Đức Phật Thích Ca và sự chứng đạt năm thân Phật | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Phật Thích Ca và sự chứng đạt năm thân Phật

420
09/07/2021 - 17:51

Trong đạo Phật, con đường phát triển tâm linh không được xem là một hành trình trừu tượng mà nhấn mạnh đến sự chuyển hóa sâu sắc hướng đến sự giác ngộ nơi tự tâm của mỗi chúng sinh. Nhưng làm thế nào để sự chuyển hóa sâu sắc như thế có thể diễn ra? Lời giải đáp nằm ngay trong chính những điểm tiêu cực cố hữu nơi mỗi người, những xúc tình tiêu cực luôn vây hãm chúng ta về mặt tâm linh và cản trở chúng ta trong việc trải nghiệm niềm hạnh phúc hỷ lạc chân thật và toàn vẹn. Chính năng lượng bị tắc nghẽn như vậy sẽ tạo ra những ảo tưởng độc hại. Tuy nhiên, khi nguồn năng lượng bất tận này được khai thông thì tâm của chúng ta sẽ đầy quyền năng và chứng đạt giác ngộ.

Cũng theo quan kiến Phật giáo, những si mê, phiền não thông thường của con người được chia thành năm loại hay còn gọi là Ngũ độc. Ngũ độc bao gồm vô minh, sân giận, kiêu ngạo, tham ái và đố kỵ. Đạo Phật cho rằng chúng là toàn bộ những yếu tố khiến chúng ta mê đắm trong khổ đau luân hồi và chưa thể đạt được giác ngộ. Song ngược lại, giáo pháp đức Phật cũng khẳng định với niềm tin xác đáng rằng tâm con người có khả năng chuyển biến những xúc tình và biểu hiện tiêu cực thành những đức tính và phẩm hạnh tích cực.

Năm bộ Phật hay Năm bộ giác ngộ chỉ cho năm khía cạnh của thực tại khi đã tịnh hóa các xúc tình tiêu cực trên. Trong mối tương quan chuyển hóa từ thân tâm của chúng sinh thành thân tâm Phật, Năm bộ Phật hay Năm bộ giác ngộ là những thực tại hoàn thiện đã tịnh hóa hoàn toàn của năm uẩn, năm đại, sáu căn (là sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), sáu thức và sáu trần. Do tất cả các chúng sinh hữu tình đều có các khả năng này, dưới dạng tiềm năng hoặc đã hoàn toàn hiển lộ, bất cứ cá nhân nào đạt thành Phật quả đều chứng ngộ được thể tính hoàn thiện ở chính nơi mình. Mỗi bộ Phật trong số năm bộ Phật bao gồm một Đức Phật trung tâm, đại diện cho một trong năm uẩn đã tịnh hóa và một Phật Mẫu tượng trưng cho một trong những “đại” đã được tịnh hóa. Bên cạnh đó, bốn trong số năm bộ Phật đều có các vị Bồ tát đứng ở xung quanh, tượng trưng cho sáu căn sáu thức đã được tịnh hóa.

Năm bộ Phật gồm:

1) Bộ Phật do Đức Phật Vairocana (Đại Nhật Như Lai/ Tỳ Lư Giá Na) đứng đầu, Ngài có thân sắc trắng và tượng trưng cho khía cạnh tịnh hóa sắc uẩn[1], thức uẩn[2] của chúng ta.

2) Bộ Kim Cương do Đức Phật Akshobhya (Bất Động Phật / A Súc Bệ Phật) đứng đầu. Đức Phật Bất Động có thân sắc xanh dương và tượng trưng cho khía cạnh tịnh hóa thức uẩn/ sắc uẩn của chúng ta.

3) Bộ Bảo Sinh do Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sinh Phật) đứng đầu, Ngài có thân sắc vàng và tượng trưng cho khía cạnh tịnh hóa thụ uẩn[3] của chúng ta.

4) Bộ Liên Hoa do Đức Phật Amitabha (A Di Đà Phật) đứng đầu. Đức Amitabha A Di Đà Phật có thân sắc đỏ và tượng trưng cho khía cạnh tịnh hóa tưởng uẩn[4] của chúng ta.

5) Bộ Nghiệp do Đức Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu Phât) đứng đầu. Đức Amoghasiddhi Bất Không Thành Tựu Phật có thân sắc xanh lục tượng trưng cho khía cạnh tịnh hóa hành uẩn[5] của chúng ta.

Mối quan hệ qua lại giữa các bộ Phật giác ngộ và các uẩn có thể thay đổi tùy theo các hệ thống Mật thừa khác nhau, đặc biệt trong trường hợp của Đức Phật Đại Nhật và Đức Phật Bất Động, các vị Phật này có thể được coi là khía cạnh đã tịnh hóa thức uẩn hoặc sắc uẩn.

Như vậy, Ngũ Bộ Phật tương ứng với trạng thái hoàn thiện hay năm loại trí tuệ khác nhau là Pháp Giới Thể Tính Trí, Đại Viên Cảnh Trí, Bình Đẳng Tính Trí, Diệu Quan Sát Trí và Thành Sở Tác Trí. Đây là các xúc tình phiền não đã được chuyển hóa trọn vẹn và được thể hiện bằng hình tượng năm đức Phật khác nhau với tướng hảo đoan nghiêm, hào quang huy hoàng, chói lọi. Các Ngài được tôn kính là Ngũ Trí Phật và thường được mô tả minh họa trong tư thế thiền định và an tọa trên tòa sen cát tường. Các Ngài cũng được gọi là “Jina” nghĩa là Đấng chiến thắng, biểu trưng cho chiến thắng vô minh. Kinh điển Kim Cương thừa dạy rằng tất cả Ngũ Trí Phật đều có cùng một nguồn gốc từ Đức Phật Bản Lai, nhưng điều cần phải được nhấn mạnh ở đây là mặc dù năm đức Phật này đều bắt nguồn từ một người cha tâm linh, song Ngũ Trí Phật có những sự khác nhau quan trọng mang tính biểu tượng về y phục, sắc màu, tư thế, cử chỉ. Ví dụ, mỗi đức Phật thể hiện thế ấn khác nhau, có liên quan đến năm phương khác nhau, tọa trên những linh thú khác nhau, đề cập đến những khoảnh khắc cụ thể trong cuộc đời của đức Phật lịch sử và có những màu sắc đặc trưng riêng biệt.

Trên phương diện lịch sử, kinh điển cũng ghi lại rằng sau khi thành đạo, Đức Phật Thích Ca từng quay về bốn phương nêu biểu cho sự viên mãn khắp bốn chiều không gian hay cũng là sự viên mãn toàn giác của Ngài. Điều này nói lên tự Đức Phật Thích Ca, một nhân vật có thật trong lịch sử vì sự giác ngộ của Ngài đã hóa hiện và chứng đạt năm thân Phật như vậy. Khi Đức Phật thành đạo, Ngài quay sang từng hướng một:

  • Khi quay sang Phương Đông, Ngài kết ấn Xúc địa, an tọa trên tòa Tượng Vương trong hình tướng Akshobya Bất Động Phật, nêu biểu cho sự chuyển hóa hoàn toàn của sân giận thành Đại Viên Cảnh Trí.
  • Khi quay sang Phương Nam, Ngài kết ấn Thí Nguyện, an tọa trên tòa Bảo châu trong hình tướng Đức Ratnasambhava Bảo Sinh Phật nêu biểu sự chuyển hóa rốt ráo của Kiêu mạn thành Bình Đẳng Tính Trí.
  • Khi quay sang Phương Tây, Ngài kết ấn Thiền định, tọa trên tòa Khổng Tước trong hình tướng Đức Amitabha A Di Đà Phật, nêu biểu sự chuyển hóa hoàn toàn của tham muốn thành Diệu Quan Sát Trí.
  • Và cuối cùng, khi quay sang Phương Bắc, Ngài kết ấn Vô Úy, an tọa trên tòa Mệnh lệnh điểu trong hình tướng Đức Amoghasiddhi Bất Không Thành Tựu Phật, nêu biểu cho sự tịnh hóa tối thượng của Ghen tị thành Thành Sở Tác Trí.

Chú thích:

(1) Sắc uẩn: là hình sắc thể chất hay chính là thân thô lậu, tức là thân máu, thịt, xương, da, ngũ quan và khí huyết.

(2) Thức uẩn: là trạng thái tâm nhận thức và phân biệt đối với cảnh.

(3) Thụ uẩn: là các cảm thọ vui, buồn và không vui không buồn.

(4) Tưởng uẩn: là sự tưởng tượng, tư duy về hình dáng sự vật sau tác dụng của căn đối với trần.

(5) Hành uẩn: dòng chảy tương tục sinh diệt vi tế trong tâm.

(Trích ấn phẩm: “Bardo - Bí mật nghệ thuật sinh tử”

Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012)

 

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,114,415
Số người trực tuyến: