Bạn đang ở đây
Lễ gia trì đúc tòa Kim cương A Súc Bệ Phật (30/12)
Lễ gia trì đúc tòa Kim cương A Súc Bệ Phật
Thời gian: 7h30 sáng Chủ nhật, ngày 30/12/2012
tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Vào Chủ nhật tuần này, chư ni chùa Tây Thiên Phù Nghì (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sẽ tiến hành lễ gia trì đúc tòa Kim Cương đức Phật A Súc Bệ, tiếp tục một hạng mục quan trọng trong công trình Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên.
Theo quan kiến Phật giáo, đức Phật A Súc Bệ nêu biểu cho sự chuyển hóa si ám, sân giận của con người thành trí tuệ Đại Viên Cảnh Trí. Với trí tuệ này, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật của mọi thứ một cách khách quan, không giả tạo. Đức A Súc Bệ là vị Phật trụ ở phương Đông, là phương xuất hiện bình mình. Ngài kết khế ấn Xúc địa, tư thế này gợi nhớ sự kiện ngay trước khi đức Phật đạt toàn giác. Khi đó, Mara – hiện thân của Ma Vương đã hiện lên phá hoại tiến trình giác ngộ bằng cách cho rằng tòa sen tâm linh nơi đức Phật an tọa là thuộc về nó. Do vậy, nó thách đấu với đức Phật để chứng minh điều này. Đức Phật di chuyển tay lấy đầu ngón tay chạm nhẹ xuống đất và bằng cách này, Ngài gọi thần thổ địa làm chứng cho Ngài có quyền tọa trên tòa sen đó. Vị thần này đã gầm lên hàng trăm ngàn lần để xác nhận Đức Phật chính là vị chủ nhân của tòa Kim cương. Chiến thắng Ma vương của đức Phật là điểm báo cho sự khởi đầu của thực tại tâm linh mới: sự Giác ngộ và chân hạnh phúc vững bền cho nhân loại hữu tình!
Trên phương diện biểu tượng thì thế ấn của Đức Phật chỉ ra sự tự tin sâu sắc, bất thoái và không lay chuyển. Chính sự tự tin quyết tâm đó đã đưa đức Phật đến giác ngộ bất chấp vô số chướng ngại trên con đường tìm cầu giải thoát của Ngài. Như vậy, dưới góc độ lịch sử Phật giáo, chúng ta biết rằng Đức Phật đã an tọa trên tòa Kim Cương và chứng đạt giác ngộ. Tuy nhiên, tòa Kim Cương không chỉ liên hệ với Đức Phật lịch sử mà còn là biểu tượng giác ngộ của mười phương ba đời chư Phật và chư đại Bồ Tát quá khứ, hiện tại và vị lai. Hàng ngàn chư Phật hiền kiếp đã an tọa trên tòa Kim Cương để đạt được giác ngộ. Từ vô thủy, bất kỳ chỗ ngồi nào mà đức Phật đạt được giác ngộ là tòa Kim Cương. Kim Cương ở đây nêu biểu cho trí tuệ bất động, không thể phá hủy. Tính bất biến và ánh sáng chói lọi quang minh của sự giác ngộ này giống như những tia chớp trong đêm vô minh. Tất cả các Bồ tát muốn hàng phục ma vương và đạt được Phật quả giác ngộ cần phải an tọa trên tòa Kim cương này.
Việc tìm hiểu kiến trúc công trình Đại Bảo Tháp Mandala đầu tiên tại Việt Nam cũng cho chúng ta thấy được ý nghĩa biểu tượng của Đại Bảo Tháp, vốn nêu biểu cho Ý Giác ngộ của Phật. Với vai trò này, Bảo Tháp quy tụ và kết tinh vô số biểu tượng thể hiện những phẩm chất giác ngộ của chư Phật. Một trong những biểu tượng quan trọng nhất là tòa Kim cương. Tầng nền hình vuông nêu biểu cho Địa đại – hay còn gọi là Sư tử tòa – với bốn mặt và bốn góc tượng trưng cho bốn phương chính và phụ nêu biểu cho Tứ Đức (Từ bi hỷ xả) và Tứ Trí (Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí). Tính chất bất biến của Tòa Kim cương nêu biểu cho toàn tri của đức Phật đồng nhất với trung tâm trục của vũ trụ không gian. Tòa ngồi của đức Phật có liên hệ mật thiết với Bảo Tháp vì tiêu biểu cho công đức toàn vẹn: không thay đổi, không phá hủy, tuệ giác quang minh và nền tảng từ bi, hỷ xả. Bởi vậy, việc đúc tòa Kim Cương có thể tịnh hóa chướng ngại, bệnh tật của tất cả chúng sinh, đem lại sự ổn định, cân bằng trong cuộc sống cũng như trí tuệ bất hoại kim cương vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, nhằm khơi dậy chân hạnh phúc, an lạc, tự do và thành tựu viên mãn.
Nhân sự kiện đặc biệt này, chư Ni chùa Tây Thiên Phù Nghì cùng đông đảo Phật tử địa phương sẽ tổ chức các nghi thức cầu nguyện gia trì, trình diễn vũ điệu văn hóa Kim Cương Thừa (Ngũ Trí Phật, chư Bồ Tát và Dakini), các sự kiện văn hóa khác như diễn kịch, múa rồng ngay tại công trình Đại Bảo tháp.
Viết bình luận
- 34 reads