Tại sao Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara hộ trì chúng sinh thoát khỏi những nỗi sợ hãi? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tại sao Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara hộ trì chúng sinh thoát khỏi những nỗi sợ hãi?

1073
25/05/2022 - 20:44

 

Trong vô số pháp Mật thừa của bốn thứ lớp Tantra, Nghi quỹ Bốn Cúng dàng Mandala Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara tuy thuộc thứ lớp Tantra hành động nhưng lại được thực hành vô cùng phổ biến bởi cả các hành giả sơ cấp đến các bậc Thầy thực chứng giác ngộ. Thực hành Nghi quỹ này giúp viên mãn mọi tâm nguyện và công hạnh lợi tha, những công hạnh mang lại hạnh phúc và sự giải thoát giác ngộ cho không chỉ cho bản thân hành giả mà còn lợi ích vô số chúng sinh.   

Pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara là sự thực hành triệu thỉnh, cầu nguyện gia trì từ Lục Độ Phật Mẫu Tara và 21 Độ Mẫu. Phật Mẫu Tara vô cùng từ bi và có thể ứng hiện để hoàn thành vô số công hạnh lợi tha. Ngài có 21 hóa thân, mỗi hóa thân của Ngài thực hiện các công hạnh khác nhau như chữa lành bệnh, hộ trì thoát khỏi hiểm nguy, giải trừ ác mộng hay diệt trừ ác ma... 

Đặc biệt, việc cầu nguyện Quan Âm Độ Mẫu Tara và tu trì pháp tu này giúp chúng ta tránh được tám nỗi sợ hãi chính, mỗi nỗi sợ hãi đều có những khía cạnh bên ngoài (liên quan đến một hoàn cảnh hoạn nạn khổ đau) và bên trong (liên quan đến các phiền não tiêu cực là nhân dẫn đến khổ đâu), cụ thể như sau:  

1. Sợ lửa (sân): Ngọn lửa sân giận được cơn gió ác nghiệp (bắt nguồn từ vô minh) làm bùng cháy.

2. Sợ sư tử (kiêu mạn): Là chúa sơn lâm, loài sư tử coi thường mọi loài và không nghe lời ai cả. Sự kiêu mạn này khiến chúng ta không được mọi người giúp đỡ và mắc kẹt trong sự chi phối của vô minh.  

3. Sợ voi (si): Vô minh giống như con voi say rượu, hoang dã không ngần ngại dẫm đạp lên bất kỳ ai trên đường nó đi.

4. Sợ rắn (đố kỵ): Giống như rắn, thái độ đố kỵ ẩn náu trong bóng tối vô minh. Đố kỵ khiến chúng ta làm hỏng “phần thiện” của những người khác.

5. Sợ giam cầm (tham): Tham được coi là một thái độ tiêu cực. Những thái độ tiêu cực khiến chúng ta không thể làm những việc thiện, khiến chúng ta phỉa trôi lăn mãi trong luân hồi.  

6. Sợ lũ lụt (tham ái): Tham ái giống như dòng sông chảy xiết, dữ tợn khiến chúng ta mắc kẹt trong dòng chảy luân hồi, ngày càng bị cuốn xa bến bờ giác ngộ. 

7. Sợ quỷ thần (nghi hoặc): Các quỷ thần có sự kết nối với bóng tối. Tương tự như vậy, thái độ nghi hoặc xuất hiện do bóng đêm vô minh. Thái độ này khiến chúng ta sợ hãi, mê lầm, và cản trở không cho chúng ta đạt được quang minh và trí tuệ.  

8. Sợ kẻ cướp (các tà kiến): Trộm cướp lấy đi những món đồ giá trị của chúng ta. Tương tự như vậy, tà kiến khiến chúng ta mất cơ hội đạt tiến bộ trên con đường thực hành tâm linh.

Như vậy, tám nỗi sợ hãi có thể được hiểu ở một số cấp độ, bắt đầu từ cấp độ ý nghĩa bên ngoài với những nỗi nguy hiểm mà chúng ta có thể thấy và trải nghiệm trong thực tế cuộc sống. Ở cấp độ sâu hơn, ý nghĩa bên trong liên quan đến những tham ái, chấp ngã và xúc tình phiền não. Ở cấp độ sâu nhất, các nỗi sợ hãi này liên quan đến các kỹ thuật thực hành và giáo lý Mật thừa. Khi tiêu trừ được các sợ hãi đó, hành giả đạt được các chứng ngộ và giác ngộ cứu kính.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,134,636
Số người trực tuyến: