Bạn đang ở đây
Đôi dòng cảm xúc viết từ tự viện Druk Amitabha
Nam mô đại bi Quán Âm thường cứu khổ.
Nam mô đại từ Quán Âm hằng ban vui.
Con xin chắp tay nguyện cầu bậc Vô Úy.
Con xin chắp tay nguyện cầu đấng Pháp Vương.
Xin rủ lòng thương, xóa niềm sân hận.
Con xin chắp tay nguyện cầu bậc Tôn quý.
Con xin chắp tay nguyện cầu đấng Toàn tri.
Thầy là rặngTuyết Sơn ngàn đời ban trải.
Thầy là hương ngàn sen thơm ngát mọi miền.
Con xin chắp tay nguyện Thầy luôn trụ thế,
Con xin chắp tay nguyện Thầy sống dài lâu.
Thầy là suối từ bi muôn đời tuôn chảy.
Thầy là cây tình thương che mát mọi loài.
Sau khi ăn Tết ở Darjeeling, tôi đến chùa Druk Amitabha ở Kathmandu để thấy rằng ni chúng đã chuẩn bị rất chu đáo cho ngày mừng sinh nhật của Thuksey Rinpoche, của tôi, và lễ tấn phong của Jetsunma Tenzin Palmo. Như tôi vẫn thường nói với chư vị đồng tu, tôi không phải là người được học hành nên chư ni của tôi không được đào tạo học hành hệ thống. Thực ra tôi đã rất lo lắng sau khi giao cho ni chúng trọng trách này. Nhưng chính nhờ tín tâm và sự sùng kính của họ đối với dòng truyền thừa, mọi việc đã diễn ra thật suôn sẻ tốt đẹp.
Các bằng hữu và đệ tử cho rằng tôi thật may mắn có được đệ tử ni chúng tuyệt vời. Tôi thực sự cảm thấy rất xúc động trước những nỗ lực của họ và tôi biết rằng họ đã thật sự cố gắng hết sức mình. Hiện nay, ni chúng của tôi đã có một nhóm phụ trách dự án hoạt động dưới sự hỗ trợ của một trong những chư tăng của tôi là Lama Wangchuk, người giúp đỡ trông coi công việc xây dựng trên núi Druk Amitabha, và một nhóm chuyên trách các công việc văn phòng quản lý kiểm soát ngân sách. Mặc dù chưa từng được dạy và đào tạo để quản lý dự án nhưng họ đã làm rất tốt, trở thành hình mẫu cho các chùa ni và tự viện khác của tôi cũng như cho văn phòng ở Delhi. Đúng như theo lời dạy của đức Thượng sư tôn quý của tôi, “Tín tâm là tất cả”
Công việc của một đạo sư là truyền dạy và chia sẻ đạo giác ngộ. Làm đạo sư vào thời này quả thật là kém may mắn. Tôi đã từng cảm thấy mình giống như chú lừa trở trên lưng gánh nặng của cả một con voi, người thầy không những phải truyền dạy về đạo pháp mà còn phải chăm lo cả về mặt vật chất, bằng không chúng tôi sẽ bị coi là vô trách nhiệm và không từ bi. Quả thực là rất khó. Hầu hết mọi người đến với tôi đều mong cầu một điều gì đó và tôi đã nghĩ rằng điều này chắc chỉ chấm dứt khi tôi nói lời “giã biệt” thế giới.
Tôi không hề muốn quá lời khen ngợi ni chúng, nhưng tôi thật lòng muốn nói rằng, họ đã cố gắng hết sức mình để không bao giờ khiến tôi phải bận tâm vì những vấn đề tài chính và điều hành công việc. Họ cũng đã hợp tác làm việc rất tốt với các tổ chức từ thiện ở châu Âu và châu Á. Tôi được nghe kể là tuần nào họ cũng cung cấp các báo cáo tiến độ kèm ảnh chụp và các bản phân tích chi phí dự án. Đôi khi tôi cảm thấy áy náy vì ni chúng của mình đã phải hy sinh thời gian tu tập cho những công việc như thế này. Chẳng hạn như trong những buổi lễ kéo dài suốt 6 ngày đêm, vậy mà không ai trong số chư ni phụ trách phần công việc quản lý văn phòng có thời gian tham dự, thay vào đó, họ phải trực ở văn phòng để trợ giúp các bằng hữu và đệ tử của tôi. Họ thưa rằng được làm công việc văn phòng này vì tôi, vì bằng hữu và đệ tử của tôi đối với họ đây cũng là một hình thức tu tập. Đó quả là ý nghĩ rất tuyệt vời. Tôi cho rằng hầu hết mọi người hẳn đều tinh tấn cố gắng tham dự lễ cầu nguyện nhiễu tháp kora cùng những khóa lễ khác mà quên mất công việc hậu cần của những ni chúng này. Tôi thực sự cảm nhận được một điều rằng nhờ ân phúc gia trì của thầy tôi, những ni chúng này thật đã thắp sáng lên mảng tối kia của cuộc đời. Vị đệ tử Jigme Migyur của tôi, người nhận lấy trọng trách nặng nề làm Quản lý Tài chính, nhiều lần kể cho tôi nghe mình đã xúc động như thế nào trước sự sùng kính và nhất tâm phụng sự dòng truyền thừa Drukpa của chư ni. Nhân đây, tôi muốn bày tỏ lòng tri ấn đến Jigme Migyur đã tới Kathmandu và Delhi thường xuyên để giúp đỡ đào tạo ni chúng của tôi ở Kathmandu và văn phòng ở Delhi. Tôi mong nguyện rằng văn phòng Delhi sẽ sớm làm việc hiệu quả như ở Kathmandu.
Thật tuyệt vời được gặp Jetsunma Tenzin Palmo cùng ni chúng và bằng hữu của Ngài. Ngài đã khơi dậy niềm cảm hứng bất tận đối với các nữ hành giả trong khi những nam thượng sư như tôi chẳng làm được điều gì đáng kể. Tôi nguyện rằng mọi công hạnh hoằng dương của Ngài sẽ phát triển rộng khắp và lợi ích vô lượng chúng sinh, đặc biệt là nâng đỡ hỗ trợ tu tập cho phụ nữ. Tôi được nghe kể rằng đây là lần đầu tiên Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh gặp và chia sẻ Phật Pháp với Jetsunma. Rinpoche đã không ngừng hỏi thăm Jetsunma đã ở đâu trong suốt buổi lễ kora ở tháp Swayambhunath và tôi biết Rinpoche cảm nhận được ngay mối nhân duyên gần gũi khi vừa gặp mặt Jetsunma. Đó hẳn là mối thiện duyên thầy trò đời trước. Chư Bồ Tát thị hiện rất nhiều hóa thân. Dòng truyền thừa của chúng ta thật may mắn khi có hai Ngài Khamtrul Rinpoche phụng sự giáo hóa chúng sinh theo những phương diện khác nhau. Có lẽ một ngày nào đó cả hai Ngài sẽ hạnh ngộ để cùng nhau trao đổi về tương lai của dòng truyền thừa và sẽ hợp tác với nhau như thế nào vì lợi ích của các đệ tử truyền thừa Drukpa. Tôi sẽ vô cùng hoan hỷ khi những vị đạo sư trẻ tuổi này của dòng truyền thừa cùng chia sẻ bổn phận trách nhiệm nặng nề với mình.
Vì vậy, tôi hy vọng rằng Ủy ban Drukpa Thường Niên (ADC) sẽ là dịp để chư vị đạo sư trẻ tuổi của dòng truyền thừa cùng nhau chia sẻ ý kiến. Nhân đây, tôi rất vui vì Jetsunma đã chấp nhận lời đề nghị của tôi ngồi vào bục cố vấn; đồng thời cả Jetsunma và tôi đều đề nghị Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh làm chủ tịch ban tổ chức lần này. Vì Ủy ban Drukpa Thường niên sẽ được tổ chức luân phiên nên tôi hy vọng tất cả các thượng sư của dòng truyền thừa cùng các tự viện, bằng hữu và đệ tử của các Ngài sẽ đều có cơ hội để đứng ra tổ chức sự kiện này.
Một bạn Pháp của tôi là Đại Đức Thích Minh Trí đến từ Việt Nam cũng tham dự lễ sinh nhật và tôi rất xúc động vì mặc dù công việc bận rộn và phải vội đi Ba Lan nhưng Đại Đức vẫn cố gắng thu xếp để đến đây. Tôi cảm thấy rất ấm lòng vì cử chỉ ấm áp tình hữu nghị và tương trợ này. Tôi luôn chúc nguyện cho Đại Đức thân tâm an lạc và viên thành mọi hoạt động hoằng dương Phập Pháp của mình. Nhờ lòng chân thành và tín tâm dâng hiến của Phật tử Việt Nam, tôi đã quyết định dành nhiều thời gian hơn trong chuyến viếng thăm tới đây, có thể chương trình dài trong 10 ngày sẽ được sắp xếp tổ chức. Tôi cũng hết sức kinh ngạc trước những hoạt động SỐNG ĐẺ YÊU THƯƠNG do ni chúng và đệ tử của mình tổ chức. Tôi nghe nói mọi người đã đến thăm hỏi hơn 40 hộ gia đình dựa theo danh sách điều tra do ni chúng thực hiện trước đó và có hơn 100 người dân nữa đang chờ được giúp đỡ. Dù thế nào tôi cũng chắc chắn rằng ni chúng của mình sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG thường xuyên và với tấm lòng nhiệt huyết. Rất dễ để bắt đầu làm một việc tốt nào đó nhưng để duy trì được chúng thì quả thật còn khó hơn nhiều. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra ở ngoài kia một năm nữa để thấy liệu bằng hữu và đệ tử của tôi vẫn đang phụng sự vì lợi ích cộng đồng và chúng sinh thông qua các hoạt động SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG hay không.
Nhân đây, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số chuyện mà tôi đã thực sự cảm thấy rất hứng thú. Tôi đã dùng một số tiền để xây cửa hàng căng tin cho ni chúng quản lý ở trên núi Druk Amitabha. Hy vọng rằng cửa hàng căng tin và nhà khách sẽ dần dần giúp họ không bị phụ thuộc về mặt kinh tế và họ sẽ không còn phải chờ xin tiền tiêu hàng tháng. Tôi không biết liệu mong nguyện của mình sẽ thành công hay không, nhưng nếu chúng ta không thử làm một lần thì sẽ chẳng bao giờ biết được. Hiện nay nhà khách có khoảng hơn 40 giường ngủ và dần dần chúng tôi sẽ hoàn thiện hơn với hệ thống sưởi bằng năng lượng mặt trời. Tôi cho rằng ni chúng cần thêm sự tư vấn về cách điều hành những công việc này
Một tin nữa mà tôi muốn chia sẻ là một số cá trường thọ được mang từ Nhật Bản đến tự viện Druk Amitabha, chúng sẽ được nuôi trong ao do Jigme Phende xây tặng tôi. Thật là một điềm cát tường khi Jigme Phende tặng tôi một loài cá đặc biệt như vậy đề cầu trường thọ cho tôi. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ trường thọ tới hơn 300 năm tuổi. Nghe nói loài cá này có thể sống tới trên 400 năm. Tôi sẽ rất buồn nếu phải chứng kiến tất cả đạo hữu và đệ tử của mình lần lượt ra đi, để lại tôi một mình với những chú cá trường thọ này. Dù sao, tôi cũng xin tri ân tất cả những hành động thiện hạnh dù nhỏ bé này mà các đệ tử như Jigme Phende dùng để bày tỏ tình thương yêu và quan tâm đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng sống khỏe mạnh và lâu hơn, nhưng chắc chắn là không đến 400 năm tuổi đâu nhé.Các bạn hẳn đã nghe nói đến việc chúng tôi thực hiện đi nhiễu 13 vòng kora xung quanh tháp Swayambhunath. Do thiếu thời gian và sự sách tấn, thường tôi chỉ đi liền một lúc 6 vòng chứ chưa bao giờ đi nhiễu tới 13 vòng như lần này. Tôi đã không gặp bất kỳ trở ngại nào khi đi bộ suốt từng đấy tiếng đồng hồ. Các bằng hữu và đệ tử của tôi cũng vậy. Rất nhiều người nói với tôi rằng họ không cảm thấy là mình đang đi nữa mà như ai đó đang đi hộ họ. Họ cho rằng đó là nhờ tôi, nhưng tôi không cần thiết phải tin như vậy vì chính là nhờ tín tâm đã giúp họ hoàn thành 13 vòng nhiễu quanh tháp và tích lũy được vô số công đức. Tôi cho rằng sự giác ngộ cứu kính cũng tương tự theo cách thức đó. Tín tâm khiến tất cả những thiện hạnh đều có thể xảy ra trong đời này và những đời sau
Với lòng chân thành tha thiết, tôi muốn được gửi lời cảm niệm tri ân đến tất cả các bạn vì đã giúp đỡ hỗ trợ tôi và tôi nghĩ đây chính là lý do chủ yếu tại sao chúng ta rất cần phải quy y Tăng đoàn khi tu tập. Không chỉ kora mà khóa tu thành tựu Pháp Drubchen kéo dài 8 ngày do chư ni cử hành cũng là một sự tu hành rất tuyệt vời đối với tất cả chúng ta. Thậm chí đối với những người không biết làm thể nào để tham dự pooja hay khóa tu Drubchen đúng cách do trở ngại ngôn ngữ, họ cũng vẫn chia sẻ được sự nồng ấm và niềm hỷ lạc vì được ở bên Tăng đoàn.
Tôi không biết khi nào mình sẽ viết tiếp. Nếu có bất cứ điều gì có thể sẻ chia, tôi sẽ cố gắng thường xuyên trao đổi với các bạn. Xin gửi lời chúc nguyện tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người và hẹn đến lần sau!
Viết bình luận
- 88 reads