Bạn đang ở đây
Để dứt trừ ba nghiệp cần tu Sám hối
Phàm là người sinh trong cõi Dục này, trừ các bậc đã hoàn toàn giác ngộ, thì không một ai tránh khỏi lỗi lầm, bởi ba nghiệp gây nên. Các tội lỗi đã từ ba nghiệp phát sinh, nên người muốn dứt trừ hết tội lỗi, tất nhiên phải đem ba nghiệp ấy để sám hối, thì tội lỗi mới được thanh tịnh. Đức Phật dạy: “Nếu không có phương pháp sám hối thì tất cả các Phật tử không một ai mà được giải thoát”.
Trong Kinh dạy: “Sám” là sám kỳ tiền khiên; “Hối” là hối kỳ hậu quá. “Sám” là ăn năn các việc ác đã làm, thề xin chừa bỏ, không dám tái phạm. “Hối” là hối cải. Những điều ác chưa làm, sau này xin thề nguyện không bao giờ làm nữa. Bao nhiêu điều thiện xin làm hết. Như thế trong chữ “Sám hối” có hàm nghĩa ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ, bất luận là lâu mau và bây giờ cho đến về sau, mình nguyện là không tái phạm nữa. Nếu biết lỗi cũ là sai trái, bây giờ mình xin chuộc lỗi, mà sau này vẫn còn làm lại thì không phải là đúng nghĩa sám hối trong Đạo Phật.
Những tấm gương nhờ sám hối mà được giải thoát
Đức Phật dạy: “Có hai hạng người mạnh nhất: một là không tạo tội, hai là biết ăn năn” và “Nếu không có pháp sám hối thì tất cả đệ tử Phật không thể giải thoát”.
Vua A Xà Thế lần đầu tiên đến dự Pháp hội
Nhờ sám hối nên vua A Xà Thế phạm tội ngũ nghịch (giết cha) được giải thoát.
Ông Trương Thiện Hòa sát sinh vô số cũng không đọa địa ngục, vì biết hối hận.
Có một điều đáng chú ý nhất là thân nghiệp và khẩu nghiệp thô tháo bên ngoài dễ trừ. Duy có ý nghiệp, vi tế bên trong, rất khó diệt. Đến quả vị Phật mới hết tham, sân, si. Do đó người phát đại tâm phải y cứ vào sám pháp đại thừa mới mong chóng trừ diệt được ba độc.
Ngài Phổ Hiển Bồ tát là Trưởng tử của Phật trên Hội Hoa Nghiêm còn phải phát đại nguyện. Ngài nguyện sám hối mãi cho đến cùng tận đời vị lai. Nếu phiền não và nghiệp chướng của chúng sinh không cùng tận thì sự sám hối của Ngài cũng không bao giờ cùng tận.
Trong kinh Viên Giác, Đức Phật dạy: “Các vị đại Bồ tát lúc lập đạo tràng an cư từ 7 ngày cho đến 21 ngày đầu, sám hối nghiệp chướng”.
Sám 35 vị Phật
Trong kinh Bảo Tích, Phật dạy: “Hàng ngày nên đỉnh lễ danh hiệu 35 vị Phật trong kinh ấy mà sám hối nghiệp chướng”.
Trong luật thì pháp sám hối là một vấn đề tối quan trọng, không thể bỏ qua.
Trong luận thì pháp sám hối được giải thích rõ ràng và quyết định sám hối là một việc cần phải có của người chân tu, không thể thiếu sót.
Vì sao không sám hối rất có hại?
Bởi nghiệp chướng không tiêu trừ; tội lỗi còn mãi, oan khiên nhiều kiếp theo hoài. Ngài Ngộ Đạt quốc sư mười đời làm cao tăng mà Triệu Thố vẫn còn theo báo mãi. Như thế dù cầu hạnh phúc thế gian hay xuất thế gian, việc đời và việc đạo, đều bị trở ngại, tu chứng bất thành.
Kinh sách dùng để sám hối có rất nhiều: Như bộ Vạn Phật, bộ Tam Thiên Phật, bộ Thủy Sám, Hồng Danh sám, Chuẩn Đề sám và Dược Sư sám v.v...
Bộ kinh Lương Hoàng sám kể rõ tội nhân khổ quả, nghe đến ai cũng phải lạnh mình khiếp sợ mà phát tâm cải ác tùng thiện ngay. Bộ kinh này lại có công năng diệt trừ tiền khiên, oan trái nhiều kiếp, nhiều đời, đọc đến phải cảm rơi nước mắt. Mỗi chữ, mỗi câu đều nhằm mục đích đền trả bốn ơn, cứu thoát ba cõi, thay thế lục đạo mà sám hối, cầu nguyện cho tam đồ thoát khỏi trầm luân. Cuối cùng lại vì tất cả chúng sinh mà phát nguyện, hồi hướng. Người tu hành đọc đến bộ Lương Hoàng sám, dù không muốn phát đại tâm cũng phải phát, dù không tin địa ngục cũng phải sợ Tam đồ.
Trong chính văn có bài kệ tán thán công đức sám hối, có đoạn như thế này:
Sám vừa cử lên
Tội lỗi tiêu liền;
Giải được oan trái,
Trừ được tai ương;
Thoát khỏi khổ nạn,
Phước đức vô biên.
Sinh lên Đao lợi,
Hoặc về Tây phương.
Văn Thủy Sám cũng nói: “Lúc nghiệp báo đến, tội nhân không thể rúc vào núi đá, lặn xuống đáy nước, bay lên không gian hay ẩn núp đâu được. Duy chỉ có nhờ phương pháp sám hối mà thoát được tai nạn mau chóng hơn hết, độc nhất vô nhị”. Sám hối lợi cho mình, lợi cho người, cho tất cả tam đồ, lục đạo pháp giới chúng sinh. Công đức sám hối như vậy thật không thể nghĩ bàn.
NAM MÔ CẦU SÁM HỐI BỒ TÁT MA HA TÁT!
(Lược trích “Kinh Lương Hoàng Sám”
TT. Thích Trí Tịnh giảo chính
Dịch giả: HT. Thích Viên Giác)
- 15067 reads