Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên - Di sản Văn hóa Tâm Linh Đặc Sắc Quốc Gia và Khu Vực | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên - Di sản Văn hóa Tâm Linh Đặc Sắc Quốc Gia và Khu Vực

3412
18/04/2023 - 19:57

Bảo Tháp kết cấu theo truyền thống Kim Cương thừa thường phổ biến ở các nước theo đạo Phật khắp vùng Himalaya như Ấn Độ, Nepal, Bhutan….Sự hiện diện của Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên góp phần làm phong phú và tôn vinh giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây là đại công trình và cũng là kiệt tác kiến trúc Kim Cương Thừa đầu tiên được kiến lập tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

Thực ra, Mật thừa đã có ở Việt từ hàng ngàn năm nay. Cuốn Việt Nam Phật giáo Sử luận (tập I, t. 217) có viết: “Mật giáo thịnh hành tại Việt Nam từ thế kỷ thứ VII và VIII và có tầm quan trọng qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê cho đến cuối Lý”. Một số di chỉ như chùa Dâu, chùa Thầy còn để lại lối kiến trúc và dấu ấn tu tập Mật thừa. Sử sách còn lưu danh những bậc thành tựu Mật thừa trong thời kỳ này như các vị Kim Cương Thượng sư Minh Không, Từ Đạo Hạnh. Sự hiện diện của Bảo tháp Mandala Tây Thiên là sự tiếp nối truyền thống văn hoá Phật giáo Mật thừa đã có từ hàng ngàn năm.

Đại Bảo Tháp được đích thân Đức Gyalwang Drukpa lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, gia trì yểm tâm theo đúng giáo lý Đức Phật dạy trong Kinh điển về cách thức kiến lập Vũ trụ Đại Mandala. Trong khi đa số các Bảo tháp theo truyền thống Kim Cương thừa thường được xây đặc kín thì không gian trong lòng Đại Bảo Tháp Tây Thiên lại có chỗ chứa cho hàng nghìn người. Vì thế, có thể nói Bảo tháp Mandala Tây Thiên là một chùa tháp, có những đặc trưng như ngôi chùa Việt, trở thành nơi tu tập, cầu nguyện, hoạt động tín ngưỡng của mọi người dân thuộc mọi thành phần xã hội.

Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên - Di sản & Điểm đến Tâm Linh

Đến với Đại Bảo Tháp Tây Thiên, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận nền văn hóa Phật giáo huyền bí, ban sơ và vô cùng đặc sắc bắt nguồn từ vùng Himalaya. Được phát triển trên nền tảng Phật pháp, nền văn hóa này tạo ra những hình thức biểu đạt nghệ thuật đầy linh thiêng, mạnh mẽ để khai phát nguồn năng lượng an bình, sức mạnh tình thương yêu, lòng bi mẫn và trí tuệ nơi tự thân mỗi người. Di sản tâm linh Kim Cương thừa được các chư Ni trụ xứ Tây Thiên tiếp thu, phát triển, chia sẻ qua các hình thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau, chủ yếu thực hành trong khuôn khổ nghi lễ hay các các phương pháp thực hành tâm linh Mật thừa.

Đức Phật từng dạy:

                   Người nhìn thấy Pháp là thấy Phật,

                   Người nhìn thấy Phật là thấy Pháp giác ngộ,

                   Người nhìn thấy Pháp là thấy Mandala, thân khẩu ý giác ngộ của Phật.

Chính vì thế, kiến trúc Mandala Phật giáo thể hiện sự hợp nhất của vũ trụ bên ngoài với thân giác ngộ của Đức Phật, đồng thời cũng là cảnh giới Tịnh độ, nơi vân tập của hải hội chư Phật. Khi hiểu về sự kết hợp hoàn hảo giữa vũ trụ, Mandala, thân thể con người đồng nhất với thân Phật, chúng ta càng thấy rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của công trình kiến trúc quần thể chùa Mandala và Bảo tháp Tây Thiên. Đó không chỉ là công trình nghệ thuật đơn thuần mà còn là một di sản kiến trúc tâm linh vô giá, nơi hội tụ những năng lượng tích cực - từ bi và trí tuệ của mười phương chư Phật, tạo nguồn cảm hứng cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá nghệ thuật kiến trúc Phật giáo và cho cả những ai muốn tịnh hóa nghiệp xấu, tích lũy công đức trí tuệ, thực hành tâm linh trên con đường giác ngộ vì lợi ích chúng sinh.

Quần thể kiến trúc chùa và Bảo tháp Mandala Tây Thiên là nhóm quần thể đặc biệt, trong đó tháp, đài, gác chuông, cây quy y Truyền thừa Thượng sư, tượng Ngũ Trí Phật, tranh bích họa,… mỗi thứ đều mang những hàm nghĩa biểu trưng cho Mandala Vũ trụ, tự tính Phật, phẩm chất giác ngộ và cảnh giới Tịnh độ. Một cách tổng quan, kiến trúc quần thể chùa và Bảo tháp Mandala Tây Thiên là sự hợp nhất không tách biệt của bốn loại Mandala: Mandala Vũ trụ, Mandala Thân vi tế, đàn tràng Mandala và chùa Mandala.

Đại Bảo Tháp Tây Thiên cũng là cội nguồn Quy y, phát Bồ đề tâm, nguồn cảm hứng tu tập cho nhiều thế hệ hành giả Phật pháp hôm nay và mai sau, đồng thời là nơi lưu giữ Pháp bảo linh thiêng vô giá thông qua biểu tượng giác ngộ giúp cho du khách thập phương dù chỉ một lần chiêm bái, đỉnh lễ cũng có thể “kiến tức giải thoát”.

Kiến trúc Nghệ thuật Mật thừa là sự thể hiện mang tính biểu tượng về tình yêu thương và lòng từ bi của Đạo Phật. Các biểu tượng của Bảo tháp có thể giúp khơi dậy tình yêu thương, lòng vị tha, sự hoà hợp. Chỉ cần sự hiện diện của các biểu tượng giác ngộ là có thể đem lại sự chữa lành thân tâm, chữa lành những đau khổ của tinh thần và cảm xúc, đồng thời mang lại hoà bình, an lạc cho toàn thể nhân loại.

(Nhóm DPVN biên soạn)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,447
Số người trực tuyến: