Ký sự Nyungney: LÒNG TỪ BI CỨU RỖI THẾ GIỚI | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ký sự Nyungney: LÒNG TỪ BI CỨU RỖI THẾ GIỚI

1204
15/02/2016 - 20:21


Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa dạy rằng: “Lòng từ bi cứu rỗi thế giới và có sức mạnh lan tỏa yêu thương”. Mùa Hạ năm nay, , các đệ tử của Ngài đã hành hương về Đại Bảo tháp Tây Thiên linh thiêng cùng nhất tâm thực hành pháp tu trì Quan Âm Thập Nhất Diện - Thiên Thủ Thiên Nhãn để khai mở trí tuệ và tình yêu thương hướng tới mọi người và vạn loài.  

 

Khai mở lòng từ bi

Đây là một pháp tu đòi hỏi nhiều kỹ thuật thiền định và thực hành lễ lạy công phu song đã có tới gần 200 Phật tử từ các tỉnh thành, xa nhất là Sài Gòn cùng về Vĩnh Phúc tham dự. Điều này cho thấy sức cuốn hút mạnh mẽ của pháp Quan Âm - Nyungney (Nung - nây: gọi theo tiếng Tạng). Sức cuốn hút nằm ở ý nghĩa và tính diệu dụng của pháp tu. Thực hành Nyungney là để khai mở lòng từ bi. Khi tình yêu thương đã thực sự phát triển thì năng lực của từ bi sẽ bảo vệ cho chúng ta thoát khỏi mọi khổ đau. “Thực hành về Đức Phật Quan Âm chính là phương pháp để bảo vệ, hộ trì và viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh…” - Đức Pháp Vương từng giảng về ý nghĩa pháp tu Nyungney trong một kỳ hoằng pháp tại Việt Nam.

Vậy cụ thể Nyungney là gì? Pháp tu trì này được gọi đầy đủ là “Thập Nhất Diện, Thiên Thủ Thiên Nhãn, đoạn thực Bát Quan Trai giới”.  Đây là pháp thực hành rất thù thắng do thời gian chuyên tu chỉ có hai ngày rưỡi. Hành giả bắt đầu ngày thứ nhất bằng việc thọ Bát Quan Trai giới, giữ ngày ăn một bữa, và từ ngày đó đến hết đêm hôm sau phải đoạn thực tức là không ăn uống, tịnh khẩu (không nói chuyện, điện thoại) và giữ giới nghiêm ngặt.

Nền tảng của Pháp tu Nyungney là sự trì giới và bao gồm ba cấp độ. Cấp độ thứ nhất là trì giữ “Bát quan trai giới” hay tám giới luật thuộc về Tiểu thừa Phật giáo do Đức Phật chế cho Phật tử tại gia: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, không ngồi giường cao rộng, không ca múa hát xướng và giữ ăn một bữa. Vì còn ràng buộc gia duyên nên người phát nguyện tu chỉ cần thực hành xả ly và tu đúng như các bậc xuất gia trong 2 ngày song vẫn tích lũy vô lượng công đức. Cấp độ thứ hai tương ứng với phần giới nguyện chính của Đại thừa Phật giáo: hành giả phát tâm thọ Bồ đề tâm giới, phát nguyện trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng từ bi trí tuệ không chỉ lợi ích cho bản thân mà còn vì sự giác ngộ giải thoát của tất cả chúng sinh. Cấp độ thứ ba là sự thực hành Kim Cương thừa: hành giả tu trì nghi quỹ Quan Âm Thập Nhất Diện, thiền định về lòng Đại bi, thực hành nghi quỹ đàn pháp “tam mật tương ưng” với thân, khẩu, ý giác ngộ của Bản tôn Phật Quan Âm, trì giữ giới nguyện thanh tịnh với bậc Thượng sư giác ngộ. Nếu không quá mệt và đủ sức khỏe, trong thời gian chuyên tu, trung bình một ngày hành giả vừa trì tụng tán thán vừa đỉnh lễ Đức Quan Âm với số lượng khoảng 500 lễ dài.
 

    



Từ bi với bản thân mình
 

Chia sẻ với các Phật tử, Thầy Tỳ kheo ni Thích Minh Giác, Trụ trì Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên, cho biết: “Người tu thành tựu pháp tu Nyungney sẽ đạt được công đức rất lớn, kể như đã tu trọn vẹn Tam thừa Phật giáo (Tiểu thừa, Đại thừa, Kim Cương thừa). Xét về khía cạnh sức khỏe, đây còn là pháp tu chữa bệnh. Thông thường, cơ thể chúng ta phải làm việc rất vất vả, như một cỗ máy cứ liên tục ăn uống, tiêu hóa, hấp thụ, đào thải hàng chục năm không dừng nghỉ. Thói quen tập khí ăn uống chi phối mạnh đến nỗi chúng ta suốt ngày nghĩ đến ăn uống và cứ tiếp tục đọa đầy thân mình như vậy. Việc tu “đoạn thực”  (nhịn ăn) sẽ giúp thanh lọc, giải trừ độc tố ra bên ngoài cơ thể, khi đó cả thân thể và tâm trí chúng ta được nghỉ ngơi”.

Thấm nhuần lời dạy của Thầy nên hầu hết các Phật tử chuyên tu đều nỗ lực thực hành, thậm chí với cả những người có thể lực yếu mệt.

Một Phật tử kể lại, vào ngày đầu tiên của khóa tu, cô ấy không may bị cảm, đầu óc choáng váng, cơ thể ốm mệt ngồi không vững đã có lúc phải xin tạm nghỉ. Thế nhưng nhờ vào sự thành tâm, chuyên chú thực hành hướng đến Đức Quan Âm mà nhận được cảm ứng gia hộ từ Phật pháp, giúp cô nhanh chóng qua khỏi cơn cảm mạo. Nữ Phật tử nói:  “Trong khoảng 36 giờ nhịn uống nước và đoạn thực, tôi đã không thấy đói bụng hoặc nếu có thì cũng chỉ thoáng qua. Kết thúc 2 ngày chuyên tu, tâm tôi bình an, tràn đầy cảm hứng tu tập và thấy mình được tịnh hóa rất nhiều».  


 

Vượt hơn 2000 km từ Sài Gòn ra Vĩnh Phúc dự tu, một bạn trong Phật tử  Đạo tràng Văn Thù cho biết, chưa bao giờ các bạn đoạn thực lâu như thế nên khi trải nghiệm mới thấy thực sự xót thương người bị đói khổ ở nhiều nơi trên thế giới. Nhất là tại châu Phi nơi thường xuyên bị hạn hán kéo dài, không có lương thực, nước uống và người dân thì luôn phải chịu đói khát. Từ trải nghiệm tự thân nhìn sâu xa vào nỗi khổ của hữu tình để cảm nhận và thấu hiểu, đối với người Phật tử tu học đây thực sự là một bài pháp lớn thấm thía.

Các Phật tử Hà Nội chia sẻ: “Gần hơn, chúng tôi nghĩ đến bà con nông dân ở Bình Thuận đã từ nhiều tháng nay không có đủ nước uống, mọi sinh hoạt đời sống và sản xuất nông nghiệp bị tê liệt vì hạn hán kéo dài. Ngay khi biết có khoá tu, chúng tôi đã khởi tâm mong muốn được tu tập, cầu nguyện cho nạn hạn hán tại Bình Thuận và ở nhiều nơi khác sớm qua đi để người dân bớt khổ”. Nhiều Phật tử khác thì nhớ đến công ơn cha mẹ vất vả, thậm chí còn phải chịu đói khát để dành cơm ăn, nước uống cho con cái. Nghĩ được như vậy rồi thì trong lòng họ khởi dâng niềm cảm động, yêu thương và biết ơn cha mẹ khôn cùng. Không ít người đã hướng lòng trắc ẩn, xót thương tới mọi cô hồn ngã quỷ dưới cõi âm để cầu nguyện sự giải thoát và tin chắc lời cầu nguyện được cảm ứng mạnh mẽ...
 

Nội dung thực hành Pháp tu Nyungney gồm: Giữ Bát quan trai giới, tức là trì 5 giới: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và thêm 3 giới nữa là: giới không ngồi giường cao rộng, không ca múa hát xướng và giữ ăn 1 bữa. Theo đó, người tu sẽ cùng lúc thực hiện trì giữ ngũ giới, nhịn ăn, uống kết hợp với lễ lạy theo sự điều hành của bậc Thầy chủ đàn lễ . Trung bình có 4 thời khóa diễn ra trong ngày, mỗi khóa tu kéo dài khoảng 3 tiếng, việc lễ lạy được thực hiện cùng lúc với trì tụng kinh pháp.
 

Năng lực gia hộ của Đức Quan Âm
 

Có một điều thật khâm phục, tại những thời khắc nhất định khi thân thể đã thấm trải nỗi khát mệt song các Phật tử chuyên tu vẫn một lòng hướng về Đức Quan Âm để cầu nguyện, trì tụng, thiền định và đỉnh lễ. Lúc này thân tâm họ hòa trong ánh sáng giác ngộ cùng với năng lực của lòng bi mẫn lan tỏa rộng khắp. Nhiều người trải nghiệm tâm mình hòa vào tâm Phật tràn đầy yêu thương, hay có niềm tin xác quyết mình đã đón nhận đầy đủ năng lực gia trì của Đức Quan Âm. Một Phật tử nam bộc bạch: “Trong vài giờ khắc bị hoa mắt và khát khô, tôi ngước lên ảnh Đức Quan Âm trên chinh điện và cầu nguyện. Tức thì sau đó, tôi “cảm nếm” một vị ngọt dịu lạ thường lan trong vòm miệng, không phải do nước miếng, một dạng phi vật chất khiến đầu óc tỉnh táo trở lại, mắt hết hoa và tôi đã có thể tiếp tục lễ lạy”.


 

Hành giả tu Nyiung Ney cũng thực hành “Cho và nhận” (pháp Tonglen theo tiếng Tạng). Theo phương pháp này, hành giả phát tâm nguyện Bồ đề rộng lớn xin nhận về mình khổ đau của vô số chúng sinh, đồng thời trao tặng vô biên chúng sinh toàn bộ tài sản, công đức, thân thể, thậm chí tính mạng bản thân mình. Mỗi hơi thở vào là tâm nguyện đón nhận mọi đói khát, khổ đau của chúng sinh. Mỗi hơi thở ra là tâm nguyện hồi hướng, giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau hướng tới hạnh phúc giác ngộ.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,709
Số người trực tuyến: