Đức Pháp Vương khai thị cách để chuyển hóa sự sợ hãi | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Pháp Vương khai thị cách để chuyển hóa sự sợ hãi

243
24/08/2021 - 19:30

Hỏi: Kính bạch Pháp Vương! Xin Pháp Vương từ bi chỉ dạy bằng cách nào chúng con có thể chuyển hóa sự sợ hãi. Pháp Vương đã dạy chúng con nên sống vô úy, nhưng theo hiểu biết nông cạn của con về cuộc đời Ngài Milarepa, thì chính sự sợ hãi trước những khổ đau trong địa ngục đã trợ giúp Ngài trên con đường tâm linh. Xin Pháp Vương khai thị cho chúng con: Nếu còn sợ hãi thì chúng con có thể chuyển hóa và áp dụng nó như thế nào?


Đức Milarepa

Đáp: Trong trường hợp của Đức Milarepa, tôi không biết thông điệp bí mật của Ngài là gì, nhưng theo hình thức bề ngoài thì Ngài sợ địa ngục và đau khổ, đó chính là sự sợ hãi. Sự sợ hãi đó đã được tận dụng để chuyển hóa, nên Ngài đã trở thành bậc Vô úy. Đây là điều mà chúng ta hằng mong muốn. Nếu chúng ta sợ hãi một điều gì thì sự sợ hãi cần được giảm thiểu tối đa; nó là một sự trải nghiệm vĩ đại và là nguyên nhân mang lại giải thoát. Khi biết mình đang sợ hãi, bạn phải coi trọng, tận dụng cơ hội này như một phần trong đời sống, hơn là bỏ mặc hay phát triển và biến nó thành thù hận.

Tất nhiên sân giận là hình thức của sự sợ hãi, nó sẽ biến thành thù hận và điều đó chẳng bao giờ đem lại một điều tốt đẹp nào. Bởi vậy khi sự sợ hãi xuất hiện thì bạn nên coi nó là một bài học, hãy tận dụng cơ hội chuyển hóa này trong đời sống.

Có rất nhiều mức độ để chuyển hóa sự sợ hãi. Tôi không biết cấp độ chuyển hóa của Đức Milarepa như thế nào, nhưng ở cấp độ thấp nhất của chúng ta và cũng là cấp độ của tôi, chúng ta phải tìm ra sự sợ hãi bắt nguồn từ đâu. Chúng ta phải tìm ra nghiệp là gì? Bạn có thể sử dụng từ này – Đạo Phật và nhiều tôn giáo khác đều dùng từ Nghiệp. Dù gì đi nữa, điều trọng yếu là phải biết được sợ hãi đang bắt nguồn từ đâu? Hãy quán chiếu tường tận nguồn gốc sự sợ hãi, khi đó bạn sẽ tìm ra giải pháp để loại trừ hay sử dụng nó. Có rất nhiều cấp độ nhưng bạn phải cố gắng tận dụng hơn là sợ hãi chính sự sợ hãi và tránh né nó. Ở mức độ của chúng ta, bạn không nên lẩn tránh mà hãy sống thân thiện, hãy tận dụng và chuyển hóa nó. Việc cố gắng lẩn tránh thực tại không phải là phương thức đúng đắn. Đó là lý do tại sao tôi nói hãy đừng cố lẩn tránh mà hãy sống tỉnh thức với thực tại, khi đó chúng ta sẽ có được giải pháp ở cấp độ nhận thức này.

Hỏi: Có phải nỗi sợ hãi sinh ra cùng chúng con hay không?

Đáp: Sự sợ hãi? Nói về tiềm năng thì tôi cũng nghĩ là như vậy, đây hoàn toàn là một quan niệm Đạo Phật. Tôi không rõ quan niệm của các tôn giáo khác như thế nào, nhưng tôi tin rằng sự sợ hãi sinh ra cùng chúng ta, vì chúng ta tin vào đời quá khứ và đời tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta đồng ý với điều trên, nhưng có thể một vài tôn giáo khác thì không, bởi vì một đứa trẻ khi sinh ra, có vẻ như đứa trẻ đó vô úy. Tôi muốn nói đến một đứa bé ngay lúc mới chào đời, nhưng tôi cũng không dám chắc điều đó, vì thực sự chúng khóc rất nhiều!

Hỏi: Bằng cách nào chúng con có thể tận dụng chuyển hóa nỗi sợ hãi? 

Đáp: Bạn hãy tận dụng chuyển hoá sự sợ hãi như một bài học. Nếu bạn còn chấp nặng bản ngã thì chẳng có cơ hội nào để coi sự sợ hãi là một bài học hay là tiền đề của giải pháp. Bởi vậy bạn phải nỗ lực để biết rằng sợ hãi chính là sự phóng chiếu bản ngã của bạn. Đó là một bài học, nhưng liệu bạn sẽ có được bài học đó bao nhiêu lần. Bạn có thể có được bài học nhiều lần, nhưng nó sẽ không hữu ích nếu bạn không đạt được bất kỳ điều gì từ đó. Lấy ví dụ, bạn bị va đầu vào cửa vài lần, khi đó bạn bị đau và đó là một bài học giúp bạn biết được nguyên nhân của cái đau. Nếu bạn biết được nguyên nhân thì bạn sẽ tìm ra được giải pháp để loại bỏ nó. Tương tự như vậy, nếu bạn cảm thấy gặp những rắc rối về thể chất cũng như tinh thần, bạn nên biết nó thực sự đến bằng cách nào, đâu là nguyên nhân của những rắc rối này. Khi đó bạn sẽ có giải pháp để loại bỏ nó, hơn là đổ lỗi cho cái cửa. Còn nếu bạn đổ lỗi cho cái cửa thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn hãy tìm lỗi nơi chính mình, cánh cửa này hơi quá to, chắn ngang đường cho nên bạn phải làm một điều gì đó để giải quyết nó. Giải pháp được đưa ra nhờ vào sự đau đớn, sự sợ hãi hay sự không thoải mái mà bạn đã trải nghiệm.   

(Trích ấn phẩm “Vô úy trong thời Mạt pháp”

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,116,016
Số người trực tuyến: