Hành giả Yogi Tsang Nyon Heruka với công hạnh biên soạn tiểu sử các bậc Thầy | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hành giả Yogi Tsang Nyon Heruka với công hạnh biên soạn tiểu sử các bậc Thầy

467
02/11/2021 - 21:13

Hành trình tâm linh của các bậc Thầy giác ngộ trong lịch sử chính là những bài pháp sinh động và gần gũi nhất, đồng hành với các hành giả trên con đường thực chứng. Việc đọc về tiểu sử của các Ngài sẽ mang lại ân đức gia trì vô cùng lớn lao, các bậc Thầy dạy rằng chỉ cần đọc hoặc nhìn tiểu sử của các Ngài, một người có thể viên mãn quả giác ngộ.

Đức Tsang Nyon đản sinh vào ngày rằm tháng 5 năm Nhâm Thân (1452) tại Kharga. Khi lên 7 tuổi, Đức Tsang Nyon đã thọ giới Sadi từ Khenchen Jamyang Kunga Sangye, và ban cho Ngài pháp danh Sangye Gyaltshen. Năm 18 tuổi, trong một linh kiến, Tsang Nyon gặp 15 thiếu nữ lạ mặt thúc giục Ngài tới Tsari, nơi thánh địa linh thiêng của Bản tôn Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara.

Đức Tsang Nyon trụ lại khoảng ba năm tại Tsari và có nhiều trải nghiệm rất phi thường huyền diệu tại đây. Những Bản Tôn hộ mệnh của Ngài đã ban cho Ngài pháp danh bí mật là Thrag Thung Gyalpo. Sau đó Ngài tới Kharchu, Lhodrag, nơi đây Ngài đã hạnh ngộ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ II Kunga Paljor (1428–1476). Ngài thuật lại cho Pháp Vương về những trải nghiệm của mình. Đức Pháp Vương rất hoan hỷ và ban cho Ngài ân đức gia trì của Hộ Pháp Mahakala Bốn tay cùng những giáo pháp của Truyền thừa thực hành khởi nguồn từ Đức Shang Drowei Gonpo tới Đức Tsangpa Gyare.

(Bảo Tháp Swayambhunath, Nepal)

Trong chuyến viếng thăm đầu tiên tới Swayambhunath ở Nepal, Đức Tsang Nyon thiền định suốt sáu ngày trong tư thế Kim Cương tọa, vào ngày thứ bảy thì chư Daka và Dakini xuất hiện. Các Ngài trang hoàng với các trang sức bằng xương, ngọc quý, những pháp khí âm nhạc ngân vang cùng với những phẩm vật cúng dường đầy khắp hư không. Trong hư không phía trước Đức Tsang Nyon, Kalachakra đã xuất hiện trong hình tướng sắc thân cầu vồng và chỉ dạy: “Này hành giả Yogi, đã đến lúc con mang lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh thông qua giảng dạy giáo pháp và kết tập kinh điển. Bởi vậy con hãy thực hiện sứ mệnh cao cả này”.

Khi trở lại, Đức Tsang Nyon thiền định tại sơn động Dre-lha Phug, nơi Đức Milarepa đã thành tựu đại giác ngộ. Vào một buổi sớm bình minh, trong một linh ảnh, Ngài được Đức Hevajra chín mặt và mười tám tay chỉ dạy: “Hỡi Pháp tử cao quý, đây là lúc con bắt đầu những công hạnh lợi tha. Hãy soạn những kinh điển nghi quỹ về Hevajra và Chakrasamvara”. Ngày hôm sau, Đức Tsang Nyon bắt tay soạn bản thảo Gyepa Dorje Ngon Tog Tsig Ched Ma, bản luận giải về Hevajra.

Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai tới Tsari, Nyen Gyud Dorje Tshig Kang được tiết lộ với Ngài trong một linh kiến và Ngài đã soạn rất nhiều luận giảng về Demchog Nyen Gyud hay còn gọi là “Truyền thừa Khẩu truyền Bí mật Chakrasamvara”.

Đức Tsang Nyon Heruka, “Traktung Gyalpo (Vua của các Heruka), hành giả Yogi giữa cõi Sa bà” cũng là người đã soạn tiểu sử về Đức Marpa (Cuộc đời Đức Marpa), và Đức Milarepa (Chứng đạo ca Milarepa). Ngoài ra, bậc đại đệ tử của Ngài là Lhatsun Rinchen Namgyal đã viết sách “Cuộc đời và những giáo pháp của Đức Naropa.” Như vậy, chúng ta có đầy đủ về tiểu sử ba thế hệ Thượng sư - Đệ tử tôn quý, Naropa - Marpa - Milarepa, được coi là những bậc Thầy khởi nguồn cho Truyền thừa Drukpa. Khời nguồn từ Đức Tsang Nyon Heruka mà từ đây đã xuất hiện Truyền thừa của các học giả viết về tiểu sử các bậc Thầy giác ngộ.

Có thể chúng ta sẽ tự hỏi tại sao Đức Tsang Nyon và các đệ tử của Ngài lại phải dành nhiều thời gian và tâm sức để biên soạn về tiểu sử các bậc Thầy như vậy? Liệu việc tìm hiểu về cuộc đời các Ngài có quan trọng với chúng ta? Điểm trọng yếu trong các di sản về tiểu sử các Ngài là đã phác họa được quá trình tu học ban đầu, trưởng dưỡng, thực hành và thành tựu, đó không chỉ là những bài học, thông điệp về giáo pháp của Đức Phật thiết thực trong cuộc sống hàng ngày mà còn là niềm cảm hứng trên con đường thực hành giải thoát của các hành giả.

Tiểu sử các bậc Thầy tâm linh được coi là “những tấm gương cao quý cho chúng sinh,” nhìn vào cuộc đời của Đức Marpa, Đức Milarepa vượt qua được những chướng ngại thân tâm sẽ truyền cảm hứng, động lực và niềm tin cho chúng ta đạt được thành tựu giải thoát tối thượng ngay trong một đời. Và như vậy, cuộc đời của các Ngài chính là những bài pháp sinh động và gần gũi nhất, đồng hành với các hành giả trên con đường thực chứng. Việc đọc về tiểu sử của bậc Thầy sẽ mang lại ân đức gia trì vô cùng lớn lao. Các bậc Thầy dạy rằng chỉ cần đọc hoặc nhìn tiểu sử của các Ngài, một người có thể viên mãn quả giác ngộ.

(Trích ấn phẩm "Những hành giả Yogi của Truyền thừa Drukpa" - Drukpa Việt Nam biên soạn và phát hành)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,512
Số người trực tuyến: