Bạn đang ở đây
Cách thức chiêm bái Mandala
Trong các pháp thực hành thiền của Phật giáo Kim Cương thừa, hành giả tu tập triệu thỉnh Mandala từ trong tâm hoặc chiêm bái Mandala được kiến lập bên ngoài. Các sắc tướng Mandala này có năng lực hỗ trợ quá trình chuyển hóa tâm linh, giúp người tu tập với tâm chí thành có thể thể nhập vào cõi giới thanh tịnh của chư Phật và tiếp nhận nguồn năng lượng linh thiêng mỗi ngày. Mandala và cảnh giới Mandala trong thực hành quán tưởng thực sự siêu việt mọi nghĩ bàn. Bởi vậy, nghệ thuật kiến lập và quán tưởng Mandala là phương tiện vô cùng hiệu quả giúp chúng ta khám phá trọn vẹn năng lực tâm linh siêu việt ở bên trong mỗi người.
Trong quan kiến Kim Cương thừa, Mandala nêu biểu các phẩm chất giác ngộ và các phương tiện để thực hành giác ngộ. Chiêm bái và thiền về Mandala trong thực hành tâm linh có tác dụng chữa lành cho thân khẩu ý của chúng sinh và môi trường, giúp thân tâm hành giả được thực sự an lành. Chiêm bái Mandala tạo ra sự chuyển hóa sâu sắc với tâm chúng ta. Chỉ một lần có phúc duyên hy hữu được chiêm bái Mandala cũng sẽ tạo ấn tượng tích cực trong dòng tâm, giúp chúng ta tiếp xúc với tiềm năng giác ngộ nơi tự thân mình.
Phật giáo Kim Cương thừa mô tả nhiều Mandala khác nhau, mỗi Mandala lại chứa đựng những giáo pháp khác nhau của Đức Phật và năng lực gia trì cho những người có phúc duyên chiêm bái. Mỗi đường nét, chi tiết trong Mandala đều có ý nghĩa riêng, nêu biểu một khía cạnh trí tuệ hoặc giúp chúng ta nhớ đến một giáo lý của Đạo Phật. Ví dụ như Mandala của Đức Quan Âm nêu biểu lòng bi mẫn – cốt lõi của trải nghiệm tâm linh, Mandala của Đức Văn Thù lấy trí tuệ làm trọng tâm tu tập, và Mandala của Đức Kim Cương Thủ nhấn mạnh đến lòng dũng cảm vô úy và sức mạnh trên con đường tìm cầu giác ngộ.
Đại Mandala Phật Quan Âm được kiến lập, ban gia trì và trưng bày ở Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên với tâm nguyện đem lại hạnh phúc, an bình và hòa hợp cho chúng sinh hữu tình. Thông qua những nội dung thực hành chân thực về tâm Đại Bi, Trí tuệ hiểu biết Tính không và thực hành thiền về Mandala cùng các Bản tôn, chúng ta có thể đạt được các phẩm chất giác ngộ và tạo ra những thay đổi tích cực cho bản thân và thế giới.
Khi chiêm ngưỡng Mandala, bạn nên tạm quên những vướng bận thế gian: các kế hoạch, cuộc hẹn, những mơ ước, mong mỏi... Hãy chậm rãi quan sát từ ngoài vào trong Mandala, cuối cùng dừng lại ở giọt Minh điểm, tức là điểm nằm ở chính giữa trung tâm Mandala, nêu biểu cho Tính không. Bạn cần chăm chú nhưng không quá tập trung, để ánh mắt tự nhiên hướng vào cảnh giới linh thiêng bên trong Mandala, và nhờ cảnh giới linh thiêng đó đi vào Tính không. Hãy thiền định về Mandala này và bạn sẽ khám phá ra một thế giới mới. Trước tiên bạn sẽ nhận ra cõi giới nội tâm từ trước đến nay mình chưa từng biết đến. Cuối cùng, bạn sẽ có thể trải nghiệm thế giới nhiệm mầu này ngay trong đời sống hàng ngày.
Sau khi quan sát Mandala, hãy nhắm mắt và để các hình ảnh vẫn tiếp tục đọng lại trong tâm. Bạn sẽ nhận ra rằng tâm không hề có giới hạn mà trải rộng khắp vũ trụ bao la. Chính chúng ta tạo nên cuộc sống, và Mandala chúng ta đang chiêm bái chỉ là mốc dấu trên một hành trình không có điểm khởi đầu hay kết thúc. Hãy nhận ra rằng sâu thẳm bên trong bạn là tâm thức tịnh quang, cũng chính là tiềm năng thanh tịnh, năng lực sáng tạo thanh tịnh. Khi khám phá ra trong tâm thức ẩn chứa vô vàn Mandala của Vũ trụ, bạn dần thấy có vô lượng thế giới không ngừng chuyển động bên trong cõi giới bao la của chính mình. Cuối cùng, như Kinh Chí Tôn Ca có dạy, khi quán chiếu bản thân và hiển lộ những sắc tướng khác nhau, ta sẽ nhận ra không phải mình là một phần của vũ trụ, mà toàn bộ vũ trụ đều nằm trong ta. Ta không phải ở trong thân này, mà thân này ở trong ta. Ta không phải ở trong tâm, mà tâm ở trong ta. Khi quán chiếu tâm, chúng ta có những trải nghiệm về tâm, về thân, về vũ trụ và tất cả những cảnh giới vô biên này. Giác ngộ là hiểu ra rằng toàn bộ vũ trụ chỉ là sự phóng chiếu của tâm, và tâm phóng chiếu thành vạn pháp!
Nguyện cầu Mandala này sẽ dẫn dắt tất cả những ai có phúc duyên chiêm bái được bước chân vào cõi giới tâm linh, chạm tới nơi sâu thẳm nhất của tâm thức – quay trở về một cõi giới vốn sẵn đủ đầy, trọn vẹn và tuyệt đối thanh tịnh!
- 3182 reads