Bạn đang ở đây
Điều kỳ diệu của sức mạnh nội tâm
Bệnh tật thường khiến con người cảm thấy lo lắng phiền muộn. Ngay một cảm giác mệt mỏi cũng có thể làm chúng ta mất hào hứng, kém vui.
Trong cuộc sống, có những hoàn cảnh khó khăn khiến ta đau đớn và cuốn sách này không có dự định xem thường sự khổ đau đó. Nhưng bạn có thể nhận thấy mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau trước nỗi đau hay mất mát xảy ra. Chẳng hạn trong trường hợp mắc phải căn bệnh hiểm nghèo: có những người luôn sống trong sự lo lắng về tương lai phía trước, sợ phải khổ đau, trong khi những người khác sau khi trải qua biến cố đã học được cách sống tỉnh thức trong hiện tại. Họ biết thêm trân trọng cuộc sống, thay vì luôn bị ám ảnh về cái chết hay bệnh tật. Đôi khi sự thay đổi đó diễn ra khi chúng ta đang phải đối mặt với một biến cố lớn, nhưng thường thì sức mạnh nội tâm này được trưởng dưỡng trong suốt cuộc đời. Thái độ sống và tư duy tích cực có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện này. Lấy thí dụ khi nhìn một nửa ly nước, có người sẽ chán nản thấy nước trong ly chỉ còn một nửa, trong khi người khác lại hoan hỷ vì nước vẫn còn được một nửa ly. Trong thực tế, chúng ta vẫn có thể rèn luyện tâm khi thân ta đau yếu, nhưng việc này dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta bắt đầu ngay từ khi còn đang khỏe mạnh, thay vì chờ đến khi khó khăn ập đến.
Thật tuyệt vời vì trong mỗi tình huống, chúng ta đều có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Như đã thấy, dù thường nghĩ rằng mình chẳng có lựa chọn nào khác, nhưng thực tế chính chúng ta làm chủ mọi phản ứng, suy nghĩ và tình cảm của bản thân. Điều này không có nghĩa ta đang sống xa rời thực tế hay chối bỏ thực tại. Ngược lại, biết chấp nhận thực tế là chìa khóa để tâm được bình an. Chúng ta thường lớn lên với quan điểm cho rằng chấp nhận có nghĩa là đầu hàng, từ bỏ hy vọng. Song chấp nhận chính là sức mạnh vĩ đại của tâm an lạc. Khi biết chấp nhận những gì không thể thay đổi, chúng ta sẽ không phải hao tâm tổn trí, chẳng tiếc nuối dằn vặt để có thể tập trung hơn vào những việc trong tầm tay. Với hiểu biết “vạn pháp duy tâm tạo”, chúng ta sẽ nhận ra mình tự do tự tại và có quyền lựa chọn ra quyết định phù hợp ngay cả trong những lúc khó khăn nhất trong đời.
Đau buồn là một cảm xúc gây phiền não trong tâm, song cũng là một bài pháp đầy lợi ích khi chúng ta biết vượt qua. Trên thực tế, việc đối diện khổ đau không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế, thay vì tìm cách vượt qua, đôi khi chúng ta lại cố chôn chặt những cảm xúc mãnh liệt ấy trong lòng, lo sợ nếu để bùng phát ra bên ngoài, ta không có đủ nghị lực và trí tuệ để điều phục chúng.
Những lúc buồn khổ, ta cảm thấy cả thế giới như đang chống lại mình. Các đau khổ phiền não, thất vọng buồn chán dường như trĩu nặng, kiềm tỏa chúng ta hơn. Đôi khi chúng ta lại bám víu quá mức vào những xúc tình khổ não này. Chính những cảm giác đau buồn đó là nguồn gốc tạo nên sợ hãi, bất an trong cuộc sống. Vì lý do này, một số người thấy khó thực hành thiền định trong giai đoạn đầu bởi những cảm xúc thầm kín, kìm nén bấy lâu bỗng dưng ùa về, cả những kỷ niệm đẹp lẫn những ký ức buồn tủi, khổ đau. Họ chợt nhận ra những cảm xúc ấy lâu nay vẫn lấp ló ở đó, âm thầm chi phối mọi suy nghĩ và cuộc sống của họ. Chỉ cần nhận biết được điều này thôi cũng giúp ta nới lỏng một chút nút thắt cảm xúc vẫn siết chặt trong lòng bấy lâu nay. Nếu biết quán chiếu những cảm xúc ấy bằng sự tỉnh giác khi thiền định và suy ngẫm, chúng ta sẽ thấy những cảm xúc này thật ra không đáng sợ như ta tưởng.
- 5405 reads