Bạn đang ở đây
Khai thị về Pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara
KHAI THỊ VỀ PHÁP TU LỤC ĐỘ PHẬT MẪU TARA
(Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)
Đức Tara là ai, Đức Lục Độ Mẫu là ai? Theo quan kiến Kim Cương Thừa, có thể nói về Đức Lục Độ Mẫu bên ngoài, Đức Lục Độ Mẫu bên trong và Đức Lục Độ Mẫu bí mật.
Đức Lục Độ Mẫu bên ngoài chính là Thượng Sư trong hình tướng loài người. Đức Lục Độ Mẫu bên trong là Đức Tara trong lịch sử mà bạn đã biết qua các hình ảnh. Nói về Đức Lục Độ Mẫu – Đức Tara trong lịch sử - ngay trong kinh điển cũng có vô số miêu tả khác nhau. Có bản thì tả Ngài là một công chúa sống cách đây hàng ngàn kiếp, trong một lần đã triệu thỉnh 500 vị A La Hán Tăng tới và cúng dường ngọ trai. Đương nhân ngày này chúng ta vẫn còn giữ phong tục tốt đẹp này, song thời đó, sau bữa cúng dường trai tăng, các vị thường hỏi xem thí chủ có mong nguyện gì, thí chủ có muốn chúng tôi cầu nguyện hồi hướng cho tâm nguyện gì không? Ngày nay ở Bhutan người dân vẫn còn lưu giữ tập tục này. Sau khi cúng dường trà hoặc bữa trai, vị thí chủ sẽ quỳ lạy ba lần trước khi an tọa, và vị trưởng lão tăng cùng tăng đoàn sẽ cùng chú nguyện rằng nguyện cho mong muốn như thế này của thí chủ sẽ được như ý.
Quay lại câu chuyện, trong ngày đó, các vị A la hán đã đồng tình chú nguyện để kể từ đời kế tiếp trở đi, công chúa sẽ không bao giờ còn phải hóa thân làm người nữ nữa, và sẽ tu tập để đạt thành giác ngộ. Khi đó, công chúa đáp lại rằng quả thật con muốn trở thành Phật giác ngộ vì lợi ích chúng sinh, nhưng con muốn tạo nên sự khác biệt, nên con không muốn hóa thân trong hình tướng người nam từ kiếp sau. Công chúa nói giác ngộ không phân biệt nam hay nữ, điều quan trọng hơn hết là trí tuệ và từ bi, hoàn toàn siêu việt sự phân biệt giới tính. Ai cũng có thể đạt giác ngộ. Vì vậy con muốn trở thành Phật trong hình tướng nữ, bởi lẽ Phật không hề phân biệt nam hay nữ. Như vậy mọi người có thể thấy được trên con đường thành Phật, sẽ không có sự khác biệt nam hay nữ, bởi ai cũng có thể đạt được giác ngộ. Để khơi nguồn cảm hứng cho nữ giới, con sẽ tu tập cho đến khi thành Phật; vì vậy xin các Ngài hãy hồi hướng cho tâm nguyện này của con.
Đó là điều Ngài đã nhiều lần thỉnh cầu, kể từ khi Ngài bắt đầu bước chân vào Phật Đạo. Song đó là lần đầu tiên. Chúng ta cũng vậy, chẳng hạn hôm nay, sau khi thực hành, chúng ta phát tâm mạnh mẽ rằng nguyện con đạt thành giác ngộ vì lợi ích chúng sinh. Như vậy hành trình của chúng ta sẽ bắt đầu.
Hành trình tu Phật của Đức Tara cũng đã đánh dấu sự khởi đầu như vậy. Sau vô số kiếp, không phải sau nhiều năm mà sau vô số kiếp nếu nói theo quan kiến Đại Thừa, công đức phải được tích lũy qua vô số, vô lượng kiếp, thực hành tịnh hóa, chuyển hóa tâm nhờ thực hành Sáu Ba La Mật, Ngài đã thực hành miên mất trong vô số kiếp. Với lòng từ bi của bậc Bồ Tát, Ngài đã nhận ra điều tôi kể lúc trước về Đức Phật và người đang đói lả, Ngài nhận ra rằng trên thế gian này có vô số người đang phải sống trong sợ hãi và đau khổ, họ sợ hãi vì bị cầm tù, sợ bị đầu độc, sợ ốm đau, sợ bị sát hại, bị đánh cướp, sợ thú dữ, quá nhiều nỗi sợ hãi và cũng quá nhiều điều bất như ý. Quá nhiều đau khổ bởi sợ hãi và bất như ý. Vì vậy Ngài đã phát thệ nguyện rằng về sau này khi Ngài trở thành Tara, có nghĩa là giải thoát – trong tiếng Phạn có nghĩa là giải thoát khỏi sự sợ hãi – bất cứ ai, chỉ cần nghe được hồng danh của ta, nhớ tới hồng danh ta trong khi cầu nguyện, thực hành, thì sẽ được giải thoát khỏi mọi hiểm nguy, nguyện cho mọi mong nguyện thế gian và xuất thế gian đều được viên mãn.
Cho dù xét theo quan kiến tuyệt đối, những ước nguyện thế gian chỉ là giả tạm, là phóng chiếu, song với chúng sinh thì đây vẫn là những điều rất cần thiết. Cũng như khi bạn đang mơ thì giấc mơ đó rất thật, chỉ khi tỉnh dậy nó mới biến mất và bạn mới biết là mình đang mơ. Những trải nghiệm sợ hãi, nguy hiểm, hạnh phúc, buồn đau đều rất thật, vậy nên đôi khi bạn tỉnh giấc trong tâm trạng rất vui hoặc ngược lại là trong nước mắt. Chừng nào bạn còn trôi lăn trong luân hồi, lẽ tất nhiên chư Phật sẽ trợ duyên để những tâm nguyện của bạn được viên mãn. Đó chính là bản thệ của Đức Tara, và Ngài đã cầu nguyện để viên mãn bản thệ đó. Và Ngài đã dành trọn sự thực hành để hồi hướng công đức cho tâm nguyện đó. Sau khi Ngài đạt quả vị giác ngộ, pháp tu Tara đã trở thành pháp tu chính của nhiều bậc Thượng Sư. Ngài được kính ngưỡng là hiện thân của các công hạnh Phật. Trong Đại Thừa và Kim Cương Thừa, tôi nghĩ có lẽ không có bậc Thầy nào không thực hành pháp tu Tara. Bởi lẽ đối với một bậc Thầy trong Đạo Phật, giáo pháp của Đức Phật cần phải được hoằng truyền rộng rãi, cũng giống như đối với những người thế gian, sự nghiệp phải phát triển.
(Đại học Phật giáo Nalanda)
Vậy nên pháp tu Tara thực sự rất lợi ích. Có rất nhiều câu chuyện kể về lợi ích của sự thực hành pháp tu Tara, như được cứu thoát sinh mạng, thoát tù tội, khỏi bệnh, quá nhiều thí dụ như vậy. Pháp thực hành Tara cũng không phải bắt nguồn từ vùng Himalaya hay Bhutan, mà bắt nguồn từ Ấn Độ, nơi pháp thực hành này đã lưu truyền hơn 1000 năm. Trong tự viện Nalanda và trong một vài ngôi chùa cổ, chẳng hạn như Ajanta Alorra, chúng ta có thể nhìn thấy tranh họa Đức Tara từ 1000 năm trước. Như vậy pháp thực hành này đã có từ rất lâu đời.Còn có vô số câu chuyện kể về những hành giả đã từng được diện kiến Đức Tara hoặc đón nhận khai thị giáo pháp từ Ngài. Trong tự viện Nalanda trước kia, tương truyền có một tôn tượng Đức Tara đang khai thị giáo pháp.
Chuyện kể rằng có một người ngoại đạo thường có thói quen chê bai Phật Pháp và đặc biệt là pháp thực hành Tara. Nhưng rồi một lần ông ta đi biển gặp nạn, lúc sắp chết đuối, đột nhiên ông ta nhớ tới Đức Tara và những lời Ngài khai thị, rằng thông thường có thể chúng sinh không thường nghĩ tới Đức Tara, nhưng khi gặp nguy khốn ai nấy đều khởi niệm cầu nguyện Đức Tara. Khi ông khởi tâm như vậy, Đức Tara liền hiện ra và cứu mạng ông. Khi dạt được vào bờ, Đức Tara liền hóa thành tôn tượng và được thỉnh về thờ tại Đại học Phật giáo Nalanda – câu chuyện truyền kỳ là như vậy.
Gần gũi hơn với chúng ta, nhiều người ở đây đã có phúc duyên hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc Thượng Sư của Ngài là Đức Ngongtrul Rinpoche khi rời khỏi vùng Himalaya đã bị một số người có vũ trang truy bắt. Ngài phát nguyện rằng để bảo toàn tính mạng cho bản thân và cả những người cùng đi, Ngài sẽ trì tụng 100,000 biến Tara. Và rồi mỗi tối khi thay y phục, Ngài đều thấy có những viên đạn rơi ra – có khi đến 3, 4, 5 viên. Ngài đã bị súng đạn bắn trúng, song đạn không thể xuyên qua y phục. Điều này đã xảy ra rất nhiều lần. Đây là một câu chuyện khá gần với thời đại chúng ta. Nói gì đi nữa, khi bạn thực sự bước vào thực hành, bạn sẽ có cảm nhận rõ ràng.
Ngay trong cộng đồng Drukpa Singapore khi bước vào sự thực hành, các Phật tử đã nói lại với tôi rằng vào ngày thực hành pháp Tara, họ nhìn thấy màu xanh an lành ở khắp nơi. Đôi khi tôi thấy chúng ta thường có xu hướng phóng chiếu suy nghĩ của mình đối với người khác. Chẳng hạn chúng ta có thể nói "nếu con cầu nguyện Đức Tara, có lẽ Đức Tara sẽ không thị hiện, bởi Đức Tara cũng như chư Phật vô cùng bận rộn,các Ngài chẳng có thời gian dành cho một người bình thường như con, các Ngài chẳng biết con là ai, con cũng chẳng có người bạn nào có thể giới thiệu con tới các Ngài". Cách nghĩ này là do đây là cách thông thường chính chúng ta đối xử với mọi người. Chúng ta lúc nào cũng quá bận rộn, chẳng có thời gian dành cho ai. Nếu ai đó cần được giúp đỡ, có thể chúng ta sẽ tự nhủ rằng chắc sang tháng sau mình sẽ có thời gian hơn. Tháng này chắc mình không thể đến được. Và chúng ta nghĩ rằng chắc chư Phật cũng giống như chúng ta.
Nhưng chúng ta cần nhớ rằng các bậc Giác ngộ đã thực hành công hạnh trong nhiều đại kiếp để có thể làm lợi ích cho chúng sinh. Không chỉ vậy, các Ngài không hề có mối quan tâm hay công việc nào khác. Đó chính là công hạnh của các Ngài suốt ngày đêm. Vì thế ngay phút giây chúng ta khởi niệm nhớ tới các Ngài, theo truyền thống Kim Cương Thừa chúng ta có những lời cầu nguyện để triệu thỉnh chư Phật, khi chúng ta vừa tụng lên lời cầu nguyện thì ngay khi khói hương cúng dường vừa tỏa ra, cho dù chúng ta có đủ duyên nhận ra hay không, các Ngài vẫn thị hiện, điều đó là chắc chắn. Và chúng ta đón tiếp, cung thỉnh các Ngài bằng khói hương cúng dường.
Ngay khi chúng ta khởi tâm nghĩ tới và trì tụng thì lập tức các Ngài thị hiện, điều này là chắc chắn, bởi đây gần như là sứ mạng và công hạnh của các Ngài. Chắc chắn các Ngài sẽ thị hiện và ban ân phúc gia trì, còn việc chúng ta có đón nhận được ân phúc nhiều hay ít tùy thuộc hoàn toàn vào sức mạnh của sự thực hành, của tâm chúng ta, các bạn có thể gọi là tâm chí thành, tùy thuộc vào sự nỗ lực thực hành thân, khẩu, ý của chúng ta. Hôm nay tôi nghĩ không có nhiều vị Giáo sư tới tham dự buổi tọa đàm, vì họ thường có những câu hỏi như "Con nghĩ Ngài đã dạy rằng Đạo Phật không khuyến thỉnh trông chờ đón nhận ân phúc gia trì được ban, bởi tất cả đều tùy thuộc vào Nghiệp của mỗi người". Điều này tất nhiên rất đúng. Song chính vì như vậy nên bạn lại càng cần thực hành Tara, cúng dường lên Ngài, quán tướng Đức Tara và trì tụng chân ngôn Lục Độ Mẫu. Lấy thí dụ, hay tưởng tượng Đức Tara giống như một ô ruộng, một mảnh vườn, một khoảnh đất vô cùng màu mỡ - có những mảnh đất chỉ có thể trồng lúa hay trồng cây và cho thu hoạch mỗi năm một vụ, nhưng cũng có những nơi đất đai màu mỡ đến mức có thể thu hoạch một năm hai vụ. Có những nơi đất vô cùng khô cứng, chỉ có thể trông khoai, có những nơi đất khô và nghèo đến nỗi chẳng thể trồng được thứ gì.
Còn Đức Lục Độ Mẫu Tara, vì Ngài đã trải qua vô số, vô lượng kiếp thực hành, nên Ngài giống như một ruộng phước điền vô cùng màu mỡ, chúng ta có thể chỉ cúng dường một chút phẩm vật thôi, song ngay lập tức hoa trái liền nở rộ. Nhanh chóng kết quả và cho mùa bội thu. Chẳng phải vì chúng ta giỏi giang gì, mà bởi Ngài đã tu tập qua vô lượng kiếp và do quy luật nhân quả nên Ngài tích lũy được năng lực như vậy – Ngài trở thành giống như một viên ngọc Như Ý. Khi đó chúng ta chỉ cần cầu nguyện tới Ngài, thực hành pháp tu của Ngài và những lợi ích thu hái được không thể nghĩ bàn chính nhờ Phúc báo nơi Ngài… chúng ta chỉ cần gieo nhân. Đây chính là sự vận hành của ân phúc gia trì, nếu chúng ta muốn lý giải bằng suy luận logic. Như vậy chúng ta đã giải thích về Đức Tara.
Chúng ta đã biết Đức Tara đã trở thành suối nguồn tràn đầy ân phúc gia trì, chúng ta cần biết nương vào đó để tích lũy thiện nghiệp. Sự cầu nguyện, thực hành, cúng dường, quán tưởng lên Đức Tara, tất cả những việc này đều là sự tích lũy công đức để có thể tịnh hóa đi những nghiệp bất thiện, tích lũy vô số thiện nghiệp để giúp cho những tâm nguyện của chúng ta được nhậm vận viên mãn. Chúng ta đã giải thích được hai khía cạnh về Đức Tara (i) Đức Tara bên ngoài là Thượng Sư trong hình tướng người; (ii) Đức Tara bên trong là Đức Tara lịch sử - Đức Lục Độ Mẫu, Bạch Độ Mẫu. Giờ chúng ta sẽ tiếp tục giải thích về Đức Tara bí mật, không là gì khác mà chính là tự tính tâm của chúng ta. Tự tính tâm không tạo tác.
Có thể nói Đức Lục Độ Mẫu với từng khía cạnh bên ngoài, bên trong và bí mật có thể giúp bạn dần dần khám phá ra Phật tính. Đức Tara bên ngoài có thể là bậc Thượng Sư trong hình tướng người, song hình tướng này có thể rất xa cách bởi sự phân biệt như mình là người Trung Hoa, Thượng Sư lại là người Ấn Độ, rất nhiều khái niệm kiểu như vậy có thể nảy sinh. Cho dù chúng ta đều mang chung hình tướng người, song do khái niệm nhị nguyên nên giữa chúng ta có sự phân biệt. Rồi Đức Tara lịch sử, chúng ta tiến lại gần hơn chút nữa. Còn Phật có thể ở khắp mọi nơi, như vậy chúng ta lại càng tiến đến gần hơn, cho tới cuối cùng, khi Đức Tara trở nên bất khả phân với Thượng Sư, và Thượng Sư hoàn toàn bất khả phân với tự tính tâm của chính chúng ta. Bởi lẽ xét về tuyệt đối bạn phải nhận ra được rằng Phật ở trong chính mình. Thí dụ một ngày nào đó khi bạn đạt tới thành tựu giác ngộ, chẳng phải có ai đó sẽ đặt thứ gì đó vào bên trong bạn, để rồi khi đó bạn bỗng trở thành Phật. Bạn cần nhận ra tự tính tâm của chính mình để có thể chứng đắc quả vị Phật. Như vậy xét về tuyệt đối, bạn cần phải tìm thấy Đức Tara trong chính mình.
Nói cách khác, "Đức Tara bên ngoài" vẫn còn là khái niệm nhị nguyên: Thượng Sư của mình đến từ nơi này, Ngài là bậc Toàn tri, Ngài cao lớn hoặc thấp bé… vô số khái niệm như vậy. Đối với Đức Tara bên trong, chúng ta bớt đi những suy nghĩ theo cách này, không cho rằng Ngài đẹp hay không đẹp, ưa nhìn hay khó coi, những điều vô nghĩa như vậy sẽ không phát khởi. Như vậy là khái niệm nhị nguyên đã bớt dần đi. Vì vậy trong Kim Cương Thừa, chúng ta luôn nhấn mạnh tới việc quán tưởng Thượng sư là Phật, để tâm chúng ta bớt nảy sinh khái niệm. Trong bất cứ pháp thực hành Kim Cương Thừa nào, chúng ta đều quán tưởng bậc Thượng Sư bất khả phân với Phật, Ngài luôn tan thành ánh sáng và hòa nhập vào trong tâm hành giả. Rồi sau đó chúng ta an trụ trong tự tính tâm. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu ra rằng theo tục đế chúng ta có thể nói điều này tốt, điều kia xấu, đây là vui, kia là buồn, nhưng xét theo chân đế, vạn pháp đều là sự tạo tác của tâm, và tự tính chân thật của tâm vốn bản lại vô nhiễm mọi khái niệm nhị nguyên, và trạng thái đó chính là Tara - hay chính là Phật, hoặc trong Đại thừa chúng ta gọi là Phật tính.
Khi tôi còn nhỏ thường nghe mọi người nhắc tới Phật tính, tôi cứ hình dung rằng có một bức tượng nhỏ xíu được đặt bên trong trái tim. Nhưng tôi hiểu sự thật không phải như vậy, mà chỉ có nghĩa là tự tính tâm của chúng ta siêu việt mọi khái niệm nhị nguyên, tâm vốn tự nhiên trong sáng và đó chính là Phật tính tối thượng. Để có thể nhận ra được chân lý này, chúng ta cần thực hành hòa tan Đức Tara hoặc bất cứ vị Bản tôn nào trong các pháp thực hành Kim Cương Thừa – bạn có thể hòa tan Phật Bản tôn vào chính bạn, hoặc cũng có thể hòa tan chính mình vào Bản tôn, hai cách lựa chọn này đều đúng Pháp.
- Viết bình luận
- 5391 reads