Bạn đang ở đây
Chia sẻ quan kiến về công tác Phật sự tình nguyện
Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche khai thị, ngày 09 tháng 9 năm 2012.
Đã khá lâu tôi không cập nhật thông tin trên trang web cá nhân, một phần do giải đãi và mặt khác cũng do công việc bận rộn. Tuy vậy, tôi rất vui vì người quản trị web khá năng động trong việc cập nhật Facebook thường xuyên, do vậy tôi không cảm thấy cấp thiết cần viết bài trên trang web của mình. Tuy nhiên, tôi thấy đã đến lúc cần diễn giải những quán sát của mình một cách chi tiết hơn.
Tôi rất hạnh phúc trở về sau chuyến công du châu Á của mình. Chuyến đi được các tình nguyện viên tổ chức chu đáo và mỗi trung tâm Drukpa nơi tôi đi qua đều nỗ lực góp phần vào thành công của chuyến đi này.
Trước hết tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới ngài Jampal - chủ tịch Drukpa Asia; tới Jigme Phuntshok chủ tịch Drukpa Singapore; tới Vanessa Pong và Drukpa Hong Kong; Gyarawa Rinpoche và Jean Chan cùng Drukpa Đài Loan cũng như ông Tan và các thành viên Drukpa Malaysia. Một lần nữa tôi lại được thấy sự tận tâm và chân thành của các tình nguyện viên Drukpa thông qua những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ tại các quốc gia khác nhau. Tôi thực sự trân trọng và thấy thật phúc duyên khi Truyền thừa Drukpa có những đệ tử với trái tim nhân hậu và tâm chí thành đến như vây. Nhân duyên được hạnh ngộ thiện tri thức hôm nay có được là nương ân đức gia trì của Đức Pháp Vương và các bậc Thầy giác ngộ. Tôi rất trân trọng và xin thành tâm tri ân tất cả các bạn, không chỉ vì những Phật sự mà các bạn phát tâm thực hiện để trợ giúp cho chuyến hoằng pháp của tôi được viên mãn, mà thực sự vì vô số đóng góp mà các bạn đã cúng dường lên Truyền thừa với tâm chí thành vô ngã vị tha đầy dâng hiến của mình.
Một trong những lý do chính của chuyến hành trình ngắn ngày vòng quanh châu Á là để hạnh ngộ các tình nguyện viên. Tôi nhận thấy rằng nhiều người trong số họ làm việc rất chăm chỉ ngày này qua ngày khác mà không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hay giải trí. Đặc biệt khi phát tâm tổ chức các buổi giảng pháp hoặc các Phật sự có tính cộng đồng, họ hầu như không có thời gian để ngồi xuống và thụ nhận giáo pháp bởi còn quá bận rộn giúp cho những người khác có được cơ hội như vậy. Chính nguyên do này thúc đẩy tôi tới hạnh ngộ, trao truyền giáo pháp và biểu lộ sự trân trọng và lòng tri ân tới họ. Việc này được kết hợp với một số công việc tổ chức và gặp gỡ các tình nguyện viên mới.
Trong lịch trình viếng thăm Drukpa Singapore của tôi có nội dung hợp tác với các nhà tổ chức hội thảo Phật giáo và Khoa học. Họ thỉnh cầu tôi tới chia sẻ với đại chúng tham dự một thời pháp ngắn về chủ đề Phật giáo và Giáo dục.
Tôi rất hoan hỷ nhận thấy có nhiều người phát tâm tình nguyện và đã có rất nhiều tình nguyện viên mới được kết duyên qua chuyến đi lần này, song cũng đồng thời cảm thấy cần phải bày tỏ một vài điều quan trọng liên quan tới hoạt động Phật sự của các bạn.,
Có thể một số người trong số các bạn sẽ tự hỏi 'Làm sao Rinpoche có thể biết tất cả mọi thứ về công tác tình nguyện?' Một số bạn hữu của tôi thường nói vui rằng 'Ồ hãy nhớ rằng chúng ta là những tình nguyện viên và chúng ta không thể làm việc chuyên cần như các Ngài'. Đáp lại vấn đề này tôi thường trả lời 'các bạn không phải là những tình nguyện viên duy nhất ở đây, ngay cả chúng tôi, các Rinpoches đều là các tình nguyện viên, Đức Pháp Vương, Bậc Kim Cương Thượng Sư của chúng ta cũng là tình nguyện viên'. Vô số chư Phật và chư Bồ tát cũng đều là những tình nguyện viên phụng sự cho tất cả hữu tình chúng sinh'. Vì vậy dưới góc độ này tôi có thể nói rằng mình cũng có một chút kinh nghiệm và quan kiến về việc tình nguyện và thái độ mà tình nguyện viên cần phải có.
Cho đến năm ngoái chỉ Drukpa Vietnam và Drukpa Singapore là dưới sự hướng đạo trực tiếp của tôi, nhưng từ cuối năm ngoái, Đức Pháp Vương đã chỉ định tôi sẽ chịu trách nhiệm chung về Drukpa châu Á. Khi Đức Pháp Vương trao cho tôi nhiệm vụ lớn lao này tôi không hề cảm thấy kiêu hãnh hay đầy quyền lực. Tôi cũng không hề cảm thấy do dự bởi tôi biết rằng Ngài ban cho tôi cơ hội thực hành tâm linh qua các trách nhiệm được giao phó..
Đối với tôi, việc chăm lo Drukpa châu Á bao gồm hai bổn phận. Thứ nhất, tôi chịu trách nhiệm cho đời sống tâm linh của tất cả các thành viên Drukpa Châu Á bao gồm cả tình nguyện viên và các đệ tử; tôi có trách nhiệm đảm bảo trong đời này, họ có sự hướng đạo tâm linh và trợ giúp cần thiết giúp họ trở nên sáng suốt và hiểu biết trí tuệ hơn, giúp họ có cuộc sống hạnh phúc, an lạc và quan trọng hơn là hướng đạo giúp tăng trưởng tín tâm để họ có thể vững vàng đương đầu với những thử thách của cuộc sống.
Bổn phận thứ hai là để nhắc nhở mọi người rằng bất cứ trung tâm hay cơ sở tự viện nào trong Truyền thừa Drukpa đều không thuộc về một người hay một nhóm người, mà thuộc về Phật pháp nói chung và Truyền thừa Drukpa nói riêng.
Do đó bổn phận của một bậc Thượng sư không phải là sở hữu trung tâm hay tự viện mà trên thực tế chúng ta giống như những người có nhiệm vụ trông nom và chăm sóc. Chúng ta không sở hữu bất kỳ thứ gì nhưng lại cần bảo đảm rằng bất kỳ ai hoặc điều gì mà mình được tin gửi giao phó sẽ luôn được duy trì, nuôi dưỡng và quan tâm chu đáo, để tới khi được chuyển giao cho người chịu trách nhiệm khác, từ cơ sở vật chất, con người hay bất kỳ điều gì từng được giao phó sẽ vẫn luôn ở tình trạng tốt nhất để tiếp tục được chăm sóc lâu dài trong tương lai.
Những bậc Thượng sư trì giữ Truyền thừa cũng như các đệ tử và tình nguyện viên đều là những người có trách nhiệm chăm lo cho sự phát triển của Truyền thừa, để đảm bảo rằng dù bao lâu sau chúng ta có rời xa cõi này, thì di sản truyền thừa nghìn năm tuổi cùng các pháp thực hành và giáo lý trân quý – tất cả những gì đã từng mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc lớn lao và vô số phước lành trong hiện đời cũng như cho chúng ta niềm tin đối diện với các đời kế tiếp, sẽ không biến mất cùng ta, mà nó sẽ được truyền lại cho các thế hệ mai sau - để rồi đến lượt các thế hệ này sẽ lại trở thành người gìn giữ di sản và pháp mạch Truyền thừa đến thế hệ kế tiếp.
Đây là quan kiến cá nhân của tôi và do đó tôi không hề cảm thấy một chút tự cao hay ngã mạn nào, thay vì đó tôi cảm thấy Đức Pháp Vương quá từ bi ban cho tôi bài thực hành tâm linh sâu sắc hơn trong đời này. Từ sâu thẳm trong tim tôi muốn tri ân Ngài vì đã ban cho người đệ tử vô minh một trách nhiệm cao cả như bài pháp thực hành dẫn dắt tha nhân đến bến bờ hạnh phúc, đồng thời tạo cơ hội cho tôi góp phần vào việc trì giữ pháp mạch truyền thừa cùng các giáo lý trân quý để lại cho thế hệ mai sau.
Đây là những suy tư tôi muốn chia sẻ và có lẽ nó sẽ giúp các bạn hiểu phần nào những gì tôi cảm nhận và niềm tin xác tín nơi tôi về trọng trách của mình trong đời này.
Một khi đã là tình nguyện viên, tôi tin tưởng rằng thái độ là một khía cạnh tối quan trọng. Ta không nên có những tư tưởng rằng ta giúp đỡ người khác bằng hoạt động tình nguyện như là 'Tôi đang trợ giúp Pháp Vương, Tôi đang giúp dòng truyền thừa, tôi giúp chư Thượng sư…'. Khi gán cho bản ngã tầm quan trọng như vậy, khi chỉ biết nhấn mạnh vào cái tôi thì điều đó sẽ làm phương hại đến tinh thần của hoạt động tình nguyện. Những tư tưởng này sẽ sớm dẫn đến những suy nghĩ tệ hại hơn nữa như là 'tôi giúp vị Rinpoche/dòng truyền thừa này rất nhiều nhưng chẳng có ai tri ân những cố gắng của tôi, tôi làm việc rất chăm chỉ nhưng những ý kiến và công việc của tôi không được trân trọng'. Ý tưởng về sự tôn vinh sẽ làm cho hoạt động tình nguyện không kéo dài. Nó có thể tồn tại một vài năm và rồi bạn sẽ mệt mỏi, cảm thấy sân hận, thất vọng và cuổi cùng bạn sẽ thoái tâm Bồ đề và từ bỏ nó.
Với thái độ như vậy, sẽ không có nhiều chuyển biến tích cực trong tâm ta.
Thay vào đó, tốt nhất bạn nên hiểu rằng, khi là tình nguyện viên, chúng ta không giúp đỡ ai mà cũng không hề “giúp” cho bất cứ hạnh nguyện nào được thành tựu. Chúng ta cần hiểu và coi đây là bài thực hành pháp của chính mình. Bản chất của việc thực hành Pháp là hạ thấp bản ngã và cái tôi, qua đó giúp cho ta tăng trưởng tình thương, lòng từ bi, sự đồng cảm và thấu hiểu hướng tới các chúng sinh khác không phân biệt địa vi giàu sang cao quý hay thấp hèn, cho đến các loài động vật hay côn trùng cũng bình đẳng như vậy. Do vậy, nếu bạn có thể hiểu rằng hoạt động tình nguyện chính là để tăng trưởng những nguyện vô ngã và tâm dâng hiến để làm lợi lạc tât cả chúng sinh - thì đó chính là một pháp thực hành tâm linh chân thực và thuần thành. Khi đó tất cả sự kiêu mạn, mỏi mệt, thất vọng và sân hận sẽ tan biến đi vì bản ngã và cái tôi sẽ không còn nữa. Thái độ đúng đắn này về lâu dài sẽ giúp cho nội tâm sâu sắc hơn và dẫn đến việc thấu hiểu bản tâm và tha nhân thông qua hoạt động tình nguyện.
Một điểm khác nữa cần biết là đôi khi một số tình nguyện viên làm việc chăm chỉ, nhưng họ làm như vậy bởi tâm hối lỗi. Họ lo lắng rằng Thượng sư của họ sẽ phiền lòng hay tức giận. Theo một hướng nào đó, tôi cho rằng điều này cũng tốt, vì nó có nghĩa rằng họ tôn trọng Thượng sư, quan tâm đến ý kiến của Ngài và không muốn làm Ngài phiền lòng. Tuy vậy tôi chân thành tin rằng sẽ tốt hơn nhiều nếu động cơ của bạn dựa trên mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự thực hành tâm linh.
Tôi biết rất rõ ràng có một số người có mặc cảm hối lỗi khi hạnh ngộ Thượng sư, bởi họ cho rằng họ chưa thực sự tinh tấn hoặc chưa nỗ lực hết khả năng. Họ lo lắng rằng các bậc Thượng sư sẽ phiền lòng. Theo thiển ý của tôi, các bạn không nên tự tạo thêm những stress cho mình dựa trên những vọng tưởng lo lắng như thế. Các bạn đã có quá nhiều stress từ gia đình, công việc và cuộc sống. Tôi chắc chắn không muốn các bạn có thêm những stress mới, đặc biệt là 'Drukpa Stress' hay các lo lắng đến từ hoạt động Phật sự. Tôi muốn khuyên các bạn hãy gạt sang một bên tất cả những mặc cảm căn cứ trên việc Thượng sư có vui vẻ hay không và hãy để lương tri dẫn dắt bạn điều chỉnh cuộc sống và dành thời gian cho việc thực hành tâm linh qua hoạt động tình nguyện. Tôi nói lương tri vì chúng ta có thể kiểm tra chính mình một cách trung thực bao nhiêu thời gian chúng ta thật sự cần thiết cho công việc, gia đình và bản thân mình, và bao nhiêu thời gian, nỗ lực và khả năng, chúng ta có thể dành cho công việc Phật sự..
Sau khi thành thật quán xét, nếu lương tri nói rằng chúng ta nên dành thời gian rảnh rỗi có được cho các thiện nguyện và Phật sự Truyền thừa, đúng lý các bạn sẽ không phải cảm thấy hối lỗi mặc cảm hay khởi những xúc tình tiêu cực. Tốt hơn hết là để lương tri phán xét chúng ta đã làm việc chăm chỉ chưa, tâm dâng hiến của ta đã mạnh mẽ chưa chứ đừng đợi sự phán xét đến từ Thượng sư hay những người khác.
Dù sao, trong hình tướng một Thượng sư, đôi khi tôi sẽ tiếp tục đưa ra những lời sách tấn nhưng tôi không hề muốn khiến mọi người có cảm giác hối lỗi, hay phán xét người khác vì bất cứ lý do nào. Tôi thành thực tin rằng trừ khi có đủ phẩm chất và với mục đích cao cả, một hành giả tâm linh cần phải tự hồi quang phản chiếu bản thân chứ không phán xét người khác; và nhận ra những khiếm khuyết mà mình cần khắc phục.
Tôi không cho rằng mình là một hành giả hay tình nguyện viên tâm linh toàn hảo, nhưng công việc trì giữ dòng Truyền thừa cũng giống như một tình nguyện viên suốt đời và những chia sẻ ở trên là lý tưởng mà tôi tin rằng tất cả chúng ta nên khao khát và làm việc để trưởng dưỡng. Dù sao đây chỉ là quan kiến của cá nhân tôi và bản thân tôi cần phải tiếp tục học hỏi rất nhiều từ các tình nguyện viên kỳ cựu và đặc biệt từ cuộc sống vô ngã vị tha của các bậc Thượng sư Giác ngộ.
Cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn, tất cả các đệ tử và tình nguyện viên, đặc biệt những người từng lân mẫn hay có sự kết nối và coi mình là đệ tử hoặc đạo hữu tâm linh của tôi: tôi thực sự khuyến khích các bạn tham gia chuyến bộ hành triều bái thánh địa Pad Yatra vào tháng 12 tới ở Srilanca. Lý do như tôi đã nói lúc ban đầu: tôi có trách nhiệm với tất cả các bạn. Đặc biệt đối với những ai đã đặt niềm tin vào tôi để nhận sự hướng đạo tâm linh. Mặc dù chưa đủ phẩm hạnh, song tôi vẫn có bổn phận và trách nhiệm đảm bảo để các bạn có được một lối sống mang lại hạnh phúc trong đời này và các đời kế tiếp. Và phương thức ở đây chính là hướng đạo và sách tấn các bạn trên con đường tâm linh. Được thúc đẩy bởi mong nguyện này, tôi khuyến khích các bạn tham gia hành hương triều bái thánh địa Pad Yatra. Nếu có thể thu xếp bạn hãy lên đường hành trình 1 tháng còn không thì 2 tuần, 1 tuần thậm chí chỉ cần một ngày cũng rất lợi lạc.
Có rất nhiều sự kiện ví dụ như hội nghị ADC là cơ hội để bạn cống hiến sức lực - theo quan điểm của việc thực hành tâm linh đó là phương thức tuyệt vời để tịnh hóa nghiệp xấu thông qua những hoạt động thể chất. Ngoài ra các bạn có thể thụ nhận những giáo pháp trân quý qua những chuyến nhập thất hay chuyên tu cộng đồng nhưng theo quan kiến của tôi, Pad Yatra kết hợp mọi khía cạnh của những sự kiện này bởi vì chuyến bộ hành bao hàm tất cả các yếu tố của việc thực hành tâm linh: rèn luyện thân, thụ nhận những giáo lý và thực hành các nghi lễ thường nhật như Ngondro hay Sangye Tsewa.
Hơn nữa Pad Yatra là cơ hội quý giá tuyệt vời để thụ nhận giáo lý từ Đức Pháp Vương - Hóa thân của bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng loài người. Đích thân Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến các thánh địa thiêng liêng ở Srilanca những nơi đã được Đức Phật gia trì. Mỗi ngày các bạn sẽ có 2 giờ để thụ nhận giáo lý, cầu nguyện và thực hành pháp cùng với Đức Pháp Vương. Trong một cuộc hành trình tâm linh như vậy, chúng ta sẽ thực hành trong mọi khoảnh khắc chỉ trừ lúc ngủ bởi vì chúng ta tỉnh thức và thực tập không ngừng nghỉ. Không giống như cuộc sống thế tục của chúng ta, nơi mà ta quên mất sự thực hành ngay trong khoảnh khắc kế tiếp. Trên hành trình Pad Yatra, nhờ việc liên tục đi bộ theo gót chân sen của bậc Thượng sư nên dù không trì tụng hay thậm chí tâm đôi khi bị lạc lõng đâu đó, bạn vẫn có thể thực hành hạnh nguyện nương theo bậc Thượng sư. Dĩ nhiên tốt hơn hết là bạn đồng thời trì tụng với tâm tỉnh thức. Và như thế công đức nhận được sẽ trọn vẹn nhất trong suốt quá trình bạn tham dự.
Tôi thật sự mong nguyện và sách tấn các đạo hữu nếu có thể hãy tham gia trọn vẹn chuyến hành hương một tháng này. Công đức và sự tịnh hóa sẽ tương đương như việc thực hành bốn pháp tu mở đầu. Và từ đó trở đi tôi sẽ không còn cảm thấy lo lắng cho các bạn nữa - các bạn sẽ có cuộc sống thế nào, có tự tin để đương đầu với những thách thức của cuộc sống không, điều gì sẽ xảy đến bạn trong các đời kế tiếp. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các bạn sẽ làm tốt sau khi được tịnh hóa, thực hành pháp và tích lũy vô lượng công đức qua chuyến bộ hành triều bái thánh địa Pad Yatra này.
Và đối với những người thực sự bận rộn và không thể tham dự trực tiếp, tôi khuyên các bạn nên tham dự trong tâm và cầu nguyện. Tôi không muốn áp đặt hay ép buộc bất cứ ai; tôi chỉ muốn khuyến khích những người có thể trải nghiệm cơ hội tuyệt vời và quý giá được tiếp cận Thượng sư trên bước đường thực hành tâm linh. Hình thức hành hương này sẽ không diễn ra nhiều lần và cơ hội này có lẽ không còn nữa ... , hy vọng là nó sẽ tiếp tục trong 5-10 năm tới nhưng sẽ không phải là mãi mãi. Do vậy khi có nhân duyên được các bậc Thượng sư tôn quý trực tiếp dẫn dắt và khi chúng ta có điều kiện, ta không nên bỏ lỡ những cơ hội như vậy.
Một lần nữa xin được tri ân tất cả thời gian, sự tận tâm và nỗ lực các bạn đã dành cho Truyền thừa. Các bạn luôn ở trong trái tim, ý nghĩ và lời cầu nguyện của tôi mọi nơi mọi lúc! Hẹn hạnh ngộ vào hội nghị thường niên ADC lần thứ tư sắp tới ở Ladakh.
Thân ái, Do Khampa.
(Nguồn: http://www.khamtrul.org/component/k2/item/682-reflection-on-being-a-volu...)
Viết bình luận
- 12 reads