Khám phá “bản ngã” của chúng ta | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Khám phá “bản ngã” của chúng ta

2164
03/05/2022 - 19:28

Bản ngã (danh từ):

1. a) sự tự tôn b) sự tự tôn thái quá.

2. Một trong ba nhánh của tâm theo thuyết phân tâm học, là phần được tổ chức chặt chẽ đóng vai trò nhận thức trung gian giữa cá nhân và thực tại.

3. Cái tôi, đặc biệt được dùng đối lập với cái tôi khác và thế giới bên ngoài.

(Theo từ điển tiếng Anh Penguin)



 

Ngày nay, khi nói về “bản ngã”, người ta thường ám chỉ thái độ thô lỗ, ngạo mạn, hợm hĩnh và nóng nảy. Một người được cho là “đầy bản ngã” khi chỉ luôn nghĩ đến bản thân, không chịu lắng nghe, luôn muốn đạt vị trí đứng đầu và luôn coi ý kiến của mình là số một. Phần lớn chúng ta đều cho rằng mình không “đầy bản ngã”, hoặc nếu có chút xu hướng này thì cũng chỉ để tỏ ra tự tin và khẳng định mình hơn một chút với bên ngoài.

 

Nhưng nếu quan sát sâu hơn ý niệm về sự tự tôn trong các định nghĩa khác về bản ngã nói trên, chúng ta sẽ thấy sự tương đồng sâu sắc giữa hai nền triết học phương Đông và phương Tây. Theo định nghĩa được dẫn chiếu, bản ngã còn có thể được xem như “phần được tổ chức chặt chẽ đóng vai trò nhận thức trung gian giữa cá nhân và thực tại” và “cái tôi, đặc biệt được dùng đối lập với cái tôi khác”. Quả thật bản ngã có sự tổ chức rất chặt chẽ, luôn gán nhãn mác cho mọi người và đóng khung mọi sự vật hiện tượng. Chính qua lăng kính của bản ngã mà chúng ta phóng chiếu nên mọi thứ mình thấy, chạm, nghe, nếm và cảm nhận. Đó là lớp trung gian được hình thành theo thời gian, càng ngày càng tích lũy thêm nhiều trải nghiệm cá nhân, để rồi những nhãn mác do cha mẹ và người xung quanh gắn cho ta dần trở thành nhãn mác của chính bản ngã chúng ta. Đến lượt mình, những nhãn mác đó trở thành những thói quen và tập khí: cách chúng ta làm mọi việc, cách chúng ta sống, cách chúng ta suy nghĩ.



 

Nhận lầm trung gian là bản thân mình

 

Bây giờ, chúng ta có thể hiểu vì sao mình thường đồng nhất chính mình với bản ngã, kẻ trung gian có lăng kính phóng chiếu này. Bản ngã dần tạo cho chúng ta ý thức về bản thân và cái “tôi” của mình. Chấp trước này có ảnh hưởng chi phối cả với người trầm tĩnh cũng như người ồn ào, nhất là khi cần xác định giới hạn của mình bằng những nhãn mác hay khi đón nhận lời khen chê của người khác.

 

Và đó chính là điểm mấu chốt của vấn đề, là mầm mống của tâm bất an. Bản ngã của chúng ta cố gắng làm cho cuộc sống dễ dàng hơn bằng cách áp dụng lối tư duy rập khuôn, chấp trước mạnh mẽ về danh tính để chúng ta bám chấp vào đó, một “tấm thẻ căn cước” để chúng ta có thể bám víu và không cảm thấy chông chênh, lạc lõng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ cái tôi hời hợt hay bộ máy phóng chiếu này luôn lệ thuộc vào ngoại cảnh để có cảm giác an toàn. Khi định nghĩa mình thông qua việc so sánh và đối chiếu với những người khác, một lần nữa, chúng ta đặt mình vào tư thế phải đón nhận những thất vọng và bất an hiển nhiên không tránh khỏi. Cho dù đứng đầu trong lớp, một ngày nào đó, trong cuộc sống chúng ta cũng sẽ gặp phải một người thành đạt hơn mình, xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào do chúng ta đặt ra. Một ngày nào đó, hoặc rất nhiều lần, chúng ta sẽ thất vọng về mình cũng như khiến cho người khác cảm thấy thất vọng về mình. Đó chính là lúc chúng ta gieo những mầm mống bất an.



 
 
~ Trích ấn phẩm “Tâm an lạc” - Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,130,184
Số người trực tuyến: