Tịnh hoá nghiệp chướng thế nào cho đúng? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tịnh hoá nghiệp chướng thế nào cho đúng?

6206
06/12/2022 - 19:10
Tịnh trừ những nghiệp xấu cho năm mới sắp sang, tịnh trừ mọi nghiệp bất thiện đã tạo ra trong năm cũ, để chúng không thể đâm hoa trổ quả khiến cuộc sống của họ trong năm mới có thể gặp trắc trở, khó khăn. Cũng nhờ thực hành như vậy, mọi người đều có thể tích lũy công đức cho các năm sau cũng như cho những đời kế tiếp, để cuộc sống của các bạn ngập tràn phúc báo và hoan hỷ.

Khi thực hành tịnh hóa nghiệp chướng, chúng ta cần thực hành thế nào để thực sự có hiệu quả?

BỐN PHẨM CHẤT CẦN PHÁT KHỞI KHI THỰC HÀNH SÁM HỐI

Phẩm chất thứ nhất: Cần sự hối hận từ sâu thẳm trong tâm đối với những nghiệp bất thiện chúng ta nhớ được, hoặc nếu không thể nhớ, bởi chúng ta không thể nào nhớ hết những nghiệp trong nhiều đời trước, tất cả những nghiệp đã tạo gây tổn hại tới chúng sinh khác, bắt nguồn từ vô minh, tham muốn, sân giận, bất cứ nghiệp nào đã gây ra dù là của thân, khẩu, ý, chúng ta hối lỗi và tha thiết mong tịnh hóa. 

Phẩm chất thứ hai: là sự phát nguyện không tái phạm những nghiệp bất thiện đó nữa. Cho dù ngày mai bạn có thể phạm phải sai lầm, song khi bạn đang thực hành tịnh hóa, bạn phải phát khởi tâm nguyện mạnh mẽ, điều này vô cùng quan trọng trong thực hành tịnh hóa. Thứ nhất là tâm sám hối, thứ hai là tâm phát nguyện. 


Phẩm chất thứ ba: bạn phát tâm Quy Y Phật, Pháp, Tăng, đặc biệt trong Kim Cương Thừa bạn Quy y Đức Thượng Sư Kim Cương Tát Đỏa, bởi Ngài chính là Đức Phật của sự Tịnh hóa – Đức Phật với bản thệ tịnh hóa nghiệp cho chúng sinh. 

Phẩm chất thứ tư: bạn thực hành thiện hạnh để mong cầu tịnh hóa. Lấy thí dụ ở miền Đông Himalaya, thời xa xưa có rất nhiều người sống bằng nghề trộm cướp, nhưng khi đủ duyên được nghe Pháp, họ phát khởi tâm sám hối thiết tha – họ phát thệ nguyện rằng để tịnh hóa nghiệp bất thiện sát hại mạng người, họ hành hương lễ lạy dọc suốt chặng đường từ miền Đông Himalayas tới đền Lhasa, hoặc xây tháp, hoặc xây cầu để giúp mọi người qua sông. Có những thiện nghiệp có tác động rất tốt đối với sự tịnh hóa – không phải phúc báo chung chung, mà đặc biệt dành riêng cho tịnh hóa nghiệp. Như vậy cần hội tụ đủ bốn phẩm chất trên: sám hối, phát nguyện không tái phạm, quy y và thực hành thiện hạnh để hồi hướng công đức cho sự tịnh hóa. 
 
(108 Bảo tháp tại Bhutan)
 
Chẳng hạn ở Bhutan, sau một cuộc chiến tranh ngắn, Hoàng gia Bhutan đã xây dựng 108 bảo tháp để tịnh hóa những ác nghiệp gây ra trong chiến tranh. Việc sửa chữa sẽ là quá muộn nếu chỉ bắt đầu khi ngói đã rơi. Nếu chờ đến khi sứt đầu chảy máu, thì đã quá muộn. Chúng ta cần tiến hành việc sửa chữa nhà trước khi mái sập. Vì lý do này nên hôm nay chúng ta sẽ thực hành Nghi quỹ Lục Độ Mẫu, và tôi nghĩ ngày mai chúng ta sẽ có khóa cúng dường Hỏa tịnh. Đặc biệt tôi đã khuyến thỉnh tổ chức khóa lễ này để hồi hướng cho toàn thể người dân Hong Kong nói chung và cho bạn bè hoặc những người hữu duyên với tôi. Chỉ khi có nhân duyên và sự kết nối tâm linh, chúng ta mới có thể trực tiếp trợ duyên cho nhau. Chắc các bạn cũng biết, một bậc thầy tâm linh có thể nhận được hàng ngàn lời thỉnh cầu. Phần lớn những lời thỉnh cầu là vì ai đó đang ốm nặng, đang đau khổ, đang gặp nhiều khó khăn chướng ngại, thỉnh Ngài hãy cầu nguyện cho họ. Lẽ tất nhiên đó là việc chúng tôi vẫn thường làm, là bổn phận và chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, cầu nguyện thường xuyên. Song đôi khi việc thỉnh cầu đó quá muộn màng. Mái nhà đã đổ sập xuống đầu chúng ta. Có thể chúng ta giúp họ băng bó chữa trị vết thương trên đầu, song chúng ta chẳng thể quay ngược đồng hồ, tua lại thời gian giống như trong phim, vì nghiệp quả đã chín mùi. Giống như việc biến một quả táo ngược lại thành hạt táo là điều không thể.
 
 
Khi đảm nhiệm sự hướng đạo tâm linh, bổn phận của tôi là thuyết giảng giáo pháp cho mọi người, không những dẫn họ tới mục đích rốt ráo là thành tựu giác ngộ, mà ngay trong đời sống này tôi cũng có trách nhiệm trợ duyên để mọi người được mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt, và tất nhiên điều quan trọng nhất là có được niềm hỷ lạc tâm linh, song họ cũng cần sự sung túc, cần tài bảo thế gian. Tôi vẫn luôn nghĩ nếu Đức Phật Thích Ca nhìn thấy trước mặt Ngài có ai đó đang đói lả vì đã ba ngày không được ăn gì, tôi không nghĩ khi Đức Phật sẽ dạy "thức ăn không quan trọng, giác ngộ mới là chính yếu, hãy thực hành Phật Pháp đi". Tôi không tin Đức Phật sẽ nói như vậy. Trước tiên Đức Phật sẽ bố thí thức ăn và quần áo, rồi sau đó Ngài mới giảng về giác ngộ. Tương tự như vậy, khi chúng sinh có quá nhiều ước nguyện thế gian, thì Đức Phật đã chế ra nhiều phương tiện, và đặc biệt trong Kim Cương Thừa có rất nhiều pháp thực hành mang lại sức khỏe và thịnh vượng trong cuộc sống. 
 

(Đức Phật Kim Cương Tát Đoả)
 
Khi còn nhỏ, tôi thường cho rằng những điều này thật vô nghĩa. Nhưng giờ đây khi hiểu thêm một chút về những khó khăn người đời phải đương đầu, tôi mới thấm thía và hiểu hơn về lòng từ bi của Đức Phật khi ban cho chúng sinh những pháp thực hành khác nhau, những nguồn ân phúc gia trì vô tận. Như vậy bổn phận của tôi là phải nỗ lực hết sức để giúp các bạn tạo thật nhiều thiện nghiệp để có được hạnh phúc trong đời này và đời kế tiếp. Vì lý do này, ba năm trước tôi đã khuyến thỉnh mọi Phật tử và tình nguyện viên, bắt đầu từ Bhutan, rồi rộng ra khắp châu Á, từ ngày đó trở đi cứ vào đầu và cuối năm, mọi người đều nên thực hành, bắt đầu bằng pháp Hỏa tịnh, pháp cúng dường Đức Lục Độ Mẫu và chư Hộ Pháp, để tịnh trừ những nghiệp xấu cho năm mới sắp sang, tịnh trừ mọi nghiệp bất thiện đã tạo ra trong năm cũ, để chúng không thể đâm hoa trổ quả khiến cuộc sống của họ trong năm mới có thể gặp trắc trở, khó khăn. Cũng nhờ thực hành như vậy, mọi người đều có thể tích lũy công đức cho các năm sau cũng như cho những đời kế tiếp, để cuộc sống của các bạn ngập tràn phúc báo và hoan hỷ. Đối với tôi điều này có ý nghĩa như giống như được bảo hiểm. Thực tế trong cuộc sống, bảo hiểm không thực sự giúp được gì khi người được bảo hiểm qua đời. Ít nhất là không giúp được gì cho người quá cố - anh ta đã đến tận cùng sinh mạng rồi. Bảo hiểm có thể giúp cho gia đình, điều này cũng tốt, song nói đúng ra đó là bảo hiểm tử mạng, chứ không thể gọi là bảo hiểm nhân thọ. Còn giáo pháp chúng ta thực hành mới là bảo hiểm nhân thọ đích thực. Đây là điều tôi rút ra được từ truyền thống của vùng Himalaya và từ Bhutan.
 
  
(Trích Khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa, tháng 1 năm 2013 tại Hông Kông)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,123,721
Số người trực tuyến: