Bạn đang ở đây
Ta hạnh phúc khi người an vui (You Are Happy, Therefore I Am Happy)
(For original English article, please click here)
Chuyến viếng thăm miền Đông Tây Tạng lần này quả thật không dễ dàng. Bên cạnh việc phải đi bộ và hoàn thành nhiều thủ tục giấy tờ, độ cao cũng là một chướng ngại lớn. Nhưng tôi rất hạnh phúc vì không thành viên và khách mời nào trong đoàn gặp phải vấn đề gì trong suốt hành trình ngắn ngủi và gấp gáp này. Các thành viên của tổ chức từ thiện Live to Love (Sống để Yêu thương) cùng các học trò và pháp hữu của tôi đến từ các trung tâm Drukpa trên thế giới đã làm việc rất cần mẫn để tổ chức chuyến viếng thăm. Thậm chí tôi từng có ý nghĩ rằng đây có lẽ sẽ là chuyến đi cuối cùng của tôi tới miền đất này. Ai có thể biết trước được chuyến hành hương lần này sẽ để lại những ấn tượng gì trong tâm trí mọi người? Con người chúng ta nhiều khi có những suy nghĩ thật lạ lùng, hầu hết ai cũng chỉ tin những gì họ nghĩ là đúng, thay vì tin vào chân lý, vào sự thật. Nhưng xét ngược lại, chân lý đối với người này có thể lại không phải là đúng với với người khác. Đó cũng là vẻ đẹp của tâm ý vốn đa dạng và nhiều sắc màu của chúng ta. Cho nên tôi luôn nói rằng: “Ai cũng đúng, nhưng … cũng chẳng có ai thật đúng cả”. Cái đúng theo quan niệm của người này lại rất có thể là không đúng theo quan niệm của người khác.
Mặc dù lịch trình vô cùng bận rộn và chặng đường cũng dài, song chúng tôi cũng đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt là giúp đỡ những nạn nhân trong trận động đất lần trước. Thực khủng khiếp khi chứng kiến trận động đất đã gây ra những thảm họa như thế nào. Ở Jyekundo và Yushu gần như chẳng còn gì sót lại. Không còn gì! Tới 99% người dân vẫn còn phải sống trong những túp lều tạm bợ. Chẳng phải đây là một bài pháp sống về vô thường hay sao? Tôi vô cùng tự hào về tổ chức Live to Love, đặc biệt là Live to Love Hồng Kông, họ đã quyên góp được rất nhiều chăn và đệm để phân phát hỗ trợ cho mọi người. Đặc biệt, tôi muốn tri ân Ngài Kyabje Lhachok Rinpoche cùng các đệ tử châu Á của Ngài đã hỗ trợ và tổ chức công tác cứu trợ tại Jyekundo. Không việc gì có thể thành công nếu không có sự phối hợp cộng tác của tất cả mọi người. Cảm ơn tất cả các bạn!
Một trong những dự án quan trọng nhất đối với tôi trong đời này, như các bạn đều biết, chính là dự án tôn tượng Đức Phật A Di Đà, lẽ ra sẽ được đặt tại Tự viện Druk Amitabha Nhưng giờ đây đã được an vị tại Nangchen, trên đỉnh nóc nhà thế giới, từ nơi đó Ngài sẽ có thể gửi tới nguồn ân phúc gia trì vô biên tới tất cả chúng ta. Tôi vô cùng tự hào được tham dự vào dự án này và xin tỏ lòng tri ân vô hạn tới Ngài Kyabje Satrul Rinpoche đã nhận lời cung thỉnh tôn tượng này và dành một vị trí cho tượng trong dự án Bảo tháp Ashoka (A Dục Vương). Chúng tôi đều là những bậc trì giữ Truyền thừa Drukpa, truyền thừa của những hành giả yogi với tâm nguyện mang lại niềm hạnh phúc an lạc cho mọi người. Có câu ngạn ngữ rằng: “Tôi hạnh phúc khi bạn hạnh phúc”. Chúng tôi đều có sự đồng cảm như vậy và mong nguyện rằng mọi thiện hạnh của chúng tôi sẽ góp phần mang lại hạnh phúc, an lạc và sách tấn cho mọi người. Chỉ một mình tôi chắc sẽ không thể thực hiện được hạnh nguyện lớn lao đó, nếu thiếu đi sự hỗ trợ của rất nhiều nhà hảo tâm và những tình nguyện viên xả thân làm việc. Nhờ có sự góp sức của mọi người mà dự án này đã trở thành hiện thực. Đối với bất cứ ai đã phát tâm đóng góp, cho dù bằng bất cứ phương tiện nào, bạn cũng đã tích lũy được công đức lớn lao không thể nghĩ bàn! Xin chúc mừng các bạn!
Miền Đông Tây Tạng vẫn luôn là một thánh địa nơi có vô số bậc thành tựu tâm linh đã từng tu tập và chứng đạt giác ngộ. Bậc Thượng sư tôn quý của chúng ta, Đức Drubwang Shakya Shri, một trong những hành giả yogi được tôn kính và lừng danh nhất của truyền thừa chúng ta, bản thân Ngài xuất thân từ miền Đông Tây Tạng. Thực sự chúng ta vô cùng có phúc duyên được tới triều bái những linh địa như vậy, cũng như đón nhận nguồn ân phúc gia trì khi thực sự hiện diện tại nơi đây. Sau khi rời khỏi đây, rất nhiều người đã kể lại với tôi rằng có ít nhất 4 rồng thiêng từ trên trời bay xuống và lưu lại ở Jyekundo và Yushu trong vòng một vài ngày, sau đó lại cuộn mình bay về trời. Khi nghe các Rinpoche kể lại, tôi thấy thực sự ngạc nhiên và các Ngài đã gửi cho tôi xem ảnh chụp. Tôi quyết định không đưa ảnh lên đây bởi tôi còn nhớ năm ngoái khi mọi người chia sẻ những tấm ảnh chụp Đức Phật thị hiện trên bầu trời cùng vô số dấu hiệu cát tường khác trong chuyến đi Việt Nam của chúng tôi, có nhiều người đã buông lời bình phẩm và tỏ ý không tin, có những người còn muốn thuyết phục những người khác để ngăn trở họ phát triển tâm chí thành. Bởi lẽ chúng ta đang ở trong thời mạt pháp, thời này con người thường không có được niềm tin chân thật vào tâm chí thành, vậy thì lẽ gì chúng ta phải nhọc công chia sẻ ảnh để thu hút thêm những lời chỉ trích? Thực sự thời mạt pháp thật đáng buồn, chúng ta không có tâm chí thành mà cứ buông lời chỉ trích, không phải bắt nguồn từ tâm nguyện muốn hiểu biết và kiểm chứng, mà chỉ do bản ngã của chúng ta quá lớn khiến cho tâm nghi ngờ khởi phát và hoàn toàn ngăn trở chúng ta không thể đón nhận được ân phúc gia trì cũng như hiểu biết thực sự.
Tôn tượng Phật A Di Đà là một món quà của tất cả chúng ta gửi tới người dân vùng Himalayas. Tôi nghĩ không ai trong chúng ta có thể nói rằng chúng ta không thể góp phần vì một thế giới tốt đẹp hơn. Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp cho cộng đồng của mình và mang lại niềm hạnh phúc cho những chúng sinh sống quanh chúng ta. Người dân vùng Himalayas luôn cần được động viên nhắc nhở rằng họ là những người canh giữ bảo vệ nóc nhà của thế giới. Nangchen, cũng giống như nhiều vùng khác thuộc dãy Himalayas, đang phải gánh chịu nhiều đau khổ bởi những vấn đề thiên tai. Tôi đã nhìn thấy rác thải không thể phân hủy bị vứt xả bừa bãi ở khắp những nơi tôi đã đi qua trong chuyến viếng thăm lần này.
Xét từ một cách nhìn, cũng có thể bạn sẽ nói Đức Phật A Di Đà chẳng có liên quan gì tới môi trường, nhưng xét theo cách khác, Ngài lại có mối liên hệ rất mật thiết với việc gìn giữ môi trường trong sạch và xanh tươi. Nếu chúng ta là những hành giả thực hành bằng tâm chí thành, nếu chúng ta biết rằng chúng ta phải gìn giữ cho cõi tịnh độ của Đức Phật được sạch sẽ, vậy chẳng phải chúng ta rất nên cùng nhau nỗ lực giữ cho những vùng xung quanh nơi đặt tôn tượng Phật A Di Đà được sạch sẽ và không có rác thải hay sao? Đây thực sự sẽ là một phương cách tốt để tích lũy nhiều công đức. Sống thân thiện với môi trường cũng là hạnh Bồ Đề, chúng ta có thể cứu được nhiều mạng sống bằng cách giữ cho môi trường sống được lành mạnh. Tôi muốn nhân dịp này khuyến khích các bạn hữu và đệ tử của tôi thay vì tôi làm việc này, trong lúc tôi không thể hiện diện nơi đây!
Trong suốt chuyến đi, tôi cảm thấy vô cùng được sách tấn khi được hạnh ngộ các đệ tử của Ngài Kyabje Adeu Rinpoche đời trước và được thấy họ tỏ rõ lòng quyết tâm và chí thành bước theo gót sen của Bậc Thầy. Tôi đã sẵn sàng để hạnh ngộ với Ngài Adeu Rinpoche đời này, chính là pháp tử trẻ tuổi nhất của Ngài Kyabje Satrul Rinpoche, song thật không may chưa đủ duyên để được hạnh ngộ Ngài lần này. Dù sao và dù ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng vẫn luôn gửi những lời cầu nguyện gia trì và tình yêu thương tới Ngài Kyabje Adeu Rinpoche trẻ tuổi.
Mọi người kể lại rằng trong thời gian chúng tôi đến Nangchen, ở Bắc Kinh đã xảy ra một cơn bão làm nhiều người thiệt mạng, trận thiên tai này quả là lịch sử suốt 61 năm qua chưa từng biết tới. Sau khi chúng tôi đi khỏi Bắc Kinh, lại một cơn bão khác ập tới. Tôi nghĩ đây có thể là một lời cảnh báo nhằm thức tỉnh mọi người trước những hiểm họa vốn là hậu quả của việc sống không thân thiện với môi trường. Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng chúng ta sẽ có thể sớm tổ chức một chuyến bộ hành triều bái thánh địa Pad Yatra tới đỉnh Kailash, đỉnh núi linh thiêng nhất thế giới và sẽ cùng nhau làm sạch đỉnh núi này vì lợi ích của vô lượng chúng sinh. Nếu tâm nguyện này có thể hoàn thành, chắc chắn chuyến đi vừa qua sẽ không thể là chuyến đi cuối cùng của tôi tới đất nước Trung Hoa.
Trong vài giờ tới tôi sẽ đáp xuống Paris… Sẽ là một hành trình mới để chia sẻ thêm với các bạn trong lần sau!
Viết bình luận
- 3 reads