Thông bạch về lễ bổ nhiệm Trụ trì và động thổ khởi công xây dựng chùa Phù Nghì – Tây thiên Thăng Long | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Thông bạch về lễ bổ nhiệm Trụ trì và động thổ khởi công xây dựng chùa Phù Nghì – Tây thiên Thăng Long

176
31/03/2011 - 00:00
Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch trên chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính thưa quý vị Phật tử, thiện hữu tri thức gần xa

Khi nhắc đến những trung tâm Phật giáo Việt Nam, chúng ta không thể không kể tới Tây Thiên – Tam Đảo, một trong những chiếc nôi và cũng là nơi phát tích của Phật giáo nước nhà. Nằm trong thung lũng lòng chảo hệ thống núi Tam Đảo, bao bọc bởi ba ngọn núi (Thạch Bàn ở giữa, hai bên tả hữu là Phù Nghĩa và Thiên Thị đều cao hơn một ngàn mét), đây không chỉ là nơi hội tụ khí thiêng của giang sơn sông núi mà còn là chốn danh thắng kỳ tú thoát tục với suối nước trong xanh uốn lượn quanh co trong khu rừng nguyên sinh thanh nhã, cô tịch.. Chốn “đệ nhất cổ tích danh lam” từng được Lê Quý Đôn mô tả trong sách “Kiến văn tiểu lục” như sau: “bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên cổ tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày. Từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc từ khe đá đỉnh núi chảy xuống như dải lụa lưng trời, bên hữu là suối vàng….”

Tại nơi danh lam thắng cảnh này tập hợp với mật độ dày đặc những di tích Phật giáo và đình đền miếu mạo, trong đó đặc biệt nhất có ba ngôi chùa cổ là Tây Thiên cổ tự (Chùa Thượng), Tây Thiên Thăng Long cổ tự (chùa Tây Thiên Phù Nghì), và Thiên Ân  cổ tự. Ba ngôi cổ tự này được xác định có niên đại ít nhất từ thời Trần (thế kỷ 8 sau CN). Như vậy là cùng với Yên Tử, Tây Thiên chính là trung tâm Phật giáo mang tầm cỡ quốc gia vào thời cực thịnh của Phật giáo nước nhà. Tác phẩm “Việt nam Phật giáo sử học” của giáo sư Lê Mạnh Thát và nhiều sử liệu cũng cho biết Tây Thiên -Tam Đảo -Vĩnh Phúc là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam. Ngược dòng thời gian tìm về thời điểm dựng chùa, ngọc phả 18 đời Hùng Vương có đoạn chép rằng thời Hùng Chiêu Vương (Hùng Vương thứ VII) khi lên Tam Đảo cầu Tiên đã thấy có Tây Thiên Cổ tự thờ Phật. Đây cũng là điểm dừng chân truyền đạo đầu tiên của một trong 9 phái đoàn truyền giáo đến từ đất Phật, thời vua A Dục –thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Đoàn truyền giáo thứ tám do hai vị cao tăng là Sona và Uttara dẫn đầu đã đến Việt nam bằng đường bộ, qua vùng kinh đô nước Văn Lang ở Phong Châu theo dòng chảy sông Hồng đến giao lộ Việt Trì, hai Ngài đã dừng chân chọn núi Thạch Bàn để bắt đầu chương trình hoằng dương Phật pháp. Từ đó, vùng núi này được gọi là núi Tây Thiên (trời tây- bầu trời Phật), và cũng từ nơi này, Phật pháp đã được hoằng truyền rộng rãi. Thời gian trôi qua cùng với những vô thường cũng chẳng thể nào xóa đi dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đạo Phật tại Tây Thiên-Tam Đảo.

Gần hai thập kỷ trước, vào những năm 92, như đã tiên đoán được Phật pháp sau này sẽ lại hưng thịnh tại Tây Thiên, cố Viện chủ chùa Hương Hòa thượng Thích Viên Thành đã chấn tích quang lâm, cắm đất dựng lên ngôi tịnh thất đơn sơ nơi nền chùa cổ Phù Nghì làm nơi chuyên tu phát triển cho ni giới. Trong suốt gần 20 năm, cố Ni trưởng Thích Tịnh Quang không ngại gian nan, khó nhọc, không quản tuổi cao sức yếu, dưới sự hướng đạo của cố Hoà thượng Viện chủ Chùa Hương đã âm thầm đứng mũi chịu sào, khéo léo lái con thuyền chính pháp, tiếp độ dạy dỗ ni đồ chuyên sâu thực hành Phật pháp, an tịnh tiến tu trong vòng tay che chở của núi rừng Tây Thiên linh thiêng thanh tịnh. Thế rồi vô thường chi phối, năm 2002, cố Hoà thượng Thích Viên Thành –Bậc Thầy Kim cương thượng sư và cũng là đệ ngũ luật sư tôn quý của ni chúng Tây Thiên đã “sa bà hạnh mãn –quảy dép về Tây”. Rồi năm 2008, Ni trưởng Thích Tịnh Quang- Bậc thầy hoà thượng thân giáo sư từ ái của ni chúng, cũng nhẹ gót thang mây, thâu thần trực vãng. Hai bậc thầy tôn quý đã lần lượt ra đi, nhưng với lòng từ bi vô lượng, quý Ngài vẫn âm thầm gia trì bảo hộ cho ni chúng tu tập bình an, kết nối các hành giả Việt Nam với bậc Kim Cương Thượng sư giác ngộ. Và như thế, tiếp nối truyền thống hơn hai ngàn năm, Tây Thiên giờ là một trong những trụ xứ chính của Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa Drukpa tại Việt Nam, nơi có phúc duyên lưu dấu gót sen của Bậc Toàn Tri Tôn Quý - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, chư Nhiếp Chính Vương cùng các Đại Đức Tăng của Truyền thừa Drukpa trong những lần các Ngài viếng thăm đất nước ta. Đây là nhân duyên phúc báo lớn lao cho Phật giáo Tây Thiên và đất nước Việt Nam, bởi truyền thừa Drukpa là truyền thừa thực hành, thanh tịnh của các bậc Yogi giác ngộ với di sản quang vinh siêu việt suốt 800 năm phụng sự nhân loại và vũ trụ!

Năm 2010, nương hồng ân Kim cương Thượng sư và Tam Bảo gia trì, Chư vị Kim cương hộ pháp bách thần gia hộ, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, sự nhiệt tâm ủng hộ của các ban ngành hữu quan, cùng sự đồng thuận của Ban trị sự Phật giáo Tỉnh Vĩnh Phúc, tịnh thất Tây Thiên đã được phép xây dựng khôi phục ngôi chùa cổ Phù Nghì. Từng được coi là ngôi chùa cổ nhất, có diện tích rộng nhất trong số các đền chùa trong quần thể danh thắng Tây Thiên, trải qua những thăng trầm của lịch sử, vô thường của thời gian, ngày nay ngôi chùa đã hoàn toàn đổ nát chỉ còn lại năm cấp nền khá bằng phẳng.

Tọa lạc trên nền chùa cổ Phù Nghì, chùa được kiến lập có tên gọi Tây Thiên Thăng Long. Hai chữ “Thăng Long” (Rồng phi thiên) chỉ ra mối nhân duyên đặc biệt của người Việt Nam với Đạo Phật, với điềm cát tường của dân tộc có nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, và cả với truyền thống tâm linh của bậc Kim Cương Thượng Sư, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc được kính ngưỡng là hóa thân chân thật của Đức Quan Âm, với động lực bi mẫn vô hạn đã đảo giá từ hàng đến với Việt Nam, và đặc biệt ba lần quang lâm Tây thiên vì lợi ích hữu tình nơi đây. Kinh sách kể rằng khi Đức Phật đản sinh đã có chín rồng thiêng tưới nước hương thơm là điềm cát tường cung đón bậc giác ngộ ứng hiện cõi Sa Bà đem hạnh phúc cho nhân loại chúng sinh. Trong khi đó, đối với người dân Việt Nam, Rồng là hình tượng sống động của bốn vị Thần tứ pháp: Mây, Mưa, Sấm, Sét. Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều truyền thuyết hào hùng về Rồng thiêng như sự tích Lạc Long Quân – Âu Cơ, hay câu chuyện mẹ con nhà Rồng từng giúp người dân Việt Nam bảo vệ quê hương, hoặc truyền thuyết kiến lập kinh đô Thăng Long gắn liền với điềm cát tường Rồng Vàng từ sông Hồng cuộn mình phi thiên. Việt Nam, mảnh đất rồng thiêng, như vậy cũng có nhân duyên đặc biệt với Truyền thừa Drukpa, bởi chữ “Druk” theo tiếng Tạng cũng có nghĩa là “Rồng”. Tương truyền 800 năm về trước, Bậc sáng lập Truyền Thừa Drukpa khi thấy điềm cát tường chín rồng thiêng cuộn mình phi thiên tại miền thánh địa thiêng liêng đã đặt tên Truyền thừa là “Drukpa”, và từ đó các bậc thượng thủ Truyền thừa đã mang chính pháp trải khắp muôn phương giúp đỡ vô lượng chúng sinh trong luân hồi khổ não.

Nhân duyên cát tường hội đủ, nương thiện tâm và sự đóng góp công sức ủng hộ của rất nhiều người, chúng tôi xin hoan hỉ thông bạch tới bà con nhân dân, Quý Phật tử, thiện tri thức gần xa sự kiện chư ni tịnh thất Tây Thiên long trọng tổ chức lễ đón nhận quyết định bổ nhiệm Trụ trì và chính thức làm lễ động thổ khởi công xây dựng ngôi Tam Bảo chùa Phù nghì - Tây Thiên Thăng Long , sự kiện đặc biệt này sẽ diễn ra vào ngày thứ năm, mùng 5 tháng 3 năm Tân mão tức ngày mùng 7 tháng 4 dương lịch 2011!

Chùa Phù nghì Tây thiên Thăng Long được thiết kế xây dựng theo thế kiến lập Mạn đà la hay sự kiến lập của vũ trụ với tâm nguyện lợi ích vô lượng hữu tình, nên đây sẽ là một công trình linh thiêng đón nhận năng lượng, từ lực vũ trụ và chư Phật, Bồ tát. Chùa được kiến lập trên đỉnh núi linh khí vần vũ suốt ngày đêm, hai bên long chầu hổ phục tiền án hậu chẩm vẹn toàn, chính là nơi thánh địa đã được các tổ xưa chọn để xây dựng ngôi cổ tự tràn đầy tú khí, linh khí để che trở trấn an cho cả miền đất nước. Ngoài ra, ngôi chùa còn là nơi hướng dẫn nhân dân, Phật tử thực hành tu tập tâm linh, bỏ ác làm lành, thực hành thiện hạnh, giúp cải thiện cuộc sống mang tới niềm vui hạnh phúc chân thật hơn cho mọi người và góp phần vào sự bình an của toàn xã hội. Vì thế, sự kiến lập ngôi chùa này mang ý nghĩa tâm linh, văn hóa vô cùng sâu sắc!

Trước tin cát tường này, toàn thể Phật tử Drukpa Việt Nam nhất tâm hướng về sự kiện đặc biệt sắp diễn ra nơi trụ xứ Tây thiên. Nguyện cầu mười phương chư Phật chư đại Bồ tát, Hộ pháp, chư minh thần hồn thiêng sông núi từ bi gia hộ cho chư ni Tây thiên viên mãn đại Phật sự lớn lao này! Mong nguyện chùa Phù nghì Tây thiên Thăng Long khi được kiến lập sẽ viết tiếp và tô thắm những trang sử hào hùng của truyền thống Phật giáo nước nhà, để Phật pháp trường tồn vì lợi ích người dân Việt Nam và vô lượng hữu tình khắp pháp giới!

Chúng tôi, các Phật tử Drukpa Việt Nam vô cùng hoan hỉ được thông bạch tới trên chư Tôn đức Tăng ni, Quý Phật tử, thiện hữu tri thức gần xa về sự kiện đặc biệt trên, và xin trân trọng kính mời chư Tôn đức Tăng ni, Quý vị Phật tử bớt chút thời gian vàng ngọc hoan hỉ về dự buổi lễ bổ nhiệm Trụ trì và lễ chính thức khởi công xây dựng chùa Phù Nghì - Tây thiên Thăng Long tại thôn Đền Thõng, xã Đại đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, vào sáng ngày thứ 5, mùng 5 tháng 3 (âm lịch) Tân mão (tức mùng 7 tháng 4 dương lịch), chương trình cụ thể như sau:

8h30-9h: Các Phật tử vân tập

9h-9h30: Cung đón chư Tôn đức và quan khách

9h30: Lễ trao quyết định bổ nhiệm Trụ trì

10h30: Lễ động thổ xây dựng ngôi chính điện chùa Phù nghì.

11h30: Thụ trai, lễ tạ.

Để biết thêm thông tin vui lòng liên hệ 0934551963/0933331963 hoặc qua email tới drukpavietnam@gmail.com

 

Chân thành cảm niệm sự quan tâm và xin kính chúc Quý vị vô lượng cát tường, tinh tấn hỉ lạc!

Các Phật tử Drukpa Việt Nam

 

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,747
Số người trực tuyến: