Kỳ tích Phật đản sinh: Bảy bước đi sen nở | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Kỳ tích Phật đản sinh: Bảy bước đi sen nở

1643
15/05/2022 - 19:51
Tuy là Bậc Đạo sư sáng lập Phật giáo, song các kỳ tích của Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt khỏi khuôn khổ của một vị Phật lịch sử để trở thành những biểu tượng kỳ vĩ hàm chứa nhiều tầng ngữ nghĩa vừa phổ quát vừa riêng biệt.
 
Ở bài viết này, chúng ta thử tìm hiểu một tình tiết của kỳ tích Phật đản sinh: Bảy bước đi sen nở

Ý nghĩa của 7 bước hoa sen cụ thể là:
 

1. Bước thứ nhất đức Phật nhìn về Phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lãnh vực”. (Thị Đông phương vị chúng sinh vi đạo thủ cố). Đức Phật lấy phương mặt trời mọc để chỉ cho sự phát huy trí tuệ.

 

2. Bước thứ hai đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sinh gieo gặt”. (Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố). Đức Phật lấy phương Nam để chỉ cho chúng sinh nhờ phát huy trí tuệ, biết quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại nên biết quy hướng về những nghiệp nhân tốt lành.
 

 
3. Bước thứ ba đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây ấy chỉ cho chúng sanh cách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sanh thân cuối cùng”.(Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố). Phương Tây là phương mặt trời lặn, để chỉ cho sự an nghỉ tuyệt đối của tâm thức.

4. Bước thứ tư đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sanh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. (Thị Bắc phương vị chúng sanh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề). Đến đây, đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe pháp. Ngài như vị lương y biết bệnh tâm của chúng sinh, ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vì vậy, Ngài chuyển qua bước thứ năm tiếp cận với cuộc đời để tùy duyên mà hóa độ.
5. Bước thứ năm đức Phật nhìn xuống phương dưới và bảo rằng: “Phương dưới ấy ta sẽ giúp cho chúng sanh chinh phục ma lực để vượt thoát khổ đau” (Thị Hạ phương vị chúng sanh dị dục hàng ma cố). Vì lòng thương tưởng đến nhân sinh đang có nhiều đau khổ do cố chấp, tham lam, sân hận… gây ra, nên Ngài tùy duyên tuyên thuyết chân lý để cho mọi người lần lượt từ bỏ những tham chấp ấy.

6. Bước thứ sáu đức Phật chỉ lên phương trên và bảo rằng: “Phương trên ấy là chỉ cho chúng sanh đang sống đúng với năm nhân cách và tu tập mười thiện nghiệp” (Thị Thượng phương vị chúng sanh quy y thiên nhân cố). Đây là những thiện nghiệp cần hướng tới thực tập để thoát khỏi khổ đau.
 

Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên
 
7. Và cuối cùng là bước thứ bảy: Đức Phật một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử, ư kim hỷ tận”. Ta bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường đều do ngã chấp chi phối, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của ta vậy.
* Ở chiều kích khác, số bảy biểu thị 6 hướng không gian cộng với 1 trung tâm. Một thần thoại Hindu giáo gắn cho Mặt trời 7 tia sáng, ứng với sáu hướng không gian, tia sáng thứ 7 ở trung tâm. Tương tự cầu vồng không có 7 sắc mà chỉ có 6: màu thứ 7 là màu trắng, tổng hợp của 6 màu kia. Cũng vậy, vũ trụ luận Ấn Độ cổ đại mà Phật giáo đã thừa kế cũng cho rằng trong lớp biển mặn Hàm hải, mỗi châu (lục địa: divìpa) nằm giữa 7 lớp núi vàng (luân vi) là một đại thiết vi. Lại nữa, ngọn núi trung tâm của vũ trụ luận Phật giáo là Tu Di sơn (Someru) có “thất bảo giai đạo”, hai đường giai đạo có 7 lớp tường báu, 7 lớp lan can, 7 lớp mành lưới, 7 lớp hàng cây… (III, 6913-6914). Điều này chỉ ra con số bảy là biểu thị cho một tổng thể không gian toàn hảo, một tối đa không còn gì hơn được về lượng lẫn chất.
 

Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên
 
Trở lại sự kiện “bảy bước về bốn hướng và dưới mỗi bước nở một đoá sen”, chúng ta thấy 7 là tổng số 6+1. Đây là biểu tượng cho sáu hướng không gian và một trung tâm (duy ngã độc tôn); 6 hướng ở đây là 4 phương (Đông Tây Nam Bắc) và hai hướng của trục vũ trụ thẳng đứng (thiên thượng: tay phải chỉ trời và thiên hạ: tay trái chỉ đất). Đó là toàn bộ vũ trụ, hiểu theo nghĩa: “Bốn phương trên dưới là vũ, xưa qua nay lại là trụ” 

Như vậy, nói rộng hơn 6+1 biểu thị cho một tổng thể không gian và tổng thể thời gian. Ở đó, biểu lộ cái bí mật của con số 7: sự trở về với trung tâm, với bản nguyên với kết cục của bộ sáu, hoàn thành ở bộ bảy. Đến đây, chúng ta thấy rõ sự tương hợp giữa sự kiện “đi 7 bước sen nở” về 4 hướng và tư thế/ cử chỉ của Phật đản sinh tạo thành một biểu tượng tổng hợp đa nghĩa mà chúng ta còn phải tiếp tục truy tìm.

MAI AN ­(tổng hợp)
  
Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,891
Số người trực tuyến: