Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 1) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 1)

270
07/10/2022 - 15:45

Có nhiều cách để diễn giải đạo Phật, như diễn giải dưới góc độ trí thức, góc độ thực tiễn và cả góc độ lý thuyết. Cũng có nhiều cách nghiên cứu đạo Phật. Song chúng ta thực sự cần tiếp cận đạo Phật theo cách thức thực tiễn. Đó là quan kiến của tôi!

Đạo Phật là Pháp, và Pháp cần được thực hành chính nơi bạn

Tất cả Phật tử đều ít nhiều có những hiểu biết về đạo Phật, nhưng hiểu biết của chúng ta lại thực sự rất mơ hồ, hời hợt, không tiếp cận được ý nghĩa căn bản và không chạm tới cốt lõi giáo pháp đạo Phật. Chúng ta thực sự không nhận thức được những ý nghĩa căn bản này.

Chẳng hạn như, nếu bạn muốn xây nhà, một tòa nhà bằng bê tông hay chất liệu gì đó bền vững, trước tiên bạn cần đảm bảo nền móng tòa nhà đó phải thực sự vững chãi. Nếu không, bạn sẽ không thể dựng lên nổi tòa nhà bê tông hay cái gì đó bền vững. Tương tự, để trở thành một hành giả đạo Phật chân chính, bạn cần thực sự có được những nền tảng vững chắc, hoặc chí ít cần có ý tưởng rõ ràng về những nền tảng này.

Khi nhắc tới đạo Phật, trong tâm trí chúng ta thường hiện lên hình ảnh một nhóm người khoác y màu đỏ, màu nâu sòng hay màu vàng đang yên lặng thiền định hoặc thực hành một vài nghi lễ tôn giáo nơi đền chùa, hoặc đôi khi là hình ảnh một bậc Thầy đang truyền trao quán đỉnh. Các hình ảnh này luôn hiện lên một cách tự nhiên trong tâm trí chúng ta và chỉ có vậy! Chúng ta cũng chẳng nhọc công đào sâu tư duy để tìm những định nghĩa sâu sắc hơn. Điều này thật không hay! Và đây là thiếu khuyết lớn của Phật tử sống trong thời đại này.

Theo nghĩa đen, đạo Phật chính là Pháp. Pháp chính là đạo Phật và những ai thực hành Pháp đều là Phật tử. Điều này rất rõ ràng và chẳng có lý do gì phải nghi ngờ. Như tôi đã từng nói, Pháp cần được thực hành nơi Tâm bạn. Không có gì để tìm kiếm ở bên ngoài, cũng như bạn không nên trông chờ bất kỳ điều gì từ thế giới bên ngoài. Vì thế mà nền tảng Phật pháp cần phải được trưởng dưỡng nơi chính bạn. Nền tảng Phật pháp không thể nằm ngoài chúng ta!

Đạo Phật có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là giáo lý, và khía cạnh thứ hai là trí tuệ và sự thực hành. Cả hai điều trên tạo nên những nền tảng quan trọng nhất của Phật pháp. 

Truyền thống của đạo Phật không có gì khác hơn là chân lý vũ trụ

Đạo Phật theo nghĩa đen là truyền thống của Đức Phật. Vậy cái gì là truyền thống của Đức Phật? Trước hết, bạn cần hiểu Phật là gì? Điều này vô cùng quan trọng vì nếu không biết Phật là gì, bạn sẽ không hiểu thế nào là truyền thống của Đức Phật. Truyền thống của Đức Phật không phải là truyền thống của người Himalaya, của Ấn Độ, của các nước Châu Âu hay của riêng một quốc gia nào trên thế giới này.

Đạo Phật là truyền thống của chân lý vũ trụ, vì chân lý vũ trụ được mô tả một cách toàn diện nhất qua truyền thống này. Đây không phải là điều gì bị bó hẹp trong khuôn khổ một quốc gia cụ thể nào đó. Chân lý vũ trụ hay chân lý cứu kính chính là Phật hay là sự Giác Ngộ. Theo cách khác, bạn có thể nói Giác Ngộ chính là Phật. Ở đây, danh từ “Phật” cũng chỉ là một cách diễn đạt khả năng giác ngộ và chân lý vũ trụ. Đây chỉ là một thuật ngữ, một cách dùng từ mà thôi.

Chẳng hạn như, chúng ta có nhiều từ để chỉ cái bàn, song các từ này về tuyệt đối cũng chỉ để nói lên một vật là cái bàn. Tương tự như vậy, “Phật” chỉ đơn giản là một danh pháp, và điều đó không thực sự có nghĩa Phật phải là một người cụ thể hoặc thuộc về một quốc gia cụ thể. Đó chỉ là một tên gọi được lựa chọn! Như vậy, “Phật” đơn giản là chân lý vũ trụ. Truyền thống của Phật tử hay của Đạo Phật chính là Chân lý vũ trụ.

Theo lôgíc này, khi nói đến Đạo Phật, thực hành Phật Pháp, giảng Pháp hay làm bất kỳ điều gì liên quan khác đến Đạo Phật, trước hết ta phải hiểu được chân lý vũ trụ. Nếu bạn đã có những tri kiến cơ bản về chân lý vũ trụ thì đó chính là nền tảng của Đạo Phật. Đây là kinh nghiệm mà tôi có thể chia sẻ. Có thể điều này chẳng được giảng dạy trong kinh điển nào, nhưng theo quan kiến của tôi, nếu bạn có chút tri kiến nền tảng về chân lý vũ trụ, thì đó chính là tri kiến nền tảng về Đạo Phật. Nếu bạn không có tri kiến hay hiểu biết nền tảng về chân lý vũ trụ thì bạn sẽ không bao giờ có thể thực hành Phật Pháp một cách đúng đắn. Có chính kiến bạn sẽ thấy được chân lý vũ trụ.

(Trích ấn phẩm: “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”

Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

 
Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,156,807
Số người trực tuyến: