Bạn đang ở đây
Truyền Thừa và Tam Muội Da Giới (Lineage and Samaya)
(For original English article, please click here)
Theo lịch Kim Cương Thừa, tháng thứ tư, bắt đầu từ bảy ngày trước đây, là tháng linh thiêng nhất trong năm. Và ngày hôm nay chính là ngày vía Đức Phật Thích Ca đản sinh. Tôi khuyến nghị chư vị pháp hữu, học trò và đệ tử giữ gìn tâm ý thiện lành, nói và làm những điều tích cực. Sinh ra nghĩa là một sự khởi đầu mới, vậy tại sao chúng ta không nhân cơ duyên này tự sách tấn khởi động lại sự tu tập của chính mình.
Như các bạn hẳn đã biết, đến nay tôi đã có được hầu hết các Pháp tử bên mình tại Tự viện Núi Druk Amitabha. Với vai trò là người đứng đầu nắm giữ Truyền thừa áo vải lâu đời, tôi có sứ mệnh trao truyền lại những di sản tâm linh, giáo pháp và ân phúc gia trì của Truyền thừa tới thế hệ những Thượng sư trẻ tuổi. Vị Thượng sư trẻ tuổi nhất của chúng tôi mới khoảng 5 – 6 tuổi. Mỗi khi ngắm nhìn những Pháp tử trẻ tuổi của mình, tôi lại cảm thấy tràn đầy hy vọng cho tương lai. Giống như các bậc Thượng sư của tôi đã chăm lo cho tôi thế nào, tôi cũng có trách nhiệm chăm lo cho những Pháp tử của mình như thế, đặc biệt là trên phương diện tâm linh. Mong nguyện rằng tôi sẽ luôn gìn giữ được thanh tịnh của Truyền thừa vì lợi ích của những thế hệ Thượng sư tương lai nhằm phụng sự chúng sinh hữu duyên với các ngài. Chẳng phải Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV Kunkhyen Pema Karpo đã có dụng ý thêm chữ “r” vào từ “Kagyud” để đảm bảo rằng những thế hệ Thượng sư tiếp nối Ngài ở đời vị lai sẽ luôn ghi nhớ rằng Truyền thừa của chúng ta là Truyền thừa "Kargyud" hay “Truyền thừa Thực hành Thanh tịnh” đó sao. Chỉ có điều không may là Ngài đã không lường trước được tầm ảnh hưởng của Anh ngữ và những ngoại ngữ khác, con người thời nay không thể phân biệt được sự khác nhau giữa "Kagyud" và "Kargyud". Họ phát âm cả hai từ đều giống nhau và chẳng có gì quan trọng. Nhưng đối với tôi, tôi cho rằng điều này rất quan trọng. Mặc dù chúng ta luôn cho rằng việc định danh dán nhãn chẳng có gì đáng kể, nhưng trong thế giới ngày nay nơi mà sự định danh dán nhãn trở nên quan trọng đến mức nếu chúng ta dán mác sai cho mình hoặc viết sai tên Truyền thừa của mình thì cuối cùng sẽ có ngày Truyền thừa bị diệt vong. Để đơn giản hóa và giúp cho mọi sự việc được trong sáng, rõ ràng, nhiều năm về trước tôi đã quyết định gọi tên Truyền thừa Rồng thiêng của mình là “Truyền thừa Drukpa” với tâm nguyện giản dị là giữ cho chúng tôi gắn kết mật thiết với sự thanh tịnh đáng trân quý của Truyền thừa. Dĩ nhiên những ai đồng ý sẽ làm theo còn những ai không ý thì cũng không có nghĩa vụ gì cả. Thế giới vốn tự do. Đây chẳng qua cũng chỉ là sự đối đãi trong nhị nguyên, luân hồi.
Nhiều người thắc mắc rằng tại sao giữ gìn sự thanh tịnh của Truyền thừa lại quan trọng đối với chúng tôi, những người nắm giữ truyền thừa Kim Cương như vậy. Hãy thử hình dung người đứng đầu nắm giữ Truyền thừa cũng giống như chiếc bình, nếu bình bị nhơ bẩn thì dù cam lồ mật ngọt của giáo pháp Truyền thừa có trân quý đến đâu thì khi rót vào bình rồi cũng sẽ bị ô nhiễm theo. Cho dù chiếc bình tiếp theo có hoàn toàn thanh tịnh sạch sẽ thì nước cam lồ đã bị nhiễm bẩn từ chiếc bình đầu tiên sẽ làm ô nhiễm chiếc bình thứ hai đó. Khi một Truyền thừa bị nhiễm ô thì cũng đồng nghĩa nguồn ân phúc gia trì bị chặt đứt. Cho dù bậc Thượng sư hiện thời có vĩ đại đến đâu thì nguồn ân đức gia trì của Truyền thừa cũng bị chặt đứt. Cho nên, là những bậc đứng đầu nắm giữ Truyền thừa, chúng tôi có sứ mệnh lớn lao phải đảm bảo rằng cả chiếc bình và nước cam lồ trong bình đều không bị hư hoại nhiễm ô. Đây cũng là lý do tại sao nhiều người trong chúng tôi đang truyền trao và thuyết giảng rất nhiều về terma hay những kho báu giáo pháp ẩn tàng mới được phát lộ. Từ Đức Thượng sư Liên Hoa Sinh hay những bậc Truyền thừa Thượng sư khác như Đức Rechungpa truyền xuống qua kho báu tâm truyền tâm hoặc những kho báu giáo pháp tới cho những bậc Thầy của chúng tôi rồi đến chúng tôi, sự truyền thừa khá trực tiếp, không dài nên nguy cơ bị ô nhiễm cũng được giảm thiểu rất nhiều. Chừng nào những người nắm giữ Truyền thừa quyết tâm gìn giữ Bồ đề tâm, sự thanh tịnh trong động cơ của mình thì nhất định chúng tôi có thể truyền trao tiếp nối Truyền thừa một cách thanh tịnh tới cho những thế hệ tương lai.
Rất nhiều người trong số chúng tôi đang biên soạn những bài cầu nguyện với nỗ lực làm ấm lại nguồn ân phúc gia trì của Truyền thừa. Vì Thượng sư là những chiếc bình quan trọng chứa đựng nước cam lồ gia trì mà bạn đón nhận, cho nên bổn phận của người đệ tử là cần kiểm chứng xem bậc Thầy và truyền thừa của ngài có thật sự thanh tịnh hay không. Rốt cuộc, bạn mới là người có trách nhiệm đối với chính sự giác ngộ của mình. Trọng trách của bạn là phải kiểm tra, chứng thực. Đừng làm một người đệ tử mù quáng mà quên đi quyền lợi và trách nhiệm này của mình. Tôi luôn nói với bằng hữu và học trò rằng điều quan trọng nhất là cần kiểm chứng xem bậc Thầy có giữ được giới nguyện Samaya (Tam muội da giới) hay không, có phá bể sợi dây liên kết với mandala Truyền thừa Thượng sư của họ hay không? Bạn không thể đón nhận nguồn ân phúc gia trì trọn vẹn từ một truyền thừa hay những bậc Thầy với mối liên kết bị đứt gãy bể vỡ. Trừ phi bạn chỉ coi đây như một cuộc chơi tiêu khiển, sự giác ngộ chẳng ý nghĩa gì với bạn và mối liên hệ tâm linh thành kính chẳng gì khác hơn là mối liên hệ thế tục thường tình chứ không phải là vấn đề sinh tử, bạn đương nhiên được phép làm bất kỳ mọi điều theo tâm nguyện như kiểm chứng xem người Thày và một truyền thừa có thanh tịnh hay không. Đạo nghĩa là con đường dẫn đến giác ngộ, mà giác ngộ nghĩa là giải thoát khỏi luân hồi khổ đau. Trừ phi chúng ta si mê khổ đau, tôi cho rằng tốt hơn hết là chúng ta nên hướng tới giác ngộ vì lợi ích hết thảy hữu tình. Điều này sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời tràn đầy hoa trái và ý nghĩa nhiệm màu.
"Samaya" là mối liên hệ tâm linh, là giới nguyện hết sức trọng yếu. Thượng sư truyền giới Samaya cho học trò và đệ tử trong một mandala tại một buổi lễ quán đỉnh. Ngày nay, thông thường, chúng tôi hiếm khi truyền giới Samaya cho cư sĩ nhưng đối với các bậc Tulku thì đây là một sợi dây liên kết quan trọng và chủ chốt. Bậc Thượng sư, nếu ngài là bậc Thầy chân chính phạm hạnh, sẽ phải gánh chịu trọng bệnh và thậm chí là tử mạng nếu mối liên kết tâm linh này không được trì giữ hòa hợp giữa các học trò và đệ tử thân cận của ngài. Cho nên sự hòa hợp là điểm mấu chốt quan trọng nhất trong vấn đề này. Đây là lý do tại sao chúng tôi luôn nói rằng một khi bạn trở thành hành giả Kim Cương Thừa sau khi bạn đã kiểm tra chứng thực mọi điều, một khi bạn đã thụ nhận quán đỉnh với những huynh đệ Kim cương của mình, hãy từ bỏ suy nghĩ, nói và làm những điều xấu xa sau lưng người khác, đừng lân mẫn những bất thiện tri thức. Bạn phải luôn luôn giữ gìn tâm trí tập trung vào Phật Pháp và chí thành với Thượng sư. Kim Cương Thừa là con đường đi nhanh chóng theo cả hai khía cạnh, hoặc sẽ đưa bạn thẳng tới Bồ đề giác ngộ, hoặc thẳng xuống địa ngục. Không có con đường nào ở giữa đó. Nếu bạn cứ luôn đồng hành lân mẫn những người hay nghĩ, nói và làm những điều xấu ác sau lưng những huynh đệ Kim cương khác, bạn cần phải lánh xa họ, chính xác hơn là bạn phải chạy khỏi họ giống như chạy trốn khỏi loài rắn độc. Nếu bạn cứ luôn nghĩ, nói và làm xấu sau lưng người khác, thì hãy dừng lại ngay tức khắc; không phải vì điều đó không tốt cho người khác mà không tốt cho cả chính con đường tâm linh của bạn. Nó sẽ khiến bạn ngày càng rời xa đạo pháp, rời xa Thượng sư và rời xa chính sự giác ngộ của bạn. Trừ phi bạn sinh tâm tò mò muốn biết địa ngục ra sao, bằng không tốt nhất là hãy chính niệm tỉnh giác. Thực tế là nếu bạn thích phiêu lưu và không sợ bị đọa địa ngục trong vô lượng kiếp thì bạn có thể tự ý làm gì cũng được theo xúc tình lục dục của mình.
Lời khuyên của tôi là bạn đồng tu và thiện hữu tri thức rất quan trọng, bởi ngày nay người ta thường nghe theo bạn bè hơn là nghe theo bậc Thầy, cha mẹ và trực giác của chính họ. Nhân dịp tháng Tư Saga Dawa cát tường này, tôi xin chúc nguyện cho hết thảy các bạn lân mẫn được nhiều thiện hữu tri thức và trở thành thiện hữu tri thức cho những người khác.
Viết bình luận
- 1243 reads