Niềm Hỷ Lạc Của Sự Tinh Tấn | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Niềm Hỷ Lạc Của Sự Tinh Tấn

793
28/12/2015 - 08:21

Rất nhiều Phật tử vùng Hymalaya hành hương bắt đầu từ nhà mình đến các các vùng thánh địa như núi Kailash, Lhasa và đỉnh lễ nằm suốt dọc đường đi. Tuy nhiên, theo truyền thống triều bái thánh địa, việc một bậc Pháp Vương đứng đầu một truyền thừa đích thân dẫn đầu cuộc hành hương triều bái thánh địa cho các đệ tử là điều thực sự hy hữu. Sự kiện Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa dẫn các Rinpoche tôn quý cùng hàng trăm Phật tử thực hiện chuyến hành hương triều bái thánh địa từ Kathmandu đến các thánh tích Phật giáo là điều chưa từng có trong truyền thống.

Núi Druk Amitabha, Kathmandu, Nepal

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chia sẻ: “Đã rất lâu, từ mười năm nay rồi, tôi mong nguyện thực hiện được chuyến triều bái thánh tích Phật giáo này. Năm nay, tôi bắt đầu cảm thấy đau lưng mỏi gối, tôi cho rằng đó là một dấu hiệu thông thường của tuổi già. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp và thật quan trọng để thực hiện chuyến hành hương. Đồng thời, tôi cũng nhận được rất nhiều sự nhiệt thành hưởng ứng từ phía chư Tăng, Ni, đệ tử cũng như một số Phật tử tại gia, tỏ lòng mong nguyện được tham gia chuyến hành hương này. Đặc biệt là Ni chúng rất nhiệt tâm hăng hái, mặc dù vóc dáng bề ngoài yếu đuối, nhỏ bé về tuổi tác, kinh nghiệm tu tập cũng không nhiều nhưng Ni chúng vô cùng nhiệt thành quyết tâm và hết sức mong đợi thực hiện cuộc hành hương này . Do đó tôi quyết định thực hiện chuyến hành hường triều bái vào năm 2006 này".
 


(Chuyến bộ hành năm 2009)

Các Rinpoche và Tulku cao cấp cũng cùng tham gia chuyến hành hương diễn ra vào tháng 2 năm 2006. Đó là Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thukshey Rinpoche, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwang Dokhampa, Trizam Rinpoche, Khamdrak Rinpoche, Ga Lhakang Rinpoche, Langna Rinpoche và Tulku Sangye Dorje đến từ chùa Druk Thubten Sangag Choeling ở Darjeeling, Troisieme Rigden Rinpoche đời thứ III hiện đang trụ trì chùa Namdruk và Urgyen Rinpoche đến từ chùa Zhichen ở tỉnh Kham, trên dãy Himalaya. Bên cạnh đó là một số chư Tăng, trong đó có vị thị giả bảy mươi ba tuổi của Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bảy mươi ba Ni chúng tự viện Druk Amitabha, hai Phật tử người Ladakh: Tiri Rinchen, Dechen Angmo Thiksey, và chín Phật tử ngoại quốc. Tổng cộng đoàn gồm một trăm linh tám người cùng mười một người phụ giúp khuân vác các dụng cụ nhà bếp và thực phẩm. Người cao tuổi nhất là tỳ kheo Guen Ngawang Dechen, và người trẻ tuổi nhất là một sư ni mười ba tuổi. Chúng tôi được phân làm mười một nhóm, mỗi nhóm mang một dây băng có màu sắc khác nhau và kèm thêm một người khuân đồ. Mỗi người đều phải tự mang các đồ dùng cá nhân của mình, nặng khoảng chínkg, song cũng có người mang trên lưng tới hơn mười lăm kg.

Vì trong thời gian tiếp theo, Đức Pháp Vương còn phải dẫn khoảng một trăn sáu mươi chúng đệ tử đến từ các quốc gia khác nhau tới núi Kê Túc ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nên chuyến hành hương này mới hoàn thành được một nửa chặng. Chuyến hành hương bắt đầu xuất phát từ Kathmandu, đi qua Vaishali (thành Xá Vệ), Nalanda, Rajgir (Thành Vương Xá), Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) và cuối cùng tới Varanasi (Thành Ba La Nại).

“Điều đáng tiếc duy nhất là tôi đã không có đủ thời gian để hoàn thành trọn vẹn chuyến hành hương. Cần ít nhất hai tháng để hoàn tất chặng đường nhưng tôi lại chỉ có một tháng. Kế hoạch của tôi là sẽ hoàn thành nốt vào năm sau. Vì thế, đây thực ra mới chỉ là một nửa chuyến hành hương. Năm sau sẽ hoàn thành nốt chặng về, bắt đầu khởi hành từ Varanasi (Thành Ba La Nại) tới Nepal, kết thúc ở Lumbini(Vườn Lâm Tỳ Ni) hoặc nếu có thể là Kathmandu.”

Vaishali (Thành Xá Vệ)

Chuyến hành hương giống như một cuộc hành trình đi từ tự ngã trở về với vô ngã. Chúng tôi có duyên lành nhận diện thực tướng của cuộc sống và vẻ đẹp tuyệt mỹ của nó. Không cần thiết phải lên kế hoạch cho chuyến đi, chỉ đơn giản là chấp nhận mọi điều có thể xảy ra trên đường hành trình.

Trên đường đi Patna

Ban đầu, chúng tôi phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Dần dần chúng tôi học cách chấp nhận và tận hưởng những tình huống bất ngờ xảy ra nằm ngoài dự định. Thay vì tự gây áp lực và vội vã sống thiếu chính niệm, thiếu tỉnh giác, chúng tôi đã có thể học cách nhìn ra thế giới xung quanh xem mọi người sống và liên hệ với nhau như thế nào; học cách nhìn ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn như thế nào. Chúng tôi đã buộc phải quan tâm đến thế giới xung quanh và thực sự rất ngạc nhiên khi thấy tại sao mọi người lại có thể sống một cách giản dị và hạnh phúc đến thế, mặc dù họ ở trong những hoàn cảnh mà bề ngoài nhìn vào có vẻ thật khó khăn. Sự thực chính bản thân những nước phát triển mới là những nước nghèo nàn, và bỗng nhiên chúng tôi nhận ra mình còn thiếu niềm hạnh phúc tâm linh làm sao. Cuối cùng, chỉ còn lại tự ngã và ý thức tự ngã, nhìn nhau không qua lăng kính thêu dệt. Chuyến hành hương trở thành trò chơi của tâm thức với thiên nhiên.

Nhiếp chính vương Khamtrul Rinpoche

“Tôi nhận thấy là một Rinpoche có rất nhiều mối nhân duyên với chúng sinh. Nhờ những mối nhân duyên đó, tất cả những công đức mà chúng tôi tích lũy được sẽ làm lợi lạc cho những hữu tình có duyên với mình. Nhất là với những vong linh quá cố, bằng cách dự lễ cúng dường cùng với Đức Pháp Vương, chúng tôi có thể làm lợi ích cho họ rất nhiều.”


(Khoá lễ được diễn ra hàng ngày trong suốt thời gian của chuyến bộ hành)

Vừa hành hương đi bộ vừa mang vác đồ đạc trên lưng khiến cơ thể đau nhức không sao kể xiết: đau chân, đau lưng. Rất nhiều người trong chúng tôi phải đấu tranh lại với những vết đau nhức ở chân, và sức nặng đè trên lưng. Thế nhưng, tất cả mọi người đều rất hoan hỷ vì được hành hương triều bái thánh địa cùng với Đức Pháp Vương tôn quý, cùng với mười một Rinpoche và các Đạo hữu dẫn dắt.

Nhiếp chính vương Trizam Rinpoche (phỏng vấn trực tiếp trên đường đi Varanasi - Thành Ba La Nại)

“Chuyến hành hương có phần khó khăn, cực nhọc, nhưng được hướng đạo từ Bậc Căn Bản Thượng sư của mình, từ các Tulku, cùng với Tăng chúng, với các Thiện hữu Tri thức và nhiều người thân thiện như vậy nên tôi không hề thấy khó khăn, vất vả chút nào mà chỉ thấy tràn đầy hỷ lạc”.

Nhiếp chính vương Khamdrag Rinpoche:

“Chuyến hành hương này không cực nhọc chút nào. Đôi lúc chân và lưng có thể bị xưng tấy đau nhức mỏi mệt, có khi lại bị ho sốt cảm cúm nhưng thực sự tất cả mọi người không ai cảm thấy đau đớn chút gì. Đôi khi thân thể có mệt mỏi nhưng không ảnh hưởng đến tâm thức. Chuyến hành hương thật sự rất an vui. Nếu có chuyến đi thứ hai vào năm sau, tôi mong nguyện tiếp tục được tham gia để hoàn tất trọn vẹn chuyến hành hương triều bái các thánh tích. Tôi sẽ cầu nguyện để lần sau lại được đi nữa”.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa:

“Mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng không có một trở ngại nào trong tâm mọi người. Một số Đạo hữu dù chân bị mưng mủ nhưng họ vẫn vừa đi vừa nhảy theo vũ điệu Kim cương vì họ cảm thấy rất hỷ lạc an vui. Chúng tôi còn đùa vui rằng không phải vị Đạo hữu ấy nhảy vì hoan hỷ mà vì chân quá đau nên mới phải nhảy. Mọi người chúng tôi ai cũng phải đối mặt với khó khăn này, nhưng chúng tôi rất tự hào đặc biệt về một người, đó là một vị Tăng Guen Ngawang Dechen vốn là thị giả đời trước của tôi, năm nay ông đã bảy mươi tư tuổi, vậy mà trong suốt cuộc hành trình, ông hầu như không hề gặp khó khăn nào về mặt thân thể mặc dù chân có hơi đau. Cho đến khi kết thúc chuyến hành hương, có rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đều cảm thấy hoan hỷ, mãn nguyện vì đã học được một bài học lớn đầy ý vị.

Dĩ nhiên, tâm nguyện lớn của tôi là hoàn thành chuyến hành hương triều bái thánh địa này không chỉ bởi vì lợi ích của bản thân mà còn vì lợi ích của vô lượng chúng sinh, ít nhất là lợi ích cho những người đã và đang dâng hiến đời mình cho sự nghiệp thực hành Phật pháp. Đây là ý nghĩa, mục đích chính của đạo Phật và người thực hành theo đạo Phật”.

Triều bái hành hương thánh địa giúp chúng ta tiêu trừ bản ngã, dạy chúng ta lòng kiên nhẫn, trải rộng tình thương và biết quan tâm chia sẻ với những chúng sinh khác cũng như với môi trường sống xung quanh chúng ta.

Phỏng vấn trực tiếp Đức Pháp Vương ở Varanasi:

“Chúng ta có thể phân hành hương thành ba cấp độ: bí mật, bên trong và bên ngoài. Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyến hành hương thuộc cấp độ bên ngoài bởi vì chúng ta đang hành hương trên bình diện sự tướng: chúng ta đi bộ, tức là tu tập về thân, tụng Kinh, trì chú tức là tu tập về khẩu, (tu tập bên ngoài). Tu tập sự tướng cũng rất tốt nhưng tu tập trong hang động, bế quan tu tập nơi chùa chiền, v.v… không rời nơi ẩn cư, tức là tu thiền samadhi (thiền định) hay vipasana (thiền minh sát) là hành hương bên trong, lợi ích hơn nhiều so với việc hành hương bên ngoài như chúng tôi đã làm lần này. Người ta nói rằng, công đức hành hương bên trong lớn gấp hàng trăm lần tu hành sự tướng. Thực sự chúng tôi khuyến khích các bạn nên tu hành nhập thất ẩn cư nơi cô tịch và thiền định hơn là tu tập theo cách đi bộ như thế này. Nhưng đó là đối với những hành giả cao cấp không cần thực hành đi bộ hành hương, có thể tu thiền định mà không cần thiết phải tham gia hành hương sự tướng, v.v… Nhưng chúng ta, những người chưa được tịnh hóa, còn bị ô nhiễm bởi tham sân si, nhất là còn đầy ích kỷ, kiêu mạn, chúng ta không có sức đề kháng, hay nói cách khác, chúng ta không biết cách chấp nhận vạn pháp như chúng đang là, chúng ta chỉ chấp nhận những gì mình muốn, mình thích, những tiện nghi. Ngoài những thứ đó ra, chúng ta không chấp nhận điều gì khác. Đó là lý do tại sao chúng ta bị nhiều phiền não đến vậy và tại sao cuộc sống của chúng ta lại phức tạp như vậy. Không chỉ thế, chúng ta còn gặp vô số trở ngại trong khi thực hành Bố thí, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Trì giới, Trí tuệ, Thiền định Ba la mật. Không thể thực hành các ba la mật này trừ phi bạn có năng lực biết chấp nhận dung nạp mọi sự và năng lực ấy phụ thuộc vào chính bản thân bạn, vào sự tinh tiến của bạn. Tinh tiến là một yếu tố vô cùng quan trọng. Điều mà chúng tôi thực sự đạt được trong chuyến hành hương này là sự Tinh tiến. Nếu không tinh tiến thì sẽ không có phương pháp nào để thành công bất cứ điều gì. Các bạn luôn giải đãi, thường viện cớ là mình bận việc, không có đủ thời gian, sức khỏe hay năng lực. Các bạn có thể đổ lỗi cho rất nhiều nguyên nhân. Và kết quả là bạn sẽ chẳng bao giờ làm nổi điều gì mà chỉ lãng phí cuộc sống quý giá này. Nhờ có được thân người đáng quý này, chúng ta có rất nhiều năng lực để thực hành rất nhiều thiện nghiệp, chúng ta được các bậc Thầy sách tấn, sự tu và học của chúng ta được cổ vũ, khích lệ. Chúng ta có biết bao nhiêu khả năng và vì thế đừng lãng phí thời gian, những sự rèn luyện như thế này rất cần thiết đối với chúng ta để có thể tự ngộ ra một điều rằng mọi thứ đều có thể đạt được. Chẳng hạn như khi mới bắt đầu chuyến hành hương, nhìn vào tấm bản đồ và tính số kilomet chặng đường sẽ phải hoàn thành, chúng tôi tự hỏi làm thế nào có thể hoàn thành nổi chuyến hành hương này với từng đấy cây số, tuyến đường, xe cộ, bụi bặm, với từng đấy thời gian, số ngày, việc này dường như ngoài sức tưởng tượng. Một số người còn cho rằng không thể hoàn thành. Thế nhưng, giờ đây chúng tôi đã hoàn tất công hành trình mà không xảy ra vấn đề gì, mà ngược lại càng thêm lớn niềm hoan hỷ, với những thành tựu đáng tự hào, bởi chúng tôi đã hoàn thành được ước nguyện, chúng tôi đã đạt được những gì mình định làm. Và dĩ nhiên, bao nhiêu lợi ích đều được hồi hướng cho vô lượng hữu tình, không bao giờ giữ lại cho riêng mình, không bao giờ vì vị kỷ cá nhân. Vì thế, tôi luôn cố gắng không đề cao chuyến hành hương, không để bị chi phối bởi ích kỷ, bởi các pháp thế gian, không được dùng vì mục đích hư danh. Có người sẽ hỏi: ‘Nếu không phải vì hư danh, tại sao lại phải quay phim ghi hình? Tại sao phải thực hiện cuộc phỏng vấn này? Tại sao làm cái nọ, tại sao làm cái kia?. Đúng là chúng tôi có thực hiện một số việc mà nhìn bề ngoài có vẻ là những pháp thế gian tầm thường, nhưng mục đích của việc ghi hình và phỏng vấn thực sự là để lợi ích chúng sinh, tôi không nói là tất cả mà cho những chúng sinh nào xem bộ phim và nghe cuộc phỏng vấn này. Hy vọng nhờ thế, những người đó sẽ được khích lệ để thực hành những điều tương tự và cùng nhau tích lũy thật nhiều công đức không phải ở bình diện thế gian mà ở cả bình diện xuất thế. Tôi cho rằng đây là phương thức thích hợp nhất để tích lũy công đức cũng như để tịnh hóa tội nghiệp. Vì vậy, đây là phương tiện để chúng tôi sách tấn những người thấy nghe bài phỏng vấn này sẽ làm theo những thiện hạnh tương tự. Họ có thể lấy đó làm gương mẫu và dĩ nhiên có thể được cảm hứng khích lệ để dễ dàng thực hành theo những tấm gương này. Về mặt sự tướng, bạn hoàn toàn có thể làm theo nếu có đủ sức khỏe, sự hào hứng mà không gặp chút trở ngại nào. Tuy nhiên, thái độ trong lúc thực hành là điều vô cùng quan trọng. Cần phải giữ thái độ khiêm cung hạ mình càng thấp càng tốt, đồng thời phải có tâm dâng hiến trọn vẹn cho Phật pháp, không chỉ là Pháp thế gian mà còn là Pháp xuất thế. Mục đích rốt ráo dĩ nhiên phải là tu tập để thành tựu đại giác ngộ. Đây là điều tôi mong muốn mọi người đều hiểu. Lý do tại sao chúng tôi ghi băng lại cuộc hành hương đi bộ này là như vậy, không phải để tuyên truyền, cũng hoàn toàn không phải để đề cao tự ngã của bạn cũng như bản ngã của tôi.”

Mặc dù trong bầu không khí lục hòa nhưng sự đơn độc và những khó khăn gặp phải trên đường hành hương đã nhắc nhở Tăng thân rằng mỗi bước đi là mỗi bước tiến gần tới điểm đến tiếp theo – đó là cái chết. Mọi người phải thức tỉnh thân thể này như chiếc thuyền mong manh, không nên chấp thủ vào đó mà luôn an trụ tỉnh giác trong trạng thái Mahamudra (Đại Thủ Ấn). Sự tu thân chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tiến bộ của tâm thức trong đời này cũng như các đời vị lai. Những thiện hạnh này sẽ thành thục và gieo trồng những hạt giống tích cực. Trên thực tế, cuộc đời của chúng ta cũng giống như một chuyến hành hương vậy, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tinh tiến không ngừng nghỉ. Chuyến hành hương dạy chúng tôi cách ngắm nhìn diện mạo của cuộc sống mà không bị vướng mắc bám chấp cũng như không bị dao động phiền não bởi những chi tiết nhỏ nhặt trên chặng hành trình. Điều tối quan trọng chẳng phải là chúng ta phải thể nhập tự tính và sống một cuộc đời vô ngã vị tha từ bi hỷ xả hay sao?

Nhiếp chính vương Drukpa Thukshey Rinpoche:

“Chuyến hành hương này thực sự rất kỳ diệu. Tôi cảm thấy rất đặc biệt, nhất là đối với Ni chúng, các Đạo hữu và đặc biệt là Đức Pháp Vương, tôi vô cùng hoan hỷ. Tuy chân bị sưng đau, nhiều lúc đau ê ẩm hết chỗ này đến chỗ khác, nhưng khi cái đau vừa hiện hữu tôi lập tức quán chiếu nó và chỉ sau ít phút tôi sự đau nhức biến mất. Đây quả là duyên lành hy hữu để trải nghiệm, tu tập nên tôi đã luôn cố tận hưởng từng giây phút trong suốt cuộc hành trình.”

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa:

“Tôi có thể cảm nhận được rằng mọi người đều rất hài lòng hoan hỷ về chuyến hành hương này. Tôi cũng thấy rằng đây là một sự thành tựu lớn nhờ có được thân người quý giá trong đời này, nhất là được tu hành Phật pháp. Một số người trong chúng tôi là Tăng, Ni, Phật tử, hành giả Yogi, một số là hành giả cao cấp, một số mởi chỉ là sơ cơ. Song tất cả chúng tôi đều nhất tâm hướng về tu hành Phật pháp, hướng về thành tựu đại giác ngộ. Và điều đó thực sự rất thâm sâu vi diệu. Chúng tôi đã cố gắng nỗ lực hết sức mình, nên đã tích lũy được rất nhiều những công đức thiện nghiệp, đó là điều đáng hài lòng về chuyến hành hương. Hy vọng rằng chuyến triều bái hành hương thánh địa giúp chúng tôi tích lũy thêm được nhiều công đức và thiện nghiệp để lợi ích vô lượng khổ não hữu tình.

Điều khiến tôi đau lòng trong chuyến đi này là con người thực thô bạo và tàn nhẫn đối với súc sinh, chúng tôi đã phải chứng kiến những cảnh tượng các loài động vật hành hạ đánh đập giết mổ trong lúc chúng tôi đi qua các đô thị, làng mạc, chợ búa. Tôi cho rằng ở đâu trên thế giới này cũng vậy chứ không riêng gì ở Ấn Độ, loài người đối xử rất tàn nhẫn với loài vật như trâu, bò, dê, ngựa, chó, gà. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng đó trên đường đi. Điều này dĩ nhiên không xa lạ gì với tôi nhưng khi phải chứng kiến cảnh loài vật khổ sở vì bị con người đối xử nhẫn tâm như vậy, tôi không khỏi đau lòng và từ sâu thẳm trong tim, tôi nguyện hồi hướng cho những sinh linh ấy tất cả mọi công đức tích lũy được trong suốt chuyến hành hương. Chỉ bằng được nhìn thấy chúng tôi, được nghe tụng Kinh, trì chân ngôn, nguyện những loài vật đó nhờ thế mà đều được giải thoát, có thể không được giải thoát ngay trong đời này nhưng sẽ được giải thoát trong đời kế tiếp và những đời vị lai. Thực sự không thể hình dung nổi con người lại nhẫn tâm với súc sinh đến vậy, nhất là trên chặng đường hành hương này tôi có thể tiếp xúc và thấu cảm được nên cảm thấy rất đau lòng.

Đối với tôi, điều đáng trân trọng nhất trong chuyến hành hương này tất cả Tăng đoàn sống rất hoà hợp với nhau, và là những đệ tử biết tuân theo các quy tắc, đi thành hàng ngay ngắn. Tôi vô cùng trân quý những tấm lòng chân thành ấy vì những điều đó cho thấy họ là những đệ tử thuần thành xét trên bình diện thực hành đạo Pháp. Nếu bạn muốn đi theo con đường tu tập Phật pháp hoặc tu tập dưới sự dẫn dắt của Thượng sư, bạn phải tuân theo giới pháp. Cho nên chuyến hành hương này cũng chính là một bài kiểm tra lớn cho mỗi hành giả.

Ngoài ra, tôi cũng được trải nghiệm những giây phút tuyệt vời. Người dân Ấn Độ rất nồng hậu đón chào chúng tôi mặc dù không có những nghi lễ chính thức. Họ luôn giúp đỡ chúng tôi tận tình, và tôi luôn rất trân trọng điều đó, bởi lẽ mặc dù họ có thể đối xử thô bạo và gây hấn với chúng tôi, có thể hỏi rằng “Các người làm gì ở đây? Đây là đất nước của chúng tôi, các người đến đây làm gì? Các người không được thổi cơm, không được dùng nước của chúng tôi, v.v… Thế nhưng, họ đã không xử sự như vậy mà ngược lại, đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt và tôi cho rằng đó là vẻ đẹp đích thực của người dân Ấn Độ. Và xứ Ấn đúng là cảnh giới của các A La Hán hay tiếng Tạng gọi là Pagpa. Pagpa chỉ một cảnh giới cao hơn cõi Sa Bà này. Chúng tôi gọi Ấn Độ là “Gyakar pagpei yul”. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng gặp phải một số rắc rối khi bị người dân địa phương tò mò đứng xem. Họ cứ nhìn chăm chăm vào chúng tôi không chịu bỏ đi. Thế nhưng đó lại là vấn đề của chính chúng tôi chứ không phải của họ, bởi lẽ chúng tôi đã không thực hành nhẫn nhục, khoan dung, một trong sáu hạnh Ba la mật. Họ chẳng làm hại gì chúng tôi cả, chỉ đứng đó và tò mò nhìn ngó. Đó là vấn đề mà chúng tôi không thể giải quyết được, đôi khi khiến chúng tôi phát bực. Nhưng bực tức với họ là điều đáng xấu hổ. Họ chỉ đứng nhìn thôi, vậy thì tại sao chúng tôi không thể tiếp nhận điều đó? Đây là một kinh nghiệm đáng quý với tôi về đất nước và con người Ấn Độ”.

Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thukshey Rinpoche:

“Tôi rất mong nguyện tiếp tục được tham gia hành hương vào những lần sau nữa”.

Đức Nhiếp Chính Vương Gylawa Dokhampa:

“Tất nhiên, tôi đã thỉnh cầu Đức Pháp Vương để được tham gia tiếp vào lần sau.”

Ga Lhakhang Rinpoche:

“Tôi nguyện được đi theo từng bước chân của Đức Pháp Vương

Langna Rinpoche

“Tôi cảm thấy rất đỗi an vui khi được hành hương cùng với các Đạo hữu và Đức Pháp Vương. Đó là một điều thật tuyệt vời.”

Tulku Sangye Dorje

“Tôi nguyện lại được tham gia tiếp trong tương lai.”

Dechen Angmo Thiksey (đến từ Ladakh)

“Vâng, tôi rất an vui hạnh phúc khi được tham gia chuyến hành hương này. Tôi cho rằng tất cả mọi người đều nên có phúc duyên may mắn này.”

Jigme Rigdzin và Jigme Yoodon

“Chúng tôi rất may mắn hạnh phúc được hành hương cùng với Đức Pháp Vương. Chúng tôi thấy mình quả là rất may mắn khi được tham gia chuyến hành hương này.”

“Giờ đây mọi người ai cũng mãn nguyện. Chúng tôi thấy mình là những người may mắn trên thế giới này khi được lân mẫn Đức Pháp Vương và các Rinpoche. Chúng tôi luôn được chở che dưới sự gia trì của các Ngài. Tất cả ni chúng chúng tôi đều nguyện được tiếp tục tham gia.”

Jigme Phende (Malaysia)

“Đối với chúng tôi, chuyến hành hương quả là đầy thách thức. Nhưng tôi cho rằng, va đạo tâm ai cùng tràn đầy hỷ lạc sung mãn và Bồ đề tâm được trưởng dưỡng trau dồi. Đối với tất cả mọi người, đây quả là một kinh nghiệm vô cùng quý giá.”

Jigme Paldron (Đức)

“Đối với bản thân mình, tôi thấy đây không chỉ chuyến hành hương đi bộ và tịnh hóa tội chướng mà điều quí giá là còn được đón nhận giáo pháp của Đức Pháp Vương từ mọi nhân duyên khác nhau trong suốt cuộc hành hương triều bái thánh địa”.

 

 

Bộ phim về một chuyến hành hương chiêm bái thánh địa, năm 2006 

Nguồn: Đĩa Joyful effort, International Drukpa Publications

:

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,421
Số người trực tuyến: