Bạn đang ở đây
Quay trở về với tự tính tâm
Mục đích đối với nhiều người tham dự Pháp hội là để cầu nguyện có cuộc sống bình an, hạnh phúc, song điều mà các bạn thực sự cần đến là quay trở về với tự tính. Tự tính không phải là tôi, không phải là Tự viện, mà chính là trạng thái của Tâm hay còn gọi là Tự tính Phật. Vì là Phật tử nên chúng ta gọi đó là tính Phật, hay cũng có thể gọi đó là tự tính Tâm. Bởi vì không phải chỉ có Phật tử mới có tính Phật, đây là tự tính của vạn loài, loài heo cũng có tự tính, loài rắn cũng có tự tính, côn trùng cũng có tự tính, loài nào cũng có tự tính cả.
Điều quan trọng ở đây là bạn cần phải nhớ về tự tính Tâm, bởi việc đó sẽ giúp bạn quên đi và Tịnh hóa những xúc tình phiền não khi chúng khởi lên trong tâm và che chướng khiến tự tính tâm trong sáng thanh tịnh của bạn không thể hiện lộ, khiến Tâm Chí Thành không thể khởi phát. Giống như một cánh cửa đã bị chặn kín không gì có thể đi ra hay đi vào được. Vậy bạn cần phải làm gì để mở được cánh cửa đó. Tất nhiên bạn sẽ phải thực hành Tịnh hóa, bạn sẽ phải trì tụng chân ngôn Kim Cương Tát Đỏa rất nhiều lần, bạn sẽ cần phải thực hành lễ lạy, bạn sẽ cần phải thực hành cúng dường Mandala, có hàng trăm cách để giúp bạn thực hành Tịnh hóa. Điều quan trọng nhất, hơn hết thảy mọi điều khác, đó chính là bạn phải nhớ quay về với tự tính Tâm
Bạn cần phải suy nghĩ nhiều hơn về tự tính Tâm, thay vì chỉ nghĩ đến những điều hư vọng. Thực chất những điều phù phiếm vọng tưởng thường liên tục khởi lên, chúng luôn luôn tồn tại và hiện hữu. Khi vừa mở mắt ra bạn đã thấy chúng liền xuất hiện, lập tức nhìn thấy điều xấu, điều tốt và cả những điều không xấu không tốt. Và những điều đó sẽ khiến tâm trạng của bạn trở nên thăng trầm, điều tốt khiến bạn phấn khởi, điều xấu khiến bạn trầm chìm. Chính vì vậy nên chúng ta vẫn thường nói rằng cuộc sống đầy rẫy những thăng trầm. Thế nhưng cách sống như vậy thực sự không hề lành mạnh, cho dù bạn phải chấp nhận điều đó, chấp nhận những thăng trầm như những đợt sóng vô cùng mạnh mẽ.
Chẳng hạn như bây giờ chúng ta đang ở trên một con thuyền, chúng ta sẽ mong muốn con thuyền của chúng ta lướt đi êm ả, chứ không mong gặp sóng to gió lớn. Nếu thuyền gặp phải sóng to, chắc chắn chúng ta sẽ khó được bình yên, chúng ta sẽ bị sóng xô nghiêng ngả. Tôi rất sợ điều này, vì thế nên tôi chẳng bao giờ thích đi du lịch bằng tàu biển, cho dù có rất nhiều người muốn mời tôi lên tàu để đi du ngoạn các nơi. Họ có những con tàu rất lớn, với đầy đủ tiện nghi, giống như những khách sạn 6 sao, 7 sao, tất cả mọi thứ đều rất tuyệt vời. Nhưng giá nào tôi cũng từ chối, cho dù đó có là những con tàu lộng lẫy và hoàn hảo, với hàng chục người nam nữ rất chuyên nghiệp sẵn sàng đón tiếp khách mời, với đủ những sơn hào hải vị trên thế gian. Bởi tôi biết ở ngoài kia là sóng cao gió cả, là những thăng trầm xô đẩy con tàu. Bạn nhất định sẽ phải trải nghiệm những chao đảo khi thuyền bị sóng xô, bạn sẽ không thể nào thật tập trung để tận hưởng hết những tiện nghi trên thuyền. Cho dù tất cả những tiện nghi đó có đắt đỏ và hiện đại đến mấy, bạn cũng không thể nào thoát khỏi nhưng rung lắc của con tàu.
Cải thiện cuộc sống thay vì chấp nhận
Những cơn sóng thật là kinh khủng và bạn không có cách nào tránh được. Tôi chỉ đưa ra ví dụ này để bạn dễ hình dung, bởi cuộc sống của chúng ta hoàn toàn giống như vậy. Và thật không may, chúng ta chẳng có cách nào khác ngoài việc chấp nhận. Chúng ta nên tìm cách nào để cải thiện cuộc sống, chứ không chỉ đơn thuần chấp nhận. Mặc dù biết chấp nhận đã là điều rất tốt, xong sẽ càng tốt hơn nữa nếu chúng ta có thể cải thiện để cho những cơn sóng sẽ không thể nào xô đẩy chúng ta quá mức.
Như vậy cách bạn cần thực hành tâm linh, đầu tiên sẽ là bạn phải luôn nhớ về tự tính, thay vì những thứ hư vọng phù phiếm. Những hư vọng vẫn sẽ luôn ở đó, xung quanh bạn, và bạn sẽ phải tìm cách thích nghi với chúng, coi chúng như trò chơi. Với những điều tốt đẹp, bạn sẽ phải chấp nhận và thích nghi. Với những điều không tốt đẹp, bạn sẽ phải đối diện và vượt qua. Bạn cần phải coi tất cả những điều đó giống như trong một cuộc chơi.
(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Đại Pháp Hội cầu nguyện trường thọ năm 2019, Ấn Độ)
Viết bình luận
- 489 reads