Ý NGHĨA NÊU BIỂU SẮC THÂN ĐỨC PHẬT KIM CƯƠNG TÁT ĐOẢ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ý NGHĨA NÊU BIỂU SẮC THÂN ĐỨC PHẬT KIM CƯƠNG TÁT ĐOẢ

4817
23/01/2019 - 08:00

Đức Phật Kim Cương Tát Đoả có sắc thân trong suốt như thuỷ tinh nêu biểu bản tánh thanh tịnh vô nhiễm. Đầu đội vương miện Ngũ trí Phật, tóc búi trên đỉnh và xoã xuống hai vai. Tay phải cầm Chày Ngũ Cổ đặt trước ngực, tay trái cầm Linh Kim Cương đặt đầu gối. Trên thân trang hoàng bằng Thiên y, châu báu, Anh lạc, các thứ trang nghiêm như Báo Thân Phật. Ngài ngồi Kết già Kim Cương an trụ trên Nguyệt Luân Hoa Sen.

Đức Phật Kim Cương Tát Đoả là Chư Pháp Ấn Kim Cang của hết thảy Như Lai cho nên tay phải cầm Chày Kim Cương đặt ở giữa luân xa tim. Ngài nắm giữ chày Kim cương năm chĩa nêu biểu thệ nguyện kiên cường, tự tánh Kim cương, năm chĩa nêu biểu Ngũ bộ Như Lai, Hoa sen tám cánh nêu biểu tự tánh Bát chánh Đạo, và tám Đại Bồ Tát. Như Kinh Tạng Bố Tra Tục nói:

- Chĩa ở giữa nêu biểu Đại Nhật Như Lai

- Chĩa phương Đông nêu biểu Bất Động Phật

- Chĩa phương Nam nêu biểu Bảo Sinh Phật

- Chĩa phương Tây nêu biểu Vô Lượng Quang Phật

- Chĩa phương Bắc nêu biểu Bất Không Thành Tựu Phật

Năm chĩa phía trên nêu biểu tự tánh của tất cả chư Phật, năm chĩa phía dưới nêu biểu năm bộ Không Hành Mẫu. Hoa sen nêu biểu cho tâm Bồ đề, tám cánh sen phía dưới nêu biểu Câu Tác Toả Linh Tứ Môn Mẫu cùng với Chuẩn Đề Mẫu, Bảo Độ Mẫu, Kim Cương Luyện Mẫu, Tha Vô Năng Thắng Mẫu, tất cả tám Phật Mẫu.

Ý nghĩa của Linh Kim cương:
Phần thân của Linh có ba phần nêu biểu Tam giới, phần trong rỗng không nêu biểu Tam giới đều y vào Tính Không. Quả Lắc nêu biểu thông đạt chân không phương tiện. Quả Linh là Trí Đại lạc Câu Sinh. Mắt Linh nêu biểu Trí vô phân biệt giữa Đại Lạc và Tính Không.

Pháp tu Bản tôn Đức Phật Kim Cương Tát Đoả là Pháp môn mà bốn phái cùng phải tu (là Bản tôn của Pháp tu tịnh hoá nghiệp chướng) một trong tứ gia hạnh của Pháp Tu mở đầu, là pháp thực hành sám hối các tội lỗi hữu lậu. Pháp này đầy đủ bốn uy lực.

1. Ỷ Trượng Lực

2. Quyết Trừ Lực

3. Đối trị biến hành Lực

4. Bạt nghiệp Lực

Quán tưởng Đức Phật Kim Cương Tát Đoả: 

Hành giả quán tưởng Thượng sư ở phía trên đỉnh đầu mình trong pháp tướng của Đức Phật Kim Cương Tát Đoả, ngài mang sắc tướng thân cầu vồng.

Quán tưởng tại luân xa tim Đức Phật Kim Cương Tát Đoả, chân ngôn Trăm Âm vi nhiễu xung quanh đĩa mặt trăng, ở giữa đãi mặt trăng là chủng tự tự “HUNG”.

Sau khi nhất tâm quán tưởng như vậy, hành giả trì tụng chân ngôn của Đức Phật Kim Cương Tát Đoả với tín tâm bất thoái. Tiếp đó, quán tưởng vô lượng tia sáng từ chủng tự HUNG và chân ngôn  tại luân xa tim của Đức Phật Kim Cương Tát Đoả dung nhập vào luân xa trán của hành giả, tịnh hóa tất thảy những si mê ám chướng và chuyển hóa phàm thân của hành giả thành sắc thân cầu vồng.

Cuối cùng, hành giả tin tưởng tuyệt đối rằng tất cả những bất thiện nghiệp, tất cả những si mê ám chướng đều được tịnh hóa hoàn toàn. Khi đó, Đức Phật Kim Cương Tát Đoả  tan thành ánh sáng chói lòa dần hoà tan vào hành giả và trở nên bất khả phân với thân khẩu ý của chúng ta, hãy an trụ như vậy càng lâu càng tốt.

Tu tập Pháp môn này có thể tiêu trừ vô số ác nghiệp, tội chướng của các chúng sinh, khiến chúng sinh được thanh tịnh, dứt hết thảy ác niệm khiến không tăng trưởng, phá tất cả phiền não, tăng trưởng phước trí vô lượng vô biên. Sau khi tu tập xong bất kỳ Pháp môn nào nên trì tụng chân ngôn này ba đến bảy biến thì tất cả lỗi lầm trong khi tu tập Pháp đó đều được tiêu trừ, chư Tôn Hộ Pháp sẽ gia trì ủng hộ.

Đức Phật Kim Cương Tát Đoả là bản thể Bồ Đề tâm của tất cả chúng sinh, tánh thể kiên cố như Kim cương cho nên gọi là Kim Cương, cũng gọi là Tâm Kim Cương Bồ Tát.

Tất cả chúng sinh nương lực gia trì của Đức Phật Kim Cương Tát Đoả mà phát tâm. Ngài đồng thể khác tên với Đức Phổ Hiền Bồ Tát trong Hiển giáo, là Trưởng tử của hết thảy chư Phật.

Người học Phật sau khi quy y phát nguyện khởi hạnh, nghe pháp tiến tu trong giai đoạn đầu thường phát sinh nhiều chướng ngại bởi các nghiệp chướng báo chướng của đời này đời trước.

Tội từ tâm sinh, tự tâm ô nhiễm chướng Bồ tát đạo. Cho nên nêu ra Pháp môn phương tiện sám hối này để tịnh hóa tội chướng trở lại thanh tịnh, ứng sở tu học tiếp tục cho đến ngày giải thoát.

Có nhiều các sám hối của Đại thừa, Tiểu thừa, Mật thừa, nhưng trong Mật thừa thì Pháp tu Đức Phật  Kim Cương Tát Đoả là Pháp yếu Tối thắng. Như người trước khi chưa thọ giới quy y tạo mười nghiệp bất thiện, lại có người sau khi thọ giới Thanh Văn, giới Bồ Tát, giới Mật thừa lại vi phạm giới luật nếu tu pháp này đều có thể sám trừ.

Công đức của việc sám hối là do tâm chí thành tha thiết chỉ do một niệm đối trị, như Pháp trở lại thanh tịnh nên gọi đó là công đức.

(Xem thêm Nghi quỹ tu trì giản lược Bản tôn Đức Phật Kim Cương Tát Đoả tại đây)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,343
Số người trực tuyến: