Thông điệp 8/3 của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa - Bình đẳng giới tạo nên hòa bình, hạnh phúc của nhân loại | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Thông điệp 8/3 của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa - Bình đẳng giới tạo nên hòa bình, hạnh phúc của nhân loại

479
08/03/2022 - 14:40

Trong một lần thăm, giảng pháp tại Việt Nam vào đúng dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đã có cuộc trò chuyện về chủ đề Bình đẳng giới trên Đài  truyền hình Quốc gia (kênh VTV1 và VTV9).

- Trả lời phỏng vấn của VTV về vấn đề bình đẳng giới đã được đề cập như thế nào trong Phật pháp?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cho biết: "Bình đẳng giới là một chủ đề rất quan trọng trong Phật giáo. Bởi, Đức Phật luôn dạy về sự bình đẳng không chỉ giữa nam giới và nữ giới, mà mọi loài, mọi vật đều cần được đối xử bình đẳng, công bằng. Xét về giữa nam giới và nữ giới, Đạo Phật không bao giờ nói rằng nam giới là hơn và nữ giới là kém. Một đất nước có văn hóa tôn trọng nữ giới thường sẽ phát triển thịnh vượng…".

Theo Ngài, bình đẳng giới rất quan trọng không riêng phụ nữ, mà còn vì sự bình an của đất nước, và vì hạnh phúc nhân loại và hòa bình của toàn thế giới. Chúng ta đã nói rất nhiều về hòa bình thế giới nhưng nếu không có sự bình đẳng giới thì hòa bình ở đâu?

Phụ nữ cần được tôn trọng. Tất nhiên chúng ta cũng cần tôn trọng đàn ông, nhưng đàn ông đã luôn được tôn trọng trong xã hội rồi. Còn đôi khi người phụ nữ chưa được đối xử bình đẳng với nam giới. Vì vậy Ngài luôn nỗ lực kêu gọi và ủng hộ cho sự bình đẳng giới, tin rằng hòa bình trên thế giới phụ thuộc nhiều vào bình đẳng giới, là một trong những khía cạnh quan trọng tạo lập nên sự hòa bình, hạnh phúc của nhân loại.

- Ngài có thể làm gì để tinh thần bình đẳng giới lan tỏa tới mọi người?

-"Bản thân tôi cũng có tâm nguyện và dành cả đời nỗ lực thực hành các thiện hạnh để đề cao bình đẳng giới, nâng đỡ ni giới và tu sĩ nữ trong việc lợi ích tất cả hữu tình", Ngài chia sẻ.

Đức Gyalwang Drukpa cũng là bậc thầy Phật giáo đầu tiên khích lệ và hỗ trợ mạnh mẽ cho các vị ni sư Drukpa tại tự viện Amitabha (Nepal) học võ thuật theo trường phái võ cổ truyền Việt Nam. Sáng kiến này được khơi nguồn từ năm 2008, khi Pháp Vương thăm Việt Nam và chứng kiến ni sư Tây Thiên luyện tập các bài võ cổ truyền của đất nước mình. 

Ngài quyết định đưa võ thuật vào chương trình hàng ngày của tự viện Druk Gawa Khilwa ở Kathmandu. Đức Pháp Vương đã mời một võ sư và mười sư ni Tây Thiên, Việt Nam sang Nepal để giới thiệu chương trình luyện tập cho ni tại tự viện. Đến nay, khoảng 300  sư ni tuổi từ 14 đến 22 ở hai chi nhánh của tự viện tham gia luyện tập võ thuật hàng ngày.

Ủng hộ mạnh mẽ quyền bình đẳng giới, Đức Pháp Vương đã thành lập Tự viện Druk Gawa Khilwa ở Kathmandu, Nepal và ở Shey, Ladakh. Tại đây, ni chúng được hướng dẫn tu tập tâm linh và trao truyền những pháp môn mà trước đây chỉ dành riêng cho tăng chúng. Tự viện còn nổi tiếng với bài tập đồng diễn Kungfu mỗi ngày.

Các sư ni bắt đầu một ngày mới từ 4h sáng với một bài kung-fu và họ nói bài luyện tập thể chất này giúp họ vững vàng đối mặt với công việc vất vả trong một ngày: thực hành nghi quỹ Mật thừa, vũ điệu kim cương, thiền định, học ngữ pháp tiếng Tạng, Phật Pháp, tiếng Anh và sử dụng máy tính. Ngoài ra họ cũng làm những công việc thường ngày như quét dọn tự viện.

“Ở vùng đất hẻo lánh này của Ấn Độ, sư ni Drukpa đã vượt lên trên những nghĩa vụ thông thường, xa hơn rất nhiều so với sư ni của các truyền thống khác” ông Chandramouli Basu, giám đốc sản xuất bộ phim tư liệu với tiêu đề “ Sư Ni Luyện Tập Võ Thuật” (Kungfu Nuns) đã nói. Bộ phim này đã được trình chiếu trên kênh BBC.

Các học sinh của Ngài và ni sư ở Tây Thiên rất giỏi về võ thuật. Ngài cho rằng, phụ nữ có thể học được nhiều thứ. Phụ nữ học được võ thuật để tự vệ trong nghịch cảnh - điều này rất tốt bởi phụ nữ cũng cần biết bảo vệ bản thân mình.

Không gì là không thể - Nữ giới có thể làm được mọi việc 

Văn hóa Việt Nam đề cao và tôn trọng vị thế người phụ nữ trong xã hội, tôn vinh những vẻ đẹp của người phụ nữ như là trí tuệ, tinh thần, tình yêu thương, nghị lực và lòng dũng cảm, sự tần tảo và cả lòng vị tha nữa.

Việt Nam trải qua bao khó khăn tới ngày hôm nay mà vẫn vững vàng phát triển không chỉ nhờ sức của những người đàn ông, mà một phần rất lớn nhờ công lao của người phụ nữ. Sự đóng góp của người phụ nữ là vô cùng quan trọng, có thể thấy và hiểu rõ ràng cả từ góc độ quốc tế. Có thể nói rằng người phụ nữ có thể làm được rất nhiều việc, nhiều thiện hạnh lợi lạc trên thế giới này.

Ngài muốn thể hiện tình yêu thương trong hành động, từ bi qua các thiện hạnh (như bảo vệ môi trường, làm sạch nước, làm sạch bầu không khí, không chỉ bảo vệ nữ quyền và các vấn đề bình đẳng giới mà cả các vấn đề với ô nhiễm không khí, nước, đất). Tất cả những điều này đều nằm trong giáo lý Phật giáo. Bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ những người nữ yếu thế, mà còn bảo vệ thiên nhiên vì lợi ích của thế giới.

Đức Gyalwang Drukpa nhấn mạnh, trong gia đình, nếu người phụ nữ không có phẩm hạnh, hành xử không tốt thì rất dễ đổ vỡ. Thế giới ngày càng tốt đẹp hơn đều nhờ vào vai trò của người phụ nữ. "Bản thân tôi cũng có tâm nguyện và dành cả đời nỗ lực thực hành các thiện hạnh để đề cao bình đẳng giới, nâng đỡ ni giới và tu sĩ nữ trong việc lợi ích tất cả hữu tình", Ngài chia sẻ.

-Về quan điểm cho rằng phụ nữ không đủ phẩm chất để đạt giác ngộ ngay trong đời này, ngay trong hình tướng của nữ giới, mà chỉ có nam giới mới có khả năng đạt đến giác ngộ…

Đức Gyalwang Drukpa khẳng định lối suy nghĩ này là sai lầm và không đúng với những lời chỉ dạy của Đức Phật. Bởi giác ngộ không có sự phân biệt giới tính, người nữ vẫn có khả năng thành tựu giác ngộ, thành tựu Phật quả. Khả năng giác ngộ và sự mạnh mẽ của người nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới.

"Chúng ta đã nói rất nhiều về hòa bình thế giới nhưng nếu chúng ta không có sự bình đẳng giới thì hòa bình ở đâu? Tôi cho rằng điều này rất dễ hiểu, người phụ nữ cần được tôn trọng", Đức Gyalwang Drukpa gửi thông điệp nhân ngày 8/3.

(MAI AN biên tập)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,492
Số người trực tuyến: