Ý nghĩa và lợi ích của Lễ Cầu siêu | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ý nghĩa và lợi ích của Lễ Cầu siêu

49418
06/08/2022 - 10:15
Drukpa Việt Nam xin chia sẻ tới quý vị bài giảng về Ý nghĩa và Lợi ích của việc cầu siêu, một bài Pháp vô cùng ý nghĩa đối với mỗi người con Phật trong mùa Vu Lan Báo Hiếu. Bài Pháp được Thầy Tỳ kheo Ni Trụ trì chùa Tây Thiên giảng tại Lễ Vu Lan Báo Hiếu, năm 2011.
 
Hôm nay, với tấm lòng hiếu thảo, rất đông quý Phật tử đã cùng tới đây để dự lễ cầu siêu. Đây là một nghĩa cử tốt đẹp của thế hệ con cháu, tưởng nhớ đến ân đức sinh thành dưỡng dục, của ông bà, cha mẹ, tổ tiên.
Ý nghĩa của việc cầu siêu vô cùng quan trọng. Để có thể đạt được kết quả tốt đẹp và dành trọn vẹn ý nghĩa trong buổi lễ hôm nay, trước tiên, các Phật tử cần hiểu được cầu siêu nghĩa là gì.
Cầu tức là cầu nguyện, siêu có nghĩa là thoát. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện để ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình, nếu giờ này còn đang lưu lạc ở địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì sẽ được siêu thoát, được giải phóng khỏi cảnh giới khổ đau để sinh về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà.

 

(Đại Hiếu Mục Kiền Liên)
 
Nguồn gốc của nghi thức cầu siêu
Bất cứ ai là Phật tử đều đã nghe về gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên. Trong Kinh kể rằng, vì muốn báo hiếu cha mẹ, Ngài đã dùng thần thông để soi khắp các cõi Trời, soi khắp các tầng địa ngục để tìm cha mẹ mình. Nhờ có thần thông, biết mẹ mình đang đoạ lạc, nên Ngài đến cầu xin Đức Phật tìm cách giúp Ngài cứu mẹ.
Đức Phật dạy rằng, nhân dịp chư Tăng sau ba tháng an cư, tinh tiến tu tập ba phần giới, định, tuệ, tích lũy đầy đủ công đức, nên cúng dường với tâm bình đẳng, thanh tịnh để chư Tăng chú nguyện vào phẩm vật cúng dường. Đức Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy và cứu được mẹ thoát tội địa ngục.
Kể từ đó bắt đầu hình thành nghi thức cầu siêu. Các Phật tử có lòng hiếu thảo, noi theo tấm gương Đại Hiếu Mục Kiền Liên và theo lời chỉ dạy của Đức Phật, có thể nguyện cầu cứu khổ cho ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình. Chúng ta không có thần thông, không thể biết giờ này ông bà cha mẹ, tổ tiên của chúng ta còn lưu lạc nơi đâu. Những người lúc sống biết tu tập thì được sinh về cõi Tịnh Độ, nếu làm nhiều việc thiện tạo phúc thì sinh lên cõi Trời. Còn nếu lúc sống phạm nghiệp sát sinh, vọng ngữ, uống rượu, trộm cắp v.v…thì khó có thể tránh khỏi đọa vào các cõi thấp như địa ngục, ngã quỷ, súc sinh.
 

Vì sao phải cầu siêu?
Theo lời đức Phật dạy, thế gian gồm có sáu cõi: ba cõi thấp là Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh và ba cõi trên là Người, Atula và Trời. Chúng sinh trong sáu cõi này đều tuân theo quy luật của tự nhiên, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng cái chết không phải là hết, mà chỉ là sự trung gian giữa cõi sống này và cõi tiếp theo.
Tất cả chúng ta đều tin sự sống gồm hai phần: Phần thể xác là thân vật chất và phần tâm linh hay còn gọi là phần tâm thức. Chính nhờ phần tâm linh mà chúng ta biết suy nghĩ, nói cười. Khi chết đi, phần tâm linh tách khỏi phần vật chất, xuất hẳn ra ngoài, nên thân vật chất sau khi chết tuy vẫn còn mắt nhưng không thể nhìn, vẫn có tai những không thể nghe, vẫn còn não nhưng không thể suy nghĩ. Ngay cả đến tim cũng không còn đập nữa. Thân vật chất giống như một cái máy, để cho phần tinh thần mượn tám, gá vào đó để làm việc. Đến khi phần tâm lình rời đi, thân xác còn lại chỉ giống như một khúc gỗ. Nhưng phần tâm linh, mà dân gian vẫn quen gọi là phần hồn, thì không bao giờ mất. Khi rời bỏ xác thân, theo quy luật và tùy vào nghiệp lực mà phần hồn sẽ bị đưa đẩy, trôi lăn trong sáu đạo luân hồi.

 

Cõi thấp nhất là Địa ngục. Nếu khi sống tạo rất nhiều ác nghiệp, trong đời sống hàng ngày sát sinh, hại vật, tạo nghiệp bất thiện, thì sau khi chết sẽ bị đoạ xuống địa ngục để chịu vô vàn tội khổ. Có thể tưởng tượng địa ngục giống như nhà tù, có cửa khoá, có ngục tốtcanh tù, đánh đạp, tra tấn tù nhân. Chúng sinh ở địa ngục không được tự do đi lại,chỉ khi có năng lực thần chú đặc biệt của đức Phật, năng lực của chúng tăng cầu nguyện, mới tạm thời phá địa ngục để vong hồn được ra trong chốc lát.
 

Cõi thứ hai là cõi ngã quỷ, là cõi vô hình đứng thứ hai sau Địa ngục. Trước khi chết, nếu có những điều uất ức trong lòng, hoặc chết do tai nạn, chết đường, chết sông, chết suối, hoặc mắc phải trùng tang v.v…, chúng ta sẽ không siêu thoát, bị đọa vào cảnh giới của loài quỷ. Loài quỷ sống lẫn lộn với con người chúng ta. Bằng mắt phàm, chúng ta không thể nhìn thấy được, song trong cùng một thế giới này, chúng ta là thế giới có vật chất, còn loài quỷ và Địa ngục là thế giới vô hình. Loài quỷ vốn không có hình tướng và chỉ tồn tại phần tâm thức, chỉ sống với phần hồn. Tuy so với chúng sinh cõi địa ngục, ngã quỷ tự do hơn, không bị nhốt, không bị tra tấn, song họ phải sống trong cảnh đói khát, khổ sở và cô đơn. Chúng sinh sau khi chết thường trải qua 49 ngày trung ấm, cũng chỉ tồn tại dưới dạng tinh thần, không có hình tướng, giống như loài quỷ. Trạng thái này ai cũng sẽ trải qua, chính là giai đoạn sau khi rời khỏi cõi hiện tại và chuẩn bị bước vào cõi sống tiếp theo. Nhưng nếu sau 49 ngày vẫn chưa siêu thoát, vì một nguyên nhân nào đó cứ bám chấp, quanh quẩn, mắc kẹt trong trạng thái này, thì linh hồn sẽ bị đọa làm ngã quỷ. Chẳng hạn như khi chết trong lòng vẫn còn uẩn ức hay oan khúc, thí dụ những người chết vì tự tử, sẽ không thể siêu thoát và đọa vào loài quỷ. Vì thế, ở những nơi có nhiều người tự tử hay chết do tai nạn, đôi khi chúng ta cảm thấy lành lạnh, rợn người. Đó là do những linh hồn ấy vẫn vất vưởng, quanh quẩn nơi đó,có khi còn xui xiểm người khác, khiến họ bị che mờ trí tuệ dẫn đến tự tử hay uổng mạng vì tai nạn.
Loài quỷ thường bị đọa rất lâu, thời gian có thể tính là vô số, có khi đến hàng trăm hoặc hàng nghìn năm. Chẳng hạn những người chết đuối hoặc tai nạn, họ có thể nằm ở khúc sông ấy, đoạn đường ấy và đắm chấp như vậy hàng nhìn năm, trừ khi gia đình, người thân biết cách tu tập, hồi hướng, cầu nguyện và cầu siêu đúng cách để khai thị cho họ tỉnh ra mới có thể siêu thoát được.

 

Tiếp đó đến cõi Súc sinh, những loài sống xung quanh chúng ta như gà, lợn, vịt. Xong rồi đến cõi người, trên cõi người là cõi A Tu la. Cõi A Tu la gần với cõi Trời, tuy rất sung sướng nhưng lại suốt ngày chịu cảnh đánh nhau bởi tâm tật đố, ghen ghét, kiêu căng. Trên A Tu la là cõi Trời. Cõi trời cũng là một cõi vô hình nhưng tâm thức sống rất an lạc, hạnh phúc. Có điều hạnh phúc ấy chỉ giả tạm một thời gian. Sau khi hết phúc, chúng sinh cõi Trời lại bị đọa xuống các cõi thấp hơn.
Thông thường, chúng ta cầu siêu để nguyện cho ông bà, cha mẹ chúng ta nếu lỡ chẳng may đọa lạc ba cõi thấp, có thể nhanh chóng được giải thoát, siêu sinh lên các cõi trên an lành hơn.

Sức mạnh nào có thể cầu siêu?
Mùa siêu độ chính là mùa Vu Lan vào tháng 7 âm lịch. Năng lực của chúng Tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ, thanh tịnh giới phẩm, tha thiết cầu Phật chú nguyện, mới có đủ sức mạnh phá cửa địa ngục, để các tội nhân của địa ngục được lên dự lễ trai đàn cầu siêu độ.
Đức Phật đã chỉ dạy rằng, trong mùa báo hiếu Vu Lan, tất cả chư  mang trên mình trọng trách giúp cho các phật tử, hướng dẫn thực hành pháp và tích lũy công đức, để có thể siêu độ cho ông bà, cha mẹ, cửa huyền thất tổ của mình.

Khi đến với lễ cầu siêu, trước hết chúng ta nương công đức của chúng  để nguyện cầu cho người thân được siêu thoát. Song chúng ta không thể ỷ lại hoàn toàn trách nhiệm cho chúng Tăng. Các Phật tử là con cháu của ông bà, cha mẹ, tổ tiên, có liên hệ huyết thống và sự kết nối với tâm thức người đã chết. Họ sẽ chỉ liên kết với chính năng lượng tâm của các Phật tử, còn chúng Tăng chỉ mở rộng lòng từ, để năng lượng lòng từ bi được chan trải bình đẳng rộng khắp muôn nơi. Những người được cầu siêu có hưởng được sự lợi lạc từ những nguồn năng lượng này hay không, tùy thuộc vào sự kết nối về quan hệ huyết thống với con cháu trong buổi lễ. Chúng ta ngồi đây tụng Kinh cầu nguyện, tạo nên nguồn năng lượng tích cực bằng cái tâm chí thành chí kính. Bởi công đức tụng kinh, mỗi câu niệm Phật tạo nên trong không giannguồn năng lực rất an lành. Với hàng trăm người quy tụ nơi đây, cùng nhau tụng cả bộ kinh, vô số năng lượng tích cực được tạo ra và quyện lại với nhau thành sức mạnh không thể nghĩa bàn. Nương công đức lớn lao tích lũy từ khóa tu, chúng ta hồi hướng, gửi sức mạnh an lành ấy tới ông bà, cha mẹ, tổ tiên chúng ta. Năng lượng như một đám mây biết bay, đỡ chân ông bà, cha mẹ nhẹ gót vãng sinh cõi Phật.

 
(Đại Lễ Vu Lan tại Tây Thiên Tịnh thất)

Thế gian cũng có tục lệ, cứ đến tháng 7 âm lịch thì đốt thật nhiều vàng mã, sắm trâu ngựa, xe hơi nhà lầu gửi cho tổ tiên ở cõi âm. Việc làm này liệu có ích lợi gì chăng, khi hương linh chỉ tồn tại bằng tâm thức và phi hình tướng. Đến quần áo thật họ còn chẳng cần, huống chi quần áo giấy. Voi ngựa họ cũng chẳng cần, bởi tâm thức có thể di chuyển trong tích tắc để đến bất cứ nơi đâu. Ngay như chúng ta lúc này, thân đang ngồi đây, chỉ cần thoáng nghĩ đến Sài Gòn thì tâm đã ở ngay nơi đó. Vậy thì khi không còn bị trói buộc bởi xác thân, liệu họ có cần tới xe hơi, nhà lầu bằng giấy đốt? Như vậy việc đốt vàng mã cúng ông bà tổ tiên thật sự vô nghĩa, giả tạo và lãng phí, Đức Phật chưa bao giờ khuyến khích.
Cũng có khi tháng cầu siêu này là mùa thế gian sát sinh mạnh nhất. Các gia đình giết gà vịt, làm cỗ linh đình để cúng tổ tiên. Song những đồ cúng này, hương linh tổ tiên ông bà chúng ta không thể nào ăn được,trừ khi nương thần chú của chư Phật, được dâng cúng đúng pháp với tâm thanh tịnh. Nếu vì thế, chúng ta giết gà, giết vịt, sát sinh và tích lũy thêm ác nghiệp, tạo thành năng lượng xấu đẩy tổ tiên, ông bà, cha mẹ càng thêm trầm luân. Ví dụ họ đang đọa lạc ở địa ngục tầng thứ 5, do chúng ta sát sinh hại vật, nghiệp lực bất thiện ấy có thể đẩy người thân của mình xuống tầng thứ 10 hay sâu hơn, thậm chí xuống tận tầng thứ mười tám là Địa ngục A Tỳ. Có mười tám tầng địa ngục với những mức tội khổ khác nhau, tội nghiệp càng tăng thì càng bị đọa xuống tầng địa ngục sâu hơn, tội khổ cũng theo đó mà tăng lên.
Do vô minh hay tà kiến, chúng ta có thể đặt lòng hiếu thảo không đúng cách, thậm chí còn vô tình đẩy tổ tiên,ông bà, cha mẹ càng thêm lún sâu trong đọa lạc vì việc làm sai trái của mình.

Ý nghĩa cầu siêu nằm ở sự tích lũy công đức của chúng ta
Như vậy, ý nghĩa cầu siêu nằm ở sự tích luỹ công đức của chúng ta. Từ giờ đến ngày rằm, các Phật tử có thể tích lũy tất cả những năng lượng an lành, công đức thiện nghiệp, để hồi hướng và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình.
Trong tháng 7 này nhà chùa khuyên các Phật tử không nên sát sinh hay làm giỗ tết linh đình, do nghiệp chướng nên hương linh cũng không thể ăn. Chúng ta nên tự mình bày dọn trai đàn, dâng cúng bông hoa, trái cây hay đĩa xôi để thể hiện niềm tri ân hướng về cội nguồn huyết thống, hay còn gọi là uống nước nhớ nguồn.
Tiếp đến, chúng ta nên phát tâm ăn chay, niệm Phật, tụng kinh và phóng sinh, để tích lũy công đức trong mùa Vu Lan này, hồi hướng cho ông bà, tổ tiên của mình.

 
 
Đặc biệt, ngày hôm nay là buổi lễ cầu siêu theo nghi thức của Đại Thừa. Các Thầy sẽ cùng với các Phật tử tụng kinh Mục Liên Sám Pháp, là một bản kinh cầu siêu trong mùa Vu Lan này. Sau khi tụng xong bộ kinh Sám Pháp, nhà chùa sẽ tổ chức lễ đặc biệt của Kim Cương Thừa Phật giáo, đó là lễ Jangwa, tức là lễ cầu siêu quán đỉnh, tịnh hoá nghiệp chướng cho tất cả vong linh. Thì tất cả những tên vong linh các Phật tử đã bầy trên đàn này, các thầy sẽ làm các nghi thức để gia trì sái tịnh và kết thúc nghi thức Jangwa, tất cả ảnh của vong, tên của vong sẽ được đốt đi. Dĩ nhiên là việc đốt này sẽ phải có sự gia trì,. Tức là sau khoá lễ Jangwa, sau khoá lễ quán đỉnh tịnh hoá, sái tịnh cho vong thì chúng ta sẽ đốt tất cả danh sách người mất, nó giống như là có sự khai thị cho người mất rằng đừng bám chấp vào thế giới này. Bởi sống bám chấp vào thân thể này, nên sau khi chết, chúng ta lưu giữ ảnh của người chết, tên của người chết, khiến cho họ bám chấp vào cái tên và hình hài lúc sinh thời. Sau khi đã sái tịnh, tịnh hoá gia trì xong thì tất cả đều được đốt sạch. Và khi đốt xong thì tất cả vong linh họ nhận ra rằng họ được giải thoát, giải thoát thực sự, họ không còn bị trói buộc vào cái tôi, họ không còn bị trói buộc bởi cái ảnh của họ nữa và họ đạt đến cảnh giới Tịnh Độ giải thoát.
 
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cứ hành lễ cầu siêu tại Hoàng Thành Thăng Long, 2014)

Cho nên sau buổi lễ, tức là chiều nay, chiều nay kết thúc phần cuối của buổi lễ là phần đốt ảnh cầu siêu. Trong phần này,mỗi chúng ta tự mình khấn nguyện, gởi đến ông bà, cha mẹ những lời nói, những tâm tình, tâm sự để chia tay, để ông bà cha mẹ chúng ta yên tâm nhẹ gót thăng mây vãng sinh cõi Phật. Phần này rất quan trọng, nên các Phật tử cần cố gắng dự đến cuối buổi lễ, không bỏ giữa giờ cho dù là rất vất vả.

Lợi ích của khóa lễ cầu siêu
Chúng ta biết rằng đất nước Việt Nam chúng ta là đất nước trải qua bao nhiêu chiến tranh, mà trong mỗi cuộc chiến tranh vô số người ngã xuống, kể cả quân ta, kể cả quân địch. Mà đến cõi âm rồi không có ta, không có địch nữa mà chỉ là cô hồn giống nhau. Lúc ấy cô hồn giống nhau, chịu khổ giống nhau. Và ở đất nước chúng ta như vậy, cái số hồn của cả người Việt Nam, của cả người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc, người Nhật Bản sau bao nhiêu cuộc chiến tranh chúng ta thấy có vô số người chết ở đất nước Việt Nam chúng ta. Và như vậy thì họ không siêu được, nhất là chết do chiến tranh, chết của chiến trận thì đau đớn khổ sở không siêu thoát được. Và như vậy họ cứ ở mãi trong cảnh giới này để họ khuấy rối. Mà họ khuấy rối mình làm gì? Để họ đánh thức cho mình biết rằng có họ đấy. Nhiều khi chúng ta sống chỉ biết có cõi người mình thôi cho nên họ làm loạn lên để cho chúng ta biết rằng có cõi âm. Họ đang cần chúng ta giúp đỡ, họ đang cần chúng ta giúp đỡ bằng sự tu hành, bằng năng lực của sự cầu nguyện. Cho nên không phải họ muốn phá mình để làm hại mình, mà muốn đánh thức mình, nhắc nhở mình rằng bên cạnh mình có họ. Và họ đang rất là cần tình thương của con người, của loài người gởi đến cho họ để giúp cho họ được siêu thoát.

 

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cứ hành lễ cầu siêu tại Nepal)

Cho nên việc cầu siêu này đối với các Thầy, trách nhiệm các sư là mở rộng tâm hồn đến pháp giới chúng sinh ở cả không những ở Việt Nam mà cả chúng sinh khắp nơi trên thế giới để làm thế nào cho tất cả các u hồn được siêu thoát thì cõi dương chúng ta mới an được. 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,116,274
Số người trực tuyến: