Bạn đang ở đây
Hồi hướng công đức siêu việt tín ngưỡng tôn giáo
Hồi hướng công đức được hiểu là công đức của bậc Thầy chia sẻ giáo pháp, cùng công đức của các bạn đã lắng nghe giáo pháp, đồng thời còn là công đức mà chúng ta đã tích lũy từ trước để cùng tạo nên nhân duyên thiện lành vân tập tại đây hôm nay, cùng chia sẻ và lắng nghe giáo pháp.
Như vậy chúng ta ngồi đây sẽ cùng tùy hỷ và hồi hướng công đức tích lũy được từ những nỗ lực của Tăng đoàn và Phật tử đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của Pháp hội ngày hôm nay. Có thể bạn không hiểu hết ý nghĩa bài kinh mà mình đang trì tụng, nhưng bạn cứ yên tâm, điều quan trọng là trong khi trì tụng, các bạn không quên hồi hướng công đức, bất cứ thiện hạnh, công đức tốt đẹp nào, không chỉ của riêng mình, mà của bất cứ người nào ở nơi đâu, chúng ta đều phát tâm tùy hỷ và hồi hướng. Bao gồm cả giáo pháp tôi chia sẻ ngày hôm nay, giáo pháp mà các bạn đón nhận, những nỗ lực mà các bạn đã dành ra. Tất cả mọi thứ đều cần được hồi hướng, đây là điều vô cùng quan trọng nên tôi muốn nhắc lại và nhấn mạnh với các bạn.
Các bạn sẽ hồi hướng tất cả với tâm bình đẳng xả, không mong cầu. Điều này cũng vô cùng quan trọng, chính những nỗ lực vô điều kiện ấy đã tạo nên quả nhân duyên thiện nghiệp cao quý nhất, những công đức lớn lao nhất. Khi những nỗ lực đi kèm điều kiện, các bạn cũng có thể tạo nghiệp thiện lành và quả phúc thế gian, song đó không phải là công đức tâm linh. Chỉ có những cố gắng với tâm bình đẳng xả, không đặt điều kiện và không mong cầu, mới mang lại những phúc báo tâm linh. Thiếu đi tâm bình đẳng xả, phúc báo sẽ trở thành tín ngưỡng tôn giáo.
Công đức mang lại thành tựu tâm linh siêu vượt tín ngưỡng tôn giáo
Sự trông đợi, mong cầu và điều kiện có thể sẽ làm thay đổi mối quan hệ nhân duyên và quả phúc nhận được sẽ khác nhau. Chúng ta cần phải hiểu rõ và phân biệt được giữa tâm linh và tôn giáo. Với những việc làm đi kèm điều kiện hoặc với tâm mong cầu, công đức vẫn có ở đó, nhưng là công đức thông thường chứ không phải công đức mang lại thành tựu tâm linh. Mọi công đức tâm linh đều không thể đi cùng điều kiện, không khiến bạn cảm thấy tự hào hay kiêu mạn. Nếu chỉ khởi một chút tâm kiêu mạn thôi, thì mọi công đức của bạn sẽ lập tức trở thành kết quả tôn giáo. Công đức tâm linh sẽ hướng bạn tiến thẳng trên con đường Phật đạo, tới quả vị Phật, còn những thành tựu tôn giáo thì cũng có thể giúp bạn tiến đến gần hơn, có thể trong các đời sau, hoặc có thể giúp bạn có được cuộc sống thế gian tốt đẹp hơn, thành công hơn, tùy vào tâm nguyện mong cầu của bạn khi hồi hướng.
Có thể trong khi hồi hướng, bạn có tâm nguyện “Xin cho con có cuộc sống tốt hơn, xin cho con được sức khỏe, xin cho con được thành đạt trong cuộc sống”, v.v… Tất cả những tâm nguyện đó sẽ được viên mãn, nhưng sẽ chỉ có vậy, bạn sẽ không đạt được nhiều thành quả ngoài sự thực hành tôn giáo, sẽ có rất ít thành tựu tâm linh. Để có được thành tựu tâm linh, bạn sẽ phải vượt qua tín ngưỡng tôn giáo, vượt qua những tâm nguyện thế gian, bởi lẽ tâm linh có nghĩa là con đường đi thẳng đến Phật quả. Song điều này không có nghĩa là thành tựu tâm linh sẽ không giúp các bạn viên mãn tâm nguyện thế gian. Bạn sẽ có được cả hai, không chỉ sự viên mãn đời sống thế gian, mà còn cả sự thành tựu tâm linh, tức là thành tựu giác ngộ.
Ví dụ nếu bạn bắn đi một mũi tên, bạn dùng hết sức mạnh để bắn và mũi tên sẽ lao đi rất nhanh, rất mạnh. Chỉ trong một sát na, mũi tên đã bay đi rất xa, có thể là 1 cây số. Bạn sẽ có cảm giác mũi tên ở tít đằng kia và dường như nó không hề vượt qua khoảng cách từ đây đến chỗ đó. Xong trên thực tế, mũi tên đã đi qua cả chặng đường, vượt qua từng khoảng không gian từ chỗ bạn đứng đến chỗ mũi tên, chỉ là vì nó bay nhanh quá nên bạn không thể nhìn thấy tường tận. Bạn có thể cảm giác mũi tên thoắt đi từ đây đến đó, không hề trải qua chặng trung gian, nhưng thực sự mũi tên bắt buộc phải đi qua cả chặng đường mới có thể đến được đích.
Tương tự như vậy, khi bạn có những công đức tâm linh, những công đức ấy sẽ giúp bạn đi thẳng tới thành tựu Phật quả, song điều đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn bỏ qua những thành tựu thế gian. Thậm chí có thể nói những tâm nguyện thế gian sẽ được viên mãn gấp nhiều lần so với cách hồi hướng thông thường. Như vậy có thể coi đây là phương tiện thiện xảo để hồi hướng công đức. Điều này cũng giống như khi bạn làm kinh doanh, nếu bạn thông minh khôn khéo thì bạn sẽ dễ thành công hơn. Bạn sẽ không cần phải cầu xin nhiều thứ, bạn chỉ cần hồi hướng theo cách vô cùng đơn giản, nhưng trong đó đã bao gồm đầy đủ cả tâm nguyện tâm linh và thế gian, và hết thảy mọi tâm nguyện thế gian và xuất thế gian đều sẽ được viên mãn.
Có rất nhiều thứ có thể chia sẻ liên quan tới việc hồi hướng công đức. Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ, là sự hồi hướng công đức tâm linh cần có tâm bình đẳng xả, không mong cầu và không điều kiện. Còn những mong cầu, điều kiện sẽ khiến việc hồi hướng trở thành tín ngưỡng tôn giáo.
(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Đại Pháp Hội cầu nguyện trường thọ năm 2019, Ấn Độ)
- 629 reads