Bạn đang ở đây
Sự ngụy tạo trong đời sống
Bàn về sự ngụy tạo trong đời sống của bạn, vì việc đổ lỗi chính là bước thứ hai của ngụy tạo. Bước thứ nhất là chúng ta thường “dán nhãn mác” cho sự vật, rồi lại bám chấp vào chính những “nhãn mác” đó.
Để mọi thứ tự nhiên như nó đang là
Việc này là không đúng, nó dẫn tới nhiều rắc rối. Thay vì như vậy, bạn không nên bám chấp mà hãy để mọi thứ tự nhiên như nó đang là. Lấy ví dụ, khi bạn cho rằng một người nào đó là bạn tốt thì sự cố chấp này sẽ dẫn tới nhiều rắc rối, phiền muộn. Điều này không đúng và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sợ hãi. Bạn cũng có thể nhìn thẳng vào người đó mà nói: “Đây là một người xấu”. Nếu vậy thì bạn đang nói tới ai? Bạn thực sự không biết, chỉ phỏng đoán mà thôi. Theo tôi cách nói: “Tôi cho rằng đây là một người xấu” thì tốt hơn. Ý tôi là tất cả mọi người nên tôn trọng khi một người nói rằng: “Tôi nghĩ rằng đây là một người xấu”. Không cần thiết phải tranh luận về điều này.
Chẳng có thứ gì chắc chắn 100%
Tuy nhiên, nếu bạn quyết chắc 100% rằng “đây là một người xấu” hay “kia là người tốt” thì điều này sẽ gây ra rất nhiều rắc rối. Bạn không nên quyết chắc như vậy. Bởi vì chẳng có thứ gì chắc chắn 100% trên thế giới này. Nếu bạn cứ quyết đoán như vậy thì nhiều rắc rối phiền muộn sẽ xuất hiện từ sự bám chấp vô ích đó. Ví dụ, đối với một người bạn, nếu ngay từ lúc đầu gặp gỡ, bạn đã chắc chắn anh ta là một người tốt để cùng chung sống, thì dù sớm hay muộn suy đoán này cũng sẽ tạo ra một loạt những rắc rối gấp hai hay ba lần. Việc quyết đoán hay có những định kiến về một đối tượng bên ngoài, dù có thể tạm ổn trong một khoảng thời gian đầu, nhưng sau đó sẽ chẳng đem lại điều gì tốt đẹp và rất nhiều rắc rối lớn sẽ xuất hiện trong các mối quan hệ của bạn.
Chìa khóa của sự không bám chấp
Còn nếu bạn không bám chấp vào tri kiến của mình, thì bạn có thể sống với người bạn đó cho dù tốt hay xấu, bởi vì bạn đã nắm được chìa khóa của sự không bám chấp. Nếu không có kỹ năng hay sự hiểu biết thì tốt nhất là không nên quyết đoán hay gắn nhãn mác cho các đối tượng. Bạn không thấu hiểu “cái Tôi” khởi hiện từ đâu thì làm sao “cái Tôi” có thể quyết đoán điều này. Nếu cứ quyết đoán thì sự quyết đoán này bắt nguồn từ đâu và đến bằng cách nào? Do đó hai thuật ngữ “sự quyết đoán” hay “sự ngụy tạo”, tôi đang sử dụng là cùng như nhau. Bạn đã ngụy tạo người này là xấu, điều này không tốt chút nào vì nó làm bạn yên chí rằng người đó là xấu thật. Nếu bạn nhận ra và tuyên bố rằng: “Tôi nghĩ người này là xấu” thì cũng không sao, nhưng bạn đã không nói như vậy. Bởi vì bạn đang ngụy tạo; bạn đã quyết đoán rằng những gì bạn nói là hoàn toàn đúng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sợ hãi. Thế nên, nó thực sự là một chướng ngại và bạn không nên ngụy tạo bất kỳ một điều gì.
Giáo pháp cứu kính
Nếu không ngụy tạo thì chúng ta nên coi tất cả bạn bè, kẻ thù và mọi thứ khác là một phần trong đời sống của mình. Theo tri kiến và kinh nghiệm của tôi thì việc coi tất cả mọi thứ là một phần đời sống của bạn rất quan trọng và hữu ích. Đây là một bài học, một bài pháp vô cùng trọng yếu. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi buộc bạn phải theo, tôi chỉ muốn bạn nên tôn trọng bài học đó thông qua hiểu biết chân chính của mình.
Sự hiểu biết đó không phải là sự tôn kính về mặt hình thức, ví như cúi rạp đầu hay những nghi lễ tương tự. Bạn cũng không phải cúi đầu trước kẻ thù và thú nhận đây là sự ngụy tạo của bạn. Bạn chỉ cần cư xử một cách chân thành, chỉ phải giữ mối quan hệ kính trọng với họ, rồi tất cả mọi thứ sẽ trôi chảy tự nhiên. Cuộc sống của bạn sẽ tự do, thật tuyệt vời bởi tất cả mọi thứ đều nâng đỡ, chở che cho bạn. Ngay cả kẻ thù cũng sẽ nâng đỡ bạn, giúp bạn có thêm sự hiểu biết trí tuệ, tình thương, lòng từ bi và sự thực hành. Như vậy, bạn sẽ đạt được toàn bộ giáo pháp cứu kính.
Tôi gọi đó là giáo pháp cứu kính, không biết người khác có dùng thuật ngữ này hay không, nhưng thực sự Giáo pháp cứu kính rất vĩ đại. Bạn gặp kẻ thù và kẻ thù sẽ mang lại cho bạn một giáo pháp hoàn hảo, một bài học ý nghĩa. Bạn gặp một người bạn và tất nhiên người đó cũng mang lại cho bạn một bài pháp tuyệt vời. Dù bạn có phải trải qua bất kỳ điều gì như thời tiết nóng hay lạnh, khó khăn hay thuận lợi… thì tất cả những điều đó đều là trải nghiệm lớn lao, vì chúng sẽ trợ giúp cho bạn thành tựu trí tuệ nội chứng - món quà và mục đích lớn nhất của một kiếp người!
(Trích ấn phẩm “Vô Úy trong thời Mạt pháp”
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
- 148 reads