Bạn đang ở đây
An trụ trong Tự tính tâm - diện kiến Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara Tối thượng
Sau khi đã quán chiếu bằng trí tuệ quan sát, phân biệt và sau khi đã có hiểu biết rõ ràng về tự tính của thực tại, đó chính là lúc hành giả thực hành an trụ trong tự tính tâm bình đẳng xả.
Thượng sư Tịch Thiên Shantideva dạy: “Khi tâm bạn không hề có vọng tưởng về bất kỳ điều gì là thực chắc hay không thực chắc, tại thời điểm đó, bạn không cần nắm bắt thứ gì trong tâm, mà chỉ hoàn toàn an trụ tự tính không vọng tưởng”. Sau khi đã chứng ngộ vạn pháp đều giống như cầu vồng hay huyễn ảnh, thì chẳng có thực tại thực chắc nào đối với chủ thể của nhận thức hay đối tượng được nhận thức cả, chúng ta không phân biệt nhị nguyên về bất kỳ điều gì. Chỉ cần an trụ như vậy, hoàn toàn an lạc.
Việc thực hành an trụ trong Tự tính tâm có thể diễn ra như sau:
- Hãy ngồi nguyên trong tư thế bảy điểm của Đức Phật Đại Nhật, và hít thở tịnh hóa.
- Bằng thực hành thiền định (shamatha), chúng ta đã trải nghiệm một trạng thái tâm thư thái, không còn vọng tưởng nhưng lại khá sáng rõ.
- Ngoài các thuộc tính này, chúng ta không cần tạo tác, loại bỏ, chấp nhận hay lảng tránh bất kỳ điều gì. Đơn giản là hãy tiêu trừ mọi suy nghĩ, để tâm tập trung theo đúng nghĩa, không còn mọi vọng tưởng.
- Nói theo cách khác, hãy an trú trong tự tính, tựa một bầu trời rộng mở, hoàn toàn sáng rõ, và cứ tiếp tục như vậy.
Trong thực hành này, hành giả cần hiểu Minh sát tuệ ở đây không phải là một trí tuệ cụ thể nào mà chúng ta cần cố gắng duy trì. Minh sát tuệ không có nghĩa là việc tạo tác hay có bất kỳ ý nghĩ nào trong tâm. Minh sát tuệ không có tạo tác, chỉ an trú trong tự tính tâm. Một luận giải có tựa đề Bảo Tạng Vô Sinh dạy rằng: “Khi không còn bất kỳ vọng tưởng nào và không nghĩ đến bất cứ thứ gì, chỉ an trú không vọng tưởng là kho tàng quý báu của tự tính vô sinh”. Trong các khai thị, sự hướng đạo về Minh sát tuệ chính là không tạo tác, không vọng tưởng.
(Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara)
Trong lúc thiền về Minh sát tuệ ở giai đoạn này, hành giả phải luôn nhớ rằng thực sự không có đối tượng để thiền hay trưởng dưỡng, đồng thời, chúng ta không để tâm sao nhãng khỏi việc thiền, dù chỉ trong khoảnh khắc. Chúng ta chỉ an trú trong tự tính sáng rõ và tỉnh thức, và duy trì sự an trụ đó. Đó là thiền tự tính! Còn sau khi thiền, hành giả phải lưu ý duy trì nhận thức và niềm tin rõ ràng về mọi sắc tướng và nhận thức đều là huyễn ảo, hay tựa như một giấc mộng. Cùng lúc, hãy bi mẫn theo dõi chúng sinh đang trầm chìm trong khổ đau luân hồi do vọng tưởng rằng bản thân và vạn pháp đều là thực chắc. Chúng ta có lòng bi mẫn sâu sắc đối với tất cả chúng sinh, lòng bi mẫn đó bất khả phân với tính không, không có chủ thể và đối tượng nhận thức. Hãy thực hành như vậy cho đến khi có niềm tin kiên cố vào tự tính của thực tại, là tự tính bản lai của bạn. Trí tuệ siêu việt này - trí tuệ Bát Nhã - chính là Đức Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara Tôn quý Tối thượng. Thành tựu thực hành này, chúng ta được diện kiến Đức Tara Tối thượng.
Drukpa Việt Nam biên soạn
Các bậc Thầy giác ngộ đã dậy: Chúng ta nên tu trì pháp tu Phật Quan Âm Độ Mẫu Tara miên mật để vượt qua những chướng ngại, bệnh tật, nghèo đói, những nỗi sợ hãi thế gian; đồng thời để khơi dậy tình yêu thương và lòng từ bi trong bạn.
Tài liệu và hướng dẫn tu tập tại đây: http://daibaothapmandalataythien.org/quanam
- 1171 reads