Bạn đang ở đây
Đức Phật Thích Ca: Hành Trình Xuất Gia Vĩ Đại Thay Đổi Nhân Loại


1. Một Con Người Xuất Chúng, Một Sứ Mệnh Vĩ Đại
Cách đây gần 3 nghìn năm, một thánh nhân xuất chúng, một bậc giác ngộ siêu việt đã đến với cuộc đời với mục đích duy nhất chỉ cho loài người con đường thoát khổ để tìm về tự do và hạnh phúc chân thật. Đó là Đức Phật Thích Ca – một con người có thật trong lịch sử!
Mặc dù sinh ra làm thái tử con vua, sống trong cung vàng điện ngọc, với đỉnh cao của quyền lực và vinh quang, hưởng thụ tột đỉnh ngũ dục là những gì mà hết thảy người thế gian đều khao khát muốn có, nhưng thức tỉnh bởi sự thật sinh già bệnh chết của cuộc đời, Ngài đã rời hoàng cung, bỏ lại sau lưng tất cả: từ vợ đẹp con khôn, cung điện tráng lệ, cuộc sống vương giả đến cả vương triều huy hoàng để dấn thân vào một hành trình cầu đạo giác ngộ đầy chông gai đơn độc không rõ đích đến ở phía trước.
Bởi vậy, sự kiện xuất gia tìm đạo được coi là một trong Tám tướng thành đạo trong cuộc đời Đức Phật, là một sự kiện gây chấn động và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với toàn bộ lịch sử loài người. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 8 tháng 2 Âm lịch, những người con Phật từ khắp nơi trên thế giới đều lắng tâm tưởng để bày tỏ niềm tri ân tới Đức Phật – bậc Thượng sư vĩ đại, bậc Thầy của Trời Người và cùng thức tỉnh về ý nghĩa sâu sa mà sự kiện này mang lại.
2. Sự Từ Bỏ Vĩ Đại
Có thể nói đây là sự từ bỏ vĩ đại nhất. Bởi lẽ, xét trong cuộc sống của con người, ai cũng mong cầu của cải, tiền bạc, danh vọng, các mối quan hệ, quyền lực… nếu đã có rồi lại mong muốn có thêm và phàm những gì thuộc về sở hữu của ta thì dù nhỏ bé cũng rất khó từ bỏ. Thái tử Tất Đạt Đa thì lại khác với thế gian thông thường. Ngài có tất cả những thứ quý giá nhất, một đời sống viên mãn và ở trên đỉnh cao của xa hoa hưởng thụ. Nhưng sau khi chứng kiến bốn cảnh khổ - sinh, già, bệnh, chết - của con người, Thái tử Tất Đạt Đa nhận thấy mọi vật chất tài bảo mà phụ vương Ngài sở hữu chẳng khác nào những giấc mơ và bóng ảnh.
Ngài nhận ra ngay chính thân thể và đời sống cũng không thuộc về ai, bởi không ai giải đáp được hai câu hỏi cốt yếu trong cuộc sống: khi nào cái chết đến và mình sẽ chết như thế nào. Ngài đã nhìn thấy rõ ràng những hệ quả không thể nào tránh khỏi của vô thường. Do vậy, Ngài bị thôi thúc mạnh mẽ bởi ước muốn xả ly thế tục bởi nhận thấy dục lạc thế gian không đủ để đem lại hạnh phúc. Vô thường sẽ cướp đi tuổi trẻ, sắc đẹp, công danh, sự nghiệp… tất cả đều sẽ không còn gì.
3. Sự Hy Sinh Lớn Lao Vì Nhân Loại
Không những thế, sự kiện xuất gia cầu đạo của Thái tử còn là một sự hy sinh lớn lao. Dù được bao bọc trong cuộc sống vương giả và hạnh phúc tột bậc, Thái tử đã bị chấn động trước những sự thật trần trụi, đau khổ của con người khi chứng kiến tận mắt các cảnh già, bệnh, chết. Thái tử Tất Đạt Đa kinh hoàng và đau xót khi nhìn thấy sự mong manh của thân thể con người và sự ngắn ngủi của kiếp sống. Trong Phật giáo Kim cương thừa còn ghi nhận lại về bốn điều thỉnh cầu của Ngài với vua cha khi ngăn cản Ngài không được xuất gia.
Bốn điều đó là làm sao cho:
1. Con trẻ mãi không già,
2. Con sống hoài không chết,
3. Con mạnh khỏe mãi không đau ốm,
4. Và cho mọi người hết khổ.
Bốn điều này làm cho vua cha vô cùng bối rối và không thể nào giải quyết được và vì thế không ngăn cản được mong muốn xuất gia của thái tử.
Như vậy, tâm nguyện xuất gia của Ngài xuất phát từ niềm thương xót đau đáu đối với cuộc đời, từ tình thương rộng lớn đối với hết thảy nhân loại đang khổ đau, từ trí tuệ nhận ra bản chất vô thường giả tạm của hạnh phúc thế gian, chứ không phải vì sự vị kỷ và những mong muốn cá nhân. Hơn nữa, từ bỏ tất cả những gì hoàn hảo nhất hạnh phúc nhất, ra đi một mình trong đêm trên lưng ngựa, để dấn thân vào một hành trình cầu đạo vô cùng cam go, thậm chí Ngài còn không biết đâu là đích đến. Đây quả thực là sự hy sinh cao cả, vĩ đại nhất mà nếu không phải bậc Bồ tát, bậc Thánh nhân thì khó có ai phàm tình có thể làm được!
4. Sự Kiện Làm Thay Đổi Cả Nhân Loại
Như thế, ngày này cách đây gần 3000 năm về trước đã trở thành một sự kiện lịch sử làm thay đổi cuộc sống của toàn nhân loại. Bởi nếu không có Đức Phật xuất gia tìm đạo, ắt hẳn con người chúng ta vẫn mãi đắm chìm trong vô minh và những dục lạc giả tạm của thế gian, vẫn xoay vòng mãi mãi trong vòng luân hồi đau khổ. Nếu không có Đức Phật dám xả thân tìm cầu chân lý, thì lấy ai thắp lên cho nhân gian ánh sáng trí tuệ giác ngộ, lấy ai chỉ cho chúng ta con đường tu tập cần đi để thoát khỏi khổ đau?
Do đó, sự kiện Đức Phật xuất gia chính là một bài pháp và sự gia trì vĩ đại của Đức Phật dành cho chúng ta, bài pháp đó siêu việt thời gian và không gian để nhắc nhở, truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta noi theo con đường đạo mà Ngài đã đi. Từ trong tâm của mỗi người, chúng ta cần thực hành theo lời Phật dạy để nhận ra bản chất vô thường khổ đau của đời sống, thực hành xả bỏ những bám chấp và mối bận tâm thế gian, thực hành bỏ điều ác, làm điều lành, quán sát và trưởng dưỡng tâm mình. Quan trọng hơn cả, chúng ta hãy noi gương Đức Phật, phát Bồ đề tâm rộng lớn tu tập vì sự an vui, sự giải thoát khổ đau cho tất cả chúng sinh.
5. Noi Gương Đức Phật – Đón Nhận Giáo Pháp Giác Ngộ
Chúng ta cùng nhìn lại bài học cuộc đời của Đức Phật, tán thán công hạnh xuất gia vĩ đại của Ngài, đón nhận giáo pháp mà Ngài trao truyền, để càng thêm tinh tấn thực hành tích lũy công đức và trí tuệ!
Namo Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Sát trần tâm niệm đếm biết được
Nước trong biển lớn uống hết được,
Lường được hư không đo được gió
Không thể nói hết công đức Phật
Trên trời dưới đất ai bằng Phật
Mười phương thế giới ai sánh bằng
Ta thấy tận cùng khắp thế gian
Hết thảy không ai như đức Phật.
(Nhóm DPVN biên soạn)
- 69 reads