Bạn đang ở đây
Cung điện Mandala Liên Hoa đầu tiên tại Việt Nam
Kiến trúc Cung điện Mandala Liên Hoa - Cảnh giới Tịnh độ của chư Phật - có mối liên hệ với Zangdog Pelri (Núi Đồng), một phong cách kiến trúc chùa thể hiện Cung điện Mandala cùng tên của Thượng sư Liên Hoa Sinh. Sự phổ biến của các chùa theo phong cách kiến trúc này bắt nguồn từ ảnh hưởng mạnh mẽ của Kim Cương Thượng sư Liên Hoa Sinh trong văn hóa tâm linh vùng Himalaya - nóc nhà thế giới. Kinh điển dạy rằng những ai có cơ duyên được chiêm bái, được chạm vào hay ghi nhớ cung điện thiêng liêng này trong tâm sẽ có sự kết nối mạnh mẽ để tấn tốc trưởng dưỡng con đường thực hành tâm linh, chứng ngộ được tự tính Từ bi - Trí tuệ sẵn đủ bên trong mỗi người.
Tịnh độ Zangdog Pelri là nơi Thượng sư Liên Hoa Sinh an trú, được coi là một cõi Tịnh độ cát tường cho thực hành tâm linh dẫn đến giác ngộ. Tương truyền Thượng sư Liên Hoa Sinh an trụ trong tịnh độ đó để điều phục các quỷ thần bất kham và thường xuyên đến cõi giới loài người nhờ năng lực hóa thân siêu việt. Phật tử vùng Himalaya thường cầu nguyện được vãng sinh vào cõi Tịnh độ này để tu tập theo Thượng sư Liên Hoa Sinh và các vị Phật Bản tôn giác ngộ.
Các chùa theo lối kiến trúc Mandala Zangdog Pelri là sự thể hiện không gian ba chiều về cảnh giới giác ngộ của Thượng sư Liên Hoa Sinh, thường gồm ba tầng:
- Tầng trên cùng: nêu biểu Tịnh độ Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà
- Tầng ở giữa: nêu biểu cảnh giới tịnh độ của Đại Bồ tát Quan Thế Âm
- Tầng dưới cùng: nêu biểu cảnh giới giác ngộ của Thượng sư Liên Hoa Sinh.
Ba Đức Phật này nêu biểu ba hiện thân giác ngộ (Tam thân). Đức Phật A Di Đà nêu biểu Pháp thân, tức là tâm giác ngộ hay tâm Phật. Đức Quan Âm là sự thể hiện hoàn hảo của tâm giác ngộ tương ứng với Báo thân hay sắc thân hoàn hảo với tất cả các phẩm chất thiện lành. Thượng sư Liên Hoa Sinh nêu biểu Hóa thân, tức là hóa thân tự nhiên nhậm vận ở khắp nơi của Phật, thể hiện thành vô số sắc tướng khác nhau để cứu độ chúng sinh.
Ngoài các phần kiến trúc đặc trưng trên, Cung điện Mandala Liên Hoa tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên còn gồm một tầng ngầm là giảng đường và dành cho việc tu tập. Tầng trên cùng của Cung điện Mandala Liên Hoa là tầng mắt Phật và 13 tầng của Bảo tháp.
Tầng mặt Phật có những đôi mắt nhìn ra bốn hướng. Đây là những đôi mắt Phật (còn gọi là Phật Nhãn), và những đôi mắt Phật nhìn ra bốn hướng nêu biểu cho sự toàn tri của Đức Phật.
Giữa hai mắt Phật, ở vị trí mũi, có một biểu tượng uốn cong trông giống như một dấu hỏi. Đây là số 1 (trong tiếng Phạn) nêu biểu sự hợp nhất của vạn pháp cũng như cách duy nhất để đạt đến giác ngộ - thông qua các giáo pháp của Đức Phật. Phía trên biểu tượng này là con mắt thứ ba, nêu biểu trí tuệ toàn tri của Đức Phật.
Mười ba tầng bảo tháp nêu biểu cho Thập Địa, tức là 10 phần Pháp thân mà các Bồ tát phải chứng ngộ, cộng với Diệu giác, Đẳng giác và Viên giác thành 13 quả vị Pháp thân Phật. Trên đó có một Bảo cái nêu biểu sự che chở cho tất cả chúng sinh khỏi những khổ đau phiền não. Phía trên Bảo cái an trí Tháp Chuyển Pháp Luân của Đức Phật, nơi chứa đựng Xá lợi Phật. Đỉnh cao nhất của Bảo tháp gọi là đỉnh Bất nhị.
Đến với Pháp hội Cầu an Đại Bi Quan Âm 2019, bạn sẽ được tham dự Đại lễ Hợp Long và ban gia trì cho cầu cát tường Đại Lạc Kim Cương Mandala, một biểu tượng giác ngộ và công trình kiến trúc có hình xoáy Tam thái cực độc đáo linh thiêng đang được xây dựng để kết nối Cung điện Mandala Liên Hoa với Đại Bảo Tháp. Cũng chính tại Cung điện Liên Hoa, Tám Đức Phật Bản Tôn Hộ Mệnh sẽ được an vị để đại chúng có thể chiêm bái và cầu nguyện Đức Phật tương ứng với năm tuổi của mỗi người và đón nhận năng lực gia trì uy đức từ vị Phật đó.
- 3100 reads