Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 2) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử? (Phần 2)

75
08/10/2022 - 18:25

Tôi đang dùng thuật ngữ “đạo Phật” bởi vì chủ đề pháp đàm hôm nay là về “Đạo Phật”. Nếu không, tôi cũng sẽ nói rằng điều này đúng với bất kỳ trường phái tôn giáo nào chứ không chỉ riêng đạo Phật. Vấn đề phân biệt dòng phái, thiếu hạnh từ bi, tình thương chân chính, cảm xúc, mối liên hệ với hữu tình, thiếu tâm chí thành, tất cả những xúc tình tiêu cực hay những yếu điểm này tồn tại do thiếu tri kiến về chân lý vũ trụ. Đó chính là nguồn gốc của rất nhiều sự yếu kém trong đời sống tâm linh của chúng ta.

Con đường sống của đạo Phật chính là con đường sống của triết lý vũ trụ

Giáo pháp, truyền thống và cách sống của Đạo Phật là con đường sống của chân lí vũ trụ. Điều này không chỉ áp dụng cho một quốc gia cụ thể nào. Chẳng hạn như Phật giáo Himalaya bắt nguồn từ Himalaya, vì thế chúng ta gọi là Phật giáo Himalaya. Truyền thống Phật giáo này đã tiếp nhận những ảnh hưởng của nền văn hóa và truyền thống Himalaya, những yếu tố này hoàn toàn độc lập với đạo Phật. Có rất nhiều điều thực sự thuộc về văn hóa, truyền thống, phong tục của Himalaya, và những điều đó không thuộc về đạo Phật. Bởi vậy, khi tiếp cận Phật giáo Himalaya, bạn cần nhận thức được phần nào là đặc trưng văn hóa Himalaya và phần nào là đạo Phật. Tương tự, Phật giáo Ấn Độ cũng chịu những ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ. Thực chất, Phật giáo ở mỗi nơi đều mang rất nhiều sắc thái văn hóa địa phương. Như vậy, đạo Phật và văn hóa là hoàn toàn tách biệt. 

Đạo Phật là một triết học

Bản thân đạo Phật vốn không gắn với một nền văn hóa. Tôi tin như vậy. Và tôi cũng không cho rằng đạo Phật là một tôn giáo. Đạo Phật là một triết học. Đó là lý do vì sao tôi nói nền tảng đạo Phật cần được tạo dựng bên trong bạn nhờ vào chính kiến. Đạo Phật luôn tôn trọng nền văn hóa quốc gia nơi Phật pháp được thực hành. Nhưng các nền văn hóa lại thường không tôn trọng đạo Phật.

Chẳng hạn như ở Ấn Độ, chư tăng vận y theo văn hóa Ấn Độ. Theo giới luật Vinaya (có nghĩa là “giới hạnh của tu sĩ”), chư tăng ni không được phép vận y màu trắng hoặc gần với màu trắng. Tại sao thế? Vì khí hậu ở Ấn Độ rất nóng, do vậy, đa số người dân Ấn Độ mặc đồ màu trắng. Bởi vậy, để phân biệt giữa tăng sĩ với người dân, chư tăng ở Ấn Độ được khuyến cáo vận y màu nâu sẫm, chỉ để nhận biết rằng đó là tu sĩ chứ không phải người thế tục.

Chư tăng Ấn Độ được phép vận y màu nâu sẫm, màu cam hoặc màu xanh dương. Những màu sắc này được cho phép trong giới luật. Nhưng khi giáo lý về giới luật Vinaya truyền sang Himalaya thì lại có thêm một lần sửa đổi. Tại Himalaya, tăng sĩ không được phép vận y màu xanh dương vì tại vùng đất này đa số người dân mặc đồ màu xanh dương hoặc những gam màu sẫm để thích nghi với điều kiện thời tiết lạnh giá. Vì thế, người ta sửa giới luật và quy định tăng sĩ không được vận y màu xanh dương. Vậy là chỉ còn hai màu được phép dùng cho tu sĩ – màu đỏ nâu và màu cam. Vậy bạn nên biết trên bình diện tương đối, tất cả đều phụ thuộc vào văn hóa và những gì phù hợp với văn hóa. Chính Đức Phật Thích Ca cũng từng dạy rằng: “Giáo pháp của ta phải được giảng dạy để phù hợp với chúng sinh ở nơi giáo pháp được hoằng truyền”. Bạn biết đấy, đây cũng là chỉ dẫn hoặc dấu hiệu để nhận biết rằng giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp mang tính vũ trụ.

Đôi lúc, có những người nhìn thấy một chiếc cặp da, một tấm đệm ghế hay một thứ gì khác có màu nâu hoặc vàng, họ nói: “Đây là màu của Phật và điều này thật cát tường”, do muốn tôi hoan hỉ bởi họ biết tôi là Phật tử. Tất nhiên, tôi mỉm cười và nói: “Cảm ơn bạn”. Song điều này khá buồn cười vì đạo Phật thực sự không có màu sắc nào, và đạo Phật không nên thiên vị bất kỳ màu sắc nào.

Vậy nếu bây giờ bạn nói rằng theo truyền thống đạo Phật, bạn phải làm điều này hoặc điều nọ, thí dụ như bạn phải để vai trần thì mới giống một tu sĩ - ở Ấn độ, điều này là lẽ đương nhiên và bạn không cần vận y trên vì thời tiết quá nóng. Nhưng sang tới Himalaya, tất nhiên, chính giới luật Vinaya cũng có đôi chút sửa đổi và chư tăng phải vận rất nhiều y, không chỉ phần dưới mà cả phần thân trên. Điều này chỉ được phép ở Himalaya, không phải ở Ấn Độ, vì thời tiết Himalaya vô cùng lạnh giá.

Điều tôi muốn nói ở đây là tất cả các quy tắc về màu sắc, y phục, luận đàm, thực hành nghi quỹ, cách đi đứng, đầu tóc… tất cả những điều phức tạp này đều không thực sự quan trọng. Những thứ đó không phải là đạo Phật. Đó chỉ là yếu tố văn hóa và không thực sự quan trọng, vì chúng không giúp ta tiếp cận tới nền tảng của đạo Phật. 

Đạo Phật chân thật không phụ thuộc vào quốc gia, truyền thống và văn hóa

Bất kể bạn mang quốc tịch nào hay mặc quần áo màu gì, nền tảng của đạo Phật cần phải được tạo dựng bên trong chính bạn. Điều này có nghĩa là Tâm bạn cần được chuyển hóa. Những chuyển hóa này là dấu hiệu tinh tấn của Tăng sĩ theo Phật. Những dấu hiệu khác nhau mang những ý nghĩa, những tượng trưng khác nhau của Chân lý, tượng trưng cho nguyên lý căn bản của đạo Phật tức là Chân lý. Đó là điều bạn cần hiểu. Tôi nghĩ điều này vô cùng quan trọng để có thể thực hành Phật pháp chân chính.

Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng dạy rằng Ngài chưa từng thuyết một câu, một từ Pháp nào. Đức Phật cũng dạy nếu ai đó chấp vào sắc cho là thấy Ngài, chấp âm thanh cho là nghe giáo pháp của Ngài thì người này không phải là chân Phật tử. Ngài cũng dạy tiếp rằng, đạo Phật hay triết lý Phật giáo không nên được coi là một văn hóa hay truyền thống cần thuyết giảng. Điều đó nghĩa là cần dẹp bỏ những rào cản giữa chúng ta với đạo Phật.

Bạn biết đấy, đây thực sự là rào cản rất lớn. Chúng ta có rất nhiều điều không được làm và cũng có rất nhiều điều phải tuân theo. Và những mâu thuẫn do đó nảy sinh. Mâu thuẫn là do ảnh hưởng của văn hóa. Đạo Phật chân thật không có liên hệ gì với những điều này. Đạo Phật hoàn toàn tự do thoát khỏi tất cả những mâu thuẫn này. Mặc dù lý thuyết này rất đúng, song rất tiếc chúng ta vẫn cần tuân theo những giới luật phức tạp của Đạo Phật.

(Trích ấn phẩm: “Những hành giả Yogis của Truyền thừa Drukpa”

Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Tham khảo thêm

Ý nghĩa của việc trở thành một Phật tử (Phần 1)

 
Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,039,141
Số người trực tuyến: