Tâm chí thành thanh tịnh không còn vướng mắc với tình cảm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tâm chí thành thanh tịnh không còn vướng mắc với tình cảm

673
16/09/2022 - 19:21

Tâm chí thành là một hình thức của sự hiểu biết. Đây là điều cốt tủy khi đàm luận về tâm chí thành. Trong các giáo phái, trong các tôn giáo khác phẩm hạnh này có thể có những tên gọi, danh hiệu và cách biểu đạt khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều cốt yếu là phải có sự hiểu biết chân thực về tâm chí thành.

Có rất nhiều người còn chưa thấu tỏ giữa tâm chí thành và tình cảm bởi xét về phương diện thực hành, họ chỉ cố gắng trở thành những tín đồ sùng đạo, khi đó tâm họ sẽ tự nhiên trở nên tràn đầy những tình cảm. Nhiều Phật tử đang thực sự nhiệt tâm tu tập nhưng trong tâm họ lại nảy sinh tình cảm, tràn đầy những tình cảm phức tạp. Khi đó, họ gặp rất nhiều chướng ngại rắc rối trên con đường đạo thậm chí hơn cả thời điểm họ mới vào đạo.

Đây là một thực tế đang diễn ra không chỉ trong Phật giáo mà cả ở nhiều tôn giáo và những đức tin khác; căn nguyên của chúng bắt nguồn từ những hiểu biết sai lầm của chúng ta. Với tư cách là một hành giả chân chính, bạn nên suy xét, quán chiếu tường tận về mọi điều đang diễn ra, chân tướng của sự vật là như thế nào, đâu là phương pháp tiếp cận và hiểu biết chân thực về chúng. Đây là tất thảy những điều mà bạn – một hành giả chân chính phải thấu đáo.

Chân lý cứu kính siêu vượt mọi tôn giáo, tín ngưỡng 

Là một hành giả Phật giáo, tôi xin đàm luận từ quan điểm, thế giới quan của Phật giáo. Tuy nhiên, thông thường tôi luôn nhắc tới chân lý cứu kính – chân lý siêu vượt mọi tôn giáo và những tín ngưỡng khác nhau v.v… bởi tôi thực sự không hoan hỷ xưng hô mình là ai, loại tín ngưỡng nào mà tôi đang theo và như vậy bạn hãy nên theo tín ngưỡng đó. Tôi không thích kiểu xưng hô như vậy chút nào bởi vì nó sẽ tạo ra nhiều chướng ngại. Từ vô thủy tới nay, chúng ta đã tạo rất nhiều chướng ngại và chính chúng mang lại cho chúng ta ngàn vạn rắc rối, chướng ngại phiền não thống khổ. Hầu hết những rắc rối, chướng ngại mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay đều là kết quả của những chướng ngại mà chúng ta đã tạo, đã tích lũy trong quá khứ. Bởi vậy, chúng ta không mong đợi một loại trở ngại nào dù về phương diện tâm linh hay về mặt vật chất thế gian. Một khi còn có bất kỳ trở ngại nào thì chẳng có thể mang lại những điều tốt đẹp cho chúng ta. Đó cũng là lý do tôi không muốn đàm luận về bất cứ điều gì cụ thể liên quan tới một tín ngưỡng, một tôn giáo hay một lĩnh vực riêng biệt nào.

Tuy nhiên, chủ đề của chúng ta là lòng chí thành và tình cảm được nhìn nhận từ góc độ tâm linh, do đó, tôi chẳng bị ràng buộc vào một tôn giáo cụ thể nào, tôi được tự do để nói về tu tập tâm linh; tôi thích dùng cách diễn đạt “tâm linh”, bởi tâm linh là vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta. Vật chất thế gian bên ngoài rất hữu ích cho chúng ta nhưng chúng chỉ là nhất thời và hữu hạn, chúng không đáng tin cậy. Điều duy nhất mà chúng ta có thể tin tưởng và thực sự tu tập là tâm linh, đó cũng chính là bản tâm.

Khổ đau hay hạnh phúc đều bắt nguồn từ tâm

Tôi luôn thích sử dụng rất nhiều dẫn dụ về hạnh phúc và khổ đau. Mỗi người có thể viện dẫn nhiều lý do cho hạnh phúc hay khổ đau của mình, có thể hạnh phúc bởi ta có một người bạn hòa hợp, có thể bạn đang thưởng thức món ăn ngon, hay bạn đang được hưởng một thời gian tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực phải được xuất phát từ tâm. Chính tâm chứ không phải bất cứ sự vật nào có thể mang lại cho bạn cả hạnh phúc cũng như khổ đau. Tâm là căn nguyên cho hết thảy mọi điều, từ hạnh phúc tới khổ đau v.v…Bởi vậy, những sự vật bên ngoài trong mọi lúc chỉ là tác động mang lại hạnh phúc và khổ đau. Khổ đau và hạnh phúc, dù cho là bất kỳ cảm xúc nào thì đều bắt nguồn từ nội tâm bạn.

Tôi thấy trong các truyền thừa, giáo phái và những tín ngưỡng thì không nên quy loại các Đạo sư tâm linh bởi vì sẽ tạo ra những bất đồng hỗn loạn làm cho nhiều người bối rối hơn, thù hận và ích kỷ hơn. Những trở ngại này đã được kiến lập kiên cố từ rất lâu rồi; và bây giờ là thời điểm trọng yếu cho chúng ta phải tìm ra con đường đạo chân chính. Chúng ta phải liễu ngộ, thực chứng tự tính tâm bản lai để thấu hiểu thực tướng của hết thảy mọi hiện tượng. Chỉ có tinh tiến tu tập trên con đường đạo, bạn mới có thể thành tựu được mục đích cao quý này. Nếu chỉ trên con đường vật chất thế gian thì bạn sẽ không thể đạt được giải thoát, tất nhiên con đường vật chất thế gian cũng có thể trợ giúp rất nhiều cho bạn.

Tất cả mọi người đều mong cầu hạnh phúc

Tôi chắc chắn rằng, thậm chí những người chỉ có niềm tin thế tục thôi cũng luôn mong cầu hạnh phúc, chẳng có ai mong muốn khổ đau cả. Bởi vậy, chúng ta hết thảy ai ai cũng đều cố gắng nỗ lực tìm cầu hạnh phúc. Những hành giả đang nhiệt tâm tu tập những pháp tu khác nhau như thiền định, yoga…đều mong nguyện tiêu trừ khổ đau và tất nhiên cả những ai không tín tâm vào con đường đạo cũng tìm đủ cách để cho mình hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc chân thực chỉ thực sự đến từ con đường tâm linh, con đường mà hiện nay, ngay giờ đây chúng ta chưa thấu tỏ. Do đó, thay vào việc nhất tâm chí hướng tu tập tâm linh thì chúng ta lại cứ luôn tìm cầu một phương pháp khác, một phương pháp tương đối, đôi lúc có thể mang lại kết quả tốt đẹp nhưng đôi lúc lại không và cứ như vậy, nó được chúng ta kiến lập bền chắc, kiên cố qua nhiều năm.

Đối với tất thảy mọi người dù có niềm tin tôn giáo, niềm tin vào đời sống kiếp sau hay không thì hạnh phúc vẫn là điều quan trọng nhất. Chúng ta tự có thể suy xét lại xem, chúng ta đang làm gì trên cõi đời này và có một điều chắc chắn rằng, hạnh phúc là thứ được mong cầu nhất. Nhưng chúng ta đã làm gì để có được chân hạnh phúc? Kết quả thực sự của tất cả những điều mà chúng ta làm là gì? Những kết quả này có thực sự được thỏa mãn hay không? Hãy tự suy xét tường tận những điều này và khi đó chúng ta sẽ chắc chắn nhận chân được tầm quan trọng của tâm linh cũng như của con đường tâm linh đến mức độ nào. Qua đó giúp chúng ta có được tâm chí thành – tâm chí thành thanh tịnh không còn vướng mắc bất kỳ những tình cảm chướng ngại.

(Trích ấn phẩm “Hành trình tâm linh siêu việt”

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,031,352
Số người trực tuyến: