Phật Pháp cần phải được thực hành (Practice Has To Be Practical ) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Phật Pháp cần phải được thực hành (Practice Has To Be Practical )

20
19/10/2011 - 00:00

Tại sao lại phải như vậy? Sự thật là hầu hết chúng ta đều rất lười biếng và luôn phải tìm một lý do đặc biệt nào đó để thực hành. Nếu không chúng ta sẽ chẳng có chút hứng thú đối với sự thực hành. Ở đây, tôi không chỉ đề cập tới những pháp thực hành chính thống như thiền định, lễ lạy, trì tụng, mà bao gồm cả những thiện hạnh như giúp đỡ và mang lại hạnh phúc cho người khác.

Ngoài những việc cầu nguyện, thiền định, giảng pháp và viết bài hàng ngày, mỗi buổi chiều tôi lại cùng ni chúng vi nhiễu ba lần quanh Bảo tháp Swayambunath. Thoạt đầu tôi chỉ định làm như vậy trong một tuần liền, nhưng rồi tôi quyết định ngày nào cũng đi nhiễu tháp cho đến hết 49 ngày kể từ khi bậc Thượng sư tôn quý của tôi ra đi, tức ngày 25 tháng Mười tới.

Nhiều người đã hỏi tôi vì sao tôi lại quyết định nhiễu tháp hàng ngày vào tháng này, bởi đây chẳng phải là một tháng quá đặc biệt cát tường. Như tôi đã nói, có nhiều người cứ cần lý do đặc biệt để thực hành thiện hạnh, một phần vì họ không biết trân trọng từng giây từng phút của cuộc sống, dù thực chất mỗi khoảnh khắc đều vô cùng quan trọng, đặc biệt và trân quý; còn một phần của việc luôn tìm kiếm lý do này là vì sự giải đãi và bởi thực hành thiện hành hàng ngày là một mục tiêu rất khó. Thế nên ngay cả việc thực hành tâm linh cũng cần phải vào ngày cát tường, tháng đặc biệt. Đương nhiên như thế cũng vẫn hơn là không thực hành gì. Nhưng nếu chúng ta hiểu rõ và nghiêm túc phát nguyện một ngày nào đó sẽ đạt được giác ngộ để không còn phải mãi chìm đắm trôi lăn trong bể luân hồi, thì chúng ta sẽ nhận thức được rằng mỗi thời khắc, mỗi phút giây, mỗi hơi thở đều là một cơ hội lớn để thực hành.

Mỗi buổi tối chúng tôi hoan hỷ vi nhiễu quanh Bảo tháp Swayambhunath cầu mong viên mãn mọi tâm nguyện của bậc Thầy tôn quý. Tất nhiên chỉ những công đức từ việc vi nhiễu quanh Bảo tháp thì sẽ không thể đủ viên mãn hết tâm nguyện của Ngài, vì những tâm nguyện vì lợi ích chúng sinh ấy nhiều vô lượng và mênh mông như bầu trời. Dù vậy tôi vẫn nhiễu tháp vì khi Ngài còn tại thế, Ngài vẫn thường sách tấn tôi nên thường thực hành thiện hạnh này. Mỗi lần tôi kể với Ngài về việc chúng tôi đi nhiễu quanh Bảo tháp, về những chuyến hành hương vì môi trường -Eco Pad Yatra - của chúng tôi, đặc biệt là về chuyện chúng tôi đi nhiễu quanh Bảo tháp Swayambhunath này, Ngài rất hài lòng và hoan hỷ. Ngài khen ngợi tôi và chư ni vì đã thực hiện được những điều này. Ngài luôn nhắc nhở tôi rằng: “Chúng ta cần vi nhiễu quanh tòa Bảo tháp này càng nhiều vòng càng tốt, vì đây là cách tốt nhất để tịnh hóa. Thật không may vì trong chúng ta có nhiều người quá cao tuổi, quá giải đãi hay quá bận rộn nên không thể làm việc đó. Đến lúc chúng ta sẵn sàng thực hành thì sẽ quá muộn.” Đó chính là lời huấn từ tâm huyết của Ngài. Đó là lí do sau khi đã cử hành các khóa lễ theo truyền thống trong suốt hơn một tuần, tôi quyết định vào mỗi buổi chiều sẽ vi nhiễu quanh Bảo tháp Swayambhunath 3 vòng cho tới ngày thứ 49 kể từ khi bậc Thượng sư của tôi thị hiện viên tịch. Như thường lệ, chư ni nhiệt tình ủng hộ và cùng tôi nhiễu tháp hàng ngày. Tôi muốn gửi lời tri ân tới các cô vì đã đón nhận điều này với tâm chí thành và niềm hoan hỷ. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã khiến tôi thấy được khích lệ rất nhiều. Chiều nào chúng tôi cũng cùng nhau đi bộ 13 cây số, và tôi cảm thấy sức khỏe mình rất ổn. Tôi thiết nghĩ đây là một tin vui nên chia sẻ với các bạn, những người vẫn luôn theo dõi những chuyện tôi thường viết lên đây.

Rất nhiều bạn bè và đệ tử của tôi từ Bắc Mỹ, Mexico và Nam Mỹ đang chuẩn bị tham gia cùng với tôi và chư ni đi nhiễu 13 vòng tháp. Chắc chắn chúng ta sẽ sách tấn lẫn nhau. Tôi tin tưởng và chắc chắn rằng tất cả các bậc thầy, các chư bản tôn daka và dakani, trong đó có cả bậc Thượng sư mới thị hiện viên tịch của tôi, các Ngài hẳn sẽ rất mãn nguyện và hoan hỷ trước tất cả những thiện hạnh lợi tha mà chúng ta đang thực hành vì lợi ích vô lượng chúng sinh hữu tình. Tôi tin rằng những pháp thực hành mang tính thực tiễn như đi nhiễu tháp hay các hoạt động của tổ chức Sống để Yêu thương... rất cần được thực hành thường xuyên. Tôi tin vào sự thực hành nhiều hơn vào lý thuyết. Lý thuyết chỉ có thể có ích khi nó hỗ trợ cho sự thực hành, nếu không thì nó sẽ chẳng mang ý nghĩa gì. Vì vậy nên việc thực hành tâm linh cần phải rất thực tiễn mới có thể giúp đỡ được nhiều chúng sinh. Bên cạnh việc cầu nguyện, nhập thất, thiền định và rất nhiều những pháp thực hành truyền thống khác, chúng ta rất cần bước chân ra ngoài, nhập thế và hành động.

 

Quốc Vương và Quốc Hậu Bhutan

Cuối cùng, tôi muốn nhân đây gửi lời chúc mừng tới Quốc Vương và Quốc Hậu Bhutan. Cho dù ở đây vô cùng bận rộn, song tôi vẫn dành thời gian cùng với cha mẹ và chư tăng ni xem truyền hình trực tiếp hôn lễ Hoàng gia. Xin gửi tới gia đình Hoàng gia những lời cầu nguyện vì sự hạnh phúc và viên mãn cả trong đời sống thế tục lẫn tâm linh. Tôi rất hoan hỷ vì hai Nhiếp Chính Vương đã có thể dẫn đầu đoàn đại diện truyền thừa tới tham dự Hôn lễ Hoàng gia. Đức Quốc vương cũng như Vương quốc Bhutan là biểu tượng của sự thành tựu trong việc duy trì một truyền thống giàu có có nền tảng tâm linh và hòa nhập truyền thống ấy vào trong đời sống hiện đại. Tôi tin rằng Đức Quốc vương nắm giữ vài trò quan trọng trong thành tựu gìn giữ cân bằng cho mối tương quan này, và luôn cầu nguyện cho sự thành tựu của Ngài. Ngày mai sẽ là một ngày đầy hỷ lạc và chúng tôi sẽ theo dõi chương trình từ xa qua TV và gửi những lời chúc mừng và nguyện cầu tốt đẹp nhất từ tận đáy lòng.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,960
Số người trực tuyến: