Hành trình của ân phúc gia trì | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hành trình của ân phúc gia trì

749
29/08/2013 - 00:00
(Tôn tượng Đức Phật Thích Ca tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ)
 
Cách đây hơn 2.500 năm, có một vị thái tử đã từ bỏ ngai vàng và vương quốc của mình, thực hành thiền định dưới cội Bồ đề. Từ đó, Ngài tìm thấy con đường tâm linh siêu việt đưa đến thành tựu giác ngộ và đã chuyển Pháp luân khai thị những chân lý thâm diệu bao gồm Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo. Dựa trên những giáo pháp căn bản nền tảng này, Ngài đã chỉ bày 84.000 pháp môn khác nhau đều nhằm mục đích đưa chúng sinh đạt tới giải thoát giác ngộ, các pháp môn tựu chung có thể nhóm lại thành ba thừa chính là Nguyên Thủy Phật giáo, Đại Thừa và Kim Cương Thừa.

Vị thái tử đã thị hiện hóa thân nơi cõi đời này để mang tới cho chúng ta vô số giải pháp giúp phá bỏ xiềng xích luân hồi không phải ai khác mà chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đấng Chiến Thắng Siêu Việt của dòng tộc Thích Ca.

Các thánh tích Phật giáo này ngày nay đang dần bị mai một, hủy hoại bởi dòng chảy của thời gian và tác động của con người. Gần đây, hàng loạt vụ đánh bom khủng khiếp tại Bồ Đề Đạo Tràng đã thôi thúc Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đưa ra quyết định thực hiện hành hương triều bái các thánh địa của Đức Phật, với sự tháp tùng của các Rinpoche, chư Tăng Ni và Phật tử. Đây quả là một cơ hội vô giá cho những ai có phúc duyên tham gia để được đỉnh lễ chiêm bái các thánh địa của Đức Phật, dưới sự lân mẫn của cộng đồng Tăng già và đồng thời đón nhận sự truyền trao giáo pháp trân quý từ chính kim khẩu Đức Pháp Vương trong suốt chuyến hành hương. Chúng tôi gọi đây là “Hành trình của ân phước gia trì” bởi đây thực sự là một hành trình triều bái thánh địa thiêng liêng với sự hiện diện hy hữu của chư Thượng Sư và Tam Bảo tôn quý.

Đã nhiều năm nay, Đức Pháp Vương chưa dẫn đầu đoàn hành hương nào tới triều bái các thánh địa linh thiêng của Đức Phật bằng các phương tiện đi lại. Vì vậy, đây là thắng duyên cho những người chưa từng được tham gia các chuyến hành hương bằng xe jeep hoặc xe buýt trước đây của Ngài. Đối với những ai từng có phúc duyên tham dự những đợt hành hương như vậy, đây chính là cơ hội để làm sống lại những thời khắc tràn đầy ân phúc gia trì.

Chương trình

Thời gian

Sự kiện

Từ 14 đến 23 tháng 11

Hành hương triều bái các Thánh địa của Đức Phật

Từ 24 đến 28 tháng 11

Nhập thất dưới sự hướng đạo và giảng pháp tại Tự viện Núi Druk Amitabha, Kathmandu, Nepal

Ngày 24 tháng 11

Khóa lễ cầu nguyện Thành tựu Pháp Lhabab Duchen

Từ 25 đến 27 tháng 11

Đức Pháp Vương khai thị về “Sự trong sáng của Tâm – con đường Đại Thủ Ấn”

Ngày 28 tháng 11

Lễ Kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ Nhất

Các khóa lễ cầu nguyện và Đại đàn cúng dường Ganachakra

 

CÁC THÁNH TÍCH HÀNH HƯƠNG
1. Lumbini (Vườn Lâm Tỳ Ni)


Vườn Lâm Tì Ni là nơi Hoàng hậu Maya hạ sinh Đức Phật. Đây cũng là nơi Đức Phật trải qua thời thiếu niên và thanh niên cho tới khi Ngài 29 tuổi. Lâm Tì Ni có vô số chùa chiền, đền miếu, trong đó có cả nơi thờ Thánh mẫu Maya và các công trình tương tự khác đang xây dựng dang dở. Nơi đây còn có Giếng thiêng Puskarini nơi Thánh mẫu Maya hai lần thực hiện nghi thức tẩy tịnh trước khi hạ sinh Đức Phật và cũng chính là nơi kim thân Đức Phật được tẩy tịnh lần đầu tiên. Nơi đây có nhiều dấu tích của Cung điện Kapilvastu Ka tì la vệ xưa kia. Thánh địa Lâm Tì Ni cũng lưu lại phế tích của các khu tự viện cổ xưa, một gốc Bồ đề linh thiêng, một ao tắm cổ, di tích cột trụ đá của Hoàng đế A Dục và đền thờ Thánh mẫu Maya, chính là nơi Đức Phật đản sinh. Hàng ngày, từ sáng tinh mơ cho tới khi tối mịt, vô số đoàn hành hương từ nhiều nước khác nhau tới triều bái thánh địa này, cung kính thực hiện những nghi lễ cầu nguyện và thiền định.
 

2. BODHGAYA (Bồ Đề Đạo Tràng)

Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật thành tựu Giác ngộ tối thượng. Theo lịch sử của nhiều truyền thống Phật giáo ghi lại, khoảng 500 năm trước công nguyên, sau nhiều năm ròng đi khắp đó đây cầu đạo và tu khổ hạnh, Thái tử Cồ Đàm Tất đạt đa Gautama Siddhartha đã tìm tới dải đồng bằng bên bờ Phalgu, gần thành phố Gaya. Ở đây, Ngài đã tọa thiền dưới một gốc cây Bồ đề. Sau ba ngày ba đêm thiền định miên mật, Thái tử Tất đạt đa Siddhartha đã thành tựu giác ngộ và thấu suốt mọi câu hỏi mà Ngài đã mất nhiều năm ròng tìm kiếm lời giải đáp. Ngài đã dành thêm bảy tuần để tĩnh tâm thiền định tại bảy địa điểm khác nhau trong các khu vực lân cận để chiêm nghiệm về kinh nghiệm giác ngộ này. Sau bảy tuần, Ngài đến Vườn Nai Sarnath, nơi Ngài thuyết giảng bài pháp đầu tiên, đánh dấu lần chuyển Pháp luân thứ nhất.

3.SARNATH (Vườn Nai)
 


 

Vườn Nai là nơi Đức Phật lần đầu thuyết pháp, và cũng là nơi hình thành Tăng đoàn đầu tiên sau khi ông Kiều Trần Như thành tựu giác ngộ. Vườn Nai là một trong bốn thánh địa được Đức Phật ấn chứng, khuyến thỉnh những Phật tử tín tâm, chí thành cần thực hiện hành hương triều bái nếu họ phát khởi mong nguyện này. Đây cũng là thánh địa linh thiêng được ghi lại trong Kinh Chuyển Pháp Luân, là bộ Kinh ghi lại giáo pháp đầu tiên được Đức Phật truyền giảng sau khi Ngài thành đạo, bao gồm chân lý Tứ Diệu Đế và các giáo pháp liên quan.

4. KUSHINAGAR (Câu Thi Na)
 


Thành Câu Thi Na là nơi Đức Phật thị hiện Niết Bàn. Vào thời cổ xưa, nơi này có tên là Kushavati (Jatakas). Trong cuốn Sử thi Ấn Độ nổi tiếng Ramayan có nhắc đến địa danh này dưới cái tên thành của Kusha con trai thần Ram, quốc vương lừng danh của xứ sở Ayodhya. Câu Thi Na cũng từng là trung tâm danh tiếng của vương quốc Malla thuộc Ấn Độ cổ đại. Về sau, nơi này được đổi tên thành Kushinara, một trong tứ thánh địa quan trọng nhất đối với các Phật tử. Chính nơi đây, gần dòng sông Hiranyavati, Đức Phật thị hiện viên tịch Niết Bàn sau khi mượn cớ bệnh duyên vì ăn món cháo nấm.

5. SHRAVASTI (Xá Vệ)
 

Thành Xá Vệ là nơi tịnh xá chính của Đức Phật khi Ngài còn tại thế. Thoạt đầu Đức Phật tới thăm Thành Xá Vệ Shravasti theo lời thỉnh mời của Trưởng già Cấp Cô Độc Anathapindada sau một lần ông được hạnh ngộ Đức Phật tại Thành Vương Xá Rajgir. Trưởng giả Cấp Cô Độc Anathapindada vô cùng giàu có và là một người bảo trợ Phật Pháp. Ngài đã mua lại của Thái tử Jeta (Kỳ Đà) khu vườn Kỳ Viên Jetavana bằng cách đem 1.8 triệu lá vàng lát kín khu vườn theo lời thách đố của Thái Tử để tỏ lòng thành kính cúng dàng lên Đức Phật. Trưởng giả Cấp Cô Độc Anathapindada được biết đến như là “bậc cúng dàng đệ nhất” trong số các đệ tử của Phật và sau khi mạng chung, ông được sinh lên cõi trời Đâu Suất Tusita vì công hạnh thù thắng này.

Các tịnh xá chính ở Thành Xá Vệ gồm có tịnh xá Kỳ Viên Jetavana và Đông Viên tịnh xá Pubburama. Thành Xá Vệ còn có cả tịnh xá Rajakarama do Vua Ba Tư Nặc cho xây dựng và cúng dàng lên Đức Phật, nằm ngay đối diện với tịnh xá Kỳ Viên Jetavana. Cách không xa thành là khu rừng rậm có tên gọi Andhavana, nơi chư Tăng Ni vẫn thường đến tu tập vào thời Đức Phật. Bên ngoài kinh thành Xá Vệ có một làng chài với khoảng năm trăm hộ gia đình.


6. RAJGIR (Vương Xá)
 

(Đỉnh Linh Thứu tại thành Vương xá)

Thành Vương Xá là nơi Đức Phật đã hàng phục chú voi say Nalagiri với tâm từ bi vô lượng. Trong nhiều tháng, Đức Phật đã thiền định và thuyết pháp trên đỉnh Linh Thứu Gridhra-kuta nơi đây. Rất nhiều giáo pháp quan trọng lừng danh như “Bát Nhã Tâm Kinh”, “Kinh Kim Cương” đã được thuyết giảng nơi linh địa này. Cũng chính tại đây, Đức Phật đã khai ngộ cho Quốc vương Tần Bà Sa La Bimbisara của Vương quốc Ma Kiệt Già Magadha cùng vô số người khác và thu nhận họ đến với Phật Pháp. Trên một trong các đỉnh đồi của khu thánh địa này có sơn động Saptparni là nơi diễn ra Đại hội kết tập Kinh điển lần đầu tiên dưới sự chủ tọa của Tôn giả Đại Ca Diếp Maha Kashyapa, một bậc đại đệ tử của Đức Phật.

7. VAISHALI (Thành Tỳ Xá Ly)
 



 

Thành Tỳ Xá Ly là nơi Đức Phật đã nhận bát mật ong cúng dàng từ một chú khỉ. Sau khi rời bỏ vương quốc của phụ vương ở Ca tì la vệ Kapilavastu, Thái tử Tất đạt đa đã tới thành Tỳ Xá Ly trước tiên và theo học với hai vị đạo sư là Ramaputra Udraka và Alara Kalama. Sau khi thành tựu giác ngộ, Đức Phật thường xuyên ghé thăm thành Tỳ Xá Ly. Ngài đã tổ chức Tăng đoàn của mình theo phương thức dân chủ được áp dụng tại thành Tỳ Xá Ly. Đây cũng là nơi Ngài thành lập Ni đoàn đầu tiên và hóa độ cho di mẫu của mình, tức em gái Thánh mẫu Maya là bà Maha Prajavati Gautami, được xuất gia tu học. Đây cũng là nơi Đức Phật trải qua mùa an cư kết hạ cuối cùng (tiếng Phạn là Varshavasa) và tại đây Ngài đã tiên đoán trước với chúng đệ tử rằng Ngài sẽ thị hiện Niết Bàn sau ba tháng. Trước khi rời thành Tỳ Xá Ly tới Câu Thi La, Ngài đã để lại bình bát khất thực của mình cho người dân nơi đây. Theo lịch sử, Đức Phật tới thăm thành Tỳ Xá Ly vào năm thứ năm sau khi thành tựu giác ngộ, và lưu lại nơi đây trong suốt mùa mưa.

I. THÔNG TIN CHUNG

Tất cả mọi người đều được hoan nghênh tham gia chuyến hành trình. Các lựa chọn hành trình được đưa ra để phù hợp với tâm nguyện và điều kiện của từng người tham dự.  Điểm khác biệt chủ yếu của những tùy chọn này là chỗ ở, đi lại và ăn uống. Khoản cúng dường được bao gồm trong tất cả các lựa chọn để tạo điều kiện cho các chư tăng ni có thể tham dự hành trình này. Lòng quảng đại bố thí của các bạn sẽ quyết định số lượng tăng ni có mặt trong chuyến hành trình hi hữu này.

Đức Pháp Vương huấn thị mỗi người tham gia nên trì tụng ít nhất 10.000 biến chân ngôn Kim Cương Thượng Sư (Liên Hoa Sinh) và có sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước chuyến hành trình để được lợi lạc. Trước mắt, chỗ ở của tất cả mọi đăng ký đều được thu xếp dưới dạng phòng đôi. Do hiện trạng thiếu phòng khách sạn tại một số điểm hành hương, yêu cầu phòng đơn sẽ được xem xét sau kỳ hạn dựa trên nguyên tắc ai yêu cầu trước sẽ được ưu tiên trước.

II. VẬT DỤNG CẦN THIẾT

1. Cuốn Bảo Man Tập tái bản lần thứ 3 (tiếng Anh) hoặc Mật pháp nghi quỹ thực hành thường nhật Truyền thừa Drukpa (tiếng Việt, NXB Tôn giáo, 2012)

2. Thuốc phòng muỗi và côn trùng, thuốc men y tế tối thiểu

3. Giày đi bộ

4. Đèn chiếu hay đèn pin

5. Chai đựng nước.

6. Nĩa, thìa, hộp đựng thức ăn và cốc.

7. Kem chống nắng và kem chống nẻ

8. Tấm đệm

9. Đài FM đế nghe dịch trực tiếp

10. Các lớp chống thấm đặc biệt cho phần đầu trong trường hợp thời tiết thay đổi.

11. Các đồ tùy thân khác phù hợp lịch trình, hoàn cảnh chuyến đi và nhu cầu tối thiểu của cá nhân (phải đảm bảo gọn nhẹ)

Với những người đăng ký tùy chọn A3, B3 và C3 cần mang thêm những vật dụng sau:

11. Túi ngủ

12. Các đồ cắm trại (nếu đi nhóm thì dùng chung)

III. CÁC LỰA CHỌN HÀNH TRÌNH

(Chi phí đưa ra là dự tính)

A. Tùy chọn A: từ ngày 14 đến ngày 28 tháng 11 năm 2013. Hành hương triều bái thánh địa và chuyên tu cộng đồng. Có 3 hình thức:

A1: Khách sạn hạng sang, xe buýt hạng sang, chuyến bay nội địa từ Lâm Tỳ Ni đến Kathmandu. Ăn và ở tại tự viện Druk Amitabha -  chi phí 2.750 USD.

A2: Khách sạn hạng thường, xe buýt du lịch bao gồm chặng Lâm Tỳ Ni - Kathmandu. Ăn và ở tại tự viện Druk Amitabha -  chi phí 1.890 USD.

A3: Ngủ tại các tự viện hoặc lều trại, xe buýt nội địa bao gồm chặng Lâm Tỳ Ni - Kathmandu. Ăn và ở tại khu trại xung quanh tự viện Druk Amitabha - chi phí 695 USD

B. Tùy chọn B từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 11 năm 2013 - chỉ tham gia hành hương.

B1: Khách sạn hạng sang, xe buýt hạng sang, chuyến bay nội địa từ Lâm Tỳ Ni đến Kathmandu - chi phí 2250 USD

B2: Khách sạn hạng thường, xe buýt du lịch bao gồm chặng Lâm Tỳ Ni - Kathmandu - chi phí 1390 USD

B3: Ngủ tại các tự viện hoặc lều trại, xe buýt nội địa bao gồm chặng Lâm Tỳ Ni - Kathmandu - chi phí 445 USD.

C. Tùy chọn C từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 11 năm 2013: chuyên tu cộng đồng tại tự viện Druk núi Amitabha.

C1:  Ăn và ở tại tự viện Druk Amitabha - chi phí 500 USD

C2: Ngủ tại khu trại xung quanh tự viện Druk Amitabha, bữa sáng và tối tại tự viện - chi phí 350 USD.

C3: Ngủ tại khu trại xung quanh tự viện Druk Amitabha, các bữa ăn tại khu trại - chi phí 250 USD

*  PHÍ ĐĂNG KÝ BAO GỒM

1. Di chuyển đến các địa điểm cần thiết trong chuyến hành hương theo các tùy chọn mà bạn đăng ký.

2. Chỗ ở trong ngày 14/11/2013 cho tùy chọn A và B.

3. Chỗ ở trong ngày 23 tháng 11 cho tùy chọn C

*  PHÍ ĐĂNG KÝ KHÔNG BAO GỒM

1. Chỗ ở trong ngày 23 tháng 11 cho tùy chọn B

2. Chỗ ở trong ngày 28 tháng 11 cho tùy chọn A và C.

3. Di chuyển đến và đi từ tự viện Druk Amitabha cho tùy chọn C.

4. Bảo hiểm và phí ứng cứu khẩn cấp.

5. Vé máy bay từ quốc gia của bạn đến địa điểm tập  kết và ngược lại.

6. Vận chuyển đến và đi từ các điểm tập kết

7. Thuế sân bay và phí visa

8. Quần áo cá nhân và phụ kiện bao gồm cả túi ngủ.

9. Giặt là, điện thoại, chi phí cá nhân và tiền tip.

Những chuẩn bị cần thiết cho Chuyến hành hương và Kỳ nhập thất

Đức Pháp Vương từ bi chỉ dạy rằng mỗi thành viên đăng ký hành hương đều cần trì tụng và tích lũy đủ 10,000 biến Chân ngôn Kim Cương Thượng Sư trước khi tham gia chuyến hành hương và kỳ nhập thất. Đây là một cam kết nghiêm túc dành cho bất cứ ai muốn tham gia. Nếu bạn có thể trì được nhiều hơn nữa thì điều đó sẽ càng khiến chư Thượng sư hướng đạo chuyến hành hương và kỳ nhập thất thêm hoan hỷ và cảm thấy được khích lệ. Chúng tôi xin thành tâm tri ân các bạn vì điều này. Bạn hãy nộp bảng thống kê số biến trì tụng trước khi tham gia chuyến hành hương hay kỳ nhập thất (Ấn vào đây để tải về). Chư vị Tăng Ni sẽ tới gặp bạn để thu lại bảng thống kê của bạn. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bảng thống kê mẫu để hỗ trợ các bạn trong việc thống kê số biến trì tụng cá nhân. Dưới đây là phần hướng dẫn trình tự thực hành mỗi khóa lễ trì tụng chân ngôn.

Bước 1 – Tụng bài  cầu nguyện Bát Đại Cát Tường (1 lần) (Ấn vào đây để truy cập nội dung và mp3 bài cầu nguyện)

Bước 2 – Tụng bài Bảy lời cầu nguyện (3 lần) (Ấn vào đây để truy cập nội dung và mp3 bài cầu nguyện)

Bước 3 – Trì tụng Chân ngôn Kim Cương Thượng Sư (nhiều lần) (Ấn vào đây để truy cập nội dung và mp3 bài cầu nguyện)

Bước 4 – Tụng bài cầu nguyện Hồi hướng công đức (Ấn vào đây để truy cập nội dung và mp3 bài cầu nguyện)

Thông tin chi tiết về việc trì tụng tích lũy 10.000 biến chân ngôn Kim Cương Thượng Sư, xin vui lòng liên hệ Drukpa Việt Nam để được trợ giúp tại drukpavietnam@gmail.com

Thông tin về kỳ “Nhập thất giảng pháp” sẽ được tiếp tục cập nhật trong thời gian phù hợp.

“Hành trình của ân phước gia trì” diễn ra từ ngày 14 đến 28 tháng 11 năm 2013 là sự kết hợp giữa chuyến hành hương triều bái các thánh địa của Đức Phật và khóa chuyên tu cộng đồng dưới sự hướng đạo của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Xin mời ghé thăm trang web www.drukpa.com để có thêm thông tin. Ngoài ra các bạn có thể liên hệ:

Drukpa Việt Nam

Email: drukpavietnam@gmail.com

Điện thoại: 01239894445

Để đăng ký tham gia “Hành trình của ân phúc gia trì”, Quý Phật tử Việt Nam xin điền thông tin tại đường link:

https://docs.google.com/forms/d/1KqMPH2XUXterQL_uNxZzX2VF4TwG4ZrUP6Hf2pZ6_wc/viewform

hoặc liên hệ drukpavietnam@gmail.com để gửi thông tin đăng ký gồm: Họ tên, số CMND, pháp danh (nếu có), điện thoại, địa chỉ liên hệ, người giới thiệu, khái quát kinh nghiệm tu tập (đã quy y, thực hành pháp môn nào, đã đi hành hương thánh địa chưa?) và lựa chọn hành trình (A1/B1...). Việc gửi thông tin đăng ký không có nghĩa là việc đăng ký của bạn đã thành công, Drukpa Việt Nam bảo lưu quyền từ chối đăng ký khi bạn không đủ điều kiện tham gia hoặc do những lý do khách quan không thể thực hiện việc đăng ký cho bạn.

Thời hạn đăng ký cuối cùng là vào ngày 10/10/2013. Thời hạn có thể thay đổi tùy thuộc vào các lựa chọn tham gia và điều kiện lưu trú vào từng thời điểm. Vui lòng truy cập trang web Drukpavietnam.org để được cập nhật!

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,120,661
Số người trực tuyến: