Bạn đang ở đây
Tỉnh thức mang lại lợi ích gì?
(Chia sẻ được trích từ Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Ngày nay, nhiều người thậm chí không thể tản bộ trên đường mà không cùng lúc làm việc gì đó như điện thoại, đọc sách hay gửi tin nhắn. Mọi người không thể gặp nhau chỉ để ăn uống mà còn tranh thủ kết hợp đàm phán, kinh doanh. Mỗi khi đối tác ra ngoài, chúng ta lại vội vã kiểm tra email, trả lời tin nhắn, chẳng thể ngồi yên vài phút tận hưởng khoảnh khắc an nhàn.
Tôi hy vọng bạn nhận ra rằng mình có thể đơn giản hóa mọi việc đi một chút và chú tâm hơn vào từng việc mình đang làm thay vì luôn phải nghĩ đến công việc kế tiếp. Nếu bạn đang dùng bữa sáng, hãy biết tận hưởng thời gian và ăn trong chính niệm. Buổi sáng là thời gian tuyệt vời để khởi tạo trạng thái tâm minh mẫn, thư giãn và năng động cho một ngày mới. Nếu đang viết báo cáo tại công sở, hãy dẹp bỏ tất cả những thứ khiến bạn sao nhãng để thực sự tập trung vào công việc. Chúng ta dễ dàng bắt đầu với hàng tá việc cần làm, nhưng nếu thiếu sự tập trung, bạn khó có thể hoàn thành tốt dù chỉ là một việc trong số này.
Khi tỉnh thức và chú tâm, bạn sẽ không chỉ trân trọng mọi chuyện diễn ra trong ngày mà còn cảm thấy thời gian như được kéo dài một cách đầy ý nghĩa. Bạn không còn ở trong tình trạng căng thẳng, tất bật, gò bó. Tập trung chú tâm sẽ giúp chúng ta làm việc hiệu quả, những vặt vãnh vô nghĩa của cuộc sống sẽ dần giảm bớt. Bạn nhận ra để cải thiện chất lượng cuộc sống, điều quan trọng là chúng ta phải biết giữ tâm tỉnh thức.
Hãy học cách quan sát và chờ đợi. Cảm xúc đến rồi đi như những con sóng xô bờ. Khi tỉnh thức, bạn sẽ hiểu chúng đến từ đâu và nhận ra bản chất vô thường của các ý nghĩ cảm xúc và cả sự vô thường của vạn pháp. Nếu đang buồn chán, bạn không cần phải bám chặt lấy cảm xúc ấy mà hãy đơn giản để nó trôi đi. Cứ để cảm xúc phát khởi, sinh diệt một cách tự nhiên, bạn không can đè nén nó theo cách này hay cách khác.
Chúng ta đang sống trong thế giới lý trí tập trung quá nhiều vào tư duy lô gic. Chúng ta suy nghĩ phân tích về mọi việc. Dành thời gian quán sát lại các xúc tình cảm thụ phát khởi trong ngày là một ý tưởng thú vị. Hãy ăn uống một cách từ tốn, thưởng thức hương vị từng món, biết dừng lại để cảm nhận những gì đang diễn ra. Hãy hình dung tâm ta đã phản ứng thế nào trước những người quen biết và cả những người mình mới gặp. Thế giới ta đang sống hôm nay ra sao? Ta đã nhận biết thêm gì về phần tâm bên trong chính mình? Nếu tỉnh thức, bạn có thể tự đặt mọi câu hỏi. Năng lực của trí tuệ sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời cho mọi vấn đề mình đang gặp mỗi ngày.
Chỉ cần tỉnh thức hơn một chút trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời này dễ chịu và đáng sống hơn nhiều. Sự tỉnh thức nuôi dưỡng lòng tri ân, giúp ta rộng lượng và nhân ai hơn với mọi người. Khi giữ được chính niệm, chúng ta có thể khiến những việc nhàm chán nhất như giặt đồ trở nên thú vị. Nó cũng giúp ta dừng lại để suy nghĩ trước khi phản ứng với một tình huống, trước khi để mặc cơn giận bùng nổ hay buông những lời cay độc thiếu suy nghĩ. Và khi ra quyết định, bạn sẽ đi theo con đường của mình, thong thả lựa chọn nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận bất kể điều gì có thể xảy đến, vì chúng ta đã làm theo tiếng nói của con tim tỉnh thức.
Chúng ta không nên trở nên dè dặt và bỏ quên tiếng cười cũng như những giây phút ngẫu hứng trong cuộc sống, hay trở nên chậm chạp trong quyết định và hành động của mình chỉ vì suy xét quá kỹ lưỡng mọi thứ. Chìa khóa của tỉnh thức chính là việc trưởng dưỡng sự giác tỉnh. Thay vì để tư duy lấn át, bạn hãy nhường chỗ cho tất cả giác quan cũng như trái tim mình lên tiếng. Bạn chỉ cần rộng mở lòng mình, hít thở và cham chú quan sát thế giới xung quanh, trải nghiệm mọi thứ một cách sâu sắc, từ việc đi dạo trong công viên cho đến ứng phó với đồng nghiệp khó tính bằng lòng kiên nhẫn và một chút cảm thông. Hãy áp dụng kỹ năng quán chiếu tâm. Kỹ năng này cần được thực hành mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải cất kỹ như món đồ trong ngăn tủ bám bụi lâu lâu mới đem ra sử dụng.
(Trích từ ấn phẩm "Thiền - Năng lượng chữa lành", Drukpa Việt Nam biên soạn và phát hành, tháng 3/2017)
Viết bình luận
- 1306 reads