Ý nghĩa Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ý nghĩa Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara

34688
01/02/2020 - 21:12

Đức Phật là gì?

Tara là đức Phật, bất kỳ ai đều có thể trở thành Phật. Chúng ta cần biết có rất nhiều đức Phật song tâm toàn tri chỉ có một, phẩm hạnh, công đức, trí tuệ của các bậc giác ngộ như nhau. Chư Phật đã loại bỏ được tất cả phiền não, tựu chung được chia làm 2 loại: phiền não chướng và sở tri chướng. Những loại chướng này là nguyên nhân làm chúng ta mắc kẹt trong luân hồi đau khổ. Sở tri chướng là vô minh phiền não vi tế trong tâm chúng sinh, phiền não chướng là những trạng thái si mê, sân giận, tham ái và nghiệp quả đã vận chuyển vòng quay luân hồi. Bất kỳ đức Phật nào đều hoàn toàn xả ly mọi loại phiền não trên và hoàn thiện trưởng dưỡng tất cả đức tính tốt như Từ, Bi Hỷ, Xả cũng như viên mãn công hạnh Ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.

Đức Tara giống như đức Văn Thù, Quan Âm, Kim Cương Thủ và các bản tôn Kim Cương Thừa khác là hiện thân của Phật. Khác với quan điểm của tôn giáo khác, Đức Phật không phải đấng Thượng đế sáng tạo và ngài không điều khiển thế giới, kiểm soát các số phận của chúng sinh, thưởng thiện cho người này hoặc phạt ác cho người nọ. Là Phật tử, chúng ta nên có chính kiến về Phật để tránh sự ngộ nhận sai lầm trong việc thực hành tâm linh. Hãy luôn cẩn thận để tránh chướng ngại đó!

Đức Tara không phải là một người tồn tại một cách cụ thể với những nhân cách tách biệt. Chính vì vậy, chúng ta rèn luyện tâm mình để nhìn Ngài là một hiện thân của tất cả minh hạnh giác ngộ, những công hạnh mà chúng ta ngưỡng mộ và muốn trưởng dưỡng  Nhận thức được như vậy, chúng ta sẽ có những cảm xúc chân thực giúp tinh tấn trên con đường tu tập đem lại vô lượng công đức trí tuệ không thể nghĩ bàn.

Đức Phật có hai thân chính: Pháp thân(Dharmakaya) hay thân chân lý và một sắc thân (Rupakaya), ở đây không phải thân bằng thể chất nhưng là thân hợp nhất tất cả các phẩm hạnh. Tâm toàn tri, tâm giác ngộ là Pháp Thân. Sắc thân (Rupakaya) là hiện thân của đức Phật để kết nối giúp đỡ chúng sinh chưa giác ngộ do tâm của chúng ta còn bị ám chướng không thể trực tiếp thấu biết tâm toàn tri của Phật. Chính vì lòng từ bi, chư Phật xuất hiện trong hàng loạt hóa thân để lợi ích chúng ta. Các báo hóa thân ứng hiện khác nhau tùy căn cơ để độ chúng sinh như vậy gọi đó là sắc thân.

Sắc thân cũng chia ra làm hai loại: Thân Sambokaya hay báo thân hỷ lạc là thân tạo bằng ánh sáng tịnh quang, xuất hiện trong cõi tịnh độ. Thân hỷ lạc là báo thân đức Phật dùng để dạy các Bồ Tát ở mức độ cao cấp. Loại thứ hai là thân Nirmarakaya  hay hóa thân là thân đức Phật dùng để xuất hiện trong thế giới trần tục. Ví dụ như: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân vật lịch sử xuất hiện gần 2600 năm về trước. Ngài là Phật hóa thân hay thân Nirmarakaya, một hóa thân trong hình tướng một vị tăng xuất thế, giảng dạy Phật pháp ở Ấn Độ. Một ví dụ trong thời đại ngày nay là hoá thân chuyển thế của đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ 12. Trong lịch sử truyền thừa Drukpa và trong niềm tin nhân gian tại rất nhiều vùng trên dãy Hymalaya, đông đảo dân chúng tin tưởng tuyệt đối rằng rằng đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa không chi là một bậc Thượng sư giác ngộ hoàn toàn mà còn là hoá thân từ bi của đức Quan Âm ứng hiện vì lợi ích chúng sinh.

Ở mức độ phát triển tâm linh còn hạn chế của mình, rất khó để mỗi chúng ta thấu suốt và chứng minh điều vừa nêu trên. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ bên ngoài dường như các Ngài cũng có cuộc sống thăng trầm như chúng ta, thì dưới góc độ bên trong các Ngài không hề bị chi phối bởi trải nghiệm si mê, phiền não. Vì các Ngài đã hoàn toàn loại bỏ tất cả nguồn gốc của sự khổ đau luân hồi.

Một Bồ Tát là một bậc đang tu tập để thành Phật. Các ngài dùng nhiên liệu Bồ Đề Tâm, phát nguyện trở thành bậc giác ngộ để cứu độ chúng sinh một cách hiệu quả nhất. Với mục đích duy nhất này, chư Bồ Tát thực hành rất chuyên cần để tịnh hoá phiền não và trưởng dưỡng Bồ đề tâm mình để lợi ích khổ não chúng sinh. Sau khi đạt được giác ngộ, chư Bồ Tát ứng hiện rất nhiều hóa thân khác nhau để kết nối với chúng ta. Nếu các Ngài không ứng hóa như vậy, các Ngài sẽ không có khả năng viên mãn tâm nguyện vị tha của mình. Một vị Bồ tát sẽ không bao giờ thực hành vô số kiếp để thành tựu giác ngộ để rồi sau đó chỉ thư giãn và đi ngủ! Thay vì thế, các công hạnh giác ngộ lợi tha sẽ xảy ra một cách tự nhiên mà không cần nỗ lực được lưu xuất từ bản tâm tâm thanh tịnh đó. Những công hạnh này sẽ nhậm vận tự nhiên tùy duyên ứng hiện như ngàn nơi cần cầu ngàn xứ ứng đem lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh bởi công hạnh của các Ngài đều bắt nguồn từ tâm Bồ đề vị tha hợp nhất với trí tuệ sâu sắc.

Đức Tara có thể được hiểu trên các mức độ khác nhau. 

altaltalt

 Theo cách hiểu thứ nhất, Ngài là nhân vật lịch sử, một người phát Bồ đề tâm đạt giác ngộ tối thượng để lợi ích tất cả chúng sinh một cách hiệu quả nhất và sau đó chú tâm tu tập để trở thành Phật.

Theo cách hiểu thứ hai, đức Tara là hiện thân của phẩm hạnh giác ngộ,

Cuối cùng, ta cũng có thể hiểu đức Tara là tiềm năng Phật tính sẵn có nơi mỗi người. Trong tương lai, nhờ công phu tu tập, tâm chúng ta sẽ được thanh tịnh hoàn toàn và tạo ra sắc thân. Chúng ta nên có sự hiểu biết chân thật cần thiết như thế để phát triển đức tính từ, bi, hỷ, xả, trưởng dưỡng trí tuệ và công hạnh của chính mình.

Đức Tara là một nhân vật  lịch sử

Vô số kiếp trong một cảnh giới khác, có một công chúa tên là Yeshe Dawa. Nhờ sự học và trí tuệ của mình, nàng có lòng tin kiên cố với Ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng. Nàng thấu hiểu đời sống bất như ý của bản chất luân hồi, do vậy nàng quyết định giải thoát khỏi tất cả mọi đau khổ. Do thấu hiểu tất cả chúng sinh cũng giống như mình đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ nên Công chúa Yeshe Dawa đã trưởng dưỡng lòng từ bi và tình yêu thương hướng về mỗi chúng sinh. Nàng không thích lối sống xa hoa trong cung điện vàng ngọc, và đã phát lời nguyện dẫn dắt hướng đạo cho hàng nghìn chúng sinh trên con đường giải thoát mỗi ngày trước bữa ăn sáng, cho hàng nghìn chúng sinh trước bữa ăn trưa, và thậm chí nhiều hơn nữa trước khi đi ngủ. Vì nhân duyên này, công chúa được tôn xưng là Arya (Bậc tôn quý) có nghĩa là Ngài có thể chứng ngộ trực tiếp bản chất của thực tại và danh xưng đó biểu lộ các hạnh nguyện giải thoát của Ngài.  Một bậc lãnh tụ tâm linh của thời đó đã khuyên: Công chúa hãy cầu nguyện để tái sinh làm thân trượng phu. Nhưng công chúa Yeshe Drawa đã phát nguyện thành tựu giác ngộ trong thân người nữ và còn liên tục hóa thân trở lại trong hình tướng nữ nhân để cứu độ hữu tình. Dù cho chúng ta là thân nam hay nữ thì Đức Tara lịch sử là tấm gương cho chúng ta. Giống như mọi hữu tình, Ngài cũng là một chúng sinh bình thường, có những vấn đề căng thẳng và tình cảm phiền não. Nhưng nhờ tu tập Phật pháp rèn luyện tâm linh nên Ngài đã đạt được toàn giác. Giống như vậy, nếu chúng ta thực hành giáo pháp với niềm tinh tấn hỷ lạc, chúng ta có thể được thành tựu giác ngộ như Ngài. Mỉm cười từ mẫn với chúng ta, đức Tara nói: “Nếu Ta có thể thực hành thành tựu thì các con cũng có thể thực hành viên mãn mọi tâm nguyện như thế”. Bởi vậy, câu chuyện về Ngài là tấm gương sách tấn lớn lao đối với mỗi chúng ta trên con đường tu tập.

Trong một bản kinh Tara khác có kể rằng: đức Tara được sinh ra từ giọt nước mắt bi mẫn của Đức Quan Âm. Nhân duyên vì Bồ Tát Avalokiteshvara hay Đức Quan thế Âm đã không ngừng cứu độ chúng sinh để giải thoát tất cả thoát khỏi cõi địa ngục thống khổ. Sau khi hoàn thành công hạnh này, Ngài chỉ kịp nghỉ ngơi một chút, nhưng ngay sau đó Ngài nhận ra rằng trong cõi địa ngục thống khổ kia thoáng chốc lại đầy tất cả những chúng sinh mình vừa cứu khỏi địa ngục vì họ vừa tạo tác những ác nghiệp cực trọng. Trong khoảnh khắc tuyệt vọng, Đức Quan Âm đã nhỏ những giọt nước mắt bi mẫn vì lời nguyện cứu khổ cho những chúng sinh vô minh đó. Một trong những giọt nước mắt từ bi của Đức Quan Âm đã biến thành đức Tara để khích lệ Ngài trên con đường Bồ Tát hạnh, khi đó Đức Tara đã phát nguyện rằng: Xin Ngài đừng tuyệt vọng, tôi nguyện cùng Ngài giải thoát tất cả chúng sinh vô minh trong cõi luân hồi thống khổ mà không để xót một ai!

Trong bản kinh này, chúng ta thấy đức Tara là một người với đời sống huyền diệu. Câu chuyện về ngài khuyến khích chúng ta không nên mất lòng tin trong các nghịch cảnh khó khăn vì lợi ích chúng sinh. Sự nhẫn nhục và lòng kiên trì rất cần thiết để chúng ta dùng làm tư lương trong cuộc sống. Những chúng sinh như chúng ta hiện tại thường làm đối ngược những gì đem lại sự hạnh phúc và bình an cho hữu tình. Sự lạc quan ban cho chúng ta sức mạnh trong mọi hoàn cảnh khó khăn và giúp chúng ta hiểu được rằng mọi sự đau khổ, dù là đau khổ cùng cực của cuộc sống, đều có thể vượt qua.

 

Đức Tara là hiện thân của các công hạnh giác ngộ

Cách thứ hai để hiểu về đức Tara là hiện thân của các công hạnh giác ngộ. Bất kỳ người nào đạt giác ngộ đều có khả năng xuất hiện trong các hình tướng bất kỳ vị Bồ tát, hóa thân nào. Không phải chỉ có một đức Lục Độ Mẫu, một đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Văn Thù hay Kim Cương Thủ… những hình tướng đó đơn giản là sự xuất hiện của các ứng hóa thân.

Tâm đức Phật là siêu vượt các khái niệm hạn hẹp hiện tại của phàm phu, tất cả bậc giác ngộ thực hành vô số kiếp để tịnh hóa tâm và phát triển khả năng để giúp đỡ lợi ích chúng ta. Nhưng các Ngài cần để liên kết với chúng sinh, dìu dắt chúng ta trên con đường thoát khỏi khổ đau để đạt được chân hạnh phúc. Bởi vì chúng ta là một hữu tình chúng sinh nên liên quan đến kích cỡ, màu sắc, đối tượng, cảm giác. Do vậy, đức Phật từ bi hóa thân xuất hiện trong các hình tướng khác nhau để giúp đỡ chúng ta. Mỗi hóa thân nêu biểu hiện thân của những phẩm hạnh giác ngộ từ, bi, hỷ, xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Đức Phật Mẫu Tara giống như những Bản Tôn thiền định khác là một trong những hóa thân đó!

alt

Mỗi hóa thân có thể biểu trưng nhấn mạnh vào những phẩm hạnh cụ thể, thì đức Tara xanh biểu trưng cho công hạnh giác ngộ của chư Phật trong khi đức Quan Âm là hóa thân của lòng từ bi.  Một cách chung nhất, các hóa thân của đức lục độ mẫu Tara  đều được mô tả  là bậc bản tôn có thể tiêu trừ chướng ngại và đem lại sự viên mãn thành tựu cho chúng sinh, đặc biệt còn có đức Bạch Độ Mẫu Tara với khả năng giúp tiêu trừ bệnh tật và ban cho đời sống trường thọ. Tuy vậy, mỗi đức Tara trong 21 độ mẫu Tara hay 108 đức Tara đều có những sự đặc biệt, biểu trưng, mầu sắc, pháp khí, tư thế, mật ấn riêng. Đức Tara là hiện thân hợp nhất của đại lạc và tính không. Sự đại hỷ lạc phương tiện thiện xảo và trí tuệ tinh không của tất cả chư Phật đều xuất hiện trong sắc thân của đức Tara để truyền cảm hứng cho chúng ta phát triển Bồ Đề Tâm, trưởng dưỡng những công hạnh lợi tha. Nhờ vào hiểu biết các ý nghĩa, biểu tượng và các tính cách của sắc thân của đức Tara, chúng ta sẽ có niềm tin chí thành và tinh tấn đi theo con đường ngài hướng đạo để tỏa chiếu những phẩm chất, công hạnh, thần lực  Tara trong tự thân chúng ta.

Khi nghĩ về công hạnh của một đức Phật, chúng ta nên tiếp cận  những phẩm hạnh đó như thế nào, nhất là khi không phải ngẫu nhiên mà các ngài xuất hiện trong  sắc tướng, hình thức và tư thế nhất định? Thậm chí từng đức Phật đều có cùng các biểu lộ, công hạnh riêng nên các ngài xuất hiện trong các hóa thân khác nhau để nhấn mạnh các tính cách cụ thể khác nhau nhằm phù hợp cho căn cơ chúng sinh khác nhau. Ví dụ: một người họa sỹ hay một nhạc sỹ cần phải có nguồn cảm hứng và cảm xúc bên trong khi anh ta muốn diễn đạt nghệ thuật. Cảm hứng sáng tác của anh ta lại được diễn tả ra bên ngoài qua các công cụ nghệ thuật như các cung bậc âm thanh, giai điệu hay các mảng màu, hình khối được lựa chọn để diễn tả những trạng thái cảm xúc đang trào dâng bên trong mình. Cũng giống như vậy, đức Phật diễn đạt sự chứng ngộ của mình qua nhiều hình tướng hóa thân bên ngoài khác nhau. Sắc tướng Phật mẫu của Đức Tara biểu trưng cho trí tuệ là nhân tố chính để loại bỏ vô minh. Sự vô minh này đã gây lầm lẫn thực tại và là gốc rễ của sự đau khổ. Người phụ nữ có xu hướng cảm nhận và nhận thức nhanh chóng nhờ vào trực giác và trí tuệ bí mật. Đức Tara biểu trưng cho phẩm hạnh này! Một cách không quản ngại, Ngài có khả năng giúp chúng ta phát triển những phẩm hạnh đó. Do vậy đức Tara được gọi là mẹ của tất cả chư Phật, vì Ngài được biểu trưng cho trí tuệ chứng ngộ thực tại, nên Ngài hiện thân sinh ra để đạt toàn giác, là tâm tự do khỏi vô minh chấp thủ, bản ngã.

Mầu sắc của đức Lục Độ Mẫu Tara biểu trưng các công hạnh thành tựu. Dù Ngài có cùng phẩm hạnh như là các hiện thân của bậc toàn tri khác, Đức Tara đặc biệt hiện thân cho các công hạnh giác ngộ của chư Phật, gia trì đem lại lợi ích và chúng ta. Thêm vào đó, Ngài đại diện khía cạnh thanh tịnh của Không đại, vì Không đại bao hàm tất cả các sự vật hiện tượng. Những ảnh hưởng và công hạnh của Đức Tara làm những phẩm hạnh vô ngã vị tha tiềm tàng của chúng ta nở hoa giác ngộ thơm ngát muôn phương. Những hạt giống tốt mọc dễ dàng là niềm vui của người nông dân. Cũng vậy, sắc xanh của Ngài nêu biểu cho sự thành công của sự xả bình đẳng trong thế giới trần tục, cũng như trong sự phát triển thế giới tâm linh cho chúng ta cảm giác vui vẻ, hy vọng và lạc quan. Những tâm nguyện của Đức Tara có thể dễ dàng nở hoa kết trái và hạnh nguyện của Ngài nhanh chóng cảm ứng tới chúng sinh không thể nghĩ bàn. Vì lý do này, bằng sự quán tưởng và cầu nguyện Đức Tara, chúng ta có năng lực để tạo ra nhân của hạnh phúc và sự thông tuệ trong sự thực hành pháp trên con đường tự lợi, lợi tha. Sắc thân của Đức Tara kết tinh bằng ánh sáng và thuộc về phương Bắc. Thân ánh sáng của Ngài xuất hiện nhưng không thể nắm bắt, giống như cầu vồng, ảo cảnh. Thân ánh sáng này là biểu trưng cho sự hợp nhất của hai chân lý: Chân lý tương đối và Chân lý tuyệt đối. Trong mức độ chân lý tương đối, Đức Tara xuất hiện tồn tại. Ấy vậy mà khi chúng ta tìm kiếm sự tồn tại tuyệt đối của Ngài thì không thể tìm thấy bất kỳ thứ gì tồn tại một cách cố hữu, sự độc lập từ các nhân và điều kiện, các phần, thuật ngữ và khái niệm. Đức Tara xuất hiện một cách tương đối giống như ảo giác, không thể tìm thấy nắm bắt được và chỉ là tính không. Thân của Đức Tara diễn tả sự nội chứng bên trong và các công hạnh vị tha bên ngoài. Tư thế vũ điệu du hý của Ngài tự do, cởi mở và thân thiện, chân phải của Ngài duỗi xuống chỉ ra sự sẵn sàng bước xuống cõi luân hồi khổ để cứu giúp chúng ta và chúng sinh vô minh. Nhờ lòng bi mẫn của Ngài, Đức Tara có thể xuất hiện trong mọi cõi giới mà không gây ảnh hưởng bất lợi cho các hoàn cảnh đó. Ngài không trốn tránh sự khổ đau mà đối mặt nó một cách vô úy và từ bi bằng cách trung hòa đau khổ.

Chân trái Ngài co vào phía trong lòng, tỏ rõ rằng Ngài kiểm soát toàn bộ năng lượng vi tế bên trong, từ bi không quản ngại vấn đề gì, cho dù ai đó tán thán hay hủy báng, làm tổn hại hay giúp đỡ, năng lực của Ngài không vì thế trở nên mất cân bằng và tâm Ngài không rời bình đẳng xả.

Tay phải Ngài trong tư thế thực chứng siêu việt bằng cách thực hành tu tập để tự thân thành tựu sự chứng ngộ. Tư thế này cũng gọi là Thí Nguyện Ấn là tư thế bố thí nêu biểu Ngài sẵn sàng ban cho tài sản, tình yêu thương, sự bảo hộ và giáo pháp để tất cả chúng sinh tùy theo những nhu cầu và những mong ước của họ đều được viên mãn.

Tay trái của Ngài là Ấn Tam Bảo, với ngón tay cái chạm vào ngón tay đeo nhẫn và 3 ngón tay kia hướng thẳng, 3 ngón duỗi thẳng nêu biểu Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng có nghĩa rằng giao phó bản thân chúng ta nương tựa Ba ngôi báu và thực hành giáo pháp giải thoát. Ngón cái và ngón áp út chạm nhau nêu biểu chúng ta có thể hợp nhất lòng từ bi hỷ lạc và trí tuệ tính không.

Tay phải của Đức Tara và chân phải đều duỗi hướng ra phía ngoài, nhấn mạnh các công hạnh hạnh từ bi vị tha, phương tiện thiện xảo của con đường giác ngộ.Tay trái và chân trái của Ngài đều thu vào phía người biểu đạt sự điềm tĩnh an bình bên trong đạt được thông qua việc thực hành trí tuệ của đạo giải thoát.

Trong mỗi bàn tay của Ngài trì giữ hoa Utpala, hoa sen xanh. Bên phía tay trái, một bông nụ là nêu biểu chư Phật tương lai, bông nở hoàn toàn là nêu biểu chư Phật quá khứ, bông đang nở là nêu biểu đức Phật hiện tại. Trên vương miện của Đức Tara là Bản Sư Di Đà an bình và mỉm cười. Vì đức Phật Di Đà là bậc thượng sư hướng đạo tâm linh của Đức Tara, được an trí trên vương miện của đức Tara nhằm nêu biểu tầm quan trọng khi có bậc Căn bản Thượng sư đầy đủ phẩm hạnh trí tuệ và lòng từ bi dẫn dắt đệ tử đi đúng trên con đường giác ngộ, và cũng nêu biểu Đức Tara luôn trú tâm vào giáo pháp mà Ngài được đón nhận từ bậcThượng Sư của mình. Điều này nhắc nhở chúng ta thực hành noi theo thiện hạnh của Ngài.

Tiếp theo là các sức trang hoàng. Nếu phàm nhân chúng ta thường trang điểm cho thân thể mình những trang sức bên ngoài để trông cho đẹp mắt thì vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong đức Tara là lòng từ, bi, hỷ, xả mới thực sự là trang sức của Ngài. Sáu sức trang hoàng: Vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, vòng chân, đai lưng, vương miện bằng ngọc báu sáng chói trang hoàng trên sắc thân Ngài nêu biểu cho sự viên mãn sáu Ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ Ba La Mật và mọi công hạnh lợi tha này là trang sức giải thoát của báo thân Ngài.

Đức Tara cũng trang hoàng với ba chữ chủng tử, chủng tử OM trên vương miện, chữ AH tại luân xa cổ họng và chữ HUNG tại luân xa tim. Ba chữ chủng tử này tương ứng với thân, khẩu, ý giác ngộ của Phật và nêu biểu cho Tam quy: Phật, Pháp, Tăng. Những chủng tử này thường dùng làm đối tượng vi tế khi hành giả chú tâm thiền định. Ba chủng tử này nhắc nhở những phẩm hạnh mà chúng ta đang trưởng dưỡng trong chính mình, đó là kết quả thực hành Phật Pháp. Mỗi đặc điểm sắc tướng của Đức Tara minh hoạ cho toàn bộ con đường giác ngộ đạt đến Phật quả và Tara là hợp nhất các tinh túy đức tính, thần lực và công hạnh giác ngộ. 

 altaltalt

 Đức Tara là tinh túy Phật

altQuan điểm thứ ba về đức Tara là phản ánh của tiềm năng Phật tính hiện tại trong mỗi chúng ta, sẽ được phát triển toàn vẹn trong tương lai.

Làm thế nào để chứng ngộ được Phật tính? Một cách ngắn gọn, chúng ta tu tập theo con đường giác ngộ, có ba điểm chính yếu nên khắc cốt ghi tâm:

  • Thứ nhất: Phát tâm thoát khỏi luân hồi đau khổ.
  • Thứ hai: Thực hành Bồ Đề Tâm lợi ích chúng sinh.
  • Thứ ba: Chính kiến, trí tuệ thực chứng tính không- trí tuệ thực chứng tính không hợp nhất với bản tâm tuyệt đối của chính mình.

Thân tâm vi tế của chúng ta có khả năng chuyển hóa thành thân tâm giác ngộ hoàn hảo như chư Phật. Khi chúng ta quán tưởng đức Phật Mẫu Tara và sùng kính Ngài, thấu hiểu rằng đó là công hạnh, trí tuệ, thần lực mà chúng ta đang được viên mãn. Chúng ta sẽ được truyền cảm hứng để chuyển hóa tâm trên con đường đạt được kết quả thành tựu này.

Hãy trải nghiệm thực hành! Làm thế nào để việc thực hành Tara đem lại lợi ích như thế.

Vô Úy

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,136,144
Số người trực tuyến: