Giải mã biểu tượng màu sắc của Mandala | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Giải mã biểu tượng màu sắc của Mandala

1962
28/07/2017 - 09:27

 

 

 

Nếu hình thể là cốt yếu của Mandala thì màu sắc cũng như vậy. Bốn phần của cung điện Mandala được phân chia điển hình theo những hình tam giác cân của màu sắc, bao gồm bốn phần của năm màu: Màu trắng, vàng, đỏ, xanh lục, xanh sẫm. Mỗi màu này đều có liên quan tới một trong năm đức Phật siêu việt, thêm nữa chúng cũng có liên quan tới năm ảo tưởng của bản chất con người. Những ảo tưởng này che chướng bản chất chân thật của chúng ta, nhưng thông qua việc thực hành tâm linh, chúng có thể chuyển hóa thành năm trí tuệ tương ứng với năm đức Phật siêu việt, cụ thể là:

 

 
1. Màu trắng - Đức Phật Vairocana (Tỳ Lư Giá Na): Ảo tưởng của vô minh trở thành Pháp Giới Thể Tính Trí.
2. Màu vàng -  Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sinh Phật): Ảo tưởng của ngã mạn chuyển thành Bình Đẳng Tính Trí.
3. Màu đỏ - Đức Phật Amitabha (A Di Đà Phật): Si mê của chấp thủ trở thành Diệu Quan Sát Trí.
4. Màu xanh lục - Đức Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu Phật): Si mê đố kỵ trở thành Thành Sở Tác Trí.
5. Màu xanh sẫm - Đức Phật Akshobhya (A Súc Bệ Phật): Si mê của sân giận trở thành Đại Viên Cảnh Trí.
 

 

Mandala là phẩm vật cúng dường thiêng liêng. Bên cạnh việc trang trí và làm cho những ngôi chùa và nơi ở trở nên thiêng liêng, theo truyền thống Kim Cương Thừa thì Mandala còn được dùng để cúng dường tới các bậc Thầy khi thỉnh cầu các bậc Thầy truyền trao giáo pháp hay quán đỉnh. Lúc này, Mandala được dùng để biểu trưng cho toàn bộ vũ trụ, là phương tiện bày tỏ lòng tri ân cao nhất đối với giáo pháp tôn quý.

 

 

Một lần, trong khung cảnh hoang sơ của miền sa mạc Ấn Độ, Đại Thành Tựu Giả Tilopa đã yêu cầu Đức Naropa cúng dường Mandala. Lúc bấy giờ ở đó không có sẵn chất liệu để kiến lập một Mandala nên Đức Naropa với tín tâm thanh tịnh đã đi tiểu vào cát và tạo thành một Mandala bằng cát ướt để làm phẩm vật cúng dường lên bậc Thầy của mình. Trong một dịp khác, Đức Naropa đã dùng máu, đầu và các chi của mình để tạo một Mandala cúng dường. Bậc Thầy của Ngài đã hoan hỷ chứng minh lòng chí thành dâng hiến và những phẩm vật cúng dường của Ngài.

 

~ Trích ấn phẩm “Nghệ thuật Mật thừa - Cánh cửa dẫn tới giác ngộ”

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,117,856
Số người trực tuyến: