Bạn đang ở đây
Trân trọng lẫn nhau
(For original English article, please click here)
“Trân trọng” nghĩa là gì? Đa phần trong số chúng ta thường chỉ nghĩ đến việc chúng ta được mọi người tôn trọng hay không và tôn trọng như thế nào. Hiếm khi chúng ta nghĩ rằng sự tôn trọng phải đến từ hai phía. Nếu biết tôn trọng và trân trọng mọi người, tự nhiên chúng ta sẽ được tôn trọng và trân trọng trở lại. Điều này là lẽ đương nhiên. Song rất nhiều người trong chúng ta lại không tin như vậy, vì thế chúng ta thường thiếu tôn trọng hoặc chà đạp lên người khác và tự cho rằng mình là nhất. Vì thế nên khi không được người khác quan tâm, chúng ta có thể vô cùng bất mãn và bực tức.
Có thể lấy thí dụ về môi trường, chúng ta không hề biết tôn trọng nên thiên nhiên luôn phản ứng lại rất tiêu cực bằng những trận thiên tai, thời tiết bất thường và chúng ta phải gánh chịu thiệt hại đau khổ. Tương tự như vậy trong mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người xung quanh. Thông thường, chúng ta luôn cảm thấy và tin rằng mình là nhất và lúc nào mình cũng đúng, còn những người khác luôn sai. Khi có điều gì bất như ý, chúng ta thường đổ lỗi cho người khác, chẳng bao giờ buồn suy xét hoàn cảnh hay tự nhìn lại chính bản thân. Tôi không nghĩ đây là một cách hành xử thông minh. Điều này chỉ luôn khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn trở ngại.
Trong thời gian diễn ra ADC lần thứ 4 vừa qua tôi cảm thấy rất hoan hỷ. Các buổi họp và luận đàm đã diễn ra tốt đẹp, tôi nghĩ chủ yếu cũng do Hội nghị đã mở rộng việc luận đàm để đại chúng có thể tham dự và đóng góp. Những màn giao lưu văn hóa được trình diễn vô cùng ấn tượng. Ai nấy đều cố gắng hết sức để thể hiện mà không hề khởi tâm muốn thu hút sự chú ý hay trở nên nổi danh. Tất cả chúng tôi đều rất hoan hỷ vì được cùng nhau tham dự pháp hội. Không có ai than phiền hay cảm thấy căng thẳng. Đặc biệt tôi muốn tỏ lòng tri ân tới Ngài Thuksey Rinpoche và Ngài Langna Rinpoche đã đứng ra hướng đạo và tổ chức pháp hội thành công viên mãn. Tôi cũng rất trân trọng nỗ lực của Hội Thanh niên Drukpa và chư tăng Tự viện Hemis. Tôi thấy Hemis dường như đã chuyển mình trở thành một mạn đà la sống động tràn ngập từ bi và trí tuệ.
Như tôi vẫn thường nhắc, chúng ta đã nói quá nhiều, giờ hãy đứng lên và hành động. Tôi nghĩ ADC cũng là một hình thức hành động. Và đương nhiên, một trong những hoạt động nổi bật trong lần này là chiến dịch trồng cây. Đây thực sự là một cách tuyệt vời để tích lũy công đức và góp phần bảo vệ mẹ thiên nhiên. Thay vì chỉ nói, ít nhất lần này chúng ta đã có hành động cho đi. Trong mỗi mối quan hệ đều phải cần có sự cho và nhận, cho dù là giữa người với người hay giữa hữu tình với thiên nhiên. Tất cả chúng ta đều có nhân duyên với nhau, sẽ thật điên rồ nếu nghĩ rằng chúng ta có thể sống biệt lập trên thế giới này.
Chúng tôi rất cảm động được đón nhận sự trợ duyên từ chính quyền địa phương Ladakh, Ấn Độ cũng như từ Bhutan. Tự sâu thẳm trong tâm, tôi muốn gửi lời tri ân tới chính quyền Bhutan đã gửi tới cho chúng tôi một người bạn lớn, Ngài Lyonpo Minjur Dorji cùng rất nhiều đại biểu khác tới tham dự ADC. Chính quyền Ladakh cũng như quân đội quốc gia đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong suốt quá trình chuẩn bị. Nếu không có sự trợ giúp của mỗi người tới từ khắp nơi trên thế giới, thì sẽ không thể nào có được hội nghị ADC tại Hemis vào thời gian này trong năm.
Tôi rất mong tới Hội nghị ADC lần sau và tin tưởng sâu sắc rằng mỗi năm chúng ta sẽ càng tổ chức tốt hơn nữa.
Viết bình luận
- 54 reads