cần  phải  hành  động, cần chuyển hóa trí tuệ hiểu biết thành thiện hạnh. Bạn cần thực hành thiện hạnh đó. Đây chính là hai điều kiện để nhận biết một Phật tử thuần thành. Trước hết là hiểu biết rồi đến sự thực hành hiểu biết là điều kiện thứ hai. Hiểu biết như vậy mới thực sự mang ý nghĩa trí tuệ. Khi  một  người  không  nhận  thức được bản  thân  mình  đang  nắm  giữ hạnh phúc và tận hưởng hạnh phúc sẵn có, tôi thường thấy thương cảm và tiếc cho người ấy. chẳng hạn, tôi có thể nghĩ: “Bạn thật đáng thương vì cứ ngày đêm miệt mài tìm kiếm “hạnh phúc”. Về điều này, tôi cảm thông với bạn bởi chính tôi cũng  có  những  trải  nghiệm  tương  tự về khổ đau bế tắc. Tôi sẽ dành cho bạn lời khuyên chân thành: “Đừng nên tìm kiếm như vậy nữa. chính tôi cũng từng gặp phải vấn đề giống bạn. Bạn cần nhận ra và hân hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời  đang  sẵn có.  Đừng  tìm  kiếm  hạnh phúc  ở  nơi  nào  khác  ngoài  chính  bản thân  mình”.  Tôi  sẽ  làm  như  vậy và đó chính là hành động của tình yêu thương xuất phát từ sự thấu hiểu. Đây chính là điều  tôi  muốn  nói về tình  yêu  thương chuyển  hóa  thành  hành  động.  Nhưng để làm được như vậy, trước hết tôi cần ngồi tĩnh tại và chiêm nghiệm cho tới khi thực sự hiểu ra hạnh phúc là gì và nằm ở  đâu.  Khi  có  thể  kết  hợp  cả  hai  điều này, bạn sẽ trở thành một Phật tử thuần thành theo cách đúng đắn nhất.



 

(Tố Liên biên dịch)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,128,474
Số người trực tuyến: