Bạn đang ở đây
Pad Yatra: Bài học sinh thái từ dãy Himalaya gửi tới Thế giới
Dãy Himalaya là nơi dự trữ băng quyển lớn nhất trên trái đất ngoài hai vùng cực. Hiệu ứng nóng lên trên toàn cầu đã trở thành tiêu điểm cho mối quan tâm của chính quyền địa phương bởi tác động của nó tới môi trường, đặc biệt là khả năng gây ra những thiên tai thảm họa. Hiện tượng gia tăng nhiệt độ toàn cầu và băng tan chảy nhanh đã làm mất cân bằng nghiêm trọng hệ sinh thái nơi đây, khiến các điều kiện thời tiết xấu thông thường dễ dàng diễn biến thành thiên tai, đe dọa sinh mạng, đời sống và di sản văn hóa lịch sử của khu vực. Nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại cũng góp phần làm vấn đề trở nên trầm trọng. Chất thải từ nhựa gia tăng nhưng không hề có hệ thống tái chế hay xử lý rác thải, gây ô nhiễm và tiềm ẩn độc hại cho sức khỏe loài người. Nguồn nước dọc theo các dòng chảy băng tan đang là nguồn cung cấp nước sạch cho một nửa dân số thế giới.
Tháng 8 năm 2010, hàng loạt những cơn mưa lớn bất thần xối xả đổ xuống gây sạt lở, lũ quét và dòng rác thải làm ngập lụt cả vùng Ladakh, rất nhanh chóng đã tạo nên thiệt hại khủng khiếp và trở thành ác mộng của dân bản địa. Theo lời thuật lại của bà Darryl Hannah trong bộ phim mới công chiếu PAD YATRA: "Chỉ riêng tác động của đợt mưa này đã làm tổn hại và gây ra các vết thâm tím trên làn da", thông tin này truyền tải một cách rõ ràng mức độ tác động mà vùng này từng trải qua. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, bậc lãnh tụ tâm linh tôn quý trong khu vực, đã nhanh chóng đến nơi để khảo sát hậu quả, hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần với những người sống sót.
Trong buổi công chiếu ra mắt bộ phim PAD YATRA: A Green Odyssey (Hành trình Ô-đi-xê màu xanh) tại Công ty Á Châu ở New York, đồng giới thiệu bởi Liên Hiệp Quốc và tổ chức Sống Để Yêu Thương - nhà sản xuất của bộ phim, khách mời danh dự của chúng tôi chính là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, chủ nhân của giải thưởng Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, một giải thưởng ghi nhận những hoạt động nhân đạo và vì môi trường của Ngài. Trong chuyến công du hiếm hoi đến New York này, Ngài đã từ bi dành thời gian giao lưu với khán giả trong phần Pháp đàm sau buổi công chiếu: khơi gợi niềm cảm hứng vĩ đại để thực hiện những điều có ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người.
Bà Chủ tịch Paula Rice Jackson nồng nhiệt chào đón khán giả và hân hoan giới thiệu "một siêu phẩm. Đó là một bộ phim tâm linh, một bộ phim lấy trọng tâm về chủ đề sinh thái ... về đức tin, sự kiên định và mong muốn làm những điều lợi lạc cho mọi người quanh ta – một chủ trương nhân sinh lớn sẽ đến với chúng ta ngay tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York"
Là một bậc hướng đạo tâm linh tôn quý, Đức Pháp Vương truyền tải vô vàn cảm hứng tới mọi người chính từ tâm từ bi của Ngài dành cho chúng sinh cũng như sự trân trọng với thế giới môi trường xung quanh. Nhận thấy rằng phần lớn nguyên nhân của những sự kiện thảm họa sinh thái hiện nay đều là do tác động của các hoạt động con người, chỉ tập trung vào tranh giành lợi ích kinh tế, hám lợi và tiêu thụ vô chừng trong suốt một thời gian dài, Ngài tán thành phương pháp tiếp cận ôn hòa và xác đáng để tạo nên sự chuyển hóa tích cực trên thế giới. Trong bối cảnh này, còn gì phù hợp hơn một chuyến bộ hành ở quy mô lớn.
Hành hương Pad yatra, hay “hành trình tâm linh” trong Phạn ngữ, là một truyền thống cổ xưa trong vùng Himalayas, đã được Đức Pháp Vương chọn lựa như là một phương tiện thiện xảo để xúc tiến những thay đổi cấp thiết cho môi trường sống trong khu vực. Theo minh chứng của bộ phim truyền cảm này, có vô số thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực để làm được điều đó.
Vượt qua chặng đường hàng trăm dặm bằng đôi chân, đôi khi ở đô cao trên 17000 feet, những người hành hương đã hướng dẫn người dân bản địa về trách nhiệm bảo tồn hệ sinh thái khi đi qua các vùng làng mạc, như thu gom rác thải nhựa và loại bỏ hàng tấn vật liệu gây ô nhiễm từ các nguồn nước. Trải nghiệm muôn vàn thử thách về khả năng chịu đựng, các nhân tố khí hậu và môi trường, họ đã vượt qua những tổn thương, bệnh tật và những cơn đói khát.
Theo lời Đức Pháp Vương: "Mặc dù có nhiều chư Tăng - ni tham gia hành trình Pad yatra, nhưng giá trị của Pad yatra là hướng đến hết thảy nhân sinh, giúp họ nhận thức và hướng tới một cuộc sống giản đơn, có trách nhiệm và hữu ích hơn. Đây là những giá trị mà chúng ta từng được cha mẹ, thầy cô dạy bảo khi còn bé, nay chỉ cần ôn tập và làm sống lại giá trị đó qua hành động cụ thể”. Những hành động đơn giản như tái sử dụng túi xách khi đi mua sắm, uống nước máy thay vì nước đóng chai... thậm chí các bạn có thể thực hiên một Pad yatra nhỏ gọn của riêng mình như là nhặt rác trên đường từ cơ quan về nhà và ngược lại.
Đáng ghi nhớ là một vài khoảnh khắc cảm động giữa Đức Pháp Vương và người dân bản địa ở những vùng sâu vùng xa này. Những con người không thể kiềm nước mắt khi hạnh ngộ Ngài, họ vô cùng xúc động bởi tâm chí thành sâu sắc hướng đến bậc Kim Cương Thượng sư, là nét văn hóa đặc trưng của truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa.
Cùng trợ giúp và thúc đẩy tinh thần của những người hành hương là chư Ni của Truyền thừa Drukpa - còn được gọi là "Kung Fu Nuns" (Các ni sư võ học). Sự hiện diện của chư Ni rất được đón chào bởi họ tham gia với tất cả dũng lực nguyện dấn thân vào hành động lợi ích tha nhân. Các Ni sư đã khích lệ sách tấn những khách lữ hành đến từ Phương tây như Bà Carrie Lee - Chủ tịch của Tổ chức Quốc tế Sống Để Yêu Thương và em gái bà Wendy Lee - Đạo diễn và là nhà sản xuất của bộ phim này. Bà Carrie đã đánh giá thấp giới hạn chịu đựng của bản thân và giống như một số thành viên khác trong đoàn bộ hành, bà đã có những trải nghiệm tột bậc về lòng nhân ái và sự quan tâm của Tăng đoàn Drukpa trong những thời khắc khó khăn và hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Địa vị của Ni chúng trong Phật giáo – môi trường mà giới tính nam chiếm ưu thế - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đức Pháp Vương, Ngài đã áp dụng một chính sách tích cực để tôn vinh vị thế của Nữ giới. Ngài cung cấp cho chư Ni một nền giáo dục hiện đại cùng với kỹ năng lãnh đạo, đồng thời trưởng dưỡng lòng tự tin nơi các cô và qua đó nêu lên tấm gương cảm hứng tích cực cho những người phụ nữ trong khu vực. Trong chuyến viếng thăm của Ngài đến New York, khi tham dự một số phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc, Ngài đã đề cập đến Diễn đàn Phụ nữ Lãnh đạo. Ngài chia sẻ rằng: "Tất cả chúng ta phải cùng nhau loại trừ sợ hãi, nhất là giữa Nữ giới với nhau; không chỉ Nữ giới mà còn có trẻ em và tât cả mọi người chịu ảnh hưởng bởi nỗi sợ hãi. Bởi ai cũng có quyền sống không úy kỵ và Tâm vô uý là một phần thuộc về tự tính nguyên thủy của chúng ta "
Đức Pháp Vương đã sáng lập Tổ chức Sống Để Yêu Thương nhằm hỗ trợ các sáng kiến tích cực trong nhiều lĩnh vực xã hội: xây dựng các cơ sở y tế khẩn thiết phục vụ các vùng nông thôn nghèo, ứng phó cho những cộng đồng bị tác động bởi thiên tai, cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo cùng với những nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa tâm linh truyền thống. Tất cả nhưng điều này đều nhằm bảo tồn lịch sử và văn hóa địa phương. Một trong những dự án chính của Ngài là trường học Bạch Liên Hoa ở Ladakh đã giành được rất nhiều giải thưởng quốc tế bởi kiến trúc thân thiện với môi trường. Tuy bị vùi lấp bởi những trận lở đất năm 2010 nhưng ngôi trường vẫn đứng vững và hầu như không bị hư hại về kiến trúc, như để tiếp tục sứ mệnh truyền tải thông điệp vì môi trường của mình.
Mặc dù hành trình Pad yatra được chiếu trong bộ phim diễn ra một năm khi trước sự kiên thảm khốc ở Ladakh, nó rõ ràng đã có ý nghĩa báo hiệu những phản ứng của cộng đồng với những thảm họa này cùng phương thức ngăn ngừa. Một số khu vực đã đưa ra lệnh cấm sử dụng các sản phẩm bằng nhựa và hệ thống lọc nước uống đã trở nên phổ biến, dẫn tới việc loại bỏ dần nước uống đóng chai nhựa.
Còn có một dự án đã khánh thành và đang triển khai là dự án trồng hàng chục ngàn cây trong khu vực - một phần của cuộc cách mạng xanh để có thể chống lũ, ngăn sạt lở đất và các luồng rác thải. Trong ngày lễ trồng cây sắp tới ở Ladakh, Đức Pháp Vương hy vọng sẽ phá kỷ lục Guinness trước đây về số lượng cây trồng được trong một lúc bởi chính các tình nguyện viên của Ngài.
Đức Pháp Vương đã mời các khán giả tâm huyết tham gia chuyến bộ hành sắp tới khi Ngài giảng giải về tầm quan trọng của chuyến đi cho những ai quan tâm: đó là rèn luyện sự kết nối sâu sắc hơn với thế giới tự nhiên - điều mà phần lớn chúng ta đã bỏ qua, nhận thức được tầm quan trọng của núi non, cây cối và nguồn nước đối với thế giới và nhất là đối với từng cá thể... tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã lơ đãng bỏ qua.
Một số người quan niệm Pad yatra như là một cuộc hành hương tâm linh, theo Ngài điều này là đúng bởi vì nó có những giá trị nội tại nhất định. Ngài cũng có quan kiến cá nhân trên dựa trên quan điểm Phật giáo rằng tất cả các thảm họa thiên nhiên phần lớn do con người tạo ra theo cách này hoặc cách khác - qua sự phụ thuộc lẫn nhau và quan hệ nhân quả - như thế những hành động tiêu cực của con người đối với môi trường cũng sẽ tạo thành các bất thiện nghiệp dẫn đến nghiệp báo nhãn tiền với chính loài người.
"Nhưng nhìn từ góc độ rộng hơn, tôi có thể nói Pad yatra là tối quan trọng bởi đó là sáng kiến để kết nối bản thân chúng ta với thiên nhiên. Nếu không có thiên nhiên chúng ta không thể tồn tại trong thế giới này... Do vậy chúng ta phải xây dựng mối quan hệ tốt lành với thiên nhiên - điều này không chỉ đúng trên quan điểm tâm linh mà còn thật sự là một quan điểm khoa hoc rất hợp lý".
Mô hình sinh thái hiện đại của Pad yatra được thực hiện trong Truyền thừa Drukpa một mặt tôn vinh giáo lý cốt tuỷ của Phật giáo rằng mọi chúng sinh đều kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, mặt khác truyền tải trực tiếp một thông bạch quan trọng: Hãy xắn tay áo lên khi lắng nghe con tim mách bảo và hãy làm những điều có ý nghĩa trong cuộc đời thực, như những gì đang hiển hiện trong mắt nhìn.
Và đó cũng là tâm nguyện Đức Pháp Vương vì lợi ích hữu tình trong Pháp giới!
Paul Martin
Viết bình luận
- 66 reads