Bạn đang ở đây
Ý nghĩa Ngũ trí Phật trong Kim Cương thừa
CHIÊM NGƯỠNG NGŨ TRÍ PHẬT
SUY NGẪM VỀ THẨM MỸ HỌC TÂM LINH
Về mặt bản môn của lịch sử hình thành, có một bản thể trung tính tồn tại gọi là A Di Buddha hay Đức Phật Bản Lai. Từ “Ngài” xuất hiện tính hai mặt, là lí pháp giới và trí pháp giới, khởi nguồn của hết thảy vạn pháp, mà trong thẩm mĩ học đạo Phật gọi là Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa (Trí Pháp giới) và Đức Kim Cương Trì (Lý Pháp giới).
Đặc điểm nổi bật thường thấy nơi các Ngài là chiếc chuông Kim Cương (mẫu tính) và chày Kim Cương (phụ tính), được các Ngài cầm trên tay. Người ta tin rằng những Đức Phật này là hai sự biểu đạt của cùng một nguyên lý và là nguồn cội của hết thảy vạn pháp. Chỉ khi đạt được thực chứng giác ngộ chúng ta mới thấu hiểu được căn nguyên của điều này.
Trong đạo Phật, con đường phát triển tâm linh không được xem là một hành trình trừu tượng mà nhấn mạnh đến sự chuyển hóa sâu sắc hướng đến sự giác ngộ nơi tự tâm mỗi chúng sinh. Nhưng làm thế nào để sự chuyển hóa sâu sắc như thế có thể diễn ra? Lời giải đáp nằm ngay trong chính những điểm tiêu cực cố hữu nơi mỗi người, những xúc tình tiêu cực luôn vây hãm chúng ta về mặt tâm linh và cản trở ta không được viên mãn. Chính năng lượng bị tắc nghẽn như vậy sẽ tạo ra những ảo tưởng độc hại. Tuy nhiên, khi nguồn năng lượng bất tận này được khai thông thì tâm của chúng ta sẽ đầy quyền năng và chứng đạt giác ngộ. Trong thiên hướng điển hình về việc phân loại và xếp hạng, đạo Phật theo truyền thống Kim Cương thừa cũng chia những si mê, phiền não thông thường của con người thành năm loại: Vô minh, sân giận, kiêu ngạo, tham ái và đố kỵ. Đạo Phật cho rằng chúng là toàn bộ những yếu tố khiến chúng ta mê đắm trong khổ đau luân hồi và chưa thể đạt được giác ngộ, song ngược lại, giáo pháp đức Phật cũng khẳng định với niềm tin xác đáng rằng tâm con người có khả năng chuyển biến những xúc tình và biểu hiện tiêu cực thành những đức tính và phẩm hạnh tích cực. Trong khoảnh khắc siêu việt của nguồn cảm hứng sáng tạo, điều có thể được coi là một trong số những thành tựu cao nhất trong lịch sử về tiềm năng thẩm mỹ của con người, những cảm xúc đã chuyển hóa này được thể hiện bằng hình tượng năm đức Phật khác nhau với tướng hảo đoan nghiêm, chói lọi. Luôn an tọa trên tòa sen cát tường, các Ngài được mọi người tôn kính là Ngũ Trí Phật. Điều này phù hợp với sự mô tả minh họa về các Ngài. Theo đó, các Ngài được mô tả an tọa trong tư thế thiền định, tiếng Phạn gọi là Dhyana. Các Ngài cũng được gọi là Jina nghĩa là chiến thắng, biểu trưng cho chiến thắng vô minh. Người ta nói rằng tất cả năm Ngũ Trí Phật có nguồn gốc từ chính đức Kim Cương Tát Đỏa. Nhưng điều cần phải được nhấn mạnh ở đây là mặc dù năm đức Phật này đều bắt nguồn từ một người cha tâm linh, song Ngũ Trí Phật có những sự khác nhau quan trọng mang tính biểu tượng về y phục, sắc màu, tư thế, cử chỉ. Ví dụ, mỗi chư Phật thể hiện thế ấn khác nhau, có liên quan đến năm phương khác nhau, tọa trên những con vật khác nhau, đề cập đến những khoảnh khắc cụ thể trong cuộc đời của đức Phật lịch sử và có những màu sắc đặc trưng khác nhau.
Theo góc độ này thì hình ảnh đức Phật được diễn tả trong nghệ thuật Mật giáo thực sự là một đóng góp độc đáo cho di sản thẩm mỹ học của chung toàn nhân loại. Trên thực tế, mối liên hệ giữa những cảm xúc tiêu cực của con người và những phẩm chất tích cực được năm Ngũ Trí Phật chuyển hóa thành có thể được minh họa một cách trực tiếp nhất thông qua phương diện về màu sắc. Mọi người đều biết rõ rằng việc thay đổi màu sắc môi trường xung quanh chúng ta có ảnh hưởng sâu rộng tới trạng thái tâm. Màu sắc cũng diễn tả hoặc khơi gợi cảm xúc, như trạng thái buồn thường có liên hệ đến sắc màu ảm đạm còn trạng thái vui vẻ hay được liên hệ tới sắc màu hồng. Do vậy, màu sắc là một trong những phương tiện hiệu quả và đầy ý nghĩa, thông qua đó, nghệ thuật Mật giáo thể hiện cảm xúc của con người với hình sắc thực sự. Theo khía cạnh này thì không có loại hình nghệ thuật thế gian nào có thể biểu đạt năng lực cảm xúc một cách rõ ràng, chân thật hơn sự mô tả của Nghệ thuật Mật giáo thông qua hình tượng Ngũ Trí Phật.
Mỗi đức Phật trong số này trước tiên nhận ra một điểm đọa lạc của con người và sau đó nâng đỡ chúng ta, chuyển hóa thành đức tính tích cực, hình thành sự tiến hóa tâm linh cần thiết cho sự giác ngộ. Quá trình các Ngài tạo nguồn cảm hứng cho chúng ta đạt được sự chuyển hóa này được mô tả thông qua hình tượng truyền thống của các Ngài như được mô tả dưới đây.
NGŨ TRÍ PHẬT LÀ:
1 – Đức Phật Vairochana (Tỳ Lư Giá Na)
2 – Đức Phật Akshobhya (A Súc Bệ)
3 – Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sinh)
4 – Đức Phật Amitabha (A Di Đà)
5 – Đức Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu)
GIẢI THÍCH
1. Đức Phật Tỳ Lư Giá Na (Pháp Giới Thể Tính Trí)
Trong kinh Vệ Đà (kinh điển có tính hệ thống sớm nhất của thế giới), thuật ngữ Vairochana nghĩa là “Đại nhật quang biến chiếu như lai” cũng có nghĩa là “Người soi sáng”.
Đức Vairochana kết ấn chuyển pháp luân. Trong tiếng Phạn, Dharmachakra có nghĩa là Bánh xe pháp luân. Khế ấn này biểu trưng cho một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của đức Phật lịch sử, vào dịp Ngài thuyết pháp cho đệ tử, bài pháp đầu tiên sau khi thành tựu giác ngộ tại vườn Lộc Uyển ở Sarnath. Bởi vậy điều này chỉ ra sự bắt đầu chuyển bánh xe giáo pháp.
Vairochana là sự lý tưởng hóa chức năng chính này của Đức Phật với tư cách là một bậc Thầy. Nếu thiếu điều này, sẽ không có đạo Phật và không có con đường dẫn đến giác ngộ mở ra trước chúng ta. Về mặt biểu tượng, bánh xe Ngài chuyển đã từng là biểu tượng phụ tính trong thời Ấn Độ cổ và sau này trở thành một dấu hiệu của sự thống trị. Lập luận logic là mặt trời là đấng sáng tạo và nuôi dưỡng, che chở trái đất và một ông vua cũng là người che chở cho thần dân của mình. Ngoài ra, phù hợp với hoàn cảnh này là việc người ta nói rằng Đức Vairochana đã an trụ ở trung tâm của thế giới, với đầy đủ Tứ Trí Phật an tọa xung quanh Ngài. Tương tự như vậy, mặt trời là trung tâm của thái dương hệ; giống như một ông vua là nhân tố trung tâm trong lãnh địa của mình.
Về ý nghĩa, Đức Vairochana được nhắc tới như là tinh túy của tất cả Ngũ Trí Phật và hợp nhất tất cả phẩm hạnh của các Ngài. Do vậy Ngài có sắc trắng thuần tịnh, bởi màu trắng bao gồm tất cả các màu khắc.
Tòa sen của Ngài được một cặp sư tử linh thiêng nâng đỡ. Sư tử là chúa tể của muôn loài và khi sư tử lên tiếng, mọi loài sẽ đều im bặt, tương tự như khi giáo pháp của Phật được tuyên thuyết, do sự cao quý thần lực của âm thanh giáo pháp mà tất cả âm thanh của cuộc sống hàng ngày trở nên vô nghĩa và bặt tiếng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta đặc biệt tin tưởng rằng thiền định về đức Vairochana là để chuyển hóa sự si ám vô minh thành trí tuệ được Phật pháp tuyên thuyết. Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển bánh xe pháp, giáo pháp đã tỏa sáng (như mặt trời) xua tan bóng đêm vô minh che chướng bản tâm nguyên sơ thanh tịnh của chúng sinh. Biểu tượng độc đáo của Đức Vairochana là bánh xe vàng hay bánh xe thái dương.
2. Đức Phật A Súc Bệ (Đại Viên Cảnh Trí)
“Ai có thể kiểm soát được cơn thịnh nộ khi nó tới giống như điều khiển được một con ngựa bất kham, ta gọi đó là bậc thầy giỏi nhất, còn những người không làm được điều này chỉ là phàm tình chúng sinh”.
Người ta tin rằng, đức Phật A Súc Bệ đã chuyển hóa si ám, sân giận của con người thành trí tuệ Đại Viên Cảnh Trí. Với trí tuệ này, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật của mọi thứ một cách khách quan, không giả tạo. Bất kể đối tượng có là một bông hồng đỏ thắm hay một con dao găm nhuốm máu, chiếc gương trí tuệ này sẽ phản chiếu cả hai chính theo bản chất của các vật đó. Nó sẽ không phán xét hay phân biệt hai màu đỏ, không cố gắng tán thán bông hồng hay quy kết chối bỏ con dao đầy máu kia. Không có sự phản chiếu nào trong chiếc gương gắn liền vào nó, cũng không có sự phản chiếu nào khước từ nó. Chiếc gương luôn giữ được vẻ điềm tĩnh và bất biến. Chúng ta cũng nên như vậy cho dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi!
Màu xanh da trời của đức A Súc Bệ có mối liên hệ gần gũi với biểu tượng của chiếc gương. Màu xanh là màu của nước, và nước cũng có khả năng đóng vai trò như một chiếc gương sáng.
Đức A Súc Bệ kết khế ấn Bhumispacha (tư thế xúc địa), tư thế này gợi nhớ sự kiện ngay trước khi đức Phật đạt toàn giác. Khi đó, Ngài bị Mara – hiện thân của Ma Vương – thách đấu. Mara cho rằng tòa sen tâm linh nơi đức Phật an tọa chính ra thuộc về nó. Do vậy, nó thách đấu với đức Phật để chứng minh tòa sen là của nó. Đức Phật di chuyển tay lấy đầu ngón tay chạm nhẹ xuống đất và bằng cách này Ngài đã gọi thần thổ địa làm chứng cho Ngài có quyền tọa trên tòa sen đó. Vị thần này đã gầm lên hàng trăm ngàn lần để xác nhận chủ nhân của tòa sen đó là đức Phật.
Trên phương diện biểu tượng thì tư thế này chỉ ra sự tự tin sâu sắc, bất thoái và không lay chuyển. Chính sự tự tin quyết tâm đó đã đưa đức Phật đến giác ngộ bất chấp vô số chướng ngại trên con đường tìm cầu giải thoát của Ngài.
Biểu tượng của Đức Phật A Súc Bệ là chày Kim Cương. Chày Kim Cương là biểu tượng tinh hoa của truyền thống Kim Cương thừa. Trong đạo Phật, danh hiệu Kim Cương thừa khởi nguồn từ chính chày Kim Cương. Trong tiếng Phạn, thuật ngữ Vajra có nghĩa là dũng mãnh và cứng cỏi. Thuật ngữ Dorje là sự kiên cố không thể phá hủy và sáng ngời như Kim Cương không thể cắt ra và không thể đập vỡ. Chày Kim Cương về cơ bản biểu trưng cho cảnh giới giác ngộ, không thể phá hủy, không thể chia cắt, bất động và bất biến. Do vậy, Đức A Súc Bệ đã dùng đầu ngón tay của bàn tay phải Ngài chạm vào đất. Đất cũng là biểu tượng của sự bất biến, vững chãi và thực tại.
Đức A Súc Bệ ngự trên một con voi. Một con voi đặt chân lên trái đất với sự vững chãi không thể lay chuyển. Điều này giống như phẩm chất không thay đổi của việc Đức Phật A Súc Bệ chạm đầu ngón tay lên đất và chính quyết tâm đó đã đưa đức Phật đến toàn giác. Đức Phật A Súc Bệ là Bản Tôn trụ ở phương Đông. Đó là phương xuất hiện bình minh. Chiến thắng Ma vương của đức Phật là điểm báo cho sự khởi đầu của thực tại tâm linh mới.
3. Đức Phật Bảo Sinh (Bình Đẳng Tính Trí)
Ratnasambhava có nghĩa là “đản sinh từ bảo báu”, “Ratna” trong tiếng Phạn nghĩa là bảo báu. Người ta tin rằng Đức Phật Bảo Sinh chuyển hóa tính kiêu ngạo của con người thành Bình Đẳng Tính Trí. Loại trí tuệ này đưa ra những đặc điểm chung về sự trải nghiệm cảm xúc của con người và giúp chúng ta thấu hiểu được nhân loại dưới hình tướng cả nam và nữ. Nó giúp chúng ta hiểu được dù bản thân là một cá thể nhưng về bản chất chúng ta vốn luôn hợp nhất chặt chẽ, không thể tách rời với phần còn lại của nhân loại. Trong cảnh giới giác ngộ này, không một chúng sinh nào hơn hay kém chúng sinh khác, không có khoảng trống cho bản ngã trỗi dậy.
Đức Phật Bảo Sinh với khế ấn Varada
Khế ấn này biểu trưng cho sự bố thí và ban phát ân huệ. Trong thực tế, biểu tượng riêng của Ngài là viên ngọc Như ý, liên quan đến sự thịnh vượng. Và đôi khi đức Phật Bảo Sinh được miêu tả là đức Phật Bố Thí. Ngài không bao giờ phân biệt mà luôn bố thí cho tất cả (Bình đẳng tính trí). Đối với Ngài, tất cả chúng sinh đều quý giá như nhau. Bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, giới tính hay điều kiện sống, tất cả chúng ta đều được tạo ra từ đất. Ân đức của đức Phật Bảo Sinh rọi chiếu tất cả, từ cung điện nguy nga tráng lệ cho đến những vật nhơ bẩn nhất như đống phân. Thiền định về trí tuệ của Ngài giúp chúng ta trưởng dưỡng được sự đoàn kết, hợp nhất cho tất cả đồng loại, và còn hơn thế nữa cho tất cả vô tình và hữu tình chúng sinh.
Trí tuệ Bình Đẳng Tính Trí ban tặng chúng ta sự rõ ràng của tâm để quán chiếu tâm trong một khái niệm đúng đắn, theo đó tám sự trải nghiệm cảm xúc được sắp xếp thành bốn cặp: được và mất, vinh và nhục, khen và chê, khổ và vui. Những trải nghiệm này luôn đi thành từng cặp. Nếu chúng ta theo đuổi một thứ thì nó sẽ mở ra con đường dẫn tới thứ còn lại. Ví dụ, nếu chúng ta đi tìm khoái lạc thì chắc chắn một lúc nào đó chúng ta sẽ bị đau khổ. Đây là sự diễn đạt về mặt tâm linh của định luật động lực học thứ ba của Newton: “Mọi hành động trong vũ trụ đều có lực đối ứng với nhau, có sức mạnh tương đương.”
Màu của đức Phật Bảo Sinh là màu vàng. Đây là màu của đất. Đất cũng cực kỳ rộng lượng và hào phóng, luôn sẵn lòng chia sẻ sự thịnh vượng của nó. Ngoài ra, đất cũng bố thí mà không mong chờ đáp trả. Nó bố thí và cũng nhận được nhiều như thế. Do vậy trái đất là cán cân vĩ đại. Giống như Trái đất, ánh sáng chói lọi của Đức Phật Bảo Sinh phá tan tất cả giới hạn về ta, người. Do đó, chúng ta có thể chia sẻ với người khác – mà không có bất kỳ cảm giác liên quan tới việc cho, bởi vì cho là có bản ngã để cho và có người khác để nhận. Đức Phật Bảo Sinh nâng đỡ chúng ta vượt qua chấp thủ nhị nguyên đó.
Linh thú liên quan tới Đức Phật Bảo Sinh là một con tuấn mã với sinh lực tràn đầy, chở tất cả những chúng sinh khổ đau. Nó cũng được xem như biểu trưng cho cuộc hành trình tâm linh mà Đức Phật đã bắt đầu từ lúc Ngài rời Hoàng cung đi tìm sự giác ngộ tọa trên lưng một con tuấn mã trung thành.
Trong nghệ thuật Mật giáo,con tuấn mã này thường được mô tả chở trên lưng đầy châu báu. Đây cũng là một cơ sở nữa cho thấy mối liên hệ của nó với Đức Phật Bảo Sinh.
Đức Phật Bảo Sinh trụ ở phương Nam. Mặt trời tọa ở phương Nam vào giữa trưa. Những tia nắng của mặt trời lúc này có màu vàng sáng, màu sắc của chính đức Phật Bảo Sinh.
4. Đức Phật A Di Đà (Diệu Quan Sát Trí)
Đức Phật A Di Đà là đức Phật được biết tới nhiều nhất và phổ biến nhất trong Ngũ Trí Phật. Ngài có sắc đỏ. Trong Phật giáo Kim Cương thừa, màu đỏ là màu của tình yêu thương, lòng bi mẫn và năng lượng cảm xúc.
Phương của Ngài là phương Tây, mặt trời lặn ở phương này và thực sự Ngài cũng được quán tưởng là sắc đỏ. Khi hoàng hôn, mặt trời thật hiền hòa, và chúng ta có thể nhìn thẳng vào năng lượng mãnh liệt của mặt trời mà không hề có hại. Trong ngày, mặt trời giống như một vị vua hung tợn và kiêu mạn. Sau một ngày đầy vất vả của những nghi thức trang nghiêm, khi từ từ lặn xuống phương Tây, vị vua này trở nên thân thiện, hiền hòa, vui vẻ, cho phép mọi chúng sinh đều có thể tiếp cận Ngài. Theo cách này, đức Phật A Di Đà cũng có năng lượng và quyền lực tối thượng của tự nhiên, chiếu sáng quả đất, có thể đến được với tất cả chúng ta. Dĩ nhiên, Ngài là đức Phật được biết đến nhiều nhất trong Ngũ Trí Phật.
Biểu tượng độc đáo của Ngài là tòa sen. Bởi Ngài có liên quan tới tất cả những đức tính của một đóa sen: dịu dàng, cởi mở và thanh tịnh. Ngài an tọa trên lưng một con khổng tước. Đây là loài chim linh có khả năng nuốt những con rắn độc hại người. Trên thực tế, người ta tin rằng bộ lông của khổng tước được tạo thành từ chất độc của rắn mà con khổng tước đã ăn. Ý nghĩa của biểu tượng này là với bản chất rộng mở, thậm chí đối với cả chất độc và chuyển hóa nó thành cái đẹp, tạo cho chúng ta nhận thức về quyền năng chuyển hóa và làm thanh khiết những xúc tình tiêu cực của đức Phật A Di Đà. Đối với chúng ta – những phàm tình chúng sinh, điều đó có ý nghĩa là những khía cạnh đen tối và độc hại nhất cũng có thể được chuyển hóa bằng việc thiền định về sắc tướng của Ngài.
Hình tượng về Đức Phật A Di Đà có cả tính đơn giản và phẩm chất nguyên mẫu. Cử chỉ của Ngài hoàn toàn thư thái và Ngài bắt tay khế ấn thiền định. Theo truyền thống, khế ấn này bắt nguồn từ một khế ấn được chính Đức Phật sử dụng khi Ngài thiền định dưới gốc cây Bồ Đề để thành tựu giác ngộ.
Qua khế ấn thiền định của Ngài, Đức Phật A Di Đà chuyển tải cho chúng ta một thông điệp căn bản.Mối quan hệ với hình tượng mặt trời lặn chỉ ra sự thoái lui của những cảm xúc bên ngoài vào bên trong, tới những trạng thái cao hơn của việc tập trung thiền định. Việc đưa chúng ta tới một mức độ tâm linh thăng hoa như vậy có mục đích cuối cùng là giúp tâm chúng ta hợp nhất với Ý Thức Vũ Trụ bao trùm tất cả thực tại hữu tình.
Bằng cách này, đức Phật A Di Đà đã ban cho chúng ta một trí tuệ bản lai vô hạn, giúp chúng ta chuyển hóa những hình tướng tiêu cực của chấp thủ thành sự tỉnh thức rằng chúng ta được tạo nên từ cùng một bản thể bản lai. Vì thế, khi quán chiếu về điều này, chúng ta có thể nhận ra rằng vật thể mà chúng ta bám chấp không tách biệt với chúng ta, mà thực sự nó là một phần của chính chúng ta cũng như chúng ta là một phần của vật thể đó.
5. Đức Phật Bất Không Thành Tựu (Thành Sở Tác Trí)
Đức Phật thứ năm trong Ngũ Trí Phật là Bất Không Thành Tựu Phật.Biểu tượng độc đáo của Ngài là chày kim cương kép, cũng được biết đến như là chày kim cương chéo nhau.
Khế ấn của đức Phật Bất Không Thành Tựu là Abhaya (thí nguyện ấn). Abhaya trong tiếng Phạn là Vô Úy. Do vậy, khế ấn này là biểu tượng của sự hộ trì, sự an bình và việc xua tan nỗi sợ hãi. Theo lịch sử Phật giáo, em họ của đức Phật là Devadatta đã vô cùng ghen tị với Ngài. Thậm chí sự ghen tị quá đỗi mù quáng của Devadatta đã khiến hắn từng cố sát hại đức Phật. Kế hoạch của hắn là sẽ thả một con voi hung dữ trên đường đức Phật đi qua. Nhưng khi con voi này đến gần Ngài, Ngài đã bắt khế ấn Abhaya khiến con voi ngay lập tức trở nên hiền lành. Bởi vậy, khế ấn này không chỉ làm dịu cảm giác mà còn làm tiêu tan những nỗi sợ hãi.
Thực sự thì sự hiện diện của đức Phật Bất Không Thành Tựu giúp xả bỏ nỗi kinh hãi và cái sợ. Thân thể của Ngài màu xanh lục, màu của an lạc và sự thanh bình tự nhiên. Đây là một màu dịu và khoáng đạt, làm dịu đi nhưng lo lắng, sợ hãi.
Đức Phật Bất Không Thành Tựu an tọa trên lưng chim thiêng Mệnh Lệnh Điểu, là loài nửa người nửa chim chuyên ăn rắn. Với khả năng thiên phú có tầm nhìn xa, Mệnh Lệnh Điểu có thể nhận ra sự hiện diện của những si ám như mãng xà đang quấy nhiễu con người ngay từ khoảng cách rất xa. Ngoài ra, Mệnh Lệnh Điểu cũng có mối liên hệ với dãy Himalaya ở phương Bắc, đây cũng là phương trấn của Đức Phật Bất Không Thành Tựu.
Đức Phật Bất Không Thành Tựu có mối liên kết đặc biệt với năng lượng và được coi là chủ của Nghiệp Bộ. Là một Đức Phật hành động, Ngài biểu trưng cho thành tựu tu tập viên mãn, kết quả của việc vận dụng trí tuệ của bốn Ngũ Trí Phật còn lại. Chày kim cương kép của Ngài cũng là một biểu tượng thành tựu viên mãn lần lượt tất cả mọi hành động. Đó là lý do tại sao sau khi hoàn tất một bức tượng và hô thần nhập tượng, chày kim cương kép thường được khắc trên thanh kim loại dùng để bọc đáy của bức tượng.
Người ta tin rằng Đức Phật mẫu Tara màu xanh lục có xuất xứ từ Đức Phật Bất Không Thành Tựu, và không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngài cũng được tôn là bản tôn hành động trong các ngôi chùa của Phật giáo. Thực tế Đức Tara có màu xanh lục được mô tả trong tư thế chân phải của Ngài duỗi thẳng thể hiện sự sẵn sàng hành động, sẵn sàng cứu độ. Người ta tin rằng Đức Phật Bất Không Thành Tựu chuyển hóa sự si ám đố kỵ thành trí tuệ viên mãn tích cực. Trong chừng mực nhất định, sự ghen tị là cảm xúc tích cực của con người khi nó đủ để đốt nóng hoài bão giúp chúng ta vươn tới tầm cao mới vĩ đại hơn. Nhưng tính tiêu cực của nó xuất phát từ thực tế là nó luôn đồng hành với sự ghen tỵ về người là mục tiêu và đối tượng của sự ganh ghét của chúng ta. Khi chúng ta tiêu trừ được cảm xúc có liên hệ mật thiết với sự thù ghét này, đồng thời cũng quán chiếu được chủ thể của sự đố kỵ thì điều đó sẽ là phương tiện quý giá giúp chúng ta đạt được thiện nghiệp vĩ đại hơn, dẫn tới sự viên mãn cao cấp hơn, có nghĩa là chúng ta đã thành công trong việc viên mãn thông điệp của Đức Phật Bất Không Thành Tựu.
KẾT LUẬN
Năm Đức Phật Ngũ Trí đại diện cho năm kiểu tính cách cơ bản của con người và chỉ ra năm hình thức hoàn hảo tuyệt đối của năm loại tính cách này. Điều quan trọng nhất là mỗi Đức Phật biểu trưng cho những khía cạnh tiêu cực cũng như khía cạnh được chuyển hóa hoàn toàn của mỗi tính xấu này, được thể hiện là trí tuệ vinh quang. Đây là sự chứng minh toàn diện về sự vi diệu của Kim Cương thừa trong hệ thống Phật giáo. Theo đó, những điểm yếu, những khía cạnh tiêu cực không bị phủ nhận hay bị che dấu, thay vì thế chúng được giải quyết rốt ráo cho tới khi bản chất giả tạo của chúng được quán chiếu và trở thành trí tuệ bản lai của chúng sinh.
- 4163 reads