Bạn đang ở đây
Ý nghĩa và hướng dẫn thực hành pháp tu trì Đức Phật Dược Sư
Drukpa Việt Nam xin giới thiệu toát yếu ý nghĩa về Đức Phật Dược Sư và đăng tải lại bài giảng của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa về Phật Dược Sư tại Chùa Quang Ân (Thanh Trì, Hà Nội) trong chuyến viếng thăm hoằng pháp của Ngài và Tăng đoàn tại Việt Nam năm 2010.
ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
Chủng tử tự: HUNG
Tâm chân ngôn: TAYATHA OM BHEKHADZE BHEKHADZE MAHA BHEKHADZE RADZA SAMUGHATE SOHA/
(Đức Phật Dược Sư)
Đức Phật Dược Sư là Tôn chủ của thế giới Tịnh Độ Lưu Ly ở phương Đông, có danh xưng là Kim Cương Phật. Cúng dàng Đức Phật Dược Sư có thể tiêu trừ được hàng trăm bệnh, tiêu trừ nguyên nhân của căn bản phiền não.
Ngài có một mặt, hai tay, thân màu sắc xanh lưu ly. Đức Dược Sư Phật an tọa trong tư thế Kim Cương, trên bảo tòa nguyệt luân hoa sen, Ngài có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Ngài khoác trên mình ba tấm y giải thoát. Tay phải trong thế Thí nguyện ấn trì giữ thảo dược, tay trái để ngửa trì giữ bình bát chứa đựng thần dược đem diệu cam lồ diệt trừ vô lượng tật khổ, thành tựu viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh. Bên trái Ngài là Đức Nhật Quang Bồ Tát, bên phải là Đức Nguyệt Quang Bồ Tát. Đức Phật Dược Sư phát 12 đại nguyện cứu độ các tật khổ của hết thảy chúng sinh. Thực tướng của các bệnh khổ này là do căn bản vô minh, Ngài cứu giúp chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử cho nên tôn xưng Ngài là Đại Dược Vương Phật hay Vương Thiện Đạo. Tu trì chân ngôn Phật Dược Sư có thể tiêu trừ được bách bệnh nan y của thân, tâm bệnh, căn bản phiền não, thành tựu các thiện hạnh thế gian và công hạnh Phật sự xuất thế.
Giảng pháp và truyền quán đỉnh cộng đồng Phật Dược Sư, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, tháng 3/2010
(Mandala Bản tôn Phật Dược Sư)
Hôm nay, chúng tôi sẽ truyền quán đỉnh và hướng dẫn tu trì về Đức Phật Dược Sư. Bài kệ đầu tiên là trì tụng Quy y Tam Bảo: Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Xin lưu ý quý Phật tử rằng nếu không đón nhận và thực hành ba pháp Quy y này thì chúng ta không thể tu tập trên con đường Phật pháp.
Thứ hai là phát Bồ đề tâm: Bồ đề tâm là tâm cầu giác ngộ phát triển Từ bi và Trí tuệ.
Thứ ba là cúng dàng: Chúng ta dâng phẩm vật lên cúng dàng Phật - Pháp - Tăng. Khi dâng phẩm vật cúng dàng với lòng thành như vậy, chúng ta mong nguyện rằng tất cả chúng sinh được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Nguyên nhân chính khiến chúng ta ốm đau bệnh tật là do ích kỷ. Nếu muốn sống mạnh khoẻ, không đau yếu, chúng ta phải tìm cách loại trừ ích kỷ. Cho nên trong bài kệ này, chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh được hạnh phúc an vui. Đây là phương pháp làm giảm bớt ích kỷ, bám chấp vào bản ngã của mình. Chúng ta thường có thói quen cầu nguyện cho bản thân như: “cầu mong cho con không đau ốm, cho con được hạnh phúc”. Đây chính là nguyên nhân của tất cả những bệnh tật, khổ đau. Cho nên, thay vì cầu nguyện cho bản thân, từ giây phút này trở đi, bạn hãy phát tâm rộng lớn cầu nguyện cho tất cả mọi loài, mọi người an vui hạnh phúc.
Chúng ta bắt đầu quán tưởng Đức Phật Dược Sư trên đỉnh đầu, hoặc có thể quán chính bản thân mình là Đức Phật Dược Sư, rồi quán tưởng mười phương chư Phật, chư Bồ tát đang vây nhiễu xung quanh. Việc quán tưởng như trên là cách tốt nhất để thiết lập nhịp cầu kết nối tâm mình với các Ngài. Sự kết nối này đem lại cho chúng ta bình an hạnh phúc. Sắc thân Đức Phật Dược Sư màu xanh dương, tượng trưng cho sức mạnh của năng lượng. Muốn có được hạnh phúc chân thật, chúng ta cần phải phát triển, trưởng dưỡng được sức mạnh của năng lượng này. Chư Phật ứng hiện thân vô số, mỗi vị Phật có một sắc thân, hình tướng khác nhau, như Đức Phật A Di Đà sắc thân màu đỏ, tượng trưng cho năng lực của tình thương yêu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắc thân màu vàng ròng, tượng trưng cho sự thành tựu viên mãn.
Màu xanh dương của Phật Dược Sư tượng trưng cho sức mạnh. Chúng ta cần có sức mạnh. Khi có sức mạnh, chúng ta sẽ có một hệ thống miễn dịch, một loại năng lượng miễn dịch. Loại năng lượng miễn dịch này có khả năng chống lại sự yếu đuối của tâm lý và thân vật lý. Nếu tâm không đủ mạnh, ta sẽ luôn cảm thấy sợ hãi sự mong manh của vô thường, sẽ rất dễ tức giận, buồn chán và tuyệt vọng. Còn nếu đủ sức mạnh, tâm chúng ta sẽ giảm bớt giận dữ, buồn rầu, tuyệt vọng và tất cả các loại hạnh phúc chân thật sẽ đến. Như vậy điều trọng yếu là chúng ta phải làm cho tâm mình mạnh mẽ. Vì lý do đó, Đức Phật Dược Sư có màu xanh dương, màu biểu trưng cho sức mạnh mà ít người trong số chúng ta biết đến. Nhiều người cũng có thể hỏi rằng: Tại sao chư Phật lại hiện thân trong rất nhiều hình tướng, tư thế, màu sắc khác nhau, hoặc khi thì hiện tướng nam, lúc thì hiện tướng nữ… Tại sao không là một vị Phật thôi? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu rằng mục đích chính của chư Phật giáng thế là để mang lại hạnh phúc và sự giải thoát cho chúng sinh, nên các Ngài hiện đủ thân tướng để hợp thời hợp cơ vì lợi ích chúng sinh.
Tiếp đến, chúng ta quán trên luân xa trán, cổ họng và tim của Đức Phật Dược Sư lần lượt an trú ba chữ chủng tử OM AH HUNG tượng trưng cho năng lượng giác ngộ. Chữ OM tượng trưng năng lượng giác ngộ của Thân, chữ AH tượng trưng năng lượng giác ngộ của Khẩu, chữ HUNG tượng trưng năng lượng giác ngộ của Tâm, nên chúng ta bắt đầu từ ba chữ chủng tử này. Chúng ta cần năng lượng giác ngộ của Thân, Khẩu, Ý, trong ba năng lượng này thì năng lượng giác ngộ của Tâm là quan trọng nhất. Bởi thế, chủng tử HUNG được xoay quanh bởi chuỗi chân ngôn của Đức Phật Dược Sư: TAYATHA! OM BEKANZE BEKANZE MAHA BEKANZE RADZA SAMUDGATE SOHA. Chuỗi chân ngôn này xoay thuận chiều kim đồng hồ, vừa quay vừa tỏa ra thứ ánh sáng nhẹ nhàng, trong suốt. Việc quán tưởng ánh sáng là quan trọng và rất cần thiết.
Bây giờ chúng ta tiếp tục quán tưởng mình trong hình tướng Đức Phật Dược Sư và quán tưởng bậc Thượng sư đang truyền quán đỉnh cho chúng ta chính là Phật Dược Sư. Chúng ta có thể nhắm mắt để quán tưởng thật rõ ràng. Tại sao chúng ta phải quán tưởng thân mình trong hình tướng Phật Dược Sư? Làm như vậy để chúng ta nhận ra được bản chất Phật, bản chất Như Lai Tạng nguyên thủy ở trong chính mình, bản chất nguyên thủy đó chính là Phật. Phật Dược Sư, Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni… tất cả chư Phật nguyên thủy đều ở trong Như Lai Tạng tính. Thực tế là chúng ta vốn giác ngộ, vốn là Phật, chỉ vì không nhận ra điều này nên chúng ta cần quán tưởng mình là Phật, là Đức Dược Sư. Thông qua sự quán tưởng, ta có thể chứng ngộ bản chất Phật tính sẵn có nơi mình từ vô thủy tới nay. Phật tính không phải là đối tượng bên ngoài để tìm cầu hay để tạo ra. Đây chính là Đức Phật nguyên thủy sẵn có của mỗi người. Bởi vậy chúng ta quán tưởng thân mình là Đức Dược Sư và cần quán tưởng Bậc thầy của mình cũng chính là Phật Dược Sư bởi vì bản chất tâm của Ngài vốn là Phật từ xưa đến nay và Ngài đã giác ngộ điều này. Chúng ta không nên nhìn Ngài như một người phàm tình, mà nên tin kính tuyệt đối rằng Bậc thầy gốc của mình chính là hiện thân của mười phương chư Phật. Đặc biệt trong quán đỉnh này, Ngài là hiện thân của Đức Phật Dược Sư đang trực tiếp trao truyền quán đỉnh cho chúng ta.
Các truyền thống Phật giáo thường được chia thành hai Thừa là Nguyên thủy Phật giáo và Đại thừa Phật giáo; Đại thừa Phật giáo lại được chia thành hai nhánh là Kinh thừa và Mật thừa. Lý thuyết cơ bản của cả Mật thừa và Kinh thừa đều tin chắc rằng mỗi chúng sinh đều có sẵn Phật tính hay Như Lai Tạng. Như vậy cả hai thừa đều giống nhau về đức tin vào Phật tính, nhưng đặc biệt trong Mật thừa có những phương pháp tu tập thiện xảo, giúp hành giả dễ dàng nhận ra Phật tính của mình một cách nhanh chóng, đó chính là phương pháp quán tưởng. Trong Kinh thừa không đề cập đến phương pháp quán tưởng này. Thật ra không có sự khác biệt giữa Kinh thừa và Mật thừa, chỉ khác là Mật thừa có các phương tiện thiện xảo đặc trưng như pháp Quán đỉnh, cúng dàng Hỏa tịnh, quán tưởng tự thân mình là Phật, Bồ tát… Đây là những phương tiện giúp Hành giả nhận ra Phật tính một cách nhanh chóng. Nếu không phải là Phật tử, không có sự hiểu biết chân chính về Phật tính như trên, chúng ta luôn cho rằng Đức Phật ở bên ngoài, không phải là bản chất thật của mình. Chính vì cách nghĩ này mà sự chứng ngộ trở nên rất khó khăn.
Đức Phật Thích Ca dạy rằng: “Đức Phật chân thật không ở bên ngoài mà nơi Tâm mỗi chúng ta”, đây cũng chính là bản chất từ bi trí tuệ nguyên sơ nơi tâm mỗi người. Chúng ta thường mong chứng đạt Phật quả, thành tựu giác ngộ. Bạn nên biết, để chứng ngộ Phật tính, chúng ta không cần thay đổi bất cứ điều gì bên ngoài. Chứng ngộ chỉ là sự chuyển hoá tâm ở mức độ cần thiết để nhận ra được bản chất Phật của chính mình. Ngay thời điểm đó, chúng ta trở thành Phật, còn nếu cứ mải tìm cầu Phật như một đối tượng bên ngoài thì chỉ mệt công luống uổng thời gian và càng xa rời bản chất Phật nơi chính mình và không bao giờ đạt được trí tuệ.
Đức Phật Thích Ca cũng dạy mỗi người nên phát triển trí tuệ của chính mình, khi phát triển được trí tuệ này, chúng ta sẽ hiểu được vạn pháp (đây chính là trí tuệ toàn tri). Nếu muốn biết được tâm người khác, trước tiên bạn cần phải tự biết tâm mình. Hiện giờ, chúng ta chưa đủ thiện xảo để hiểu rõ tâm mình. Không biết được cuộc sống của chính mình nên chúng ta không thể biết tâm và cuộc sống của người khác, và điều này gọi là vô minh. Chúng ta thực sự vô minh, mặc dù hiện nay có đầy đủ cả sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng chúng ta vẫn không hiểu biết về cuộc sống của chính mình. Hãy thử xét lại lối sống của mình xem! Chúng ta luôn sống bằng sự ước đoán, tính toán chuyện gì sẽ và đang xảy ra, một nhân vật, sự kiện quan trọng nào đó sẽ xuất hiện vào ngày mai, nhưng trên thực tế chúng ta không bao giờ biết chính xác ngày mai sẽ như thế nào. Chúng ta thường sống trong sự hy vọng mong cầu, hy vọng hôm nay sẽ có thật nhiều quà, nhiều niềm vui và bất ngờ thú vị. Song rốt cuộc cũng chỉ là sự suy đoán viển vông, chỉ vì không có trí tuệ để nhận ra Phật tính của mình. Nếu nhận ra Phật tính thì ta không phải sống bằng sự suy đoán mà vẫn biết mọi chuyện một cách rõ ràng. Hiển nhiên lúc đó chúng ta sẽ không còn nhiều đau khổ. Nhờ có trí tuệ Toàn tri mà nguyên nhân của đau khổ, tất cả mọi lỗi lầm bất thiện nghiệp sẽ được loại trừ. Dần dần, bạn không bao giờ còn ốm đau tật bệnh, bạn sẽ biết được nguyên nhân của bệnh tật đau khổ. Tất cả mọi bệnh tật ốm đau hay khổ đau đều bắt nguồn từ vô minh. Khi vô minh không còn thì tất cả bệnh hoạn khổ đau cũng không còn và hạnh phúc chân thật sẽ đến.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều bệnh tật thuộc thân thể vật lý khác nhau, có một số bệnh ngay cả khoa học không hề biết được nguyên nhân. Sự thực là tất cả chúng ta không ai muốn mình bị tật bệnh, nhưng theo quan điểm Phật giáo, chúng ta vẫn cứ ốm đau bởi vô minh và những bất thiện nghiệp tích lũy từ nhiều kiếp. Cho dù chúng ta không muốn tạo nên những nghiệp xấu đó, nhưng do năng lực của vô minh chúng ta không còn cách chọn lựa nào khác, nên chúng ta vẫn tiếp tục tích lũy bất thiện nghiệp. Tôi xin lấy ví dụ, những người làm nghề đồ tể, sát sinh chó, bò, gà, lợn… để kiếm tiền, mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình là những người như thế. Nếu chúng ta có thể hỏi những con vật tội nghiệp đó rằng "chúng muốn hạnh phúc hay muốn chết", chắc chắn chúng sẽ trả lời: “Không, chúng tôi không muốn chết, chúng tôi muốn sống, muốn có hạnh phúc”. Bởi vì không biết Phật Pháp, không biết đâu là nguyên nhân của khổ đau và hạnh phúc, cho nên họ cứ sát sinh để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, và đó chính là vô minh. Hay ví dụ của những người lấy việc ăn thịt là niềm hạnh phúc. Họ đơn giản đi tìm sự hạnh phúc sung sướng thông qua sự khoái khẩu, nhưng đó là một phương pháp sai lầm, vì chúng ta không thể dựa vào bất thiện nghiệp mà mong cầu hạnh phúc được. Phương pháp chân thật để đạt được hạnh phúc là sự ban tặng, như mang niềm vui hạnh phúc cho người khác, hoặc phóng sinh để cứu sống các loài. Theo cách này, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc và trường thọ. Đấy là chân hạnh phúc, cho nên điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải nhận ra và loại bỏ nguồn gốc đau khổ hay sự vô minh.
Đức Phật Dược Sư là một bậc Giác ngộ, nghĩa là có Trí tuệ hay sự hiểu biết. Chúng ta quán tưởng mình trong hình tướng của Ngài là đang cố gắng có được trí tuệ, từ bi như Ngài. Trong hình ảnh của Ngài, chúng ta thấy tay phải duỗi xuống trong tư thế Thí nguyện ấn trì giữ cây thảo dược, tay trái Ngài để ngửa cầm bình bát chứa đựng cam lồ diệu dược. Cây thảo dược tượng trưng cho việc khi chứng ngộ bản chất Phật tính, bạn sẽ không còn bất kỳ một loại thân bệnh và tâm bệnh nào cả. Bát chứa đầy cam lồ diệu dược tượng trưng cho việc khi chứng ngộ Phật tính, ta có thể đáp ứng viên mãn mọi mong cầu, ước nguyện của chúng sinh. Hai chân Ngài ngồi tư thế kiết già tượng trưng cho việc khi chứng ngộ Phật tính, chúng ta sẽ không còn chịu bất kỳ khổ đau nào như những loại khổ đau mà chúng ta hiện đang phải trải nghiệm trong thế giới này. Tay phải của Ngài duỗi trên đầu gối trong thế Thí nguyện ấn, tượng trưng khi thành Phật bạn luôn luôn liên hệ mật thiết với con người, với những chúng sinh xung quanh để giúp đỡ cứu hộ độ trì cho họ. Tay trái của Ngài đặt trong tư thế thiền định ngay giữa trung tâm của thân, tượng trưng khi thành Phật chúng ta không bao giờ còn bị phiền nhiễu bởi những trạng thái tiêu cực như tham lam, giận dữ,…và tâm của ta sẽ luôn ở trong trạng thái thiền định. Như tất cả chư Phật, Đức Dược Sư cũng an toạ trên hoa sen, tượng trưng cho việc khi thành Phật, cho dù đang ở cõi Sa bà uế trược, chúng ta cũng không bị ảnh hưởng bởi những nhiễm ô, phiền não của Sa bà. Tất cả những trang sức, hoa báu xung quanh tòa của Ngài, tượng trưng cho việc khi thành Phật, bạn sẽ luôn hân hưởng mọi điều tốt đẹp trên thế giới này, mà không bị phiền nhiễu khổ đau. Có thể giờ đây bạn cũng có vài điều tốt đẹp như tiền bạc, nhà cửa, bạn bè, gia đình…, nhưng những thứ này luôn gắn liền với khổ đau. Còn khi thành Phật, những thứ tốt đẹp lộng lẫy và huy hoàng hơn thế sẽ đến một cách nhậm vận tự nhiên mà không có khổ đau đi kèm. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải nhận ra được bản chất Phật tính, tức Đức Phật Dược Sư ở ngay trong chính mình.
(Trích từ: Mandala, sự hợp nhất của Từ bi và Trí tuệ theo quan kiến Kim Cương thừa, NXB Tôn giáo, 2011)
- 7811 reads