Cuộc đời và tâm nguyện của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Cuộc đời và tâm nguyện của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

4594
15/09/2016 - 08:00
 

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị
(Phần chữ nghiêng là Kim khẩu của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Cuộc sống thật hài hước, dường như có điểm bắt đầu và kết thúc. Như Đức Phật và các bậc Thượng sư giác ngộ đã dạy: Cuộc sống vô thủy vô chung, nó là một chuỗi sinh tử không cùng tận. Sinh rồi tử, tử rồi lại sinh, cứ thế mãi mãi không ngừng. Chúng ta là con cái của cha mẹ ta trong kiếp này nhưng có thể là kẻ thù của họ trong những kiếp trước. Kẻ thù, bằng hữu, những người thân, cha mẹ, tất cả những mối quan hệ thế gian đều mang những hình tướng khác nhau khi chúng ta tái sinh từ đời này sang đời khác. Rồi tất cả các mối quan hệ này được làm mới lại sau mỗi lần tái sinh và chín muồi theo nhân duyên nghiệp báo. Tuy nhiên, trong chuỗi dài sinh tử đó vẫn có những điều thường hằng bất biến như: Chúng ta được mẹ sinh ra, được cha mẹ yêu thương, chăm sóc và được thế giới xung quanh bao bọc, nuôi dưỡng. Những người may mắn hơn còn được các bậc Thầy giác ngộ gia trì, khai thị dẫn dắt vượt thoát vòng sinh tử luân hồi này.
Tiểu sử của các bậc Thượng sư thành tựu như vậy sẽ là tấm gương sáng chói cho những ai dành trọn cuộc đời cho sự phát triển và rèn luyện tâm linh. Chúng tôi đã có cơ duyên được hạnh ngộ một trong những bậc Thượng sư vĩ đại như vậy trong thời đại này, đó là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, người đang tiếp tục thực hiện công hạnh đã phát nguyện trong nhiều kiếp, trong hàng thế kỷ giáo hóa, dẫn dắt chúng sinh đạt đến chân hạnh phúc.


(Tôn tượng Đức Liên Hoa Sinh bên hồ Tso Pema)

Vào ngày cát tường trùng với ngày Đức Liên Hoa Sinh đã đản sinh ở thế kỷ thứ VIII, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đản sinh bên hồ thiêng cũng là nơi Đức Liên Hoa Sinh đã đản sinh ở miền Bắc Ấn Độ. Đó là hồ thiêng Tso Pema (Hồ Liên Hoa). Khi Ngài Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII vừa nhìn thấy cậu bé và cha cậu lúc họ dừng chân nghỉ tại Dalhousie, đã có linh kiến rằng cậu chính là chân hóa thân của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa (Ngài đã thị tịch được 6 năm) mà mọi người đang tìm kiếm.


(Hồ thiêng Tso Pema, hồ Liên Hoa)

Không lâu sau, cậu được chính thức xác nhận là chân hóa thân của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XI và được đón về tự viện tại Darjeeling dưới sự giáo dưỡng của Đức Thukshey Rinpoche đời thứ I, Pháp tử của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thứ X.
 

“Quả thực tôi không nhớ rõ những việc này đã thực sự diễn ra như thế nào. Có lẽ cũng như nhiều người khác, chúng ta khó mà ghi nhớ một cách chính xác lúc mới chào đời của mình. Tôi chỉ có thể nhớ mơ hồ lại một số việc đã thực sự xảy ra, chẳng hạn như tôi được đặt ngồi trên một chiếc khăn bông, hay hình như trên một chiếc khăn gì đó, khi ấy, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi chào đời sớm hơn khoảng 20 ngày so với kỳ hạn. Tôi không biết tại sao, có lẽ nhờ những nghiệp lành đã tạo nên lúc tôi chào đời rất nhiều bằng hữu, thiện tri thức đều có mặt ở đó.

Gần đây, bạn bè đùa vui rằng: Có lẽ tại do tôi vội vàng muốn chào đời đúng vào ngày vía linh thiêng Đức Liên Hoa Sinh mùng 10 tháng giêng theo lịch Tây Tạng. Lúc đó, mọi người đang tổ chức một lễ hội rất lớn. Cha tôi đóng vai một trong tám hóa thân của Đức Liên Hoa Sinh. Về sau, tôi mới biết cha tôi làm như vậy theo lời mời của cố Pháp Vương Dudjom Rinpoche đời trước. Nên tôi nghĩ cha tôi thật hạnh phúc khi được nhận vai đó.

Còn mẹ tôi, vào thời điểm đó, bà cũng muốn tham dự lễ hội để đỉnh lễ các bậc Tôn sư và Tăng đoàn… Thế nhưng, bỗng nhiên tôi lại ra đời vào đúng đêm đó, nên bà không thể đi được. Tuy nhiên, bà sinh hạ ra tôi mà không thấy đau đớn gì. Trước đó, khi mang thai tôi, bà cũng không hề cảm thấy khó ở hay đau ốm chút nào, bà rất khỏe mạnh. Tôi cho rằng được như vậy là rất may mắn. Gần đây, tôi được chứng kiến nhiều người mẹ khi sinh con đã phải chịu đau đớn nhường nào. Nên tôi càng cảm thấy hạnh phúc là mẹ tôi được như vậy.
 

Tôi luôn biết ơn mẹ mình, đặc biệt vì ân đức sinh thành. Các bạn biết đấy, nếu không có mẹ, tôi chẳng thể có mặt trên đời này được. Mà như vậy thì tất cả những gì tôi đang làm vì lợi ích của mọi người, của chính mình, của dòng truyền thừa, gia đình, mọi thứ….đã không thành hiện thực. Được sinh làm người đã rất quý lại ở một nơi rất linh thiêng, vào ngày cát tường mùng 10 tháng giêng tốt lành quả là một cơ duyên hiếm có, từ tận đáy lòng mình tôi luôn vô cùng biết ơn ân đức sinh thành của mẹ.

Tôi nghĩ rằng nhiều người chúng ta nên biết tận dụng duyên lành có được thân người quý báu này và được lân mẫn các bậc Đại Đạo Sư như Pháp Vương Dudjom Rinpoche. Tôi không chỉ may mắn được sinh đúng vào ngày cát tường mùng 10 tháng giêng mà còn hơn thế nữa vì Đức Pháp Vương Dudjom Rinpoche ở đó gia trì cho tôi. Thực sự tôi rất hạnh phúc vì điều này.”


(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thuở nhỏ)

Trong thực tế, đã xuất hiện vô số điềm lành vi diệu ngay từ khi Đức Pháp Vương còn trong bụng mẹ, vào thời điểm Đức Pháp Vương chào đời. Lúc còn trong bụng mẹ, nhiều người kể lại đã nghe thấy tiếng Đức Pháp Vương trì tâm chú A Di Đà. Trong lúc Đức Pháp Vương đản sinh, sấm sét, mưa bão nổi lên, tuyết rơi, rồi cầu vồng tuyệt đẹp cùng vô số điềm cát tường tối thắng khác xuất hiện như để đón chào một bậc Tôn giả vĩ đại giáng lâm.

Sau đó, tại Varanasi, một trong những bậc Thầy của Ngài là cố Pawo Rinpoche đời trước đã tổ chức nghi lễ cúng hộ ma cho cậu bé. Và dĩ nhiên, cát tường nhất là sự hiện diện của cố Pháp Vương Dudjom Rinpoche. Ngài ban pháp danh cho cậu bé là "Jigme Pema Wangchen" có nghĩa là "Vô Úy Liên Hoa Quyền Lực Tự Tại". Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa coi đây là Pháp danh quý báu nhất trong vô số Pháp danh Ngài được các bậc Thầy giác ngộ ban cho.

Khi Đức Pháp Vương khoảng 3 tuổi, Ngài được Vị Thượng sư đời trước Thukshey Rinpoche đời thứ I đón về ngôi tự viện khi xưa của mình. Đức Thukshey Rinpoche nâng giấc, giáo dưỡng Đức Pháp Vương về cả phương diện Đạo Pháp lẫn phương diện vật chất thế gian.


(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Thukshey Rinpoche đời trước)

"Tôi vô cùng cảm niệm công đức của Ngài Thukshey Rinpoche khi Ngài tìm đến tôi. Tôi cảm thấy rất vui được đi cùng Ngài. Sau này, song thân tôi kể lại rằng khoảng ba bốn hay năm ngày trước khi Thukshey Rinpoche đến tìm tôi để ấn chứng tôi là hóa thân Đức Pháp Vương, tôi đã trao khăn cho bố mẹ, và khăng khăng bảo mình sắp trở về chốn cũ và sẽ không quay trở lại sau một thời gian dài nữa. Ngày nào tôi cũng nói lời tạm biệt cha mẹ như thế. Rồi sau đó, tôi được Thukshey Rinpoche đón về Darjeeling. Với tôi, Thukshey Rinpoche rất từ bi, Ngài thực sự trở thành người cha người mẹ thứ hai của tôi. Ngài rất đỗi nhân từ và nương lòng từ bi của Ngài, tôi được truyền thụ giáo pháp Đại Thủ Ấn, Sáu Pháp Du Già của Naropa, cùng vô số những giáo pháp khác nữa…

Tôi thật vô cùng may mắn khi có được một người Thầy vĩ đại như vậy ngay từ khi còn nhỏ. Như các bạn đã biết, Ngài chính là con trai của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X. Tôi được ấn chứng là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII. Như vậy xét ở phương diện logic, tôi là cha của Ngài. Tôi cho rằng Ngài hẳn cũng nghĩ như vậy. Đó là một trong những lý do Ngài rất gần gũi và lân mẫn với tôi. Tôi vẫn còn nhớ Ngài đã kể lại một chút về cha mình và khi kết thúc câu chuyện, Ngài bảo dù sao thì đó cũng chính là tôi. Tôi không nói gì, chỉ mỉm cười đáp lại. Đương nhiên, tôi không biết phải nói gì nữa. Cho nên tôi nghĩ rằng dù sao Ngài vẫn cảm nhận theo cách đó. Và tôi cũng vậy, đó không chính xác là cảm giác của một người cha mà là một cảm giác rất đỗi gần gũi, không những chỉ sau bao nhiêu năm tháng mà ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Ngài, tôi đã cảm thấy vô cùng thân thiết, hạnh phúc và sung sướng. Theo Logic thông thường thì điều này thực sự không thể tin được, rằng một đứa trẻ như thế mà lại theo và yêu thương một lão nhân xa lạ. Thực sự tôi đã được chính Thukshey Rinpoche nuôi dưỡng, dạy dỗ và chỉ bảo.

Tôi được nhiều bậc Thầy Giáo Thọ dạy học kinh điển, các môn triết học, học viết, học thuộc lòng kinh văn… chúng tôi phải học thuộc lòng rất nhiều kinh văn. Tôi không biết là có cần thiết hay không nhưng đây thực sự là một công việc cực kỳ vất vả và chúng tôi phải học trong rất nhiều năm ròng. Vì vậy, tôi có rất nhiều Thầy giáo thọ thuộc nhiều dòng phái khác nhau dạy tôi học và nghiên cứu nhiều môn khác nhau. Nhưng bên cạnh những vị Giáo Thọ khác, Thukshey Rinpoche vẫn luôn ở bên chăm sóc tôi, mua cho tôi rất nhiều đồ chơi, bánh trái và thức ăn… Ngài nhân từ không thể kể xiết. Dĩ nhiên, chính Ngài cũng không có nhiều cơ hội để thực hiện hết những ý nguyện của mình. Chẳng hạn, Ngài muốn dẫn tôi thăm viếng nhiều nơi nhưng có nhiều vị Tăng có quyền lực hơn không muốn cho tôi đi vì lý do này, lý do khác, một số vị bảo Ngài: "Không, Ngài không thể đi được" và Rinpoche không biết nói gì hơn chỉ đành im lặng. Tôi biết Ngài không vui vì không đưa được tôi viếng thăm thánh tích nhưng Ngài không thể làm gì được. Ngài thật quá đỗi nhân từ. Nhưng tôi nghĩ chính lại vì vậy mà đôi khi Ngài chẳng có quyền gì cả. Thỉnh thoảng tôi rất buồn vì điều đó, thậm chí còn hơi chút tức giận nữa. Tôi nhớ là mình đã tức giận với một số giáo thọ này. Nhưng dù sao thì tôi cũng chẳng có quyền gì, vẫn chỉ là một đứa trẻ mà thôi.

Ngạn ngữ có câu: Tất cả những kinh nghiệm của chúng ta nên được coi là những dẫn dụ, cần phải biết biến kinh nghiệm của mình thành trí tuệ, sự hiểu biết và cảm thông… Với tất cả những kinh nghiệm mà bạn đã trải qua, đặc biệt là những khó khăn, vất vả sẽ giúp bạn đối xử tốt hơn với mọi người bởi vì chính bạn đã từng phải trải qua khó khăn như vậy rồi. Chớ nên nói rằng: Tôi bị đối xử rất tồi tệ nên tôi cũng sẽ đối xử tệ với những người khác. Xét từ góc độ tu tâm, đặc biệt là của Bồ Tát, và Bồ Đề Tâm thì hoàn toàn không phải như vậy. Tất cả kinh nghiệm của bạn cần phải được chuyển hóa thành Trí Tuệ, trí tuệ sẽ giúp bạn trở nên từ bi hơn". Đây là điều chúng tôi hằng tin tưởng và luôn răn nhắc mọi người”.

Đức Pháp Vương thường nói: Từ khi còn nhỏ, Ngài từng phải học và tu tập vất vả trong nhiều năm nên Ngài quyết định không để cho các hóa thân trẻ tuổi như Thukshey Rinpoche đời thứ II và Gyalwa Dokhampa Rinpoche phải chịu khó nhọc như vậy nữa. Thay vào đó, Đức Pháp Vương đóng vai một người Thầy "dễ tính".

“Mặc dù đã phải trải qua thời kỳ học tập và tu tập vất vả nhưng tôi nghĩ mình phải vất vả, khó nhọc như vậy là do đã không đủ cần cù và không có những phẩm chất khác. Nên dĩ nhiên, tôi phải chịu sự giáo dục nghiêm khắc của truyền thống. Không chỉ riêng mình tôi mà nhiều bậc Thượng sư vĩ đại trong quá khứ và hiện thời đều phải như vậy. Các vị Giáo Thọ dạy dỗ các Ngài rất nghiêm khắc ở Tây Tạng cũng như ở bất kỳ nơi đâu khác. Tôi phải nói rằng nền giáo dục truyền thống rất nghiêm khắc. Nhưng tôi rất biết ơn truyền thống đó vì thành quả gặt hái được là rất to lớn.

Nền giáo dục này rất quan trọng và thực sự có ích. Nhưng đây không phải là điều cốt yếu mà tôi muốn nói đến. Điều mà tôi muốn nói đến là cách thức chúng ta nhìn nhận cuộc sống. Ví dụ, giờ đây tôi thường cảm thấy trong lòng luôn tràn ngập niềm hạnh phúc điều này là tự nhiên, tự tại mà rất khó bằng nhận thức thông thường để giải thích với bạn tại sao? Tôi nhận thấy có một số bằng hữu, đồng tu, những người có một tuổi thơ rất vui vẻ và nhàn nhã, nhưng giờ đây họ đang phải đối mặt với vô số những khó khăn, với sự cô đơn, sự luôn không thỏa mãn với cuộc sống, với mọi thứ, với bạn bè… Vậy mà họ thực sự hoàn toàn không biết và thấu hiểu hết được chúng cũng như nguyên nhân tại sao?

Nhìn lại mình, tôi cảm thấy mình thật may mắn. Và tự trong sâu thẳm lòng mình, tôi rất biết ơn những ngày tháng nhọc nhằn, học tập với những Thầy Giáo Thọ dưới nền giáo dục truyền thống. Vì thành quả của nền giáo dục đó rất tích cực, chẳng có điều gì phải phàn nàn cả. Mà nếu có thì có lẽ là chính tôi đã được hưởng một thời gian quá tuyệt vời."
Nhiều khi, vào những giây phút khó khăn trong cuộc sống, Đức Pháp Vương thường cảm thấy muốn rời bỏ cõi thế gian và không bao giờ quay trở lại nữa.

“Thực lòng mà nói, đôi lúc tôi hoàn toàn muốn tới những cõi khác để làm một vài việc từ thiện có ích và có ý nghĩa hơn là cứ quanh quẩn ở đây mà chẳng có nhiều việc để làm, và cũng không thực hiện được nhiều hoạt động lợi ích. Tôi nhận thấy là nhiều bậc Thầy chân chính khác cũng như chính tôi, cảm thấy không còn có nhiều việc để làm trong cõi này nữa vì chúng sinh bây giờ quan tâm rất hời hợt và nông cạn tới giáo Pháp. Người dân Đông Nam Á, hầu hết người Tây Tạng và một số người phương Tây quan tâm đến Phật Pháp không phải để tu tâm hàng ngày. Thực sự có rất ít người phương Tây, phương Đông, vùng Hymalaya quan tâm đến giác ngộ. Thực sự có rất ít người quan tâm tới giải thoát giác ngộ.

Xét về phương diện Bồ Đề Tâm, dù chỉ còn một người, ta cũng phải phát nguyện tái sinh hàng triệu lần để dẫn dắt họ tới Đại Giải Thoát. Động lực đó vô cùng cao đẹp. Nhưng tôi chiêm nghiệm rằng đôi lúc mình còn thiếu tâm Bồ Đề ấy. Tuy vậy, có lúc tôi tự nhủ nếu mình thực sự là một người có thể tự tại sinh tử, tôi chắc chắn sẽ quay trở lại thế giới này trong một hình tướng khác. Dĩ nhiên, đôi khi tôi có thể nản lòng, thất vọng, hoàn toàn không muốn trở lại nơi đây nữa, hoặc đôi khi có thể nói tôi muốn rời .
khỏi thế gian này sớm hơn.

 


(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và hai Pháp tử,
Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa và  Đức Nhiếp Chính VươngDrukpa Thuksey Rinpoche)

Mặc dù vậy, các bạn chớ nên lo lắng về điều đó. Tôi vẫn muốn tiếp tục sống và muốn quay trở lại gặp các bằng hữu, chúng đệ tử, mọi người và những người mình yêu thương. Tôi nghĩ rằng nếu tỉnh giác thì chúng ta nên ở lại hơn là ra đi vì nếu ra đi, thì trước hết ta sẽ phải trải qua các trạng thái trung ấm, rồi phải tìm cho mình được đúng người mẹ thích hợp, sau đấy không biết là trong suốt một khoảng thời gian dài bao lâu trụ trong tử cung của người mẹ, đây là một việc rất khó khăn mà ta phải vượt qua. Dĩ nhiên, sau đó, ta còn phải học và tu tập rất vất vả và vượt qua những khó khăn mà tôi đã phải nói tới ở trên. Vì vậy, nếu đủ thông minh, tỉnh giác chắc chắn bạn sẽ muốn sống càng lâu càng tốt chứ không muốn ra đi sớm".

Vậy điều gì khiến một bậc Thượng sư như Đức Pháp Vương lưu lại chốn thế gian để dẫn dắt chúng sinh tới bến bờ giải thoát?

"Mọi người nên chung sống trong hòa bình, nên nỗ lực cùng chung sống hòa bình, thân thiện và thấu hiểu lẫn nhau. Điều này vô cùng quan trọng, không phải chỉ khiến các bậc Thượng sư trường thọ mà mang lại lợi ích cho bản thân mỗi chúng ta. Sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu mọi người sống trong lục hòa, thân thiện, vui vẻ, tương thân tương ái. Điều này có lợi cho bản thân không chỉ về phương diện thế gian mà cả phương diện xuất thế.

Nếu thực sự muốn giác ngộ thì làm sao có thể thiếu sự bình an trong tâm? Nếu tâm thức còn chứa đầy sân hận, đố kỵ, chỉ trích… thì làm sao có chỗ cho sự bình an? Nếu tâm không an, tôi chắc chắn rằng không ai có thể tu trì được bất kỳ chân ngôn nào, bất kỳ loại thiền định nào, bất kỳ giáo pháp nào, bởi lẽ tâm họ đã bị ngã chấp và các hiện tướng của ngã chấp làm nổ tung rồi. Điều này thật đáng sợ! Tôi cho rằng để được trường thọ tất cả mọi người cần phải chung sống hòa hợp. Ví dụ như, nếu có đôi vợ chồng hoặc thành viên trong một gia đình không ngừng sân hận với nhau và sống một cách vị kỷ, thì đương nhiên nhiều thành viên trong gia đình này sẽ mắc bệnh như đau tim, cao huyết áp… Họ sẽ phải chịu nhiều khổ đau vô cùng. Điều này rất đúng logic.

Đây chẳng phải là bài thuyết pháp hay giáo pháp gì đặc biệt cả. Nhất là khi nói về sự trường thọ của bậc Thầy của bạn thì đương nhiên đó là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến "Tam Muội Da" giới, mà Tam Muội Da thì có thể dẫn dắt bạn đến hoặc Giác Ngộ hoặc Địa ngục Kim cương. Chỉ duy nhất có hai lựa chọn này và bạn phải biết rằng mình nên lựa chọn sự Giác Ngộ. Chúng ta gọi đó là " Thượng Đạo", đối lập với "Đọa lạc" chỉ địa ngục Kim cương. Dù được gọi bằng tên gọi gì, thì đây cũng là một điểm rất quan trọng."

 

Trong khi trụ thế vì đại nghiệp giáo hóa chúng sinh có thiện duyên, là một bậc đạo sư truyền Pháp trên cõi thế gian này, Đức Pháp Vương gánh vác nhiều trọng trách phải hoàn thành. Sau đây, Đức Pháp Vương sẽ kể về những tâm nguyện lớn nhất của mình.

"Nếu nói về tâm nguyện lớn nhất của tôi thì đó chính là mong muốn Phật tử và tất cả mọi người thấu hiểu được thông điệp của Đức Phật. Họ cần hiểu cách sống trí tuệ, giác ngộ chứ không phải sống trong vô minh. Họ cần hiểu biết, cảm thông với nhau mặc dù có thể đôi lúc vẫn còn vương chút sân hận, tham ái, đố kỵ… Ví dụ như, một người bạn có thể nổi sân hôm nay nhưng ta nên hiểu rằng bạn mình cũng chỉ là một con người bình thường, còn những cảm xúc này lại là tập khí của anh ta. Nên hoàn toàn dễ hiểu tại sao người bạn đó lại nổi sân hận. Quan trọng là hiểu được người bạn đó đã hoàn toàn bị bản ngã kiểm soát, chi phối nên khó có cách nào tránh được hệ quả không nổi sân, không đố kỵ. Bằng sự thấu hiểu này, bạn sẽ mở rộng lòng từ bi, sẽ cảm thông và đối xử tốt hơn với người bạn mình, hoặc ít nhất bạn cũng sẽ giữ được tâm mình an bình.

Đây là sự chung sống hòa hợp, hòa bình, hiểu biết cảm thông, hạnh phúc mà tôi muốn đề cập đến, bất chấp những phiền não do tập khí, bản năng vốn có ở mỗi người biểu thị bằng hàng loạt khổ não. Vì thế tôi mong rằng mọi người sẽ tinh tiến, nỗ lực để viên mãn một trong những tâm nguyện lớn nhất này.

Tâm nguyện lớn thứ hai, mặc dù chỉ liên quan đến khía cạnh vật chất thế gian. Tuy nhiên, đây là nhân tố rất quan trọng mang lại lợi ích to lớn cho người dân và cho các hành giả để đạt đến Giác Ngộ. Đó là sự nghiệp trùng tu trụ xứ Thiên Long (Namdruk). Trước hết, tôi mong nguyện tự viện Namdruk trở thành một trung tâm giáo dục với vai trò và tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Tại đây, cơ hội học tập không những chỉ dành cho Tăng Ni mà cả các thiện nam, tín nữ, không chỉ tu học Phật Pháp, văn hóa Tây Tạng mà cả những môn học cần thiết khác mà xã hội ngày nay cần phải học tập và nghiên cứu. Đây là điều tôi thực sự mong muốn được cống hiến cho mọi người, và là tâm nguyện thứ hai mà tôi nguyện được viên mãn".
 

(Tự viện Namdruk)

Tự viện Namdruk được Đức Tsangpa Gyare, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I xây dựng vào năm 1206. Theo lời chỉ giáo của Bản sư Lingchen Repa, Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare đến thánh địa kiến lập tự viện ở đó. Ngài nhìn thấy chín rồng thiêng bay thẳng lên trời, tiếng sấm rền vang, mưa hoa rơi xuống. Thấy đây là điềm cát tường, Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare quyết định đặt tên Truyền thừa mệnh danh là Drukpa, nghĩa là Thiên Long truyền thừa. Ngôi đại tự viện này được xây dựng đặt tên là Namdruk, có nghĩa là Thiên Long.

Namdruk hiện nay đang rất cần được trùng tu để chư hành giả chân chính có thể cư trú và tu tập. Nếu không có chín rồng thiêng phi thiên, nếu không có những Thiên Long này, thì tự viện Thiên Long chắc chắn đã không được kiến lập, và không tồn tại Truyền thừa Drukpa quang vinh làm lợi ích vô lượng chúng hữu tình.

Trong thời Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare tại thế, Ngài hoằng truyền giáo pháp chân lý vô thượng, nên các đệ tử của Đức Pháp Vương đông vô số và giáo pháp của Ngài có sức ảnh hưởng sâu rộng khiến giáo pháp của Truyền thừa Drukpa trải rộng muôn phương. Ngạn ngữ trong dân gian Tây Tạng có câu:

Một nửa người dân là đệ tử Truyền thừa Drukpa.

Một nửa đệ tử Truyền thừa Drukpa là hành giả Yogi,
Một nửa hành giả Yogi Đại Thành tựu giả.

Chúng ta thật có phúc duyên hy hữu nhiều đời được hạnh ngộ hóa thân thứ XII của Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare. Trong các đời quá khứ, chúng ta hẳn có thể đã sống hoặc thụ nhận giáo lý tại đại tự viện Namdruk trong thời Đức Pháp Vương Tsangpa Gyare trụ thế hay các đời hóa thân về sau của Đức Pháp Vương. Để hoàn thành tâm nguyện của đấng Tôn sư cũng như để tích lũy công đức cho chính mình và người khác, nhân dịp mừng đại lễ sinh nhật cát tường này của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thứ XII, nguyện chúng con sống trong lục hòa, nguyện trung tâm Thiền định và giáo dục Namdruk được trùng tu, tôn tạo xứng với tầm vóc lịch sử huy hoàng của mình vì lợi ích của Truyền thừa Drukpa và các đệ tử!

Nguồn: Phim “My life, My wishes” 2005, International Drukpa Publications.

Bộ phim "Cuộc đời và Tâm nguyện" Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,520
Số người trực tuyến: